Halloween: Lễ Hội Quái Gở Của Bóng Tối Và Sự Chết

 

Halloween: Lễ Hội Quái Gở Của Bóng Tối Và Sự Chết           

  Hh

 

 

Lễ hội Halloween đã trở nên khá phổ biến trong nhiều năm gần đây. Nó gắn liền với các hoạt động như trò trẻ con đi từ nhà này sang nhà khác trêu chọc và quậy phá để đòi bánh kẹo (treat-or-trick), hội hóa trang với mặt nạ và trang phục ma quỷ (ghoulish masks and costumes), chơi lồng đèn có khuôn mặt quái dị làm bằng quả bí ngô (jack-o’-lanterns), đốt lửa hiệu (bonfire), trò dùng miệng để câu quả táo trong thùng nước (apple bobbing)… Halloween đã phát triển thành hoạt động hằng năm trên toàn cầu, tiêu tốn hàng tỷ đô-la, dành cho mọi lứa tuổi. Tại các nước Âu-Mỹ, hàng loạt các sự kiện nhân dịp này được quảng cáo, từ những chuyến du lịch ma, những chuyến tàu ma, lễ hội hồn ma, tiệc ma thâu đêm, cho đến việc ngồi đồng gọi hồn…

Halloween đã du nhập vào Việt Nam và được khuếch trương như là hoạt động tiệc tùng vui đùa của thanh thiếu niên. Đây là cơ hội thương mại cho các nhà tổ chức sự kiện, lôi kéo nhiều người tham gia tìm thú vui trong các sinh hoạt liên quan đến Halloween – bất chấp sự quái gớm của nó – mà không hiểu nguồn gốc và bản chất tối tăm của lễ hội này. Nhiều bậc phụ huynh mua cho con em mình những bộ quần áo và mặt nạ ma quỷ, đồ dùng của phù thủy với suy nghĩ ma quỷ sẽ tránh xa con em mình khi thực hiện việc hóa trang quái gở này; thậm chí chỉ đơn giản là thấy người ta mua bán, ăn mặc trang phục ma quỷ thì cũng cho con em mình tham gia theo. Điều đáng buồn là một số Cơ Đốc Nhân cũng hưởng ứng các hoạt động nhân dịp lễ Halloween vì cho rằng đó chỉ là sự vui chơi tiệc tùng.

Bài khảo cứu này nhằm mục đích giúp người đọc hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của lễ hội Halloween; và nhận thức việc mình có nên tham gia bất cứ điều gì liên quan đến Halloween hay không, dựa trên ánh sáng của Lời Chúa.

 I. Nguồn Gốc Tối Tăm Của Lễ Hội Halloween

Lễ hội Halloween ngày nay có nguồn gốc từ những nghi lễ thờ cúng xa xưa của những tu sĩ Druid cách đây khoảng 2000 năm[1]. Nhà nghiên cứu tôn giáo George Mather khẳng định, “Tất cả những hoạt động phổ biến liên quan đến Halloween đều có nguồn gốc từ những tục lệ tôn giáo của tu sĩ Druid và người Xên-tơ (Celt) cổ xưa”[2].

Druidism là một tôn giáo cổ xưa của người Xên-tơ ở Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và xứ Gaul, thờ phượng các thế lực siêu nhiên bằng cách thiền định, kinh cầu và cúng bái, trong đó có việc thờ phượng thần Ba-anh gớm ghiếc như người dân xứ Ca-na-an trong thời Cựu Ước[3]. Các nhà sử học đã đề cập đến mối liên hệ giữa người Ca-na-an (Phoenician) và người Xên-tơ trong thời kỳ cổ đại; và những ảnh hưởng của việc thờ thần Ba-anh trên người Xên-tơ [4].  Các bằng chứng khảo cổ học cũng cho thấy nhiều gốc tích từ người Ca-na-an trong đời sống của cư dân Britons và Ái Nhĩ Lan, Sir Betham thuật lại rằng, “Trên một bàn thờ đá, được khai quật gần Kirby Thore, ở Westmorland, có khắc dòng chữ, ‘DEO BEL ATUCADRO IB[ERUM] VOTUM FECIT IOLUS’”, được dịch nghĩa là, “Dâng lên cho Ba-anh, bạn của con người, Iolus đã lập lời thề”[5]. Trên thực tế, cả người Ca-na-an và người Xên-tơ đều dâng tế lễ mùa thu lên cho thần Ba-anh, mà người Xên-tơ gọi là “Baal-tinnes”.

Samhain [phát âm là sah-win] vốn là lễ hội nổi lửa trong ba ngày khi các tu sĩ Druid thực hiện việc dâng sinh tế bằng sinh mạng người cùng các nghi lễ ghê tởm để thờ cúng các thần linh, trong đó có Ba-anh và ma quỷ để khẩn cầu sự che chở, bảo vệ, sự sinh sản và vụ mùa bội thu[6]. Buổi tối ngày 31 tháng Mười, các tế lễ được dâng lên cho Sanhain, chúa của bóng tối và sự chết, mang biểu tượng là thần dê và thần sơn dương[7], cùng với nghi lễ dâng lửa cho thần Ba-anh, “Vào rạng ngày 1 tháng Mười Một, những ngọn lửa được dâng lên như là của lễ tạ ơn thần Ba-anh”[8]. Các nghi lễ ghê tởm của các tu sĩ Druid gồm cả việc dâng sinh tế bằng trẻ em trong đêm Samhain. Giáo sư sử học Nicholas Roger thuộc trường Đại học York cho biết, “Những tế lễ được đề cập đến trong một bài thơ thuộc tập thơ Dindshenchas có việc dâng trẻ em làm sinh tế mỗi kỳ lễ Samhain”[9]. Merle Severy, trong bài viết đăng trên tạp chí National Geographic, mô tả, “Trẻ em đầu lòng được hiến tế cho thần linh để đảm bảo cho sự bội thu của mùa màng và các đàn gia súc. Đêm trước ngày lễ Samhain là thời điểm của sự nguy hiểm và kinh khiếp”[10]. Bách khoa toàn thư Harper’s Encyclopedia of Mystical & Paranormal Experience cho biết các tu sĩ Druid uống máu và ăn thịt các nạn nhân, Họ [các tu sĩ Druid] hiến tế các nạn nhân bằng cách bắn nạn nhân bằng tên, xiên các nạn nhân trên cọc, cắt cổ các nạn nhân trên những chiếc nồi lớn (và rồi uống máu)…”[11]. Các tư liệu lịch sử từ những ghi chép của Julius Caesar, Lucan, Suetonius và Cicero cũng xác nhận rằng các tu sĩ Druid đã thực hiện việc hiến tế mạng người trong các nghi lễ thờ cúng các vị thần và ma quỷ[12]. Những tư liệu này ban đầu bị cho là những quan điểm thành kiến, nhưng trong những năm gần đây đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc bởi những bằng chứng khảo cổ học về việc hiến tế mạng người và tục ăn thịt người của tu sĩ Druid[13].

Các tu sĩ Drud dạy rằng trong đêm trước ngày lễ Samhain, ranh giới giữa sự sống và sự chết trở nên mù mịt, và hồn ma của người chết quay trở lại dương thế tìm người sống để nhập vào. Người ta cũng tin rằng những phù thủy, yêu tinh yêu quái, ma cà rồng, quỷ sứ đều đi lang thang khắp nơi trong đêm này. Do đó, người dân phải hóa trang với những trang phục và mặt nạ ma quỷ để hù dọa và đánh lừa các hồn ma và yêu quái không đến gần mình. Người dân cũng đặt bánh kẹo và thức ăn bên ngoài nhà để thết đãi yêu ma với mong muốn chúng không phá rối gia đình mình. Lửa hiệu và lồng đèn bí ngô được đốt lên là để xua đuổi yêu ma, quỷ quái, soi đường cho chúng và giữ chúng cách xa khỏi người sống[14].

Năm 835, giáo hoàng Gregory IV chính thức ký sắc lệnh chuyển ngày lễ All Saints’ Day từ ngày 13 tháng Năm sang ngày 1 tháng Mười Một, cùng ngày với lễ Samhain, nhằm thay thế các nghi lễ của người Xên-tơ khi Thiên Chúa giáo lan truyền đến Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và xứ Gaul[15]. Ngày lễ All Saints’ Day còn được gọi là All Hallows’ Day khi chữ Hallow được dùng để thay thế chữ Saint. Đêm trước ngày lễ All Hallows’ Day vì thế được gọi là All Hallows’ Eve (31 tháng Mười), và được rút gọn thành Halloween. Vì bản chất của ngày lễ All Saints’ Day (và lễ All Souls’ Day trong ngày 2 tháng Mười Một) vốn là tưởng nhớ và tôn vinh những người đã chết[16], nên những niềm tin và tập quán liên quan đến lễ Samhain vẫn tiếp tục được lưu truyền trong đêm Halloween. Jack Santino viết, “Nhiều tín ngưỡng và phong tục truyền thống liên quan đến lễ Samhain… vẫn tiếp tục được thực hành trong đêm 31 tháng Mười – được gọi là Eve of All Saints, hay là Eve of All Hallows. Đó là sự giải thích cho chữ Hallow Evening vốn đem đến cho chúng ta tên gọi Halloween”[17]. Lesley Pratt Bannatyne nhận định, “Thay vì xóa bỏ các hủ tục, các lãnh đạo giáo hội lại tạo phiên bản Cơ Đốc cho chúng: kể từ thời đại Trung Cổ, All Saints’ Day và All Souls’ Day đã thay thế các lễ hội bóng tối và sự chết của người Xên-tơ cổ xưa”[18]. James Bonwick cũng có đồng quan điểm, “All Saints’ Day đã kế tục lễ hội ngoại giáo Samhain trong đêm cuối tháng Mười”[19].

II. Halloween Và Sự Thờ Phượng Sa-tan Cùng Các Hoạt Động Của Bóng Tối Và Sự Chết

Ngày nay, Halloween trở thành một đêm quan trọng của Sa-tan giáo, Tân ngoại giáo (Neo-paganism) và các thuật sĩ phù thủy. “Witches’ Sabbath” [Cuộc tụ họp lúc nửa đêm của những phù thủy để tuyên thệ trung thành với Sa-tan] và “Black Mass” [Nghi lễ khẩn cầu Sa-tan] được cử hành tại giáo đường của Sa-tan vào đêm 31 tháng 10. Đây là đêm mà các nghi lễ thờ phượng Sa-tan được thực hiện cùng với việc dâng sinh tế bằng máu người trên bàn thờ.

Anton Lavey, người sáng lập Sa-tan giáo đã khẳng định, “Hai ngày lễ ma vương quan trọng nhất là Walpurgisnacht và Halloween”[20]. Người này cũng tuyên bố rằng, “Tôi rất vui khi các bậc phụ huynh Cơ Đốc để cho con em mình thờ phượng ma quỷ ít nhất một đêm trong năm”[21] [ám chỉ đến việc tham gia các hình thức lễ hội Halloween]. Sa-tan và những kẻ thờ phượng nó biết tận dụng sự ham thích thú vui, ưa những điều huyền bí và tính nổi loạn của con người, để khiến cho nhiều người chạy theo nó cách công khai hoặc vô thức trong các hoạt động liên quan đến Halloween. Johanna Michaelsen, người nghiên cứu những điều huyền bí tiết lộ rằng, “Halloween là mùa quan trọng để Sa-tan giáo thu hút và tuyển giáo đồ”[22].

Blanche Barton, nữ tế thượng phẩm của Sa-tan giáo đã đề cao lễ hội Halloween trên trang web The Church of Satan, “Nó [Halloween] cho những người thậm chí là ngờ nghệt nhất cơ hội để nếm trải những xấu xa đồi bại trong một đêm. Họ có dịp để nhảy múa với ma quỷ. Tôi thấy những giáo đồ của Sa-tan trên toàn thế giới nhóm nhau lại từng nhóm nhỏ trong đêm này và Halloween 500 năm nữa, để nâng cốc chúc mừng chúa của địa ngục”[23].

Chính vì nguồn gốc và bản chất tăm tối, gớm ghiếc của Halloween, cho nên không lạ gì khi nó là đêm hoan hỉ trong sự tán tụng quyền lực của bóng tối và thực hành những hoạt động xấu xa trụy lạc nhất của Sa-tan giáo.  Sa-tan lịch qui đinh, “All Hallows’ Eve (Halloween): Một trong hai đêm quan trọng nhất trong năm. Những nỗ lực được thực hiện để phá vỡ mối liên kết giữ chặt những cánh cửa đóng lại với âm ti địa ngục. Những nghi lễ máu và tình dục. Sự liên hiệp nhục dục với ma quỷ. Tế lễ bằng súc vật và mạng người –  giống đực hay giống cái”[24].

Halloween cũng là đêm lễ trọng của Tân Ngoại giáo và giới thuật sĩ phù thủy ngày nay. Theo Witches Calendar, Halloween là kỳ lễ trọng đại nhất trong số tám kỳ lễ hội gọi là Sabbats, được các phù thủy tổ chức hằng năm. Họ xem Halloween như là đêm Giao Thừa, được thực hiện với những nghi lễ thần bí, ma mị[25]. Nhà nhân loại học Geoffrey Clarfield, đã thưc hiện cuộc phỏng vấn với Catherine Starr [giáo sĩ Tân ngoại giáo tại trường Đại học Toronto], cho biết rằng trong đêm Halloween, các phù thủy thực hiện nghi lễ cầu khấn và gọi hồn, mời các thần linh và người chết cùng tham gia dạ tiệc và nhảy múa[26].

Mặc dù giới thuật sĩ phù thủy cho rằng Tân ngoại giáo không thờ phượng Sa-tan, nhưng trong cuốn sách Witchcraft: Theory and Practice [một cẩm nang phổ biến hướng dẫn ma thuật], có sự tuyên bố rõ ràng rằng, “Chúa của thuật sĩ phù thủy… ngài là chủ tể của âm ti… ngài là Baphomet, Lucifer, Baal”[27].

Jean Markale, nhà nghiên cứu về văn hóa truyền thống Xên-tơ phơi bày việc tham gia lễ hội Halloween là dự phần vào công việc được dẫn dắt bởi chúa của bóng tối, “Bước vào thế giới Halloween thật sự là khởi đầu của một hành trình đầy nguy hại, được dẫn dắt và theo dõi của thế lực ẩn sau bóng tối, theo từng bước đi của người mới gia nhập vào mê cung – một thế giới khác”[28].

Tại các nước Âu Mỹ, vào đêm Halloween hằng năm, nhiều phụ huynh để cho con em mình mặc các bộ quần áo ma quỷ và đi gõ cửa hết nhà này đến nhà kia để xin kẹo bánh; hoặc những thanh thiếu niên, cả tại các nước Á châu, tham gia lễ hội hóa trang với các trang phục, mặt nạ quái gớm thành ma quỷ hoặc phù thủy “mà không ý thức rằng dạ hội hóa trang nầy thực sự là tàn dư của nghi lễ thờ cúng của các tu sĩ Druid thời cổ xưa”[29].

Các vật trang trí trong lễ Halloween ngày nay, đặc biệt là sọ người, là biểu tượng và khí cụ nổi bật của phép thuật phù thủy và sự thờ cúng ma quỷ thời xưa[30]. Những chiếc lồng đèn bí ngô – biểu tương gớm ghiếc của sự chết và thế giới tà linh[31] – ngày nay được trình bày theo đúng hình thức truyền thống trong ngày lễ Samhain của người Xên-tơ cổ xưa. Đó là những quả bí ngô khoét rỗng khắc hình chiếc đầu cắt rời của người chết với những hốc mắt và mũi hình tam giác và nụ cười nhe răng, với mục đích dọa các hồn ma tránh xa người sống[32].

Với bản chất tối tăm, ma quỷ và nổi loạn, Halloween khiến người tham gia dễ trở nên ngược ngạo, côn đồ và trụy lạc. Gerina Dunwich viết về những tác động ghê gớm của lễ hội này, “Nhiều người nói rằng Halloween làm lộ ra mặt độc ác trong bản chất của con người. Những hành động phá hoại, gây thương tích xảy ra hằng năm vào dịp Halloween hiển nhiên xác chứng cho điều đó…”[33]. Nicholas Roger phải thốt lên rằng, “Đó là một cơ hội để người ta thực hiện những ham muốn dục vọng và những chuyện kỳ quặc. Halloween rõ ràng là một đêm của sự đảo lộn mọi trật tự”[34]. David Skal mô tả chi tiết hơn về những hệ quả nguy hại này, “Halloween đã luôn là đêm của sự hỗn loạn và vô nhân. Người ta có thể tự do vứt bỏ nhân phẩm. Đàn ông mặc trang phục đàn bà, và ngược lại. Sự tin cậy có thể bị cười nhạo và người ta mặc nhiên lừa dối nhau”[35]. Thật không ngạc nhiên khi giới đồng tính luyến ái tại Mỹ ngày nay xem Halloween là dịp lễ hội để tưng bừng tổ chức các dạ tiệc trụy lạc và những cuộc diễu hành đồng tính lòe loẹt trên đường phố[36].

III. Cơ Đốc Nhân và Halloween

Halloween không chỉ trở thành một lễ hội thế tục tại các nước Âu Mỹ mà đã du nhập vào các nước châu Á. Tại Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh cho con em tham gia vào các hình thức Halloween như là một trò vui; các thanh thiếu niên thì bị thu hút vào các hoạt động hóa trang vui chơi nhân dịp Halloween. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có nên tham gia vào các hoạt động này không? Thanh thiếu niên Tin Lành có thể dự phần vào các lễ hội hóa trang trong đêm Halloween, khoác lên mình những bộ trang phục, mặt nạ ma quỷ hay phù thủy để vui chơi,  hoặc các bậc phụ huynh Cơ Đốc có thể mua cho con em mình những bộ trang phục và đồ chơi Halloween hay không – khi biết rằng tất cả những điều này đều là sự thể hiện của lễ hội tối tăm và những nghi lễ thờ phượng tà thần gớm ghiếc?

Halloween là lễ hội của bóng tối và sự chết. Là những người đã được cứu chuộc bởi huyết của Chúa Cứu Thế Jesus, Cơ Đốc Nhân đừng tham dự vào sự tối tăm của lễ hội Halloween dưới bất cứ hình thức nào. Một số người cho rằng, Halloween chỉ là hoạt động vui chơi đơn thuần, không nên nghiêm trọng hóa, và cần tham gia để hòa đồng với bạn bè và xã hội. Hãy nghe bác sĩ David Enoch, chuyên gia tâm thần học tại bệnh viện Royal Liverpool và trường Đại học Liverpool nhìn nhận, “Các hoạt động Halloween mở đường cho những điều huyền bí và các lực lượng siêu nhiên [tà linh] đi vào đời sống con người mà họ không thể nào hiểu được và cũng không chống lại được… ”[37]. Hans Biedermann cho biết, “Người mang mặt nạ cảm thấy sự biến đổi bên trong và ngay lúc ấy có những đặc tính của thần hay ma quỷ mà chiếc mặt nạ đó thể hiện”[38]. Cơ Đốc Nhân cần nhớ sự cảnh tỉnh của Lời Chúa, “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8).

Chúa Jesus cầu nguyện cho chúng ta, “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.” (Giăng 17:15-17). Vì vậy, thay vì tham dự vào bất cứ hình thức nào của Halloween, Cơ Đốc Nhân cần sống theo Lời Chúa dạy và dành cơ hội để chia sẻ lẽ thật của Phúc âm. “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn” (Ê-phê-sô 5:10-11).

– Psalm Nguyen

 

[1] George William Douglas. The American Book of Days (HW Wilson Co. 1937), 566. Xem thêm, World Book Encyclopedia, quoted in Atlanta Journal and Constitution, Associated Press. Oct. 16, 1977. Xem thêm, Lindsay John. Ed, Encyclopedia of Religion (Thomson Gale, 2005), 2492

[2] George A. Mather and Larry A. Nichols. Dictionary of Cults, Sects, Religions and the Occult (Zondervan, 1993), 237

[3] George William Douglas, The American Book of Days, 569. Người Ca-na-an thờ cúng thần Ba-anh ở nơi cao. Họ đã dẫn dụ dân Y-sơ-ra-ên cùng làm những điều xằng bậy như: Nhân danh thần Ba-anh nói tiên tri (Giê 2:8), tà dâm (Giê 7:9), tự tàn hại mình, (I Các 18:28), dâng con làm của lễ thiêu cho Ba-anh (Giê 19:5) và hôn hình tượng (I Các 19:18; Ôs 13:2).

[4] William Betham, The Gael And Cimbri (Dublin: William Curry Co., 1834), 222-223. Xem thêm, Alexander Martin Sullivan, The Story of Ireland (Dublin, M. H. Gill, 1910), 12

[5] Ibid

[6] Julius Caesar, The Gallic War, H. J. Edwards trans (New York: Dover Publications, 2006), 104

[7] Sue Ellen Thompson, Holiday Symbols and Customs, (Omnigraphics, Inc. 2003), 251

[8] Ruth E. Kelley, The Book of Hallowe’en (Lothrop, Lee and Shepard Co., Boston, 1919), 86

[9] Nicholas Rogers, Halloween: From Pagan Ritual to Party Night (Oxford University Press, 2003), 17

[10] Merle Severy, “The Celts”, National Geographic. May 1977, 625-626

[11] Rosemary Ellen Guiley. Harper’s Encyclopedia of Mystical & Paranormal Experience (Book Sales, 1994), 167

[12] Julius Caesar, The Gallic War , Ibid.

[13] Time-life Books, Ed. Ancient Wisdom and Secret Sects (AV: Time-Life Books, 1989), 17-19. Xem thêm, Lindow Man http://www.britishmuseum.org/explore/highlights/highlight_objects/pe_prb/l/lindow_man.aspx

[14] Larry A. Nichols, Ed, Encyclopedic Dictionary of Cults, Sects, and World Religions (Grand Rapid, Michigan: Zondervan, 2006), 442

[15] Ronald Hutton. The Stations of the Sun: A History of the Ritual Year in Britain (Oxford University Press, 1996), 365-369

[16] All Saints’ Day được giáo hoàng Boniface IV lập ra khi hiến tế đền thờ Pantheon tại Rome lên cho Mary và các thánh tử đạo vào ngày 13 tháng Năm năm 609 A. D. Boniface IV cũng lập ngày All Souls’ Day (kế theo sau ngày All Saints’ Day) để tưởng nhớ những người đã chết nhưng được cho là chưa vào thiên đàng.

[17] Jack Santino, ed, Halloween and Other Festivals of Death and Life (The University of Tennessee Press, Knoxville, TN 1994), xvi

[18] Lesley Pratt Bannatyne, Halloween: An American Holiday, an American History (Facts on File, Inc., New York, 1990), x

[19] James Bonwick, Irish Druids and Old Irish Religions (Dorset Press, 1986), 87

[20] Anton S. Lavey. The Satanic Bible. (Avon Books, 1976), 69. “After one’s own birthday, the two major Satanic holidays are Walpurgisnacht and Halloween (or All Hallows’ Eve)”. Walpurgisnacht, hay còn gọi là Witch’s Night – đêm những phù thủy gặp nhau, được tổ chức vào đêm 30 tháng Tư và rạng sáng 1 tháng Năm.

[21] David Warner, “Halloween, is it a trick or a treat?” http://www.faithfulbaptistchurch.com/uploads/Halloween_trickoratreat.doc

[22] Johanna Michaelsen., Like Lambs to the Slaughter (Harvest House Pub, 1989), 192

[23] “Halloween”, http://www.churchofsatan.com/halloween-xxxiv.php

[24] “Satanic Calendar”, http://www.theforbiddenknowledge.com/hardtruth/satanic_calendar.htm

[25] Gerina Dunwich., The Pagan Book of Halloween: A Complete Guide to the Magick, Incantations, Recipes, Spells, and Lore (Penguin Books, 2000), 120. Xem thêm. Larry A. Nichols, Ed, Encyclopedic Dictionary of Cults, Sects, and World Religions, 463

[26] Geoffrey Clarfield., “Halloween is a good time to be Wiccan”, http://news.nationalpost.com/full-comment/geoffrey-clarfield-halloween-is-a-good-time-to-be-wiccan

[27] Ly de Angeles, Witchcraft: Theory and Practice (Llewellyn Publications, 2000), 60

[28] Jean Markale, The Pagan Mysteries of Halloween: Celebrating the Dark Half of the Year (Inner Traditions, 2001), 127

[29] Gerina Dunwich., The Pagan Book of Halloween: A Complete Guide to the Magick, Incantations, Recipes, Spells, and Lore, 11

[30] Cathy Burns, Masonic and Occult Symbols Illustrated (Sharing, 1998), 388

[31] Sue Ellen Thompson, Holiday Symbols and Customs, 256

[32] David J. Skal, Death Makes a Holiday: The Cultural History of Halloween (Bloomsbury, 2002), 38

[33] Gerina Dunwich., The Pagan Book of Halloween: A Complete Guide to the Magick, Incantations, Recipes, Spells, and Lore, 23

[34] Nicholas Roger., Halloween: From Pagan Ritual to Party Night, 137

[35] David J. Skal, Death Makes a Holiday: The Cultural History of Halloween, 17

[36] Jack Santino, ed, Halloween and Other Festivals of Death and Life, 194

[37] Russ Parker, Battling the Occult (IVP, 1990), 35

[38] Hans Biedermann. Dictionary of Symbolism: Cultural Icons and the Meanings Behind Them (Plume, 1994), 218

 

Bibliography

Douglas, George W. The American Book of Days. HW Wilson Co. 1937.

John, Lindsay. Ed, Encyclopedia of Religion. Thomson Gale, 2005.

Mather, George A. and Nichols, Larry A. Dictionary of Cults, Sects, Religions and the Occult. Zondervan, 1993.

Betham, William. The Gael And Cimbri, Dublin: William Curry Co., 1834.

Sullivan,Alexander Martin. The Story of Ireland. Dublin, M. H. Gill, 1910.

Caesar, Julius. The Gallic War, H. J. Edwards trans. New York: Dover Publications, 2006.

Thompson, Sue Ellen. Holiday Symbols and Customs. Omnigraphics, Inc. 2003.

Kelley, Ruth E. The Book of Hallowe’en. Lothrop, Lee and Shepard Co., Boston, 1919.

Rogers, Nicholas. Halloween: From Pagan Ritual to Party Night. Oxford University Press, 2003.

Severy, Merle. “The Celts”, National Geographic. May 1977.

Guiley , Rosemary Ellen. Harper’s Encyclopedia of Mystical & Paranormal Experience. Book Sales, 1994.

Time-life Books, Ed. Ancient Wisdom and Secret Sects. AV: Time-Life Books, 1989.

Nichols, Larry A., Ed. Encyclopedic Dictionary of Cults, Sects, and World Religions. Grand Rapid, Michigan: Zondervan, 2006.

Hutton, Ronald. The Stations of the Sun: A History of the Ritual Year in Britain. Oxford University Press, 1996.

Santino, Jack, ed. Halloween and Other Festivals of Death and Life. The University of Tennessee Press, Knoxville, TN 1994.

Bannatyne, Lesley Pratt. Halloween: An American Holiday, an American History. Facts on File, Inc., New York, 1990.

Bonwick, James. Irish Druids and Old Irish Religions. Dorset Press, 1986.

Lavey , Anton S. The Satanic Bible. Avon Books, 1976.

Michaelsen, Johanna. Like Lambs to the Slaughter. Harvest House Pub, 1989.

Dunwich, Gerina. The Pagan Book of Halloween: A Complete Guide to the Magick, Incantations, Recipes, Spells, and Lore. Penguin Books, 2000)

Angeles, Ly de. Witchcraft: Theory and Practice. Llewellyn Publications, 2000.

Markale, Jean. The Pagan Mysteries of Halloween: Celebrating the Dark Half of the Year. Inner Traditions, 2001.

Burns, Cathy.  Masonic and Occult Symbols Illustrated. Sharing, 1998.

Skal, David J.  Death Makes a Holiday: The Cultural History of Halloween. Bloomsbury, 2002.

Parker, Russ. Battling the Occult. IVP, 1990.

Biedermann, Hans. Dictionary of Symbolism: Cultural Icons and the Meanings Behind Them. Plume, 1994.

Atlanta Journal and Constitution, Associated Press. 1977.

Clarfield, Geoffrey. “Halloween is a good time to be Wiccan”, http://news.nationalpost.com/full-comment/geoffrey-clarfield-halloween-is-a-good-time-to-be-wiccan

Warner, David. “Halloween, is it a trick or a treat?” http://www.faithfulbaptistchurch.com/uploads/Halloween_trickoratreat.doc

Lindow Man http://www.britishmuseum.org/explore/highlights/highlight_objects/pe_prb/l/lindow_man.aspx

“Satanic Calendar”, http://www.theforbiddenknowledge.com/hardtruth/satanic_calendar.htm

Halloween”, http://www.churchofsatan.com/halloween-xxxiv.php