Học Xuyên Suốt Kinh Thánh – Bài 17: Nô-ê Vào Tàu

Sáng thế ký 7-8                          

                                                  

          Sáng thế ký 7:1, “Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt ta.”

 

          Hầu hết các quốc gia, các dân tộc đều có các câu chuyện về sự sáng tạo và chuyện nước lụt, điều đó tỏ bày một phần nào sự thật về những gì mà họ đã được truyền lại. Tất cả các dân tộc này đã nghe câu chuyện và khi kể lại cho các thế hệ kế tiếp, họ lại thêm vào hay bớt đi làm cho nó không còn đúng với những điều đã xảy ra lúc ban đầu.

         

          Sáng thế ký 7:2-3, “Trong các loài vật thanh sạch, hãy đem theo mỗi loài bảy cặp, đực và cái; còn loài vật không thanh sạch mỗi loài một cặp, đực và cái. Cũng hãy đem theo những chim trời, mỗi thứ bảy cặp, trống và mái, để giữ giống ở trên khắp mặt đất.”

 

          Tại sao những loài vật thanh sạch được đem vào tàu mỗi loài bảy cặp không? Phải chăng Đức Chúa Trời có sự phân biệt, không công bằng đối với các loài vật? Khi chúng ta xem tiếp đến đoạn 8 câu 20, chúng ta biết lý do tại sao: “Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ.”

 

          Vừa khi Nô-ê ra khỏi tàu, ông bắt các vật thanh sạch làm của lễ thiêu dâng lên cho Đức Chúa Trời. Nếu ông chỉ bắt vào tàu các loài vật thanh sạch này mỗi loài một cặp thôi, sau khi bắt chúng làm của lễ dâng rồi sẽ mất giống luôn. Đó là lý do tại sao Chúa bảo Nô-ê đem bảy cặp những loài vật thanh sạch vào tàu.

         

          Sáng thế ký 7:4, “Vì còn bảy ngày nữa, ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm; ta sẽ tuyệt diệt khỏi đất hết các loài của ta đã dựng nên.”

 

          Chúa báo trước là còn bảy ngày nữa Chúa sẽ đóng cửa tàu, họ có thể vào và Chúa sẽ cứu họ. Điều cần thiết mà người thời ấy cần làm là tin vào lời của Chúa mà vào tàu.

 

Sáng thế ký 7:6-9, “Vả, khi lụt xảy ra, và nước tràn trên mặt đất, thì Nô-ê đã được sáu trăm tuổi. Vì cớ nước lụt, nên Nô-ê vào tàu cùng vợ, các con trai và các dâu mình;  loài vật thanh sạch và loài vật không thanh sạch, loài chim, loài côn trùng trên mặt đất, từng cặp, đực và cái, trống và mái, đều đến cùng Nô-ê mà vào tàu, y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn người.”

 

          Kinh Thánh cho biết Nô-ê và gia đình vào tàu, các súc vật cũng vào tàu.

 

          SỰ CHẾT Ở NGOÀI TÀU VÀ SỰ SỐNG TRONG TÀU.

 

          Sáng thế ký 7:10-12, 17, “Sau bảy ngày, nước lụt xảy có trên mặt đất. Nhằm năm sáu trăm của đời Nô-ê, tháng hai, ngày mười bảy, chánh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống; mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày; nước dưng thêm nâng hỏng tàu lên khỏi mặt đất.”

 

          Đây là trận lụt lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trước đây chưa hề có và sau này cũng không bao giờ có trận lụt nào lớn như vậy nữa. Cho đến nay các nhà khảo cổ và địa chất vẫn có thể tìm thấy những dấu tích của trận “ĐẠI HỒNG THỦY” này để lại.

         

          Sáng thế ký 7:23, “Mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi.”

 

          Đây là một trận lụt lớn, và thường gọi là trận ĐẠI HỒNG THỦY, vì nó bao gồm mọi nơi của người và vật sinh sống trong thời đó. Trận Đại hồng thủy được ký thuật trong sách Sáng thế ký, tiêu diệt mọi loài vật sanh sống, ngoại trừ những người và vật được vào tàu, đúng như lời Chúa nói trong Sáng thế ký 6:13, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng: Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất.

         

          Cơn mưa lớn kéo dài 40 ngày đêm, và sách Sáng thế ký 7:17-24 đã ghi lại rằng: “Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày; nước dâng thêm nâng hỏng tàu lên khỏi mặt đất. Trên mặt đất nước lớn và dâng thêm nhiều lắm; chiếc tàu nổi trên mặt nước. Nước càng dâng lên bội phần trên mặt đất, hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời đều bị ngập. Nước dâng lên mười lăm thước cao hơn, mấy ngọn núi đều ngập. Các xác thịt hành động trên mặt đất đều chết ngột, nào chim, nào súc vật, nào thú rừng, nào côn trùng, và mọi người. Các vật có sanh khí trong lỗ mũi, các vật ở trên đất liền đều chết hết. Mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi. Nước dâng lên trên mặt đất trọn một trăm năm mươi ngày.”

 

          Sau khi mưa xuống 40 ngày, và nước tiếp tục dâng lên trên mặt đất 150 ngày, như vậy kéo dài khoảng nữa năm. Trận Đại Hồng Thủy này quá lớn đến nỗi khi nghe lại câu chuyện này chúng ta không thể hình dung được. Nhưng chúng ta tin tưởng những gì Kinh Thánh nói, chớ không nên tin vào những gì mình có thể kiểm chứng, hay suy tưởng. Chúng ta phải giữ mình khỏi sự lung lạc, gièm chê; như sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế.  Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ Nước và làm nên ở giữa nước,  thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt.” (II Phi-e-rơ 3:3-6)

 

          Đoạn thứ 8 của sách Sáng thế ký, tiếp tục nói về sau trận Đại Hồng Thủy.

 

          Sáng thế ký 8:1-4, “Vả, Đức Chúa Trời nhớ lại Nô-ê cùng các loài thú và súc vật ở trong tàu với người, bèn khiến một trận gió thổi ngang qua trên đất, thì nước dừng lại. Các nguồn của vực lớn và các đập trên trời lấp ngăn lại; mưa trên trời không sa xuống nữa. Nước giựt khỏi mặt đất, lần lần vừa hạ vừa giựt; trong một trăm năm mươi ngày nước mới bớt xuống. Đến tháng bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi A-ra-rát.”

 

          Chúng ta có bản ký thuật không những nói về chuẩn bị trận lụt, mà cũng có sự tường thuật nước lụt tuôn xuống và kéo dài trên đất, và trong đoạn này nói về nước lụt giựt xuống.

 

          Đức Chúa Trời nhớ lại Nô-ê, đó là điều tốt lành. Chúa bèn khiến trận gió thổi qua trên mặt đất thì nước dừng lại. Nhưng có phải đất khô liền trong ngày hôm sau không?  Nước lụt phủ trên mặt đất 150 ngày và cũng cần nhiều ngày rút xuống. Vì đây là một trận lụt vô cùng lớn.

 

          Chiếc tàu của Nô-ê tấp trên núi A-ra-rát. Sau khi trôi giạt xa nơi đã đóng tàu khoảng 800 km. Núi A-ra-rát cao chừng 5100 m. Dưới chân núi có đô thị tên là Naxuana và người ta tưởng rằng phần mộ của Nô-ê ở đây, vì tên này có nghĩa là: ‘Nô-ê định cư tại đây.’ 

         

          Sáng thế ký 8:5-6, “Nước cứ lần lần hạ cho đến tháng mười; ngày mồng một tháng đó, mấy đỉnh núi mới lộ ra. Được bốn mươi ngày, Nô-ê mở cửa sổ mình đã làm trên tàu.”

 

          Đến đây có thể nói cơn nước lụt bắt đầu kết thúc. Hãy xem điều Nô-ê làm tiếp theo:

 

          Sáng thế ký 8:7-8, “Nô-ê ..  thả một con quạ ra; quạ liệng đi liệng lại cho đến khi nước giựt khô trên mặt đất.  Người cũng thả một con bồ câu ra, đặng xem thử nước hạ bớt trên mặt đất chưa.”

 

          Khi Nô-ê thả con quạ và con bồ câu, ông luôn chăm xem chúng nó có trở về hay bay luôn.

         

          Sáng thế ký 8:9-12, “Nhưng bồ câu chẳng tìm được nơi nào đáp chơn xuống, bèn bay trở về trong tàu cùng người, vì nước còn khắp cả trên mặt đất. Nô-ê giơ tay bắt lấy bồ câu, đem vào tàu lại với mình. Đoạn, người đợi bảy ngày nữa, lại thả bồ câu ra khỏi tàu; đến chiều bồ câu về cùng người, và nầy, trong mỏ tha một lá Ô-li-ve tươi; Nô-ê hiểu rằng nước đã giảm bớt trên mặt đất. Người đợi bảy ngày nữa, thả bồ câu ra; nhưng chuyến nầy bồ câu chẳng trở về cùng người nữa.”

 

          Có một lẽ thật thuộc linh quan trọng trong đoạn 8 này, về câu chuyện chim quạ và bồ câu. Sau khi Nô-ê ở trong tàu khoảng một năm, Nô-ê thả chim quạ ra và chim quạ không trở lại. Nhưng bồ câu đã bay về và còn tha một lá Ô-li-ve tươi nữa. Nô-ê thả chim quạ ra và trông chờ chim quạ trở về, nhưng chim quạ không trở về. Tại sao chim quạ không trở về? Chúng ta biết chim quạ ăn đồ gì. Chim quạ ăn thịt chết. Có rất nhiều thú vật chết nổi trên mặt nước sau cơn lụt. Chim quạ có quá nhiều đồ ăn, nên nó không bay trở về tàu. Vì thế chim quạ được liệt kê là loài vật không thanh sạch.  

 

          Bồ câu là loài chim thanh sạch và được Kinh Thánh liệt kê sau đó. Hãy nhớ là Nô-ê  đem vào tàu cả loài vật thanh sạch và loài vật không thanh sạch. Bồ câu đem về tin tức. Nó thường trở về nhà. Nô-ê trông đợi tin tức của bồ câu, khi bồ câu trở về lần thứ hai, bồ câu mang bằng chứng là đất khô đã hiện ra. Đến lần thư ba bồ câu không trở lại, và Nô-ê biết rằng cơn đoán phạt bằng nước lụt đã kết thúc.

 

          Có nhiều lẽ thật quan trọng được tìm thấy trong sách Sáng thế ký này. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng những người tin nhận Chúa có hai bản tánh: bản tánh cũ và bản tánh mới. Trong sách II Cô-rinh-tô 5:17 viết: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

 

          Vật thanh sạch và không thanh sạch sống chung nhau. Chúng ta là những người tin nhận Chúa và có hai bản tánh. Chúa phán rằng: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần.” (Giăng 3:6)

 

          Sứ đồ Phao-lô viết, sách Rô-ma 7:18, “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn.”

 

          Phao-lô nói đến việc tranh chiến giữa hai bản tánh. Ngày hôm nay vẫn còn sự tranh chiến trong hai bản tánh, cũ và mới của người tin nhận Chúa. Chim quạ bay ra để xem xét thế gian, nhưng nó tìm được nhiều thức ăn từ các súc vật chết và chim quạ sống nhờ vào thức ăn này. Những súc vật như con heo, con chó, con bò đã cho chim quạ một bữa ăn no nê. Đó là hình ảnh của bản tánh cũ, bản tánh cũ này giống như chim quạ vậy. Bản tánh cũ thích những việc trong thế gian và sống nhờ vào thế gian. Đó là lý do tại sao nhiều người thích những việc vui chơi hơn là đi nhà thờ. 

 

Bồ câu bay ra xem xét thế gian, nhưng nó không tìm được chỗ đậu, không hài lòng và nó trở về tàu. Bồ câu tiêu biểu cho người tin nhận Chúa trong thế gian. Chim quạ bay ra trong thế gian và thích thế gian, khi nó gặp nhiều xác chết, nó có thể nghĩ rằng đây là cơ hội ngàn vàng. Điều này tùy thuộc nhận thức, suy nghĩ. Những gì Chúa nói sai là sai. Những người tin Chúa được nhắc nhở là, “chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian” (I Giăng 2:15). Chúng ta đang sống trong thế giới bị đoán phạt. Chúng ta đang sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian. Chúng ta đang rao giảng Lời của Chúa và cố gắng kêu gọi những người hư mất trong thế gian ra khỏi. Chúa Giê-xu phán bảo chúng ta “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin lành cho mọi người” (Mác 16:15). Hãy chuyên tâm trong công việc này, rao giảng lời của Chúa, đó là điều quan trọng. Chim bồ câu nhận thức tình trạng của thế gian, và không tìm được chỗ đậu. Bồ câu chỉ tìm được chỗ nghỉ trong tàu, và chỗ nghỉ đó hiện nay ở trong Đấng Christ.

 

          Bạn thuộc về loại chim nào? Bạn là chim quạ hay bồ câu? Nếu bạn là con cái Đức Chúa Trời thì bạn có hai bản tánh. Nhưng hôm nay bạn đang sống với bản tánh nào? Bạn có yêu mến những điều thuộc về Đức Chúa Trời không?     

 

          ĐẤT KHÔ VÀ NÔ-Ê RỜI TÀU

 

          Sáng thế ký 8:13, “Nhằm năm sáu trăm một của đời Nô-ê, ngày mồng một, tháng giêng, nước đã giựt bày mặt đất khô; Nô-ê bèn giở mui tàu mà nhìn; nầy, mặt đất đã se.”

 

          Tổng cộng thời gian nước lụt là 371 ngày, vừa hơn một năm. Điều này phù hợp với lời xác nhận của Thánh Kinh, đây là trận lụt lớn, còn gọi là trận Đại hồng thủy.

 

          Ngày nay có nhiều bằng chứng khảo cổ, xác chứng về biến cố của trận lụt được khám phá. Như việc tìm di tích chiếc tàu Nô-ê. Trong một ấn phẩm thời báo của Nga Hoàng, vào đầu thế kỷ 20, một nhóm phi công Nga quả quyết đã thấy chiếc sườn tàu lớn ở trên băng hà đông đặc của núi A-ra-rát, họ phúc trình khám phá này với chính phủ Nga. Liền theo đó Nga Hoàng cử một phái đoàn đi, họ tìm thấy chiếc tàu, bèn đo vẽ và chụp hình. Tàu bị tấp trên núi thì không có chiếc nào khác ngoài chiếc tàu của Nô-ê.   

 

          Sáng thế ký 8:18-19, “Vậy, Nô-ê cùng vợ người, các con trai và các dâu người ra khỏi tàu. Các thú, rắn, chim cùng mọi vật hành động trên mặt đất tùy theo giống đều ra khỏi tàu.”

 

          Gia đình Nô-ê và các loài vật còn sống sót là bằng chứng về trận lụt lớn đã xảy ra.

 

          NÔ-Ê LẬP BÀN THỜ VÀ DÂNG CỦA LỄ

 

          Giờ đây Đức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê. Chúng ta thấy từ đây bắt đầu giai đoạn mới, như được ghi lại trong đoạn 9. Đây là một giao ước quan trọng. Khi Đức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê, Ngài lập với cả loài người trên đất ngày nay.

 

          Sáng thế ký 8:20, “Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ.” 

 

          Bây giờ các bạn hiểu tại sao Nô-ê đem vào tàu bảy cặp sinh vật thanh sạch, và hai cặp sinh vật không thanh sạch. Nô-ê chỉ dùng các vật thanh sạch làm của lễ.

 

          Việc đầu tiên mà Nô-ê làm khi ra khỏi tàu là lập một bàn thờ để thờ phượng Chúa và dâng của lễ thiêu cho Chúa. Của lễ thiêu nói về Chúa Giê-xu Christ. Của lễ được Đức Chúa Trời chấp nhận, và để ngợi khen Đức Chúa Trời. Ngài rất vui lòng với việc làm của Nô-ê.

 

          Sáng thế ký 8:21, “Đức Giê-hô-va hưởng lấy mùi thơm và nghĩ thầm rằng: Ta chẳng vì loài người mà rủa sả đất nữa, vì tâm tánh loài người vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ; ta cũng sẽ chẳng hành các vật sống như ta đã làm.”

 

          Sau khi nước lụt, tâm tánh con người vẫn không thay đổi, họ là con người xấu xa tội lỗi.

 

          Các bạn có thể thấy sự thật về tình trạng tội lỗi của con người. Như các thanh niên trong mấy chục năm trước thường hay có tánh bạo loạn. Nhưng chúng ta nhìn vào xã hội ngày nay, các thanh niên cũng vẫn đi theo con đường hung bạo, giống như tội lỗi bao nhiêu thế hệ trước đây.

 

          Sáng thế ký 8:22, “Hễ đất còn, thì mùa gieo giống cùng mùa gặt hái, lạnh và nóng, mùa hạ cùng mùa đông, ngày và đêm, chẳng bao giờ tuyệt được.”

 

          Qua thời kỳ nước lụt, chúng ta học ba điều về con người:

 

1-    Phản loạn chống nghịch Đức Chúa Trời là một thực tế, nó thể hiện cách công khai.

2-    Sự khải thị của Đức Chúa Trời bị con người khước từ. Nô-ê làm chứng về nước lụt nhưng họ không lắng nghe.

3-    Sự ăn năn bị bỏ qua, con người không trở về với Đức Chúa Trời. Con người khước từ nơi ẩn náu mà Đức Chúa Trời dự bị. Nô-ê giảng 120 năm, nhưng không có ai trở lại.

 

          Ba điều này dẫn con người đến sự phản loạn, họ khước từ sự khải thị, và không ăn năn hành động của mình.

 

          Nô-ê ra khỏi tàu, ông đứng ở một vị trí rất đặc biệt. Ông đứng đầu dòng tộc con người, giống như vị trí của A-đam trước đây. Nô-ê trở thành cha của nhân loại.  

 

          Qua câu chuyện nước lụt của ba đoạn sách Sáng thế ký này chúng ta thấy hai bản tánh của Đức Chúa Trời, đó là yêu thương và công chính. Ngày nay Chúa vẫn còn đối với mỗi chúng ta qua hai bản tánh này. Cầu xin Chúa cho chúng ta biết kính sợ Ngài và từ bỏ con đường tội lỗi mà mình đang đi.

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới