Học Xuyên Suốt Kinh thánh – Bài 9: Giới Thiệu Sách Sáng Thế Ký

Hôm nay kính mời quý vị và quý vị lắng nghe phần Giới thiệu sách Sáng thế Ký. Sách Sáng thế Ký là một trong hai sách quan trọng của Kinh thánh. Sách Sáng thế Ký mở đầu phần Cựu ước, và sách Ma-thi-ơ mở đầu phần Tân ước. Đây là hai sách căn bản để hiểu toàn bộ Kinh thánh.

 

Trước khi bắt đầu đọc sách này, tôi xin mời quý vị đọc xuyên sách Sáng thế Ký một lần. Nếu quý vị khó làm được điều này vì có những việc khác xen vào, quý vị đọc mỗi lần một phần. Dầu vậy, nếu quý vị có thể đọc xuyên suốt cả sách một lần thì có ích hơn.

 

Xin cho phép tôi trình bày cùng quý vị cái nhìn tổng quát về sách nầy. Có nhiều điều quý vị cần chú ý trong sách Sáng thế Ký vì nó rất quan trọng trong toàn Kinh thánh. Sách Sáng thế Ký xác định nhiều điều khởi đầu như: Sự sáng tạo, đàn ông, đàn bà, tội lỗi, ngày thứ bảy, hôn nhân, gia đình, lao động, khai hóa, nông nghiệp, giết người, của lễ dâng, chủng tộc, ngôn ngữ, sự cứu chuộc và thành phố.

 

Quý vị cũng sẽ tìm thấy những cụm từ lặp lại nhiều lần, thí dụ như “Những dòng dõi của…” diễn tả rất thường xuyên trong sách về những gia đình trong lịch sử đầu tiên. Điều nầy rất quan trọng cho chúng ta bởi vì chúng ta cũng ra từ những gia đình đầu tiên nầy.

 

Có nhiều nhân vật được diễn tả cho chúng ta, cho nên có người gọi sách Sáng thế Ký là sách của những “danh nhân” như là Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-Cốp và Giô-sép. Ngoài ra, những người có quan hệ với họ như như Lót, A-bi-mê-léc, Phô-ti-pha và Pha-ra-ôn cũng được đề cập.

 

Cũng trong sách nầy chúng ta thấy đề cập đến giao ước, là sự kiện thường xảy ra giữa Chúa và các tổ phụ, đặt biệt là với Áp-ra-ham. Bàn thờ cũng là đề tài nổi bật trong sách nầy. Sự ganh ghét trong gia đình cũng được tìm thấy. Ai Cập cũng được nói đến trong sách nầy và cũng có trong sách khác. Sự đoán phạt tội lỗi cũng được đề cập cùng những bằng chứng về sự ban cho, cung cấp.

 

Khi học sách nầy, chúng ta cần giữ trong trí. Chúng ta nên có một cách nhìn toàn diện trước khi nghiên cứu từng phần. Đối với học sinh, sinh viên, có hai phương cách để nghiên cứu Kinh thánh, một là nhìn từ xa, hai là nhìn gần. Trước tiên quý vị cần có tầm nhìn từ xa để thấy tổng quát, sau đó nghiên cứu gần một cách chi tiết.

 

Một thầy giảng rất nổi tiếng trước đây ở Anh Quốc, ông Robinson, đã viết một điều mà tôi muốn để lại trong tâm trí và tấm lòng của con dân Đức chúa Trời hôm nay.

 

“Chúng ta sống trong thời đại của sách vở, sách vở được phát hành từ những nhà xuất bản nhiều vô số. Chúng ta thường đọc sách hướng dẫn, sách giáo khoa, các văn kiện, sách dưỡng linh, sách phê bình, sách về Kinh thánh, về Tin Lành, tất cả rất hay. Nhưng có bao nhiêu thời gian mà chúng ta đã dành cho chính Tin Lành? Chúng ta thường bị cám dỗ với sự tưởng tượng rằng mình sẽ trở nên tốt hơn bằng cách đọc những lời phát biểu hiện nay về lẽ thật mà chúng ta thấy thích ứng, bởi vì nó được trình bày cho chúng ta trong khuôn mẫu và theo nền giáo dục của chúng ta, hay những phần liên hệ làm chúng ta cảm thấy quen thuộc. Nhưng những điều tốt lành mà chúng ta thâu thập thì không được vào sâu trong tâm khảm của mình và trở nên sở hữu lâu dài. Thật là tốt, nếu chúng ta ý thức một cách đơn giản rằng sẽ không gì có giá trị khi chúng ta đạt được sự thành công nhưng không dựa vào chính năng lực của mình có. Những sự thật lớn lao của thiên nhiên không thể ban cho chúng ta trong những hình thức dễ dàng nắm lấy. Kho tàng ân điển phải được tìm kiếm với tất cả năng khiếu và sinh lực, đó là đặc tính của một người tìm ngọc châu tốt.”

 

Tôi thích lời phát biểu nầy, bởi vì tôi tin rằng, chính Kinh thánh sẽ nói với lòng chúng ta trong phương cách mà những sách khác không thể làm.

 

SỰ PHÂN CHIA CHÍNH YẾU CỦA SÁCH SÁNG THẾ KÝ

 

Nếu sách Sáng thế Ký được chia làm hai phần, bạn sẽ chia như thế nào? Chú ý là 11 đoạn đầu liên kết với nhau, kể từ đoạn 12 đi xuyên suốt phần còn lại của cả sách, chúng ta tìm thấy phần hoàn toàn khác biệt nhau. Phần thứ nhất từ sự sáng tạo đến Áp-ra-ham, phần thứ hai từ Áp-ra-ham đến Giô-sép. Phần thứ nhất đề cập đến những đề tài chính, mà những đề tài nầy liên hệ đến tâm trí và sự suy nghĩ của con người trong thời đại của chúng ta, chẳng hạn như: Sự sáng tạo, sự sa ngã, nước lụt, tháp Ba-bên.

 

Phần thứ hai liên hệ đến nhiều nhân vật: Áp-ra-ham, người của đức tin; Y-sác, con yêu mến; Gia-cốp, con sự chọn lựa và uốn nắn; Giô-sép với sự đau khổ và vinh quang.

 

Đó là sự phân chia chính, còn sự phân chia khác cũng quan trọng hơn đó là sự phân chia theo thời gian. Mười một đoạn đầu bao gồm khoảng thời gian ít nhất là 2000 năm hoặc hơn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng phần đầu của sách Sáng thế Ký có thể bao gồm bất cứ khoảng thời gian nào trong quá khứ mà chúng ta cần thích ứng tùy theo quan niệm riêng về thời gian của quý vị. Ít nhất chúng ta cũng biết là 11 đoạn của sách, bao gồm thời gian ít nhất là 2000 năm.

 

Nhưng phần thứ nhì, 39 đoạn bao gồm chỉ 350 năm. Thật ra, khởi đầu sách Sáng thế Ký đoạn 12 chạy suốt đường Cựu ước tới Tân ước, thời gian tổng cộng là 2000 năm. Vì thế, liên hệ đến thời gian xa nhất, phân nửa thời gian của sách Kinh thánh bao gồm 11 đoạn đầu của sách Sáng thế Ký. Điều nầy gợi cho tâm trí và lòng của quý vị rằng, Đức Chúa Trời có những ý định khi cho chúng ta phần thứ nhất nầy. Bạn có nghĩ rằng Đức Chúa Trời nhấn mạnh vào phần thứ nhất nầy hay phần còn lại của cả Kinh thánh không? Có bằng chứng nào Ngài nhấn mạnh ở phần sau không? Trong phần đầu đề cập đến vũ trụ và sự sáng tạo, nhưng phần sau đề cập đến con người, đến quốc gia và với Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Trời chú ý nhiều đến Áp-ra-ham hơn là Ngài chú ý đến việc tạo dựng cả vũ trụ. Thưa quý vị, Đức Chúa Trời chú ý đến quý vị nhiều và Ngài kể quý vị có giá trị hơn cả một thế giới vật chất.

 

Để tôi giải thích thêm điều nầy, trong 89 đoạn gồm cả 4 sách Tin Lành, chỉ 4 đoạn đầu nói về cuộc đời của Chúa Giê-xu trong 30 năm, trong khi 85 đoạn còn lại bao thuật lại những việc xảy ra trong 3 năm sau cùng của chức vụ Ngài trên đất. Riêng với 27 đoạn cuối từ 4 sách đó chỉ nói về những ngày cuối cùng đời sống của Ngài, nơi mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời tỏ bày sự nhấn mạnh nhiều nhất. Tôi tin rằng quý vị sẽ đồng ý về sự nhấn mạnh ở phần cuối, tức 8 ngày sau cùng của Giê-xu, với 27 đoạn kể trên. Các đoạn nầy bao gồm điều gì? Các đoạn này đề cập đến sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ. Đây là phần ký thuật của Tin Lành. Nói cách khác, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta các sách Tin Lành mà chúng ta tin rằng, Đấng Christ chết thay cho tội lỗi chúng ta, và Ngài sống lại cho sự công bình.

 

Tôi có thể nói rằng 11 đoạn đầu của sách Sáng thế Ký giới thiệu cả Kinh thánh và chúng ta nhìn chúng trong cách nầy. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta lướt qua 11 đoạn đầu, nhưng chúng ta sẽ để nhiều thì giờ học hỏi chúng.

 

Sách Sáng thế Ký có thể xem là “hạt giống,” vì tại nơi đây chúng ta tìm thấy sự khởi đầu, căn nguyên của mọi vật. Sách Sáng thế Ký giống như búp của bông hồng đẹp, nó mở ra phần còn lại của cả Kinh thánh.

 

Một cách phân chia tốt nữa của sách Sáng thế Ký là phân chia theo thế hệ, theo gia đình.

 

1 – 2:6               -Thế hệ của Trời và đất

2:7 – 6:8            -Thế hệ của A-Đam

6:9 – 9:29          -Thế hệ của Nô-ê

10:1 – 11:9         -Thế hệ các con của Nô-ê

11:10 – 11:26     -Thế hệ các con của Sem

11:27 – 25:11     -Thế hệ của Tha-rê

25:12 – 25:18     -Thế hệ của Ích-ma-ên

25:19 – 35:29     -Thế hệ của Y-sác

36:1 – 37:1         -Thế hệ của Ê-sau

37:2 – 50:26       -Thế hệ của Gia-cốp

 

Tất cả những thế hệ nầy của sách Sáng thế Ký cho chúng ta thấy đây là sách của những gia đình. Từ quan điểm nầy chúng ta có thể thấy Sáng thế Ký là sách chứa đụng nhiều điều thú vị.

 

DÀN BÀI – NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

 

I. TỘI LỖI VÀO THẾ GIAN (Đoạn 1-11)

 

A. Sự Sáng Tạo (Đoạn 1 và 2)

1. Trời và đất

2. Trái đất vô hình và trống không, 1:2

3. Tiếp tục tạo dựng, 1:3 – 2:25

a. Ngày thứ nhất – Dựng nên sự sáng

b. Ngày thứ hai – Dựng nên khoảng không

c. Ngày thứ ba – Dựng nên đất khô và cây cỏ

d. Ngày thứ tư – Dựng nên mặt trời, mặt trăng, ngôi sao

e. Ngày thứ năm – Dựng nên súc vật

f. Ngày thứ sáu – Dựng nên các vật sống và con người

g. Ngày thứ bảy là ngày nghỉ

h. Tóm lược sự tạo dựng con người

 

B. Sự sa ngã (Đoạn 3-4)

1. Cội rễ của tội lỗi là nghi ngờ và không vâng theo lời Đức Chúa Trời

2. Hậu quả của tội lỗi

 

 C. Cơn nước lụt (Đoạn 5-9)

1. Dòng dõi của A-đam – Qua Sết

 Khởi đầu lịch sử của con người

 Tiểu sử các dòng dõi, đoạn 5

2. Nguyên nhân nước lụt và việc đóng tàu, đoạn 6

3. Sự đoán phạt bằng nước lụt, đoạn 7

4. Sau cơn nước lụt, đoạn 8

5. Khởi sự giai đoạn mới, đoạn 9

 

D. Tháp Ba-bên và lộn xộn tiếng nói (Đoạn 10-11)

1. Các con của Nô-ê, đoạn 10

2. Tháp Ba-bên, đoạn 11

 

 

II. CHUẨN BỊ CHO SỰ ĐẾN CỦA ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI

(Đoạn 12-50)

 

A. Áp-ra-ham (Tổ phụ của đức tin), đoạn 12 – 23

 Phát triển đức tin qua bảy lần hiện ra của Đức Chúa Trời

1. Đức Chúa Trời kêu gọi và phán hứa với Áp-ram, đoạn 12

2. Áp-ram trở về từ Ai Cập

Phân rẽ với Lót

Đức Chúa Trời hiện ra lần thứ ba, đoạn 13

3. Chiến tranh đầu tiên, Áp-ram giải cứu Lót

Thầy Tế Lễ đầu tiên

Áp-ram được Mên-chi-xê-đéc chúc phước

4. Đức Chúa Trời tỏ bày trọn vẹn hơn với Áp-ram, đoạn 14

Tái xác nhận lời hứa, đoạn 15

5. Sự không tin của Sa-ra và Áp-ram

Ích-ma-ên được sanh ra, đoạn 16

6. Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ra-ham

Xác chứng lời hứa sanh con trai, đoạn 17

7. Đức Chúa Trời tỏ bày sự hủy diệt thành Sô-đôm cho Áp-ra-ham

Áp-ra-ham cầu thay cho dân chúng, đoạn 18

8. Thiên sứ cảnh tỉnh Lót – Lót rời bỏ Sô-đôm. Đức Chúa Trời hủy diệt thành phố và đồng bằng, đoạn 19

9. Áp-ra-ham phạm tội nữa – Quan hệ của Ghê-ra và Sa-ra, đoạn 20

10. Y-sác được sanh ra – A-ga và Ích-ma-ên bị đuổi đi

Áp-ra-ham ở Bê-e Sê-ba, đoạn 21

11. Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác

Đức Chúa Trời ngăn cản

Tái xác nhận giao ước với Áp-ra-ham, đoạn 22

12. Sa-ra qua đời

Áp-ra-ham mua đất ở Mạc-bê-la làm mộ địa, đoạn 23

 

B. Y-sác là Con Yêu Mến, đoạn 24-26

Sự lựa chọn cô dâu – Đối chiếu Đấng Christ và Hội Thánh

1. Áp-ra-ham cử đầy tớ tìm vợ cho Y-sác. Rê-bê-ca được chọn làm vợ, đoạn 24

2. Áp-ra-ham chết – Sự sanh đôi –  Ê-sau và Gia-cốp –  Ê-sau bán quyền

 trưởng nam, đoạn 25

3. Đức Chúa Trời xác chứng giao ước với Y-sác – Y-sác nói dối về mối quan hệ với Rê-bê-ca – Y-sác đào giếng ở Ghê-ra, đoạn 26

 

C. Gia-cốp, đoạn 27-36. “Người được Chúa yêu thương, Ngài sửa phạt, uốn nắn.”

1. Gia-cốp và Rê-bê-ca đồng mưu cướp phước hạnh của Ê-sau, đoạn 27

2. Gia-cốp rời nhà. Tại Bê-tên Đức Chúa Trời hiện ra với ông, tái xác nhận giao ước Áp-ra-ham, đoạn 28

3. Gia-cốp tại Cha-ran – Gặp Ra-chên và cậu La-ban –  Làm việc để cưới Ra-chên –  Bị tráo hôn cưới Lê-a, đoạn 29

4. Các con Gia-cốp được sanh ra – Gia-cốp chuẩn bị rời La-ban – Gia-cốp được trả công, đoạn 30

5. Gia-cốp chạy khỏi Cha-ran – La-ban bắt kịp – Gia-cốp và La-ban lập giao ước, đoạn 31

6. Khủng hoảng trong đời sống Gia-cốp – Gia-cốp vật lộn với thiên sứ –  Tên Gia-cốp được đổi thành Y-sơ-ra-ên, đoạn 32

7. Gia-cốp gặp Ê-sau – Gia-cốp về lại Si-chem, đoạn 33

8. Tội lỗi trong gia đình Gia-cốp – Đi-na bị làm nhục – Các anh trả thù, giết người Hê-mô, đoạn 34

9. Gia-cốp trở về Bê-tên – Ra-chên chết ở Bết-lê-hem – Y-sác chết ở Hếp-rôn, đoạn 35

10. Gia đình Ê-sau trở thành quốc gia Ê-đôm, đoạn 36

 

D. Giô-Sép (Đau Khổ và Vinh Hiển – Đoạn 37-50)

1. Gia-cốp kiều ngụ tại Ca-na-an – Giô-sép bị bán làm nô lệ, đoạn 37

2. Tội lỗi và sự xấu hổ của Giu-đa, đoạn 38

3. Khổ nhục tại Ai Cập, đoạn 39-40

a. Giô-sép quản trị nhà Phô-ti-pha – Sự cám dỗ và đổ tội của vợ Phô-ti-pha – Bị bỏ tù,  đoạn 39

b. Giô-sép trong tù – Giải điềm chiêm bao cho quan tửu chánh và quan thượng thiện, đoạn 40

 4. Được cất lên cao tại Ai Cập, đoạn 41- 48

a. Giô-sép giải mộng cho Pha-ra-ôn – Được làm người cai trị dân Ai Cập – Kết hôn với Ách-nát –  Ma-na-se và Ép-ra-im được sanh ra.

b. Gia-cốp sai 10 người con trai xuống Ai Cập mua ngũ cốc – Giô-sép nhìn biết – Si-mi-ôn bị giữ lại – Đem ngũ cốc về nhà – Tiền được hoàn lại, đoạn 42

c.  Gia-cốp sai các con xuống Ai Cập lần nữa, có Bên-gia-min cùng đi – Giô-sép tiếp đãi các anh (nhưng không tỏ bày chính mình), đoạn 43

d. Giô-sép cho các anh về nhà – Họ bị bắt vì chén vàng tìm thấy trong bao của Bên-gia-min – Giu-đa xin tha cho Bên-gia-min, đoạn 44

e. Giô-sép tỏ thật chính mình – Anh em đoàn tụ – Mời Gia-cốp và gia đình xuống Ai Cập, đoạn 45

f. 70 người trong gia đình Gia-cốp xuống Ai Cập – Gia-cốp và Giô-sép đoàn tụ, đoạn 46

g. Gia-cốp và các anh em Giô-sép cư ngụ tại Gô-sen – Ra mắt Pha-ra-ôn – Cơn đói kém buộc dân chúng bán đất cho Giô-sép và Pha-ra-ôn – Giô-sép hứa sẽ chôn Gia-cốp ở Ca-na-an, đoạn 47

h. Gia-cốp chúc phước cho các con Giô-sép trước khi chết, đoạn 48

5. Sự chết và chôn của Gia-cốp và Giô-sép, đoạn 49-50

 a. Gia-cốp chúc phước và nói tiên tri cho 12 người con, đoạn 49

 b. Gia-cốp chết và được chôn tại Ca-na-an – Giô-sép chết và chôn tại Ai Cập, đoạn 50

 

Kết luận:

 

Chúng ta đã thấy một cách tổng quát sách Sáng thế Ký và vị trí của nó trong toàn bộ Kinh thánh. Đây là sách quan trọng khởi đầu Kinh thánh, chúng ta sẽ học chi tiết hơn trong những kỳ tới. Kinh thánh, Lời của Đức Chúa Trời sẽ dẫn chúng ta vào lẽ thật.

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới