Học Xuyên Suốt Kinh Thánh – Bài 13: Loài Người Sa Ngã

Sáng thế ký 3:1-15

 

          Tại sao con người ngày nay thường bị sa ngã vào con đường phạm tội? Qua phân đoạn Kinh Thánh trong sách Sáng thế ký đoạn 3 này chúng ta sẽ tìm hiểu được nguyên nhân tại sao.

 

          Đây là phân đoạn được xem là quan trọng nhất trong Thánh Kinh. Nó được công nhận như vậy, và những nhà giải kinh bảo thủ cũng công nhận như vậy. Tiến sĩ Griffith Thomas nói rằng Sáng thế ký đoạn 3 này chính là khúc quanh của Kinh Thánh. Nếu nghi ngờ điều này, xin đọc đoạn 1-2 của sách Sáng thế ký và bỏ qua đoạn 3 sau đó tiếp tục đọc đoạn 4-11, chúng ta sẽ thấy có một khoảng trống cần phải được lấp vào, bởi vì có một điều gì đó đã xảy ra. Như chúng ta đã tìm hiểu trong đoạn 1 và 2 thấy con người không có tội lỗi, mọi việc đều hoàn hảo, và có sự thông công giữa Đức Chúa Trời và con người. Nhưng trong phút kế tiếp khi các bạn đọc đến Sáng thế ký đoạn 4-11, các bạn sẽ thấy sự ích kỷ, giận dữ, giết người, lừa dối, hung ác, hư hoại, phản nghịch, và phán xét. Câu hỏi được đặt ra, những điều này đến từ đâu? Nó bắt đầu từ lúc nào? Căn nguyên của tội lỗi đến từ đâu?

 

          Có một lời phát biểu liên quan đến đoạn 3 này:

“Tại đây chúng ta quay về cội nguồn của dòng sông lẽ thật thánh. Chúng ta trở về với một vở kịch lớn diễn lại bối cảnh của lịch sử con người, mà nó khởi sự 6000 ngàn năm trước đến nay vẫn chưa kết thúc. Chúng ta tìm thấy sự giải thích về sự sa ngã và tình trạng hư hoại của loài người. Tại đây chúng ta cũng học được bài học lừa dối khôn khéo của kẻ thù chúng ta là ma quỷ. Tại đây chúng ta cũng chứng kiến tình trạng bất lực của con người muốn đi trong con đường ngay thẳng khi ân điển bị rút khỏi. Tại đây chúng ta cũng khám phá ảnh hưởng thuộc linh của tội lỗi, khi con người tìm cách đi xa Đức Chúa Trời. Tại đây chúng ta cũng thấy thái độ của Đức Chúa Trời đối với tội nhân. Tại đây chúng ta đánh dấu khuynh hướng rộng lớn của bản chất con người, là cố gắng che đậy sự xấu hổ của mình bởi việc làm của chính tay mình. Tại đây chúng ta được cho biết sự ban cho ân điển, mà Đức Chúa Trời đã làm để đáp ứng nhu cầu rất cần thiết của chúng ta. Tại đây cũng bắt đầu lời tiên tri đi xuyên suốt Kinh Thánh. Tại đây chúng ta cũng học biết rằng con người không thể đến với Đức Chúa Trời, nếu không có người trung bảo.”  

 

          CON RẮN GIEO SỰ NGHI NGỜ LỜI CỦA CHÚA

          Trong phần đầu của đoạn này là sự cám dỗ con người.

 

          Sáng thế ký 3:1, “Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?”

 

          Câu hỏi được nêu lên: Tại sao có sự cám dỗ? Nếu chúng ta quay trở lại đoạn 1 và đoạn 2, chúng ta thấy con người được tạo dựng không có tội lỗi. Con người thánh thiện, tức là vô tội. Sự thánh thiện này kéo dài đến khi con người bị cám dỗ. Các bạn thấy sự cám dỗ có thể sẽ làm cho các bạn được tiến lên, hay sẽ hủy diệt các bạn. Trong vườn Ê-đen không phải chỗ nóng, và con người cũng không ở trong nhà nóng. Cá tính của con người không phát triển cho đến khi đối diện với sự cám dỗ. Con người được tạo dựng có trách nhiệm, và trách nhiệm của con người là làm vinh hiển, vâng lời, phụng sự và phục tùng theo sự cai trị thánh của Chúa.

 

          Con người không tự tạo dựng chính mình, nhưng Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người. Và Đức Chúa Trời không độc đoán trong những gì mà Ngài đặt để. Chúa nói với con người: “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng thế ký 2:17)

 

          Đây không phải là cây duy nhất trong vườn để ăn. Nó sẽ là sự độc đoán khi con người bị chết đói, mà không được phép ăn bất cứ trái cây nào trong vườn. Có rất nhiều trái cây trong vườn và được tự do ăn, con người không cần phải ăn trái biết điều thiện và điều ác. Vì thế, chúng ta thấy con người là một tạo vật có trách nhiệm.

 

          Trong câu thứ nhất này, chúng ta được nghe đến ‘con rắn.’ Ngay lập tức chúng ta có lý do để hỏi: Con rắn đến từ đâu? Cách nào nó vào vườn Ê-đen? Cho đến lúc này Lời của Chúa nói cho chúng ta biết, con rắn không phải là một loại bò sát. Chúng ta không được nói cho biết cách nào nó vào được trong vườn. Chúng ta chỉ được nghe nói nó đã vào vườn. Con rắn là một tạo vật được sử dụng bởi Sa-tan. Đó có phải chính là cách mà Sa-tan đang sử dụng trong ngày hôm nay không? Sứ đồ Phao-lô viết trong thư Cô-rinh-tô: “Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng.” (II Côrinhtô 11:14)

 

          Sách Khải huyền nói về Sa-tan nhiều hơn bất cứ sách nào khác trong Kinh Thánh. Khải huyền 12:9, “Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.”

 

          Loài vật này không phải là con rắn bò sát như chúng ta thấy ngày hôm nay. Đó không phải là hình ảnh mà Lời của Chúa nói về nó. Khải huyền 20:2, “Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỉ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm.” 

 

          Loài tạo vật này có nhiều khả năng. Không có sự tường thuật nguồn gốc của nó trong sách Sáng thế ký. Nhưng trong Ê-sai 14 và Ê-xê-chi-ên 28 nói cho chúng ta biết nguồn gốc của nó.

 

          Sáng thế ký 3:2-3, “Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng.”

 

          Tại sao con rắn đến cám dỗ người nữ? Tại sao nó không đến với người nam? Khi Chúa dựng nên A-đam, Ngài nói với ông rằng, ông được phép ăn mọi thứ trái cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Người nữ được tạo dựng sau, và người nữ nghe lại những lời này từ người nam. Cho nên con rắn đến cám dỗ người nữ trước.  

 

          Có thể người nữ được dựng nên với thể chất yếu đuối hơn người nam. Người nữ có nhiều sự thương xót và cảm thông hơn, người nữ có thể rộng mở hơn người nam. Vì thế có lẽ người nữ có bản tánh hiếu kỳ hơn người nam. Bởi tính hiếu kỳ đó người nữ thường dễ bị lôi cuốn theo tà giáo hơn người nam.

 

          Sa-tan biết kế hoạch mình tiến hành. Chúng ta lưu ý cách làm của Sa-tan. Khi nó đến với người nữ trong phương cách rất khôn khéo. Nó hỏi người nữ câu hỏi để gieo sự nghi ngờ. “Mà chi, Đức Chúa Trời há có phán dặn ngươi, không được phép ăn các trái cây trong vườn sao?” Sa-tan gieo sự nghi ngờ và hiếu kỳ vào trong người nữ. Người nữ đáp lại: “Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng.” Chúng ta lưu ý đến câu trả lời của người nữ “e khi hai ngươi phải chết chăng.”

 

          CON RẮN SỬA LỜI CỦA CHÚA

 

          Sáng thế ký 3:3-4, “Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.”

 

          Con rắn sửa lại Lời của Chúa: “hai ngươi chẳng chết đâu.” Sa-tan nêu ra một nghi vấn về tình yêu và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Nếu Chúa có lòng tốt, thì sao Ngài còn ngăn cấm không cho ăn trái cây đó. Sa-tan nói như vậy, Chúa đâu có ngay thật, nó nói tiếp thêm lời dối này: “hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.”       

 

          Việc Ê-va đã làm là thêm vào Lời của Chúa. Những ai tự tiện thêm vào Lời của Chúa sẽ bị Chúa cảnh cáo. Những tà giáo thường thêm vào Lời của Chúa, Chúa luôn chống lại điều này. Ngày nay có nhiều người nói rằng, chúng tôi được cứu bởi luật pháp. Họ lý luận rằng: Chúng ta có đức tin, nhưng cần phải thêm những điều khác nữa. Và thế là họ thêm vào mọi thứ. Lời Chúa trong sách Giăng 6:29 chép rằng: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài.”

 

          Con rắn rất quỷ quyệt chống lại Đức Chúa Trời, nó phụ thêm vào lời của Chúa. Trong sách Rô-ma dạy chúng ta sự vâng lời bằng đức tin. Đức tin dẫn đến sự vâng lời, và người không tin dẫn đến sự không vâng lời. Nghi ngờ luôn đưa đến sự không vâng lời.   

 

          NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ KHÔNG VÂNG LỜI CHÚA

 

          Sáng thế ký 3:6 “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.”

 

          Hãy lưu ý đến lời mời của con rắn, nghe rất hấp dẫn. Trái cây này rất ngon để ăn. Chẳng những vậy thôi, nó lại quý để mở mắt, mở trí khôn.

 

          Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-xu cũng giống như vậy, khi Sa-tan đem Chúa Giê-xu vào trong đồng vắng (Ma-thi-ơ 4, Mác 1, Lu-ca 4). Trước hết Sa-tan nói với Chúa “hãy khiến đá này trở nên bánh đi.” Đây là lời kêu gọi để thỏa mãn cơ thể đang đói, giống như trái cây ngon để ăn. Sau đó, Sa-tan chỉ cho Chúa Giê-xu các nước trong thế gian, nó sẽ được ban cho Ngài, nếu Chúa chịu thờ lạy Sa-tan, đó là sự cám dỗ, kích động tâm trí, cũng giống như trái cây ngon, đẹp mắt. Cuối cùng Sa-tan nói “hãy nhảy xuống khỏi đền thờ đi,” đây là kích động về niềm tin tôn giáo của con người. Ngày hôm nay ma quỷ tiếp tục dùng chiến thuật này để cám dỗ mỗi chúng ta. Nó chưa cần thay đổi chiến thuật, vì cách cám dỗ của nó vẫn còn hữu hiệu làm cho biết bao người sa ngã.

 

          Sứ đồ Giăng viết: “Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.” (I Giăng 2:16)

 

          “Sự mê tham của xác thịt” Đó là trái ngon để ăn.“Sự mê tham của mắt.” Đó là trái cây đẹp mắt. “Sự kiêu ngạo ở đời.” Trái cây này mở trí khôn. Tất cả những điều này không đến từ Chúa Cha, nhưng đến từ thế gian. Chúa Giê-xu nói, những tội lỗi của xác thịt đến từ (sâu) bên trong con người. Đây là phương cách Sa-tan dùng để cám dỗ. Đây cũng là phương cách nó dùng để kéo con người đi lạc hướng. Và Sa-tan đã thành công. Những lời cám dỗ của Sa-tan nói rằng, khi ăn trái cấm sẽ biết điều thiện và điều ác. Và điều gì đã xảy ra? Giờ đây chúng ta biết kết quả của việc con người sa ngã.          

 

          “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” (Sáng thế ký 3:7)

 

          “Và mắt hai người đều mở ra.” Điều nầy ám chỉ đến lương tâm của họ. Trước khi sa ngã, con người không cần đến lương tâm, vì họ vô tội. Vô tội vì không biết những điều xấu. Con người không làm nên lương tâm. Lương tâm là một nguyên cáo đang sống bên trong mỗi chúng ta. Một nhà tâm lý học Cơ Đốc nói rằng tội lỗi rất phức tạp, nó chiếm hữu và ngự trị khắp trong con người của ông. Con người không thể tránh khỏi sự phức tạp của tội lỗi về phương diện tâm lý.

 

          “Và họ biết rằng mình lõa lồ; bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” Có bao giờ bạn chú ý rằng, cây vả là một cây duy nhất được đề cập tới? Những lá vả che đậy nhưng không thật sự bao phủ. A-đam và Ê-va đã không xưng tội; họ chỉ gắng sức che đậy tội của họ. Họ đã không sẵn sàng thừa nhận tình trạng hư mất của mình.

 

          Đây cũng là tình trạng của con người ngày nay trong tôn giáo. Họ cố gắng thực hành mọi nghi lễ, tham gia vào nhà thờ, và cũng trở nên người có tôn giáo. Trong sách Tin lành ghi lại việc Chúa Giê-xu rủa sả cây vả, khi Ngài thấy nó có cành lá sum sê nhưng không có trái (Ma-thi-ơ 21:18-20). Tương tự như vậy, Chúa Giê-xu tố cáo những người đương thời đang dùng những hoạt động tôn giáo để che đậy tội lỗi. 

 

          Trong sự cám dỗ này, Sa-tan xen giữa con người và Đức Chúa Trời. Nói cách khác, nó muốn dứt con người ra khỏi mối quan hệ với Đức Chúa Trời, để kéo con người trở về với nó, nó muốn trở thành chúa của con người. Trong ngày đó, sự cám dỗ con người không phải là sự thu hút vật chất. Sa-tan không cám dỗ con người ăn cắp, tham lam, hay nói láo. Nó cám dỗ con người nghi ngờ Đức Chúa Trời. Đó cũng là những gì mà Chúa Giê-xu nói trong thí dụ về cỏ lùng, khi người không tin Đức Chúa Trời gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. (Ma-thi-ơ 13).

 

          Hãy lưu ý đến phương cách của Sa-tan, trước nhất Ê-va thấy trái cây đó ngon, thứ hai là đẹp mắt, thứ ba là lòng mong muốn mở trí khôn. Sa-tan cám dỗ từ bên ngoài đến bên trong.

 

          Mặt khác, Đức Chúa Trời khởi sự từ tấm lòng con người. Tôn giáo là những gì mà các bạn dùng để thoa bên ngoài, Đức Chúa Trời không bắt đầu với tôn giáo. Bởi vì có rất nhiều tôn giáo, nhưng Chúa Giê-xu nói đến điểm quan trọng nhất: “Các ngươi phải sanh lại.”

 

          Chúa Giê-xu nói với những người Pha-ri-si là những người luôn phô trương tôn giáo bên ngoài, như cố gắng rửa sạch chén dĩa. Bên trong của họ giống như lăng mộ đẹp, bên ngoài với đá cẩn và bông hoa, nhưng bên trong chứa bộ xương người chết. Điều này đưa cho chúng ta bức tranh của A-đam và Ê-va, thay vì họ ăn năn tội lỗi mình, họ lại lấy lá cây vả đóng khố che thân. Có thể nói cho các bạn rằng ngày hôm nay có nhiều ‘khố lá vả thời trang.’ Con người chỉ đi nhà thờ, hoạt động tôn giáo, làm việc lành thay thế cho việc ăn năn tội lỗi trong lòng.       

 

          Sáng thế ký 3:8-9, “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?”

 

          Tôn giáo sẽ phân rẽ chúng ta với Đức Chúa Trời – và A-đam bị lạc mất. Khi A-đam lạc mất, Chúa đi tìm kiếm ông, không phải A-đam tìm Chúa.

 

          Sáng thế ký 3:10-12, “A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình. Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.”

 

          Chúng ta lưu ý rằng A-đam không có ăn năn tội, A-đam cố gắng đổ lỗi cho Ê-va, rõ rằng A-đam không chịu nhận trách nhiệm tội lỗi.

 

          Sáng thế ký 3:13, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Người có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi.”

 

          Bà Ê-va cũng như chồng, không nhận trách nhiệm tội lỗi của mình và đổ cho con rắn.

 

          ĐỨC CHÚA TRỜI HOẠCH ĐỊNH TƯƠNG LAI

 

          Con người là một tạo vật của Đức Chúa Trời nhưng nay xoay lưng lại với Ngài. Chúa đối với con người thế nào? Con người có đáng bị hình phạt không?

 

          Sáng thế ký 3:14, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời.”   

 

          Con rắn chắc chắn rằng nó không phải là loại bò sát như chúng ta thấy hôm nay. Lúc ban đầu nó rất khác biệt so với khi bị rủa sả. Đức Chúa Trời công bố sự đoán phạt trên Sa-tan mà nó cũng ảnh hưởng đến cả con người.

 

          Nên học thuộc lòng câu 15 kế tiếp, câu này rất cần thiết cho chúng ta. Trong câu này có lời tiên tri đầu tiên đề cập sự đến thế gian của  Đấng Mê-si-a, hay Đấng Cứu Thế. Sáng thế ký 3:15 “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.”      

 

          Ta sẽ làm cho mầy (đó là Sa-tan) cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người (chỉ về ‘dòng dõi’ người nữ, chính là Đấng Christ) sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người. 

 

          Đây là lời tiên tri rất quan trọng cho chúng ta. Ý tưởng này không phải nói về sự chiến thắng sẽ đến, nhưng là một sự tranh chiến kéo dài. Câu này tỏ cho chúng ta thấy sự tranh chiến giữa thiện và ác vẫn còn đến hôm nay. Điều này chính xác với những gì mà chúng ta thấy trong suốt phần còn lại của Kinh Thánh. Chúa Giê-xu nói lời Ngài liên hệ với sự tranh chiến:  

 

          “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.” (Giăng 8:44)

 

          Ma quỷ tức là Sa-tan. Chúa Giê-xu phân biệt sự khác nhau giữa con cái của Đức Chúa Trời và con cái ma quỷ. Giăng, một lần nữa nói đến sự đối nghịch này: “Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỉ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.” (I Giăng 3:10)

 

          Điều này đem chúng ta đến một sự kiện, có sự chống nghịch giữa hai dòng dõi trong thế gian. Sự chiến thắng sau cùng, sau một cuộc tranh chiến lâu dài. Mỗi người phải đối diện với sự cám dỗ và phải thắng cuộc chiến nầy. Trước khi Đấng Christ đến, muốn có sự chiến thắng, do nhờ sự vâng lời trong đức tin. Sau khi Đấng Christ đến, chúng ta được xác nhận chính mình với Đấng Christ qua đức tin. Được cứu rỗi có nghĩa gì? Có nghĩa là được ở trong Đấng Christ.

 

          Con người là một ưu tiên trong thứ tự của tạo vật: thiên sứ, con người và thú vật. Loài vật không có sự lựa chọn, nhưng con người và thiên sứ có sự lựa chọn. Tại đây các bạn có vui lòng về sự lựa chọn của con người không? Con người quyết định, và phải nhận lãnh trách nhiệm cho sự quyết định mà mình đã làm.

 

          Xin chú ý đến lời nói “dòng dõi người nữ.” Không nói đến dòng dõi người nam. Tại đây ám chỉ đến sự giáng sinh của Đấng Christ bởi nữ đồng trinh.

 

          Khi Đức Chúa Trời đi vào trong vườn tìm kiếm con người. Ngài hỏi “Ngươi ở đâu?” Có người nói đây là câu chuyện con người tìm kiếm Đức Chúa Trời. Không đúng, đây không phải là cách Đức Chúa Trời nói. Nhưng phải nói rằng: sự cứu rỗi là Đức Chúa Trời tìm kiếm con người. Con người chạy xa cách Chúa, và Đức Chúa Trời gọi: “Ngươi ở đâu?”

 

          Tiến sĩ Griffith Thomas có lời giải nghĩa như sau: “Đây là sự kêu gọi công chính của Chúa, vì Ngài không chấp nhận tội lỗi. Đây là sự kêu gọi đau buồn khi nhìn đến tội nhân. Đây là sự kêu gọi yêu thương thánh, vì nó ban cho sự cứu chuộc tội lỗi.” Chúng ta có tất cả những điều này trong Sáng thế ký 3:15, với lời hứa về sự đến của Chúa Cứu Thế.

 

          Đức Chúa Trời tìm kiếm con người là bức tranh xuyên suốt Kinh Thánh. Chúa Giê-xu nói trong Giăng 15:16 “Ấy chẳng phải là các ngươi chọn ta, bèn là ta chọn và lập các ngươi.” Và chúng ta cũng có thể nói như sứ đồ Giăng “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19). Đức Chúa Trời đang tìm kiếm con người và ban cho sự cứu rỗi, nhưng sẽ có một sự tranh chiến lâu dài sẽ xảy ra.

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới