Mục Đích Hôn Nhân (Bài 17)

 

Kính chào quý thính giả, chúng tôi cảm tạ Chúa vì lại được đến với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Dựa vào Lời Chúa dạy, chúng tôi xin tiếp tục chia xẻ về mối quan hệ giữa vợ chồng trẻ với cha mẹ hai bên.  Như chúng tôi đã thưa, mối quan hệ cha mẹ và con cái thay đổi khi con trưởng thành, khi con bước vào hôn nhân để lập gia đình, mạng lệnh Chúa truyền là: “Người nam phải rời cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ nên một.” Chúng ta đã biết “rời cha mẹ” không có nghĩa là từ bỏ cha mẹ, không yêu thương, không quan tâm đến cha mẹ nữa, nhưng chỉ nghĩa là rời khỏi thẩm quyền và ảnh hưởng của cha mẹ để thành lập một đơn vị gia đình mới, tự lo tự lập.  Đôi vợ chồng mới không ở dưới thẩm quyền của cha mẹ, cũng không tùy thuộc cha mẹ về mặt tài chánh, về cách tổ chức sắp xếp đời sống gia đình mình, v.v… tức là thành lập một gia đình mới hoàn toàn và người chồng trẻ là chủ gia đình mới.

Ngoài mạng lệnh con cái phải rời cha mẹ khi lập gia đình, Thiên Chúa cũng ban cho người làm con mạng lệnh quan trọng khác, Chúa truyền:

Hãy hiếu kính cha mẹ con, để con được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu ban cho con” (Xuất Ai-cập ký 20:12, Bản Hiệu Đính)

Qua tiên tri Môi-se, Đức Chúa Trời ban Mười Giới Răn cho con người. Giới Răn thứ Năm là giới răn đầu tiên về liên hệ giữa người với người thì bổn phận làm con được nói đến trước nhất, giới răn thứ Năm dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ.  Mạng lệnh này được nhắc lại một lần khác, như sau:

Hãy hiếu kính cha mẹ con, như Chúa Hằng Hữu đã truyền dạy, để con được sống lâu và hưởng phước trên đất mà Đức Chúa Trời của con ban cho con” (Phục truyền 5:16, Bản Hiệu Đính)

Trong Tân Ước, sứ đồ Phao-lô cũng nhắc lại Giới Răn Thứ Năm, ông viết:

Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, ấy là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được phước và được sống lâu trên đất (Ê-phê-sô 6:2-3)

Mạng lệnh này nằm trong Mười Giới Răn nên không bao giờ thay đổi, ngày nào cha mẹ còn sống ngày đó con cái phải hiếu kính, tôn kính cha mẹ.  Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc con cái phải vâng lời cha mẹ: Vâng lời cha mẹ là mạng lệnh chúng ta tuân hành từ khi chào đời cho đến khi tự lập, tức là khi có gia đình riêng. Dù vậy, trước những quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài, người con đã ra riêng cũng nên hỏi ý kiến cha mẹ, vì cha mẹ có nhiều kinh nghiệm và thường có cái nhìn sâu sắc hơn.  Còn mạng lệnh hiếu kính hay tôn kính cha mẹ chúng ta phải tuân hành từ khi chào đời cho đến khi qua đời, vì Chúa phán: “Hãy hiếu kính cha mẹ con để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời con ban cho.”

“Hiếu kính” trong nguyên ngữ nghĩa là “tôn kính,” tức là bày tỏ lòng quý trọng, cư xử với cha mẹ với lòng yêu thương và tôn kính.  Trong thực tế có những cha mẹ có đời sống không đáng tôn kính, như cờ bạc say sưa, chạy theo những thú vui ích kỷ, vợ chồng không chung thủy với nhau, không chăm sóc nuôi dạy con; có người không bảo vệ con nhưng làm những điều gây tai hại cho cuộc đời con.  Dù có những hoàn cảnh đáng buồn như vậy, là con trong gia đình, ngày nào cha mẹ còn sống, chúng ta sẽ vâng lời Chúa, tôn kính cha mẹ, nhất là khi cha mẹ đã cao tuổi, đau ốm, cần nương nhờ con cái.  Dù trong quá khứ cha mẹ có những việc làm hay lời nói khiến ta bị tổn thương, chúng ta vẫn tôn kính cha mẹ như lời Chúa dạy.  Và dù khi đã lìa khỏi gia đình cha mẹ để xây dựng gia đình riêng, chúng ta vẫn nghĩ đến cha mẹ, vẫn tôn kính cha mẹ của chúng ta cũng như cha mẹ người phối ngẫu.

Tôn kính cha mẹ là làm gì? Chúng ta bày tỏ lòng tôn kính cha mẹ như thế nào? Có nhiều điều đơn giản nhưng thực tế vợ chồng có thể làm để bày tỏ lòng thương yêu tôn kính cha mẹ. Chẳng hạn, nếu cha mẹ ở gần, chúng ta dành thì giờ đến thăm, nếu vì bận công việc hay bận lo con cái, không đến thăm được chúng ta gọi điện thoại hay gởi tin nhắn hỏi thăm cha mẹ.  Khi được con cái thường xuyên thăm hỏi cha mẹ sẽ vui và được an ủi, vì thấy rằng dù có gia đình riêng, các con vẫn yêu thương quan tâm đến mình. Nếu cha mẹ ở xa, không thể đến thăm thường xuyên, chúng ta viết thư, trong thư không chỉ hỏi thăm cha mẹ nhưng cũng chia xẻ với cha mẹ tin tức của gia đình mình và khi có nhu cầu, xin cha mẹ cầu nguyện cho chúng ta.  Quan trọng hơn nữa là đừng quên những ngày đặc biệt như sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ.  Trong những dịp đặc biệt này, nếu con cái có thể tổ chức bữa tiệc hoặc gởi thiệp, gởi quà tặng, sẽ đem lại niềm vui, niềm an ủi cho cha mẹ rất nhiều. “Lìa” cha mẹ không có nghĩa là gạt bỏ cha mẹ ra khỏi đời sống, không nghĩ đến và không quan tâm đến cha mẹ nữa.  Khi có gia đình riêng mà chúng ta vẫn liên lạc, thăm viếng thường xuyên sẽ đem lại niềm vui cho cha mẹ, cha mẹ không buồn nhớ hay thấy cô đơn vì con đã có niềm vui riêng, không cần đến cha mẹ nữa, trái lại các cụ sẽ vui vì biết mình không mất con, nhưng vẫn được con yêu thương chăm sóc.

Điều cần nói thêm là chúng ta thăm viếng và chăm sóc cha mẹ hai bên đều nhau, không quên bên nào hay thiên vị bên nào. Khi tặng quà hay gởi thư, gởi thiệp cho cha mẹ trong những dịp đặc biệt, chúng ta gởi cho cha mẹ bên vợ và bên chồng.  Trong dịp Tết hay lễ Giáng Sinh, nếu đến thăm cha mẹ bên chồng cũng đừng quên cha mẹ bên vợ. Nếu cha mẹ ở quá xa, không thể đến thăm trong dịp đặc biệt, chúng ta gọi điện thoại hỏi thăm và chúc mừng để cha mẹ vui vì thấy rằng các con dù ở xa và dù có gia đình riêng vẫn không quên cha mẹ.  Nếu cha hay mẹ không còn, chúng ta cần chăm sóc người còn sống, để xoa dịu nỗi buồn và cô đơn của người cha / người mẹ đang sống một mình.  Khi chúng ta chăm sóc cha mẹ với lòng yêu thương, tôn kính và thật sự quan tâm, cha mẹ sẽ vui, niềm vui đó sẽ giúp các cụ được khỏe mạnh và sẽ sống nhiều năm tháng bên con cháu. Dù đã có gia đình riêng, không còn sống chung với cha mẹ, không ở dưới thẩm quyền của cha mẹ, chúng ta vẫn là đứa con hiếu thảo: một lòng yêu thương, tôn kính chăm sóc cha mẹ hết lòng. Khi chúng ta làm trọn bổn phận của người con, người chung quanh sẽ thấy rằng chúng ta làm trọn chữ hiếu đối với cha mẹ.

Sứ đồ Phao-lô khuyên rất thực tế về trách nhiệm chăm sóc những cha mẹ cô đơn góa bụa. Ông viết:

Nếu một người góa bụa có con hoặc cháu thì trước hết con cháu phải học bày tỏ lòng hiếu thảo với chính gia đình mình và báo đáp công ơn cha mẹ, vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời… Nếu ai không cấp dưỡng cho bà con mình, nhất là cho chính gia đình mình, thì người ấy đã chối bỏ đức tin (Thư I Ti-mô-thê 5:4, 8, Bản Hiệu Đính)

Lời Chúa ở đây nhắc người làm con phải bày tỏ lòng hiếu thảo và báo đáp công ơn cha mẹ, nhất là khi cha hay mẹ cô đơn một mình, không còn ai bên cạnh chăm sóc, không thể tự lo.  Đây là lúc vợ chồng cần bày tỏ lòng kính yêu để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và đây là điều đẹp lòng Chúa.

Những nguyên tắc Chúa dạy về bổn phận đối với cha mẹ rất quan trọng và thực tế, cầu xin Chúa giúp chúng ta, những vợ chồng trẻ, cũng như vợ chồng lớn tuổi, một lòng một ý giúp nhau thực hành Lời Chúa dạy, bày tỏ lòng yêu thương và hiếu kính cha mẹ, để cha mẹ hai bên không buồn vì mình mất đứa con trai hay con gái nhưng trái lại, vui và ấm lòng vì biết mình không mất con nhưng có thêm con dâu con rể yêu thương, chăm sóc nhiều hơn.  Nhờ đó hai thế hệ sẽ sống với nhau trong hài hòa yêu thương, thế hệ cha mẹ được an ủi trong tuổi xế chiều, vợ chồng trẻ vui thỏa vì thấy mình đã làm tròn chữ hiếu. Chúng ta cũng làm gương cho con cháu, để biết cách sống với ông bà nội ông bà ngoại trong hài hòa, hạnh phúc. Đời sống ngắn ngủi mong manh, những gì có thể làm để bày tỏ lòng kính yêu, hiếu thảo, để đền đáp công ơn cha mẹ, chúng ta hãy làm hôm nay vì nếu đợi đến ngày mai sẽ quá trễ (còn tiếp).

 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành