Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu – Bài 3

 

 

Kính chào quý thính giả. Cảm tạ Chúa cho “Câu Chuyện Gia Đình” lại được đến với quý vị hôm nay. Hai tuần qua chúng tôi bắt đầu một đề tài mới cho Câu Chuyện Gia Đình: “Tiêu Chuẩn cho Một Hôn Nhân Bền Lâu.” Để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn và nguyên tắc Chúa dạy trong Kinh Thánh, biết mình phải tránh điều gì, nên làm điều gì để hôn nhân được lâu bền và hạnh phúc. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi có nói về Mười Lý Do hay Mười Nguyên Nhân khiến hôn nhân không hạnh phúc bền lâu.

Lý do 1. Vợ chồng yêu nhau bằng tình yêu ích kỷ, chỉ quan tâm đến nhu cầu và phúc lợi của riêng mình chứ không quan tâm chăm sóc người bạn đời.

Sống tại đất nước văn minh tân tiến này chúng ta rất bận rộn, lúc nào cũng có những việc cần làm và phải làm. Người nào giỏi, làm được nhiều việc thì càng được giao cho nhiều trách nhiệm và vì vậy, lại càng bận rộn hơn. Cũng vì vậy, có người xem việc làm quá quan trọng, quan trọng hơn gia đình và người thân nên dành hết thì giờ tâm lực cho công việc, vì thế đời sống mất quân bình, không còn thì giờ cho vợ chồng hay con cái. Đây là điều vô cùng tai hại cho hôn nhân, cho con cái, vì vậy chúng ta cần nhìn lại cách mình sử dụng thì giờ, nếu được, hãy bỏ bớt những công việc hay sinh hoạt không thật sự cần thiết để có thì giờ cho vợ con, chồng con. Lời Chúa dạy về cách sử dụng thì giờ như sau: “Hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại, nhưng sống như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vì vậy, đừng trở nên như người dại, nhưng phải hiểu rõ thế nào là ý muốn của Chúa” (Thư Ê-phê-sô 5:16-17). Theo Lời Chúa dạy, người không cẩn thận trong cách sử dụng thì giờ là thiếu khôn ngoan, và cũng dạy rằng người khôn là người biết rõ ý muốn của Chúa cho đời sống mình và biết sử dụng thì giờ cách khôn ngoan, theo sự hướng dẫn của Chúa.

Ý muốn của Chúa cho người có gia đình là: vợ chồng yêu thương nhau, hiệp một gắn bó với nhau suốt đời, không bao giờ nói đến chia tay hay ly dị, vì Chúa tuyên bố: chỉ có cái chết mới chấm dứt hôn nhân của con người mà thôi.  Theo Lời Chúa dạy, người khôn ngoan là người biết ý muốn của Chúa cho đời sống và cẩn thận trong cách sử dụng thì giờ, dùng thì giờ thế nào để đem lại hữu ích, đúng mục đích Chúa định và đem lại niềm vui hạnh phúc cho người thân yêu.  Ngày tháng năm và thời gian chính là đời sống của mỗi chúng ta.  Đây là điều Chúa định, chúng ta không biết mình sẽ sống được bao nhiêu năm tháng trên đời này, vì vậy chúng ta cần biết Chúa muốn mình làm gì, sống như thế nào để dùng thì giờ cách khôn ngoan, không phí phạm.  Bao nhiêu hôn nhân gãy dổ chỉ vì vợ và chồng quá bận rộn trong công việc, đeo đuổi những mục tiêu khác nhau, không còn thì giờ trò chuyện chăm sóc nhau khiến hôn nhân bị tổn thương.  Có những vợ chồng sống chung nhưng như sống trong hai thế giới khác nhau: mỗi người lo một công việc, theo đuổi một mục đích khác nhau. Vợ chồng vẫn sống chung dưới một mái nhà nhưng vì quá bận rộn với những điều khác nhau, người thì phải lo học cho xong mảnh bằng; người thì vì công việc làm ăn phải xa nhà thường xuyên, phải dành biết bao nhiêu thì giờ với những người cùng sở, cùng công ty, v.v… nên chẳng bao giờ vợ chồng có thì giờ cho nhau, cũng ít trò chuyện với nhau. Rồi khi có thì giờ với nhau là những thì giờ cuối một ngày, khi đã quá mệt mỏi, không còn muốn trò chuyện,cũng không còn tâm trí để lắng nghe. Nếu quý vị cảm thấy vợ chồng mình đang ở trong tình trạng giống như chúng tôi mô tả, cầu xin Chúa giúp chúng ta bớt đi công việc và những bận rộn trong đời sống, sửa đổi lại thời khóa biểu và cách sử dụng thì giờ, để có thì giờ cho vợ /chồng, cho con cái. Khi vợ chồng có thì giờ cho nhau, với nhau, tình yêu được nuôi dưỡng chăm sóc thì hôn nhân mới hạnh phúc và bền vững.

Điều thứ hai chúng ta cần lưu ý để không trở thành người ích kỷ, đó là chúng ta cần tập bén nhạy trước cảm xúc của vợ /chồng. Một cô vợ trẻ nọ than: “Chồng em là người rất vô tình, vợ buồn, vui hay có chuyện gì lo lắng cũng chẳng biết! Em mà biết ảnh như vậy thì em đâu dám lập gia đình với ảnh.” Người phối ngẫu quá vô tình trước cảm xúc buồn vui của mình là điều các bà thường than phiền về chồng mình. Rất nhiều ông chồng vấp phải điều này.  Các ông thường nghĩ đến việc lớn, quan trọng hay những việc cần làm, và ít khi quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, tế nhị.  Có những người vợ cảm thấy buồn khi chồng không quan tâm, không trân quý mình hay không thấy công khó của mình trong việc nấu nướng, chăm sóc cho chồng cho con. Cũng nhiều khi buồn vì chồng hầu như không thông cảm với những cảm xúc buồn vui, mệt mỏi của mình. Tương tự như vậy, cũng có những người chồng buồn nản khi vợ không hiểu, không thông cảm với những điều mình mong ước và không hỗ trợ để giúp chồng đạt được những mơ ước đó. Khi vợ chồng không bén nhạy trước những cảm xúc, nhu cầu hay mơ ước của nhau sẽ không sẵn sàng giúp hay hỗ trợ để người bạn đời đạt được những mong ước cao đẹp chính đáng. Theo từ của Kinh Thánh, đó là không mang lấy gánh nặng cho nhau.

Ví dụ như vợ cần chồng giúp chăm sóc con cái, quan tâm đến việc học hành của con, chia xẻ gánh nặng trong việc nhà, … Chồng thì cần vợ thông cảm với những căng thẳng mình phải đối diện hằng ngày trong sở làm, hoặc trước những quyết định quan trọng của gia đình, v.v… Vợ chồng cần bén nhạy và thông cảm với những cảm xúc, những suy nghĩ của nhau. Khi lo lắng của vợ cũng là nỗi lo lắng của chồng, niềm vui của chồng cũng là niềm vui của vợ thì vợ chồng mới thật sự hiệp một trong hôn nhân. Để vợ chồng hiệp một, và hôn nhân được hạnh phúc, vợ cũng như chồng, cả hai chúng ta đều không ích nghỉ, chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình nhưng nghĩ đến phúc lợi của nhau trong mọi phương diện, về mọi mặt và mọi lúc.  Trong cách dùng thì giờ chẳng hạn, chúng ta cần đặt giới hạn, đặt kỷ luật cho chính mình: Không đi với bạn bè quá nhiều, không quá say mê công việc làm hay dành quá nhiều thì giờ cho bạn bè, để người phối ngẫu ở nhà trông chờ trong cô đơn. Ví dụ chẳng hạn như chồng thích đi du lịch thế giới, nhưng vợ thì chỉ thích ở nhà. Nếu quan tâm đến mong ước hay ý thích của nhau, vợ chồng sẽ cố gắng thay đổi, để có thì giờ đi du lịch với nhau nhưng cũng có những lúc ở nhà, chăm sóc vườn tược, nhà cửa.  Chúng ta không vô tình, thờ ơ hay chê cười trước cảm xúc hay ước muốn của người bạn đời nhưng cần quan tâm, thông cảm và hết lòng giúp để những ước muốn chính đáng được thành sự thật.

Có đôi vợ chồng kia sống với nhau đã được hai mươi năm. Thấy các con bây giờ đã lớn, không còn cần mẹ chăm sóc nhiều như trước kia nên người vợ có ý muốn trở lại trường, học cho xong mảnh bằng mà trước kia vì lập gia đình đã phải bỏ dở.  Khi người vợ chia xẻ mơ ước đó với chồng, chồng không thông cảm, cũng không khích lệ mà lại cười và nói: “Em già rồi đi học lại làm gì cho tốn tiền, tốn thì giờ vô ích.” Lời nói vô tình của chồng khiến người vợ bị tổn thương.  Trước hết vì bị chồng chê là đã già, và thứ hai chồng coi tiền bạc là quan trọng: anh sợ tốn tiền. Mấy ngày sau, thấy vợ có vẻ buồn, người chồng hỏi thăm. Khi biết lý do tại sao vợ mình buồn, người chồng ân hận, vì thấy mình quá ích kỷ, vợ mong ước một điều tốt, cũng chính đáng nữa mà anh đã không thông cảm, không khích lệ hay giúp cho mong ước của vợ được thành.  Người chồng liền tìm dịp nói chuyện lại với vợ và anh hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp vợ  đi học trở lại. Trong hôn nhân, người phối ngẫu rất cần sự thông cảm, khích lệ và nâng đỡ của chúng ta, vì đó là người Chúa muốn chúng ta yêu thương, chăm sóc và hỗ trợ hơn bất cứ người nào khác trong đời sống, tuy nhiên những nhu cầu hay ước mơ đó phải chính đáng, cần thiết và không quá sức hay là điều viển vông, không thực tế (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành