Mục Đích Hôn Nhân (Bài 19)

 

 

Kính chào quý thính giả,

Cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Chúng tôi xin tiếp tục chia xẻ về: “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân,” đây là bài cuối cùng nói về mối quan hệ của vợ chồng trẻ đối với cha mẹ hai bên.

Khi bước vào hôn nhân, để gia đình được ơn phước của Chúa, chúng ta cần vâng theo hai mạng lệnh quan trọng Kinh Thánh dạy:

  • Mạng lệnh 1: Con cái cần tách rời khỏi ảnh hưởng và thẩm quyền của cha mẹ.
  • Mạng lệnh 2: Con cái phải tôn kính cha mẹ, nghĩa là trong vai trò làm con, chúng ta luôn luôn tôn quý, kính trọng cha mẹ, và khi cha mẹ cần được chăm sóc, hãy chăm sóc với tình yêu thương và lòng hiếu thảo.

Khi con cái trưởng thành và có gia đình, gia đình con là một đơn vị gia đình mới, độc lập với gia đình cha mẹ. Dù không còn ở dưới thẩm quyền của cha mẹ nữa nhưng là con, chúng ta vẫn yêu thương, tôn kính và quan tâm đến cha mẹ. Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ lo lắng chăm sóc cho chúng ta với tình yêu thương như thế nào thì khi cha mẹ cao tuổi già yếu, chúng ta cũng quan tâm chăm sóc cha mẹ với tâm tình yêu thương giống như vậy. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng, nếu một người không làm trọn bổn phận đối với cha mẹ là đã không sống đúng với mẫu mực của người tin Chúa. Ông viết:

“Nếu có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (Thư I Ti-mô-thê 5:8).

Hôm nay chúng tôi xin chia xẻ thêm một vài nguyên tắc thực tế, về cách cư xử với cha mẹ hai bên, mà con cái cần thực hành.

  1. Chấp nhận song thân của người phối ngẫu

Khi cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng có những điều khác với chúng ta mà chúng ta không thích, đừng bao giờ tìm cách sửa đổi để ông bà trở nên giống chúng ta hay làm như điều chúng ta mong muốn. Ví dụ, khi cách nói năng, ăn uống của cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng có vẻ khác lạ, chúng ta không thích hoặc không quen vì không giống như gia đình mình hay cha mẹ mình, chúng ta có khuynh hướng muốn nói hay làm điều gì đó để sửa đổi. Đây là điều cần tránh. Không ai vui khi bị người khác sửa sai hay phê bình cách ăn uống, nói năng hay cách làm việc của mình, nhất là khi người sửa sai là người nhỏ tuổi hơn, đặc biệt là khi người đó là con dâu hay con rể. Khi bị con rể/con dâu sửa sai phê bình, cha mẹ chúng ta sẽ chạm tự ái, không vui nên sẽ không muốn thay đổi mà lắm khi còn cứ làm theo cách mình muốn cho hả giận. Vì thế, là con, chúng ta cần chấp nhận những khác biệt nơi cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng.  Nhiều khi cách làm việc, ăn uống, nói năng khác với chúng ta chưa hẳn là xấu hay sai, vì vậy chúng ta cần thông cảm và chấp nhận. Trong trường hợp cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ đã cao tuổi, yếu đau, chúng ta càng cẩn thận hơn nữa trong cách cư xử, cư xử với lòng yêu thương, chấp nhận và thông cảm, có như thế cha mẹ mới cảm nhận được lòng yêu kính, hiếu thảo của chúng ta.

  1. Tránh chỉ trích hay phê bình cha mẹ vợ/cha mẹ chồng với người bạn đời

Một điều quan trọng khác chúng ta cần ghi nhớ là không nên chỉ trích phê bình cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng với vợ hay chồng mình.  Khi chúng ta chỉ trích, phê bình cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng với vợ hay chồng mình, người đó sẽ bị tổn thương vì không người con nào muốn nghe người khác chỉ trích cha mẹ mình. Hơn nữa, chính chúng ta cũng có trách nhiệm phải tôn kính cha mẹ của người bạn đời, khi chỉ trích hay nói lên những điều không đẹp như thế, chúng ta có thể vô tình làm cho người phối ngẫu buồn hoặc mất đi lòng tôn kính cha mẹ mình. Trái lại, điều chúng ta nên làm là, khi chồng hay vợ nói lên những nhược điểm hay khuyết điểm của cha mẹ người đó, chúng ta nên đáp lại bằng cách chỉ ra những ưu điểm hay điều tốt của ông bà, để cả hai vợ chồng cùng yêu thương và tôn kính cha mẹ như mạng lệnh Chúa dạy.

Khi cha mẹ chúng ta vì thuộc thế hệ lớn tuổi, không thành thạo về những tiện nghi liên quan đến máy móc hay mạng xã hội như thế hệ con cháu, chúng ta cảm thông cảm giúp đỡ. Các bậc cha mẹ luôn có nhiều kinh nghiệm trong đời sống và khôn ngoan hơn con cái trong cách xử thế, vì vậy khi đứng trước những quyết định quan trọng, cần có nhiều kinh nghiệm, chúng ta nên hỏi ý kiến cha mẹ. Khi hai thế hệ cha mẹ và con cái tôn trọng nhau, yêu thương và quan tâm đến nhau, đôi bên sẽ có mối quan hệ tốt đẹp. Có thể nói, hai nguyên tắc tự lập và tôn trọng nhau nếu áp dụng đúng, sẽ đưa đến hài hòa giữa cha mẹ chồng với con dâu cũng như giữa cha mẹ vợ và con rể.

Đó là bổn phận và những điều vợ chồng cần áp dụng trong quan hệ với cha mẹ, còn trách nhiệm của các bậc cha mẹ là gì? Trong ngày cưới của con trai hay con gái, cha mẹ và gia đình hai bên đều vui mừng, nhưng sau đó cha mẹ cô dâu cũng như cha mẹ chú rể thường cảm thấy buồn, thấy như mình đã mất con, vì con mình bây giờ thuộc về người khác, thuộc vào gia đình khác và có đời sống riêng.  Đây là cảm xúc tự nhiên, không tránh được, nhưng các bậc phụ huynh cần vui và cảm tạ Chúa hơn là buồn. Cảm tạ Chúa đã giúp mình nuôi dạy con nên người trưởng thành, nên bây giờ có thể bắt đầu đời sống tự lập và xây dựng gia đình riêng. Chúng ta nên vui hơn nữa khi con lập gia đình với người cùng đức tin nơi Chúa, đó là ơn phước Chúa ban. Ngoài ra, trong ngày cưới của con, cha mẹ cũng nên vui vì biết rằng mình đã làm xong trách nhiệm. Từ ngày chào đời, con chúng ta tùy thuộc cha mẹ hoàn toàn về mọi phương diện, nhưng từng ngày từng năm tháng trôi qua, chúng ta đã dạy dỗ hướng dẫn con từng bước, cho đến ngày cưới là lúc con lìa cha mẹ để tự lập và xây dựng gia đình riêng.  Chúng ta đã giúp con từ chỗ tùy thuộc cha mẹ hoàn toàn đến chỗ lìa khỏi cha mẹ và đứng trên chân mình hoàn toàn. Sau ngày cưới, là các bậc phụ huynh đã làm xong trách nhiệm, vì vợ chồng con sẽ tự lo tự lập, cha mẹ không cần phải chăm sóc hay dẫn dắt con nữa.  Điều các bậc cha mẹ cần làm bây giờ là yêu thương tôn trọng con, để cho con tự do làm chủ đời sống và làm chủ gia đình mới.

Tuy nhiên, khi vợ chồng con cần cha mẹ hướng dẫn hay góp ý trước những quyết định quan trọng, là phụ huynh, chúng ta sẵn sàng góp ý chứ đừng vì quá tôn trọng con hoặc sợ sau này con trách sao cha mẹ đưa ý kiến không đúng nên không dám góp ý nhưng để mặc cho con quyết định. Một điều khác các bậc phụ huynh lớn tuổi cũng cần để ý, đó là khi con hỏi ý cha mẹ về những quyết định quan trọng, chúng ta chỉ nêu ý kiến hay cái nhìn theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình và để cho vợ chồng con quyết định chứ không nên áp đặt rằng con nên làm theo ý kiến của cha mẹ.  Nếu các con nghe theo lời cha mẹ đề nghị thì tốt, nhưng nếu vợ chồng con có suy nghĩ khác hay ý kiến khác và cuối cùng không làm theo điều cha mẹ đề nghị, chúng ta cũng không nên phiền giận nhưng vẫn tôn trọng ý của con và yêu thương con. Trong trường hợp vợ chồng con cần cha mẹ giúp đỡ về mặt tài chánh thì sao? Nếu trong bước đầu, khi con ra tự lập, vợ chồng con cần giúp mà cha mẹ có thể giúp được thì chúng ta cũng nên giúp. Tuy nhiên chúng ta không nên dựa vào sự giúp đỡ đó để buộc con phải tùy thuộc cha mẹ hay phải làm theo ý cha mẹ muốn. Khi cần giúp con về mặt tiền bạc, cha mẹ nên giúp trong bước đầu nhưng cần đặt giới hạn để rồi sau đó con sẽ tự lo tự lập chứ không nên giúp quá nhiều quá lâu để rồi vợ chồng con sẽ tiếp tục tùy thuộc cha mẹ về mặt tài chánh.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành