Giáo Lý Căn Bản

Giáo Lý Căn Bản

Bài 1: Đức Chúa Trời

1. Đức Chúa Trời là ai?

Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành trời đất, vạn vật, loài người và bảo tồn tất cả. Chúng ta đã từng tôn xưng Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Ông Trời. “Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa” (Nê-hê-mi 9:6).

2. Đức Chúa Trời từ đâu mà có?

Ngài là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu, vốn có từ trước vô cùng và còn cho đến đời đời vô tận. Ngài là Đầu Tiên và Cuối Cùng, Ngài là Đấng Đời Đời. “Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga “ (Khải Huyền 1:8).

3. Đức Chúa Trời ở đâu?

Cùng một lúc, Ngài ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Ngài là Đấng Toàn Tại. “Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi” (Thi Thiên 139:8-10).

4. Người ta có thể thấy Đức Chúa Trời không?

Chúng ta có con mắt của thân thể và con mắt tâm linh, cũng gọi là con mắt của lòng. Con mắt của thân thể để thấy những sự vật hữu hình, con mắt của tâm linh để thấy những sự vật vô hình, Đức Chúa Trời thực hữu trong cõi tâm linh nên con mắt của tâm linh, của lòng mới thấy được Ngài, mới nhận biết sự hiện diện vinh quang của Ngài. “Cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời “ (II Cô-rinh-tô 4:4). “Vì Đức Chúa Trời, – là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ.” (4:6) Đời xưa để mặc khải cho loài người, Đức Chúa Trời đã hiện ra trong chiêm bao, bằng dị tượng hoặc thiên sứ, song không ai thấy được chính mình Ngài. Vì vậy, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã mượn hình thể con người mà giáng thế, nên trong thời đó có người đã thấy, đã nghe, đã rõ được Đức Chúa Trời. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).

5. Đức Chúa Trời có mấy ngôi?

Đức Chúa Trời có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Linh. Không phải có ba Đức Chúa Trời, song Ba Ngôi bình đẳng, hiệp nhất hoàn toàn.

Xin lưu ý:

a. Từ ngữ “chúng ta” trong các câu: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng-thế Ký 1:26). “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay khiến cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng” (Sáng-thế Ký 3:22).

b. Có ba lần chúc phước: “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi” (Dân-số Ký 6:24)!

c. Có ba lần tôn vinh “Thánh Thay”: “Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3)

d. Có Ba Ngôi hiện diện: “Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16).

e. Có Ba Ngôi cộng tác: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19).

f. Có Ba Ngôi ban phước: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Chúa Trời ở với anh em hết thảy!” (II Cô-rinh-tô 13:13)

6. Đức Chúa Trời là Đấng thế nào?

Ngài là Đấng vô cùng kỳ diệu, vượt hẳn trí tuệ loài người:

a. Đấng Thần Linh “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).

b. Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14).

c. Đấng Toàn Năng “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37).

d. Đấng Toàn Tri “Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự” (Giăng 3:20).

e. Đấng Toàn Tại “Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Đức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?” (Giê-rê-mi 23:24) “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, Quen biết các đường-lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi. Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, Đặt tay Chúa trên mình tôi…. Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, Cao đến đổi tôi không với kịp!” (Thi Thiên 139:1-6). “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi. Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, Ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối, Thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, Ban đêm soi sáng như ban ngày, Và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa” (Thi Thiên 139:7-12).

f. Đấng Bất Biến “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 12:13).

g. Đấng Nhân Ái “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:8-9).

h. Đấng Thành Tín “Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:24).

i. Đấng Chí Thánh “Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (IPhi-e-rơ 1:16).

j. Đấng Chí Tôn “Vua các dân đều nhóm nhau lại Đặng làm dân Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham; Vì các khiên của đất đều thuộc về Đức Chúa Trời; Ngài được tôn chí cao” (Thi Thiên 47:9).

k. Đấng Chí Công “Công việc của Hòn Đá là trọn vẹn; Vì các đường lối Ngài là công bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và vô tội; Ngài là công bình và chánh trực” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4).

l. Đấng Chí Đại “Vì Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi khen lắm lắm; Ngài đáng kính sợ hơn hết các thần” (Thi Thiên 96:4).

7. Nhờ đâu biết được Đức Chúa Trời như vậy?

Nhờ ba nguồn: Lương tâm, vũ trụ và Kinh Thánh

a. Lương tâm

Nhờ có lương tâm là một bản năng thiên phú mà con người không cần ai dạy, tự nhận biết Đức Chúa Trời. “Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:15).

b. Vũ trụ

“Bởi công việc, người ta biết tài ông thợ.” Cả vũ trụ vô hạn, tuyệt diệu, trật tự chứng minh phải do một Đấng Vĩnh Hằng, Toàn Tri, Toàn Năng, Toàn Tại dựng nên nó. Đấng đó chính là Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Bầu trời giải-tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Thiên 19:1).

c. Kinh Thánh

Kinh Thánh nói cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (IITi-mô-thê 3:16).

8. Chúng ta phải có thái độ nào đối với Đức Chúa Trời?

Chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời, chỉ thờ và phục vụ một mình Ngài mà thôi (Mác 12:30)

“Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10).

Câu gốc của bài học:

“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” (Mác 12:30) “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4:10)

Bài 2: Chúa Jêsus Và Sự Cứu Chuộc

1. Từ khi sa ngã, loài người có tu tâm dưỡng tánh để trở nên tốt như trước không?

Không! Trái lại, mỗi ngày một bại hoại hư xấu hơn.                    “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sán-thế Ký 6:5).

2. Vậy, Đức Chúa Trời đã làm gì cho loài người?

Ngay sau khi loài người sa ngã, Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban một Đấng Cứu Thế giày đạp (nguyên ngữ là chà nát) đầu con rắn là ma quỉ và cứu người tin Ngài.                                                        “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng-thế Ký 3:15).

3. Đấng Cứu Thế đó là ai?

Là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và khi hóa thân làm người Ngài mang danh là Chúa Giê-xu Christ: Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Christ là Vua.                                                                        “Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:11).

4. Đức Chúa Trời đã ban Đấng Cứu Thế Giê-xu bằng cách nào?

Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Thế đã hóa thân làm người, sanh ra bởi một nữ đồng trinh tại Bết-lê-hem, thuộc Do Thái. Đó là công trình siêu việt do Đức Thánh Linh thực hiện. sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đã chia đôi dòng lịch sử và mở đầu cho kỷ nguyên hiện nay: Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh.                                                                                 “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14).

5. Tại sao Đấng Cứu Thế phải hóa thân làm người?

Ngài hóa thân làm người để chết thay nhân loại và làm giá chuộc tội cho mọi người. “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28)

6. Đấng Cứu Thế mang lấy thân người có giống chúng ta không?

Có những điểm giống nhau và những điểm không giống nhau:

a. Ngài giống chúng ta vì cũng mệt mỏi, đói khát, cảm động, xót thương, vui mừng, đau đớn, buồn bực, khóc và chết.
“Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).

b. Ngài không giống chúng ta vì Ngài hoàn toàn vô tội, công bình tuyệt đối, yêu thương đời đời và đắc thắng sự chết.
“Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, được cất lên cao hơn các từng trời” (Hê-bở-rơ 7:26).

7. Đấng Cứu Thế Giê-xu đã sống tại trần gian bao lâu và đã làm gì?

Ngài sống tại trần gian 33 năm. Ba năm sau cùng, Ngài giảng dạy khắp các thành phố, làng mạc trong nước Do Thái, kêu gọi mọi người ăn năn, tin nhận Đấng Cứu Thế. Ngài chữa lành mọi thứ bệnh hoạn, tật nguyền, quỉ ám, kêu kẻ chết sống lại để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài cũng chọn 12 sứ đồ, huấn luyện họ nên chứng nhân của Ngài.
“Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.” (Ma-thi-ơ 9:35)

8. Đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên thập tự giá có phải là một sự thất bại vì yếu đuối không?

Không! Trái lại là một sự đắc thắng, thành công mỹ mãn:

a. Đấng Cứu Thế chịu chết là thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu chuộc loài người.                                                       “Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (Giăng 4:10).

b. Chúa Giê-xu đã nhiều lần báo trước rằng Ngài sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá và sẽ sống lại.                                                      “Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru- sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.” (Ma-thi-ơ 16:21)

c. Chúa Giê-xu đã bảo rằng mục đích Ngài đến trần gian là để chịu chết chuộc tội cho mọi người.                                                        “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28)

d. Trên thập tự giá Đấng Cứu Thế Giê-xu đã long trọng tuyên bố: “Mọi sự đã trọn.” “Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30).
Sự cứu rỗi đã hoàn tất, không còn gì thêm bớt được nữa.
“Còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 10:12).

e. Kinh Thánh chép rằng: Chúa Giê-xu đã tình nguyện chịu chết là để làm của lễ chuộc tội loài người như chiên con đã được dâng lên trong đền thờ thời Cựu Ước.                                                            “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29).

Trong vũ trụ không có nơi nào chứng minh một cách mạnh mẽ về quyền năng, khôn ngoan, nhân từ của Đức Chúa Trời đối với loài người bằng tại thập tự giá.
“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

9. Đấng Cứu Thế có sống lại như Ngài đã tiên báo không?

Có!

a. Sau khi Đấng Cứu Thế tắt hơi, người ta đem thi hài Ngài xuống khỏi thập tự giá, khăm liệm bằng một tấm vải mới, rồi đặt trong một huyệt đá và lăn một hòn đá lớn chặn cửa huyệt lại. Nhưng ngày thứ ba, Đức Chúa Trời sai thiên sứ đến lăn hòn đá đi và Ngài khiến Chúa Giê-xu sống lại cách vinh hiển như Kinh Thánh Cựu Ước đã tiên tri hằng ngàn năm trước.
“Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32).

b. Đấng Cứu Thế đã hiện ra với các môn đồ và ở với họ trong 40 ngày.
“Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:3).

c. Sau đó, trước các môn đồ, Ngài về trời.
“Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các ngươi đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:9).

d. Các môn đồ được biến cải lạ lùng và cứ giảng luôn về sự sống lại của Đấng Cứu Thế.
“Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:30).

e. Ê-tiên, vị thánh tử đạo đầu tiên đã thấy Chúa ở thiên đàng vinh hiển.
“Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55)

f. Chúa Phục Sinh đã hiện ra với Sau-lơ trên đường Đa-mách.
“Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Jêsus mà ngươi bắt bớ” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:5)

g. Chúa Phục Sinh đã hiện ra cùng sứ đồ Giăng:
“Vừa thấy người, tôi ngã xuống chơn người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng” (Khải-huyền 1:17)

h. Ngôi mộ trống – Suốt hai mươi thế kỷ, Cơ-đốc Nhân lấy làm hãnh diện về ngôi mộ trống của Cứu Chúa mình.
“Đoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng, thì thất kinh. Song người nói cùng họ rằng: Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:5-6).

i. Hội thánh đầu tiên bắt đầu thờ phượng Chúa vào ngày đầu tuần lễ (Chúa Nhật), thay vì ngày Sa-bát (thứ bảy), để kỷ niệm Chúa sống lại.
“Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nữa đêm” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:7)

10. Một người biết mình có tội, muốn được tha thứ để linh hồn được cứu rỗi, thì phải làm chi?

Người đó phải làm 2 điều:

a. Ăn năn. Ăn năn không những là biết mình có tội mà còn đau buồn, xấu hổ, ghê tởm tội, xưng ra, lìa bỏ nó và quay về Đức Chúa Trời.
“Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19),

b. Tin nhận Đấng Cứu Thế. Tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế và thờ phượng Ngài trọn đời.                                                “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu.” (ITi-mô-thê 1:15)

11. Khi một người đã ăn năn, tin nhận Đấng Cứu Thế, thì Đức Chúa Trời sẽ làm gì cho người?

a. Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của người, không còn nhớ, không còn thấy, đến nỗi xem như chưa từng phạm tội.            “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh tội lỗi chúng tôi, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men” (Khải-huyền 1:6).

b. Đức Chúa Trời tái sanh người để người trở nên con cái Ngài. Đức Chúa Trời làm chết bản chất tội lỗi của người và ban cho người bản chất mới.                                                                    “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5).
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (IICô-rinh-tô 5:17).

c. Đức Chúa Trời ban Thánh Linh ngự vào lòng để làm cho người nên thánh.
“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (ICô-rinh-tô 6:19).

12 Tại sao một mình Đấng Cứu Thế có thể chết thay cho tất cả loài người?

Dầu loài người có đông đúc đến đâu vẫn còn là hữu hạn. Nhưng Đấng Cứu Thế là vô hạn, vì vậy, sự chết chuộc tội của Ngài có giá trị vô hạn, cứu chuộc được tất cả mọi người, trong mọi thời đại.

13. Đấng Cứu Thế chịu chết chuộc tội gần 2000 năm qua, còn loài người sống trước đó, thì làm sao được cứu?

a. Loài người sống trước ngày Đấng Cứu Thế chịu chết, nếu họ bởi đức tin đến Đấng Cứu Thế mà dâng lên Đức Chúa Trời của lễ chuộc tội cho mình như: bò, chiên, chim bồ câu thì họ đã được cứu.                                                                                               “A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người” (Sáng-thế Ký 4:4)

b. Loài người sống sau ngày Đấng Cứu Thế chịu chết, nếu ăn năn tin nhận Ngài thì sẽ được cứu.                                                    “Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:31).

c. Mọi người sống trong mọi thời đại mà không hề biết về việc dâng tế lễ hoặc tin nhận Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời dựa theo luật pháp đặt trong lòng họ mà đoán xét họ.                                “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi” (Rô-ma 2:14-16).

Câu gốc của bài học: “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (ITi-mô-thê 1:15)

Bài 3: Đức Thánh Linh


1. Đức Thánh Linh là ai?

Đức Thánh Linh là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh có thân vị, thần tánh, tư cách và công việc của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời.

a. Thánh Linh Đời Đời                                                             “Huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào” (Hê-bơ-rơ 9:14)!

b. Thánh Linh Toàn Tại                                                             “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều-răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân-thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong” (Thi Thiên 19:7-10).

c. Thánh Linh Toàn Năng                                                         “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35).

d. Thánh Linh Toàn Tri                                                              “Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (ICô-rinh-tô 2:10).

2. Công việc của Đức Thánh Linh là gì?

a. Công việc của Đức Thánh Linh trong vũ trụ là dự phần dựng nên trời đất với Đức Cha và Đức Con.
“Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước” (Sáng-thế Ký 1:2).

b. Công việc Đức Thánh Linh trong loài người là cáo trách họ về tội lỗi, soi sáng và hướng dẫn họ đến sự ăn năn tin nhận Chúa Giê-xu.                                                                                “Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8).

c. Công việc Đức Thánh Linh trong tín đồ là:

c1. Tái tạo họ trở nên người mới để làm con cái Đức Chúa Trời.
“(Đức Chúa Trời) Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh” (Tít 3:5)
“Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:14).

c2. Giải cứu họ khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.
“Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết” (Rô-ma 8:2).

c3. Làm cho họ ngày càng mạnh mẽ.
“Tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng” (Ê-phê-sô 3:16);

c4. Dẫn họ vào tất cả lẽ thật
“Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 16:13).

c5. Nhắc nhở và dạy dỗ họ Lời Chúa
“Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).

c6. Khiến họ sanh bông trái tốt lành
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).

c7. Ban cho họ quyền năng và ân tứ để phục vụ
“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, các xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).
“Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (ICô-rinh-tô 12:11).

c8. Dạy họ cầu nguyện
“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18).

c9. Kêu gọi họ vào chức vụ và sai đi
“Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2).

c10. Hướng dẫn họ từng bước một trên đường chức vụ
“Đoạn, trải qua xứ Phi-ri-gi và đất Ga-la-ti, vì Đức Thánh Linh đã cấm truyền đạo trong cõi A-si. Tới gần xứ My-ri rồi, hai người sắm sửa vào xứ Bi-thi-ni; nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus không cho phép” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:6-7).

3. Kết quả của lễ Báp-tem bằng Đức Thánh Linh và bằng nước khác nhau thể nào?

Về phương diện hình thức, chịu báp tem bằng nước, chúng ta được chính thức gia nhập Hội thánh hữu hình tại địa phương này hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới. Về phương diện thuộc linh, chịu báp-tem bằng Thánh Linh, chúng ta được chính thức gia nhập Hội thánh vô hình là thân thể của Chúa Giê-xu.                                  “Vì chưng Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:5).

Vì vậy, có người đã chịu báp-tem bằng nước mà chưa chịu báp tem bằng Thánh Linh như thuật sĩ Si-môn. “Chính Si-môn cũng tin, và khi đã chịu phép báp-tem, thì ở luôn với Phi-líp; người thấy những dấu lạ phép kỳ đã làm ra, thì lấy làm lạ lắm” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:13).                                                                                   “Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó; họ chỉ nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-tem thôi” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:16).

Trái lại, gia đình Cọt-nây đã chịu báp tem bằng Thánh Linh trước khi chịu báp tem bằng nước. “Khi Phi-e-rơ đương nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44).                                                                                        “Người lại truyền làm phép báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Họ bèn nài người ở lại với mình một vài ngày” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:48).

4. Báp tem bằng Thánh Linh là gì?

Báp tem bằng Đức Thánh Linh là: 

a. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh
“Lúc tiếng ấy vang ra, dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:6).

b. Thánh Linh giáng trên người tin Chúa
“Khi Phi-e-rơ đương nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44).

c. Nhận lãnh Đức Thánh Linh
“Người hỏi rằng: Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng! Trả lời rằng: Chúng ta cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào. Người lại hỏi: Vậy thì anh em đã chịu phép báp-tem nào” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:2)?

d. Nhận lãnh quyền phép từ trên cao
“Còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:49).

5. Mối liên hệ giữa Đức Thánh Linh và nếp sống bình thường của một tín đồ là gì?

Nếp sống bình thường của một tín đồ là được báp tem bằng Thánh Linh hay đầy dẫy Thánh Linh, nhưng mọi tín đồ phục vụ Chúa bằng những ân tứ khác nhau tùy sự ban cho của Thánh Linh.
“Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh” (ICô-rinh-tô 12:4). Nếu người tín đồ chỉ thuộc về Hội thánh hữu hình thì chưa được cứu rỗi, vì có Thánh Linh ngự trong lòng thì chưa thuộc về Chúa Giê-xu.
“Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma 8:9).

6. Đầy dẫy Đức Thánh Linh với có Thánh Linh khác nhau thế nào?

Mỗi tín đồ đều được Thánh Linh ngự vào lòng trong khi mình chịu báp tem bằng Thánh Linh. Tuy nhiên không phải mọi người đều được đầy dẫy Thánh Linh ngay lúc đó, mà còn tùy thuộc vào đức tin và sự dâng mình cho Chúa của mỗi người.

Kinh Thánh ghi lại ba lần Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh: “Bấy giờ Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, nói rằng: Hỡi các quan và các trưởng lão” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:8),
“Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:31).
“Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Chúa Trời cho mình nói” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4).

Kinh Thánh chép hai lần Phao-lô được đầy dẫy Thánh Linh:
“A-na-nia bèn đi, vào nhà, rồi đặt tay trên mình Sau-lơ mà nói rằng: Hỡi anh Sau-lơ, Chúa là Jêsus nầy, đã hiện ra cùng anh trên con đường anh đi tới đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Đức Thánh Linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:17).
“Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, đầy dẫy Đức Thánh Linh, đối mặt nhìn người nói rằng: Đó là tùy mức độ dâng mình và nhu cầu chức vụ của hai ông” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:9).

7. Làm sao để được đầy dẫy Đức Thánh Linh?

Muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh, chúng ta cần biết:

a. Không cần chờ đợi vì Thánh Linh đã ngự xuống hai ngàn năm rồi.

b. Không cần xin Đức Chúa Trời đổ thêm Thánh Linh vào lòng chúng ta, vì Thánh Linh ngự vào trong lòng rồi.
“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (ICô-rinh-tô 3:16)

c. Không cần kêu la ầm ỉ như các thầy phù thủy Baanh.
“Vậy, chúng kêu lớn tiếng; và theo thói lệ họ, lấy gươm giáo gạch vào mình cho đến chừng máu chảy ra.” (I Các Vua 18:28)

d. Chỉ cần chúng ta tận hiến và phục tùng Thánh Linh trọn vẹn, vì đầy dẫy Thánh Linh không phải là chúng ta được Ngài nhiều hơn, mà Ngài được chúng ta nhiều hơn. Không phải chúng ta được quyền sử dụng Ngài theo ý muốn mình, song Thánh Linh toàn quyền sử dụng chúng ta theo ý muốn Ngài. Như thế, đầy dẫy Đức Thánh Linh là chúng ta được Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, nhắc nhở, kiểm soát, hành động trong chúng ta cách trọn vẹn, còn chúng ta chỉ tận hiến và phục tùng Ngài trọn vẹn.

8. Dấu hiệu của một người đầy dẫy Thánh Linh là gì?

a. Các sứ đồ được quyền năng giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỉ, kêu kẻ chết sống lại, dầu phải bị bắt bớ lao tù, giết chết như Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Phao-lô,…

b. Các chấp sự được quyền năng phục vụ Chúa trong Hội thánh. Giảng dạy, làm chứng một cách kết quả dầu phải bị bắt bớ, giết chết như Ê-tiên, Phi- líp,…

c. Các tín đồ được quyền năng sống yêu thương hiệp một, vui mừng ca hát như Hội thánh đầu tiên tại thành Giê-ru-sa-lem.
“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47).
“Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng; nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau. Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ; và hết thảy đều được phước lớn. Vì trong tín đồ không ai thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chơn các sứ đồ; rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phát cho. Vậy có Giô-sép mà các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi, về họ Lê-vi, quê hương tại Chíp-rơ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:32-36),

“Sau-lơ vốn ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết. Trong lúc đó, Hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ đữ tợn; trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy tín đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri. Dầu vậy, có mấy người tin kính chôn xác Ê-tiên và than khóc người quá bội. Nhưng Sau-lơ làm tàn hại Hội thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt đờn ông đờn bà mà bỏ tù” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1-3).

Trải qua 20 thế kỷ, dầu phải sống trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, Hội thánh của Chúa vẫn giữ nếp sống đầy dẫy Đức Thánh Linh như Ga-la-ti 5:2; Ê-phê-sô 5:18-20, nhất là trung tín cho đến chết.
“Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống” (Khải-huyền 2:10).

Câu gốc của bài học: “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).

Bài 4: Sự Sáng Tạo

1. Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật bằng cách nào?

Đức Chúa Trời đã dùng Lời của Ngài mà dựng nên trời đất và muôn vật. “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1).                                                                                         “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Hê-bơ-rơ 11:3).

2. Trong muôn vật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên loài nào quí hơn cả?                                                                                 Loài người!                                                                                      Vì:

a. Chỉ có loài người được Chúa lấy đất nắn nên rồi hà sinh khí vào lỗ mũi mà trở thành một loài sanh linh: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế Ký 2:7).

b. Chỉ có loài người được Đức Chúa Trời dựng nên giống như hình Ngài và tượng Ngài, là giống như bản tánh thánh khiết và công nghĩa của Ngài. “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng-thế Ký 1:26).
“Và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24).

c. Chỉ loài người được quyền quản trị muôn loài mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:28).

d. Chỉ có loài người được thông công với Đức Chúa Trời và tôn thờ Ngài.
“Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 4:26).

e. Chỉ có loài người có linh hồn vô giá và bất diệt.
“Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo12:7).

3. Tổ tiên loài người là ai?
Tổ tiên loài người là A-đam và Ê-va.
“Vì A-đam được dựng nên trước nhứt, rồi mới tới Ê-va” (ITi-mô-thê 2:13).

4. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người giống như Ngài trong sự thánh khiết và công nghĩa, thì tại sao loài người đã phạm tội?
Bản tánh đạo đức đã được phú bẩm, cần phải thực nghiệm mới có giá trị, nên Đức Chúa Trời đã thử lòng đạo đức của A-đam và Ê-va mà cho phép họ ăn mọi thứ trái cây trong với, trừ ra trái của cây biết điều thiện và điều ác, Song ông bà đã không vâng lời Đức Chúa Trời.

5. Tại sao A-đam Ê-va không vâng lời?
Vì ông bà bị ma quỉ lừa dối mà chiều theo tư dục.
“Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra” (1Giăng 2:16).

6. Hậu quả của tội lỗi là gì?

a. Mắt ông bà mở ra, nghĩa là cảm xúc về tội lỗi, biết mình lõa lồ. Họ lấy lá và đóng khố che thân.
“Đoạn, mắt hai người đều mỡ ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng-thế Ký 3:7).

b. Ông bà sợ hãi khi phải gặp Đức Chúa Trời.
“Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 3:8).

c. Ông bà bị Chúa phạt: Ông phải làm lụng vất vả, bà phải sanh đẻ đau đớn.
“Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:16-19).

d. Đức Chúa Trời đuổi ông bà ra khỏi vườn Ê-đen và không cho vào đó nữa. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra. Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.” (Sáng-thế Ký 3:23-24)

e. Tội lỗi mang đến sự chết: Chết tâm linh, chết thân xác và chết đời đời.
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

7. Từ đó, bản chất của A-đam và Ê-va thế nào?
Tính thánh khiết và công nghĩa đã bị nhiễm độc, tội lỗi đã làm cho ông bà bại hoại cả xác lẫn hồn và lưu hạ con cháu muôn đời đều như vậy.
“Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” (Thi Thiên 51:5).
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội…” (Rô-ma 5:12).

Câu gốc của bài học: “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Hê-bơ-rơ 11:3).

Bài 5: Kinh Thánh

1. Kinh Thánh là gì?

Kinh Thánh là một bộ sách gồm 66 quyển, chia ra làm hai phần Cựu Ước và Tân Ước, được khoảng 40 người viết ra bởi sự linh cảm của Đức Chúa Trời, nên Kinh Thánh được gọi là Lời Đức Chúa Trời. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (IITi-mô-thê 3:16).

2. Nội dung của Cựu Ước là gì?

Cựu Ước có 39 quyển chép về sự dựng nên trời đất, muôn vật, sự sa ngã của loài người, và sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời qua dân Y-sơ-ra-ên để Đấng Cứu Thế đến trần gian thực hiện chương trình cứu rỗi loài người.

3. Nội dung của Tân Ước là gì?

Tân Ước có 27 quyển, ghi lại sự giáng sinh, lời giảng dạy, các phép lạ, sự chết, sự sống lại, về trời của Chúa Jêsus và về lịch sử Hội thánh đầu tiên, công cuộc truyền giảng Tin Lành của Hội thánh ấy cùng các giáo lý căn bản.

4. Kinh Thánh được chép vào thời gian nào?

Cựu Ước được chép từ khoảng 1500 T. C. – 400 T. C. và Tân Ước được chép từ khoảng 50 S. C. – 100 S. C.

5. Đặc điểm của Kinh Thánh là gì?

Đặc điểm của Kinh Thánh là:

a. Kinh Thánh là Lời Sống. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Sống, truyền đạt sự sống. “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12).

b. Kinh Thánh là một quyển sách lời hứa của Đức Chúa Trời. Trong đó có vô số lời hứa quí báu và lớn lao cho mỗi người như một kho tàng vĩ đại mà ai nấy phải dụng công khai thác.

c. Kinh Thánh Quí hơn vàng ròng: “Nhơn đó tôi yêu mến điều răn Chúa Hơn vàng, thậm chí hơn vàng ròng” (Thi Thiên 119:127). Ngọt hơn mật: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi” (119:103)! Bổ như sữa: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (IPhi-e-rơ 2:2). Soi sáng như ngọn đèn cho kẻ đi đường: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, Ánh sáng cho đường-lối tôi” (Thi Thiên 119:105).

d. Kinh Thánh chép: các đức tính siêu phàm và các công trình tuyệt diệu của Chúa Jêsus.

6. Điều gì chứng minh Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời?

Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời vì:

a. Sự hiệp nhất hoàn toàn của Kinh Thánh

Kinh Thánh được viết bởi 40 người có cá tính, nghề nghiệp, văn hóa, phong tục khác nhau, sống tại nhiều địa điểm khác của ba châu Á, Phi, Âu, trong thời gian trên 1500 năm. Nhưng khi nghiên cứu 66 sách của Kinh Thánh chúng ta thấy chỉ đề cập đến một nhân vật là Chúa Jêsus, một đề tài là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và nội dung liên kết chặc chẽ với nhau. Điều đó chứng minh Đức Chúa Trời là tác giả duy nhất của Kinh Thánh. Ngài đã linh cảm cho gần 40 môn đệ của Ngài viết ra Lời của Ngài.

b. Sự đầy đủ vô song của Kinh Thánh

Kinh Thánh luận đến mọi vấn đề thiết yếu trong địa hạt suy tưởng của nhân loại một cách rõ ràng chơn thật và đầy đủ thẩm quyền: Sự sáng tạo Những luật vàng cho đời sống Phương pháp cứu rỗi con người Các biến cố của thế giới tương lai.

c. Tính cách hợp thời bất biến của Kinh Thánh

Dầu đã được viết trước đây mấy ngàn năm, Kinh Thánh luôn luôn đáp ứng thích đáng mọi nhu cầu tâm linh của mọi người. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi thuộc mọi thời đại, thuộc mọi trình độ văn hóa đều hiểu được Kinh Thánh và yêu thích Kinh Thánh. Kinh Thánh được dịch ra trên 2000 thứ tiếng và luôn luôn được xuất bản nhiều hơn hết các loại sách trên thế giới vì càng ngày Kinh Thánh càng sống động, đầy uy quyền trong đời sống con người. Kinh Thánh không bao giờ cũ hoặc lỗi thời.

d. Sự chân xác tuyệt đối của Kinh Thánh

Mọi vấn đề Kinh Thánh đưa ra, mọi biến cố Kinh Thánh ghi lại… đều chính xác hoàn toàn, chưa hề có ai thấy một điểm sai của Kinh Thánh. Sự hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, sự sụp đổ của Giê-ri-cô, thành Ni-ni-ve của thời đại Giô- na… đều được khảo cổ học minh chứng là chân xác.

e. Sự ứng nghiệm trọn vẹn các lời tiên tri trong Kinh Thánh

Kinh Thánh có hàng ngàn lời tiên tri. Mỗi lời tiên tri được công bố chi tiết, rõ ràng trước việc xảy ra vài năm đến cả ngàn năm và hơn nữa. Nhưng các lời tiên tri của Kinh Thánh đều ứng nghiệm hoàn toàn. Dân Do Thái bị tan lạc khắp thế gian từ năm 70 S.C. và được trở về tổ quốc năm 1948 (Phục-truyền Luật-lệ Ký 20:49-68, Lu-ca 21:20-24). Kỳ diệu nhất là các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế: Mi-chê 5:2 và Lu-ca 2:4-7, Xa-cha-ri 11:13 và Mác 14:10-11, Thi Thiên 22:1, 16-18 và Ma-thi-ơ 27:35, 46.

f. Sự trường tồn lạ lùng của Kinh Thánh

Hằng bao thế kỷ qua, một số ít người vẫn không thôi ghét bỏ Kinh Thánh và tìm mọi cách để tiêu diệt, nhưng Kinh Thánh vẫn trường tồn và phổ biến ngày càng rộng rãi hơn. Đức Chúa Trời luôn luôn bảo vệ Lời của Ngài.

g. Quyền năng cải tạo lòng người của Kinh Thánh Hàng tỉ người trên thế giới đã được quyền năng của Kinh Thánh biến cải. Khi ánh sáng Tin Lành rọi đến các bộ tộc man dã, họ được biến cải ngay, bỏ tập tục ăn thịt người, bỏ mê tín và tội lỗi. Người nào tin Kinh Thánh thì quyền năng của Chúa thay đổi đời họ hoàn toàn, kẻ sát nhân, trộm cướp đều trở nên người mới. Họ sẵn sàng ra đi nói cho bạn hữu về tình yêu của Chúa đã cứu mình. Kinh Thánh đúng là Lời của Đức Chúa Trời. Cảm tạ Chúa.

Câu gốc của bài học: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (IITi-mô-thê 3:16).

Bài 6: Sự Cầu Nguyện

I. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là:

  1. Giải bày lòng mình ra cùng Đức Chúa Trời “An-ne thưa rằng: Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đờn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va” (1Sa-mu-ên 1:15).
  2. Cầu xin Đức Chúa Trời về những điều mình cần “Hãy xin, sẽ được, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Ma-thi-ơ 7:7)
  3. Dâng hương cho Đức Chúa Trời như các thầy tế lễ thời Cựu Ước “Khi lấy sách, bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con, mỗi kẻ cầm một cây đàn và những hình vàng đầy hương; đó là những lời cầu nguyện của các thánh” (Khải-huyền 5:8).
  4. Thưa chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa phán cùng mình. “Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (IICô-rinh-tô 12:8-9). Như thế, cầu nguyện là tương thông với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu trong quyền năng của Đức Thánh Linh.

II. Tại sao chúng ta là loài người mà được phép cầu nguyện với Đức Chúa Trời?

  1. Vì nhờ tin Chúa Giê-xu, chúng ta đã trở nên của cải của Đức Chúa Trời. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).
  2. Vì hễ ai đã nhận danh Chúa Giê-xu mà cầu nguyện thì được Đức Chúa Trời nhậm lời. “Trong ngày đó, các ngươi không còn hỏi ta về điều chi nữa. Quả ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhơn danh ta mà ban cho các ngươi” (Giăng 16:23).

III. Tại sao chúng ta chỉ cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà thôi?

  1. Vì một mình Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự này nhìn biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại” (ICác Vua 18:37).
  2. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín Đời Đời “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3). “Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết” (Giô-suê 21:45).

IV. Chúng ta phải cầu nguyện cho ai?

Chúng ta phải cầu nguyện cho:

  1. Anh chị em trong Hội thánh “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia-cơ 5:16). “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18).
  2. Mục Sư, Truyền Đạo “Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích” (Cô-lô-se 4:3), “Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành” (Ê-phê-sô 6:19).
  3. Con cái của mình “Xin Chúa hãy ban cho Sa-lô-môn, con trai tôi, một lòng trọn vẹn, để gìn giữ các điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Chúa, cùng làm cho các công việc nầy, xây cất cái đền mà tôi đã sắm sửa thờ lạy cho” (ISử-ký 29:19).
  4. Kẻ làm hại mình “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi,” (Ma-thi-ơ 5:44)
  5. Mọi người “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn” (ITi-mô-thê 2:1-2).
  6. Chính mình “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nhớ lại tôi tùy ơn Ngài làm cho dân sự Ngài; Hãy lấy sự cứu rỗi mà đến viếng tôi” (Thi-thiên 106:4).

V. Phải cầu nguyện khi nào?

  1. Cầu nguyện bất cứ lúc nào hay cả đêm “Buổi chiều, buổi sáng, và ban trưa, tôi sẽ than thở rên-siết; Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi” (Thi-thiên 55:17).
  2. Cầu nguyện trước mỗi bửa ăn “Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn; rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng.” (Ma-thi-ơ 14:19)
  3. Cầu nguyện trong cơn gian truân “Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta” (Thi-thiên 50:15).
  4. Cầu nguyện không thôi “Cầu nguyện không thôi” (ITê-sa-lô-ni-ca 5:17).

VI. Phải cầu nguyện tại đâu?

Cầu nguyện bất cứ nơi nào!

  1. Cầu nguyện trong nơi riêng tư “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:6) “Sáng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó” (Mác 1:35).
  2. Cầu nguyện giữa công chúng “Nói như vậy rồi, người bèn lấy bánh, đứng trước mặt mọi người, tạ ơn Đức Chúa Trời rồi, thì bè ra và ăn” (Công-vụ các Sứ-đồ 27:35).
  3. Cầu nguyện trong khám tù “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:25).
  4. Cầu nguyện tại mọi nơi “Vậy, ta muốn những người đờn ông đều giơ tay tinh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận dữ và cãi cọ.” (ITi-mô-thê 2:8)

Chúa Giê-xu cầu nguyện trên thập tự giá: “Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Đoạn, họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài” (Lu-ca 23:34).

VII. Chúng ta phải cầu nguyện điều gì?

Chúng ta phải cầu nguyện:

  1. Xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện “Có một ngày, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình” (Lu-ca 11:1)
  2. Xin Danh Đức Chúa Trời được tôn thánh “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9)
  3. Xin Nước Ngài được đến “Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:10)
  4. Xin ý Ngài được nên ở đất như được nên ở trời “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10)
  5. Xin Chúa cho đủ nhu cầu hằng ngày “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11)
  6. Xin Chúa tha tội “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:12)
  7. Xin Chúa cứu khỏi mọi cám dỗ “Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:13)
  8. Xin Chúa cho thêm người hầu việc Ngài “Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.” (Ma-thi-ơ 9:38)
  9. Xin Chúa mở cửa giảng đạo “Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích” (Cô-lô-se 4:3)
  10. Xin Chúa cho một lòng thánh khiết  “Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa, Dùng thần linh sẵn lòng mà nâng đỡ tôi” (Thi-thiên 51:12).
  11. Xin Chúa mở mắt để hiểu Lời Ngài. “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy Sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi-thiên 119:18)
  12. Xin Chúa ban đầy lòng yêu thương anh chị em “Lại nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cùng như lòng yêu thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (ITê-sa-lô-ni-ca 3:12)
  13. Xin Chúa dẫn dắt, bảo vệ “Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, Từ nay cho đến đời đời” (Thi-thiên 121:8)
  14. Xin Chúa dạy chúng ta biết sống xứng đáng từng ngày “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi-thiên 90:12)
  15. Xin Chúa cho sống suốt cuộc đời trong nhà Ngài để ngắm xem vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, Và cầu hỏi trong đền của Ngài” (Thi-thiên 27:4)
  16. Xin Chúa cho mình đầy dẫy Thánh Linh “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13)
  17. Xin Chúa cho Giê-ru-sa-lem được hòa bình “Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem; Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới-thạnh” (Thi-thiên 122:6).

VIII. Chúng ta cần cầu nguyện thế nào?

  1. Phải cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu “Nếu các ngươi nhân danh Ta xin điều chi, Ta sẽ làm cho” (Giăng 14:14) 
  2. Phải cầu nguyện cách sốt sắng “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia-cơ 5:16)
  3. Phải cầu nguyện cách bền lòng “Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào” (Cô-lô-se 4:2)
  4. Phải cảm tạ Chúa mà cầu nguyện “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6)
  5. Phải hiệp một ý với anh em mình mà cầu nguyện “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.” (Ma-thi-ơ 18:19)
  6. Phải kiêng ăn cầu nguyện “Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2-3)
  7. Phải cầu nguyện bởi Thánh Linh “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18)
  8. Phải cầu nguyện bởi đức tin “Bởi vậy ta nói cùng các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi” (Mác 11:24)
  9. Phải có lòng thánh khiết “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ấy Chúa chẳng nghe tôi.” (Thi-thiên 66:18)
  10. Phải cầu nguyện theo ý muốn Chúa “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (1Giăng 5:14)
  11. Đừng lập lại những lời vô ích “Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm.” (Ma-thi-ơ 6:7)

XI. Chúng ta nên cầu nguyện theo thứ tự nào?

Chúng ta nên cầu nguyện theo thứ tự sau:

  1. Ca ngợi và cảm tạ Chúa về những sự ban cho của Ngài “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài! Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài” (Thi-thiên 103:1)
  2. Xưng tội “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi” (Thi-thiên 32:5)
  3. Cầu thay “(Đức Chúa Trời) thấy không có người, chẳng ai cầu thay, thì lấy làm lạ lùng. Ngài bèn dùng chính cánh tay mình đem sự cứu rỗi đến; lấy sự công bình mình mà nâng đỡ” (Ê-sai 59:16)
  4. Cầu nguyện cho chính mình

X. Vì sao có lời cầu nguyện không được Đức Chúa Trời nhậm?

Vì những lý do sau:

  1. Còn tội lỗi “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (Ê-sai 59:2)
  2. Xin điều trái lẽ “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Gia-cơ 4:3)
  3. Không tha thứ cho kẻ phạm tội cùng mình “Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” (Mác 11:26)
  4. Thiếu đức tin “Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa” (Gia-cơ 1:6-7)
  5. Thiếu bền đỗ “Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt” (Lu-ca 18:1)

Câu gốc của bài học: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho”. (Ma-thi-ơ 7:7)

7. Sự Thờ Phượng Đức Chúa Trời

1.Thờ phượng Đức Chúa Trời là gì?

Thờ phượng Đức Chúa Trời là dùng linh hồn tâm trí và thân thể để chiêm ngưỡng, ca ngợi, cảm tạ, cầu nguyện, dâng hiến, tương thông và phục vụ Đức Chúa Trời.
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).

2. Loài người biết thờ phượng Đức Chúa Trời từ khi nào?
Từ khi tổ phụ loài người được dựng nên, họ đã thờ phượng Đức Chúa Trời qua sự vâng phục, tương thông với Ngài (Sáng-thế Ký 2:19-20) và dâng tế lễ cho Ngài.
“A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người” (Sáng-thế Ký 4:4).

3. Tại sao loài người không tiếp tục thờ phượng Chúa như tổ phụ mình?
Vì A-đam và Ê-va, tổ phụ của loài người phạm tội nên dòng dõi họ càng lúc càng bại hoại, xa cách Đức Chúa Trời và thờ lạy thần tượng do mình tạo ra hoặc điểu thú côn trùng.
“Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:22-23).

4. Trong thời Cựu Ước, con người thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách nào?
a. Họ lập bàn thờ bằng đá và dâng các con sinh trên đó.
“Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ” (Sáng-thế Ký 8:20).
b. Khi đi trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền tạm. “Họ sẽ làm cho ta một đền thánh và ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8).
c. Sau đó dân Y-sơ-ra-ên cất cho Chúa một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và thờ phượng. “Nguyện mắt của Chúa ngày và đem đoái xem nhà nầy, là chỗ mà Chúa đã phán rằng: Danh ta sẽ ngự tại đó, đặng nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa hướng nơi này mà cầu” (I Các Vua 8:29).

5. Trong thời đại Hội Thánh, Chúa Giê-xu dạy con người thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào?
Từ khi Chúa Giê-xu chịu chết vì nhân loại trên thập tự giá và sống lại thì sự thờ phượng không còn tại bàn thờ bằng đá hoặc tại đền thờ Giê-ru-sa-lem nữa, vì các nơi ấy chỉ làm tượng trưng cho Chúa Giê-xu. Chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật như Chúa Giê-xu đã dạy. “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).

Sự thờ phượng được thực hiện qua:

a. Sự cầu nguyện
“Khi lấy sách, bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con, mỗi kẻ cầm một cây đờn và những hình vàng đầy hương; đó là những lời cầu nguyện của các thánh” (Khải-huyền 5:8).
b. Ca ngợi, hát thánh ca, làm chứng ơn phước
“Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15).
c. Dâng hiến
“Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).
d. Đọc và giảng Kinh Thánh
“Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nữa đêm” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:7)

6. Chúng ta nên thờ phượng Đức Chúa Trời ở những nơi nào?
Chúng ta có thể thờ phượng ở bất cứ nơi nào, thí dụ như:
a. Trong tù
“Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:25).

b. Dưới hiên cửa

“Người ấy đang cầm tay Phi-e-rơ và Giăng, thì cả dân chúng lấy làm lạ, chạy đến cùng các người đó ở nơi hiên cửa gọi là Sa-lô-môn” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:11).

c. Trên hoang đảo
“Tôi là Giăng, là anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Đức Chúa Jêsus, tôi đã ở trong đảo gọi là Bát-mô, vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus. Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa” (Khải-huyền 1:9-10)

Nhưng để tiện cho việc thờ phượng, chúng ta nên:
a. Thờ phượng riêng – Trong nơi thanh vắng
b. Thờ phượng gia đình hay gia đình lễ bái – Mọi người trong gia đình họp lại trong nhà lúc yên tĩnh để thờ phượng Chúa.
c. Thờ phượng của Hội thánh – Mỗi tín hữu cùng đến nhà thờ thờ phượng Chúa để gây dựng đức tin cho nhau.
“Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:46).
“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25).

7. Chúng ta nên có hình tượng của Chúa để dễ suy niệm về Ngài trong khi thờ phượng không?
Chúng ta tuyệt đối không được dùng các hình tượng trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời, vì:

a. Vi phạm điều răn thứ hai:
“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4).
b. Chúa rủa sả hình tượng và những kẻ thờ lạy hình tượng.
“Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ-rẫm; Có chơn, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó. Đều giống như nó” (Thi-thiên 115:4-8).
c. Làm hình tượng Chúa là xúc phạm đến bản tánh thiêng liêng, vô hạn của Ngài. “Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên. Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:29-30).

Câu gốc của bài học: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).

8. Mười Điều Răn

1. Mười điều răn là gì? Được chép ở đâu?
Mười điều răn là mười điều căn bản của Bản Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái và loài người để làm tiêu chuẩn cho cuộc sống của họ và được chép ở Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17.

2. Mục đích của Mười Điều Răn là gì?
Mục đích của 10 Điều Răn là ấn định:

a. Bổn phận của con người đối với Chúa: Điều răn 1-4.

b. Bổn phận của các ngươi đối với nhau: Điều răn Xuất Ê-díp-tô Ký 5:10.

3. Đại ý của Mười Điều Răn là gì?
Yêu Chúa và yêu người liên can như mình.
“Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).

4. Điều răn thứ nhất là gì và có ý nghĩa gì?
Điều răn thứ nhất: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.”
Chúa dạy con người phải tin Chúa, yêu Chúa, vâng lời Chúa và thờ phượng một mình Ngài.

“Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4:10)

5. Điều răn thứ hai là gì và có ý nghĩa gì?
Điều răn thứ hai: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình… Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó “.
Điều răn thứ hai dạy chúng ta không được làm bất cứ hình tượng nào, cũng không được thờ phượng các hình tượng đó và không để bất cứ điều gì lên địa vị của Đức Chúa Trời.
“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. ” (1 Giăng 2:15)

“Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, Là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ rẫm; Có chơn, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó. Đều giống như nó. ” (Thi-thiên 115:4-8)

“Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên. Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:29-30).

6. Điều răn thứ ba là gì và dạy chúng ta điều gì?
Điều răn thứ ba: “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.”
Chúa dạy chúng ta không được gọi Danh Ngài vô cớ, không được nhơn danh Ngài mà nói hoặc làm cách không xứng đáng. Nhưng chúng ta phải bày tỏ lòng tôn kính Đức Chúa Trời trong tư tưởng, thái độ, ngôn ngữ và hành động.

7. Điều răn thứ tư thế nào và có ý nghĩa gì?
Điều răn thứ tư: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”
Chúa dạy dân sự của Ngài phải giữ ngày thứ bảy làm ngày nghỉ. Chữ “Sa-bát” có nghĩa là “nghỉ.”

Trong thời Cựu Ước, dân Do Thái đã tuân giữ thư thế nhưng Hội thánh thời Tân Ước đã giữ ngày thứ nhất trong tuần lễ – ngày Chúa Nhật – làm ngày nghỉ và thờ phượng vì:
a. Chúa Giê-xu sống lại vào ngày thứ nhất.

“Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ… Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán” (Ma-thi-ơ 28:1, 6a).
b. Đức Thánh Linh giáng lâm và thành lập Hội Thánh vào ngày thứ nhất. Lễ Ngũ Tuần nhằm ngày Chúa Nhật.

“Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1).
“Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Chúa Trời cho mình nói” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4).

c. Phao-lô nhóm với Hội thánh vào ngày Chúa Nhật.
“Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nữa đêm” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:7)
d. Phao-lô yêu cầu Hội thánh quyên trợ tài chánh cho các Thánh Đồ vào ngày thứ nhất.
“Cứ ngày đầu tuần lễ mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp” (I Cô-rinh-tô 16:2).
e. Nhằm ngày của Chúa, Chúa Giê-xu hiện ra với Giăng tại đảo Bát-mô
“Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa” (Khải-huyền 1:10).
Như thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải dành riêng ngày Chúa Nhật để thờ phượng, học hỏi Lời Chúa và phục vụ Ngài.

8. Điều răn thứ năm nói gì và ý nghĩa ra sao?
Điều răn thứ năm: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi”.
Chúa muốn chúng ta yêu mến, tôn trọng và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống. Khi ông bà, cha mẹ qua đời, chúng ta phải lo an táng chu đáo. Sau đó, chúng ta phải sống hòa thuận trong gia đình, dòng họ, láng giềng, làm những điều tốt đẹp cho rạng rỡ dòng họ mình.

9. Tại sao chúng ta không được cúng bái ông bà, cha mẹ?
Cúng bái ông bà cha mẹ là vi phạm điều răn thứ nhất và thứ nhì của Chúa.

10. Điều răn thứ sáu là gì và ý nghĩa ra sao?
Điều răn thứ sáu: “Ngươi chớ giết người.”
Chúa muốn chúng ta phải tôn trọng sự sống mà Ngài ban cho chúng ta và kẻ khác. Chúng ta không được có tư tưởng, thái độ, ngôn ngữ và hành động nào gây tổn hại cho chính mình và cho người khác, cả tâm linh lẫn thể xác.

“Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt” (Ma-thi-ơ 5:21-22).

“Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình” (1 Giăng 3:15).

11. Điều răn thứ bảy nói gì và có sự dạy dỗ gì? Điều răn thứ bảy: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm.”

Tà dâm là:

a. Chưa làm lễ hôn phối mà đã ăn ở với nhau.
b. Đã có gia đình mà còn tư tình với người khác.
“Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4).
c. Bỏ vợ, bỏ chồng mà không phải do tội ngoại tình để lấy vợ, lấy chồng khác.
“Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình” (Ma-thi-ơ 19:9).
d. Theo chế độ đa thê.
“Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ” (Ma-la-chi 2:15).
Chúng ta phải sử dụng khả năng của thân thể theo ý muốn của Ngài chớ không được theo ý riêng mình. Không được có tư tưởng tà dâm, vì hành động chỉ là thể hiện những gì đã tích lũy trong lòng đến mức độ không còn kiềm chế được.
“Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Ma-thi-ơ 5:28).
“Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết” (Gia-cơ 1:15).

12. Điều răn thứ tám là gì và có ý nghĩa như thế nào? Điều răn thứ tám: “Ngươi chớ trộm cướp.”

Chúng ta không được chiếm đoạt bất cứ điều gì không thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng phải thành thật và công bằng trong mọi giao tế. Vì ép công giá của người khác, làm việc không hết lòng, cân non, đo thiếu, trốn thuế… cũng là trộm cướp.

“Kìa, tiền công con gặt gặt ruộng anh em, mà anh em đã ăn gian, nó kêu oan, và tiếng kêu của con gặt đã thấu đến tai Chúa các cơ binh. Anh em đã sống trên thế gian ăn uống vui sướng và xa xỉ, anh em đã làm cho lòng mình no nê trong ngày chém giết; anh em đã luận tội và đã giết người công bình, mà người chẳng cự lại” (Gia-cơ 5:4-6).

“Các ngươi chớ phạm sự bất nghĩa trong việc xét đoán, hoặc sự đo, sự cân, hay là sự lường” (Lê-vi Ký 19:35).

13. Điều răn thứ chín dạy gì và có ý nghĩa ra sao?
Điều răn thứ chín: “Ngươi chớ nói chứng dối.”
Con cái của Chúa không được nói chứng dối, không được hùa theo phe đông để bóp méo sự thật, hoặc cậy quyền mà vu khống hay yên lặng để gây lầm lẫn kẻ khác. “Chứng gian sẽ chẳng thoát khỏi bị phạt; Và kẻ buông lời giả dối sẽ bị hư mất” (Châm-ngôn 19:9).

14. Điều răn thứ mười là gì và ý nghĩa ra sao?
Điều răn thứ mười: “Ngươi chớ tham lam.”
Cơ-đốc nhân không được tham muốn bất cứ điều gì của người khác, không được có tư tưởng ganh tị hay hành động ích kỷ, nhưng phải bằng lòng với những gì Chúa ban cho mình.

“Vả, sự tôn kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:6-10).

15. Vì chúng ta không thể vâng giữ các điều răn cách trọn vẹn, các điều răn nầy có giúp ích gì không?
Vì chúng ta không thể vâng giữ các điều răn cách trọn vẹn, chúng ta nhận biết rõ ràng sự thất bại của chúng ta trước tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và chúng ta nhờ cậy sự cứu chuộc của Đấng Christ.

“Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Rô-ma 3:20).
“Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” (Rô-ma 7:25).

Câu gốc của bài học: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).

9. Sự Dâng Hiến

1. Loài người dâng hiến cho Chúa từ khi nào?

Từ A-đam, Ê-va và họ đã dạy cho các con của mình.
“A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người” (Sáng-thế Ký 4:4);

2. Trong thời đại luật pháp, Chúa dạy dân Y-sơ-ra-ên dâng hiến như thế nào?
Luật pháp qui định mọi người Y-sơ-ra-ên phải dâng một phần mười về mọi hoa lợi của mình; ngoài ra, họ còn tình nguyện dâng vật liệu quí giá để xây dựng đền thờ cho Chúa.
“Phàm thuế một phần mười thổ sản, bất kỳ vật gieo hay là hoa quả của cây, đều thuộc về Đức Giê-hô-va; ấy là một vật thánh, biệt riêng ra cho Đức Giê-hô-va” (Lê-vi Ký 27:30).
“Còn về một phần mười của bầy bò hay là chiên, tức là mọi vật chi đi ngang dưới gậy, con thứ mười sẽ là thánh, biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va” (Lê-vi Ký 27:32). “Trước mặt Môi-se, họ thâu các lễ vật của dân Y-sơ-ra-ên đã đem đến, để làm các công việc định dùng và sự tế lễ nơi thánh. Nhưng mỗi buổi sớm mai, dân sự lại đem đến lễ vật tình nguyện nữa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 36:3)

3. Trong thời đại Tân Ước, Chúa cho chúng ta thấy phải dâng hiến ra sao?
Một quả phụ nghèo đã dân cho Chúa tất cả tiền mình có để sống qua ngày.
“Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình” (Lu-ca 21:4).

4. Có phải Chúa khen thưởng theo số lượng tài vật chúng ta dâng hay không?
Chúa không khen thưởng theo số lượng tài vật chúng ta dâng, nhưng Ngài khen thưởng theo tỷ lệ chúng ta dâng hiến.
“Đức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác” (Lu-ca 21:1-3).

5. Cơ-đốc nhân phải dâng hiến như thế nào?
Thứ nhất, chúng ta nên nhớ rằng, vì Chúa Giê-xu đã chuộc chúng ta bằng giá rất cao, nên chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa, nhưng chúng ta là tôi mọi của Đức Chúa Trời. Vì vậy, mọi sự chúng ta có là của Chúa và Ngài trọn quyền sử dụng.

Thứ hai, dầu Chúa có quyền như vậy, nhưng Chúa vẫn để chúng ta tự nguyện dâng hiến tùy theo lòng yêu kính Chúa của chúng ta.

6. Như thế, Chúa dạy chúng ta dâng hiến ra sao?
a. Vì mọi sự chúng ta có là của Chúa, nên một phần mười là số dâng tối thiểu.
b. Dầu nghèo khổ, chúng ta cứ dâng hiến rộng rãi.
“Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình” (II Cô-rinh-tô 8:2).
c. Dâng hiến theo sức mình và quá sức mình nữa.
“Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ đã tự ý quyên tiền theo sức mình, hoặc cũng quá sức nữa” (II Cô-rinh-tô 8:3)

7. Chúa quở trách như thế nào đối với người không dâng hiến?
a. Chúa lên án người đó là kẻ ăn trộm.
“Chúng tôi ăn trộm Chúa ở đâu? Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng” (Ma-la-chi 3:8).
b. Chúa rủa sả họ.
“Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi, thảy các nước, đều ăn trộm ta” (Ma-la-chi 3:9).

8. Ngoài tài vật, chúng ta còn có thể dâng gì cho Chúa?
Chúng ta dâng thân thể mình cho Chúa để hoàn toàn sống cho Ngài.
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).

9. Chúng ta phải dâng hiến với thái độ nào?
Chúng ta phải dâng hiến cách vui lòng, khiêm nhường, kín đáo.
“Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7).
“Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì” (Ma-thi-ơ 6:3).
“Vì trong tín đồ không ai thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chơn các sứ đồ; rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phát cho.” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:34-35)

10. Phước hạnh của người dâng hiến là gi?
a. Được Chúa yêu thương
“Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7).
b. Gieo nhiều thì gặt nhiều
“Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6).
c. Chúa sẽ đổ phước xuống đến nỗi không chỗ chứa.
“Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Ma-la-chi 3:10)!
d. Là cớ tích cho nhiều người tạ ơn Đức Chúa Trời.
“Vì việc phát tiền bố thí dường ấy chẳng những dỡ ngặt cho các thánh đồ mà thôi, lại xui nhiều người càng thêm lòng tạ ơn Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 9:12).
Như thế, chúng ta đồng thanh với Đa-vít mà thưa với Chúa rằng:
“Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa” (I Sử-ký 29:14).

Câu gốc của bài học: “Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa” (I Sử-ký 29:14).

10. Hội Thánh và Các Thánh Lễ

I. Hội Thánh

1. Hội Thánh là gì?

Hội thánh là cộng đồng của những người được Đức Chúa Trời kêu gọi biệt riêng ra khỏi thế gian, được cứu chuộc bởi Chúa Giê-xu qua sự tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của mình để trở nên dân thánh cho Đức Chúa Trời.

2. Hội thánh Đấng Christ thành lập như thế nào?

a. Chúa Giê-xu tuyên bố thành lập Hội thánh.
“Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).
b. Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ tuần và thành lập Hội Thánh.
“Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Chúa Trời cho mình nói” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4).
“Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41).

3. Hội Thánh được Kinh Thánh mô tả ra sao?

a. Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ mà chính Ngài là đầu.
“Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:23).
b. Hội thánh là Tân Phụ của Đấng Christ.
“Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn
c. Hội thánh là bầy chiên của Đức Chúa Trời” (Khải-huyền 19:7).
“Anh em hãy giữ lấy mình, mà luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28).

d. Hội thánh là dân của Đức Chúa Trời
“Nhưng chúng ta là công-dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 3:20),
e. Hội thánh là nhà của Đức Chúa Trời
“Phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy” (I Ti-mô-thê 3:15).
f. Hội thánh là đền thờ của Đức Chúa Trời
“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16)
g. Hội thánh là đền thờ của Đức Chúa Trời
“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chắc thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9)

4. Thế nào là Hội thánh hữu hình và Hội thánh vô hình?

a. Hội thánh hữu hình hay Hội thánh địa phương là cộng đồng tín hữu nhóm lại tại một nơi để thờ phượng Chúa.
b. Hội thánh vô hình hay Hội thánh phổ thông là cộng đồng tín hữu thật của Chúa trên khắp thế giới, suốt mọi thời đại.

“Đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:27).

5. Sứ mạng của Hội thánh là gì?

Sứ mạng của Hội thánh là:
a. Tôn thờ Đức Chúa Trời
“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47).

b. Gây dựng nhau

“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:11-13).

c. Truyền giảng để cứu người khác
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19- 20).

II Các Thánh Lễ

A. Lễ Báp Têm

1. Chịu Báp-tem là thế nào?

Chịu Báp-tem là chịu nhận chìm xuống nước và sau đó ra khỏi nước.
“Và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh” (Ma-thi-ơ 3:6).
“Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài” (Ma-thi-ơ 3:16).

2. Lễ Báp-tem có nghĩa gì?

a. Lễ Báp-tem của Giăng là ăn năn để tiếp nhận Đấng Cứu Thế sắp đến.
“Phao-lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp-tem về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:4).
b. Lễ Báp-tem nhân danh Chúa Giê-xu là nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình và khi được dìm trong nước là kể mình đã đồng chết và đồng chôn với Chúa về đời sống cũ rồi từ nước lên là kể mình đã đồng sống lại với Chúa trong đời sống mới.
“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4).

3. Chịu phép Báp-tem có ích lợi gì?

Có ích lợi lớn lắm:
a. Được làm trọn mệnh lệnh Chúa dạy.
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20).
b. Được hiệp nhất với Chúa trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài.
“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4).

4. Điều kiện để được thọ lễ Báp-tem là gì?

a. Đã thật lòng tin nhận Chúa Giê-xu.
b. Đời sống đã thật sự đổi mới trở nên con cái Đức Chúa Trời.

c. Biết và tin các giáo lý căn bản

5. Nếu một người đã tin Chúa, chưa chịu báp-tem mà đã qua đời thì được cứu hay không?

Được!
“Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:42-43).

B. Lễ Tiệc Thánh

1. Ai đã lập Lễ Tiệc Thánh?

Đức Chúa Giê-xu
“Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:26-28).

2. Ý nghĩa của Tiệc Thánh là gì?

Dùng miếng bánh và chén rượu nho để chỉ về thân Chúa vì chúng ta mà tan nát, huyết Chúa vì chúng ta mà đổ ra, để tưởng niệm sự đau đớn của Ngài.
“Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một lẽ ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta” (I Cô-rinh-tô 11:23-25).

3. Trách nhiệm của người dự tiệc thánh là gì?

Phải truyền ra sự chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại.
“Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26).

4. Phước hạnh của kẻ được dự tiệc thánh là gì?

a. Để nhớ và thông công trong sự thương khó của Chúa.
“Cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10).
b. Để bảo đảm một tiệc mới trên trời, gọi là tiệc cưới Chiên Con.
“Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta” (Ma-thi-ơ 26:29). “Thiên sứ phải cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chơn thật của Đức Chúa Trời” (Khải-huyền 19:9).

5. Tại sao mọi người dầu mới tin hay theo Chúa đã lâu dầu đã thọ lễ báp-tem hay chưa chịu báp-tem đều được dự tiệc thánh?
Vì bánh và chén tượng trưng cho thân và huyết Chúa dành cho tất cả những ai đáp ứng lời mời của Chúa và tìm đến tin nhận Ngài. Người nào chưa ăn năn đầu phục Chúa thì phải chờ cho đến khi có đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jêsus.

“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát” (Giăng 6:35).
“Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người” (Giăng 6:54-56).

“Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa” (I Cô-rinh-tô 11:27).

C. Lễ Thành Hôn

1. Ai lập lễ thành hôn và khi nào?

Đức Chúa Trời lập lễ thành hôn, sau khi đã dựng nên tổ tông loài người.
“Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao?” (Ma-thi-ơ 19:4- 5)

2. Đức Chúa Trời lập lễ hôn nhân với mục đích gì?

a. Để vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau.
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng-thế Ký 2:18).
b. Để sanh sản thêm nhiều trên đất.
“Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:28).
c. Để chung hưởng mối tương thông tuyệt diệu như Đấng Christ và Hội Thánh.
“Vậy nên người đờn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy” (Ê-phê-sô 5:31-32).

3. Thế nào là một hôn nhân đẹp ý Đức Chúa Trời?

a. Cả hai đều là con cái của Chúa.
“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14)
b. Người nam có một vợ và người nữ có một chồng mà thôi.
“Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ” (Ma-la-chi 2:15).

4. Tín đồ phải kết hôn với tín đồ thì có phải là kỳ thị tôn giáo không?

Không! Vì Chúa biết muốn có một gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải đồng một tâm tình đồng tư tưởng, đồng tín ngưỡng.
“Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?” (A-mốt 3:3)

Thí dụ:

a. Công bình và gian ác không thể kết hợp với nhau được.
b. Ánh sáng và bóng tối không thể hòa đồng với nhau được.
c. Cứu Chúa và ma quỉ không thể hòa hợp với nhau được.
d. Người tin Chúa không có phần gì với người không tin Chúa.
e. Đền thờ Đức Chúa Trời không có tương quan gì với hình tượng.
Vậy đừng mang ách chung với kẻ chẳng tin, như con bò và con lừa không thể mang một ách.
“Chớ cày bằng một con bò thắng chung với một con lừa” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:10).
“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Chúa các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy” (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

5. Quyền hạn của chồng và vợ đến đâu?

Chồng làm gì phải được sự đồng ý của vợ, vợ làm gì phải được sự đồng ý của chồng, vì cả hai đã trở nên một.
“Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ” (I Cô-rinh-tô 7:3-4).

6. Bổn phận của vợ là gì?

Bổn phận của vợ là phục tùng chồng.
“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24).

7. Bổn phận của chồng là gì?

Bổn phận của chồng là yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh.
“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25),
“Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:28-29),
“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7).

D. Lễ Dâng Con

1. Tại sao tín hữu phải đem con mình dâng lên Chúa?

a. Vì nhận rằng con mình là cơ nghiệp đời đời của Chúa cho, nó quí hơn bất cứ cơ nghiệp nào tại trần gian.
“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (Thi-thiên 127:3).

b. Vì xưa nay những người yêu mến Chúa đều dâng con mình cho Ngài, để chúng được Ngài trọng dụng trong công việc cao cả, như bà Anne: “Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó. Đoạn mẹ con đều thờ lạy tại đó trước mặt Đức Giê-hô-va” (I Sa-mu-ên 1:28).
Như Ma-ri: “Khi đã hết những ngày tinh sạch rồi, theo luật pháp Môi-se, Giô-sép và Ma-ri đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa” (Lu-ca 2:22)
Ước ao chúng ta đều nói được như Giô-suê: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).

2. Một người đã dâng con cho Chúa thì còn có trách nhiệm đối với con ấy không?

Xưa nay Chúa dùng cha mẹ để đào tạo con cái đắc dụng cho Ngài:
a. Chúa đã dùng Áp-ra-ham sanh ra một tuyển dân cho Ngài. Qua dân đó, Ngài ban sự khải thị cho nhân loại. Cũng qua dân đó, Ngài ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Hai việc nầy quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
“Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng; thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham” (Sáng-thế Ký 18:19).
b. Để có những bậc vĩ nhân, Chúa đã chuẩn bị các bận cha mẹ như Am-ram và Giô-kê-bết, cha mẹ của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10 Hê-bơ-rơ 11:23-28 Dân-số Ký 26:59); An-ne, mẹ của Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 1:1-28), Ơ-nít, mẹ của Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê 1:5).
c. Cha mẹ có trách nhiệm:
1. Nuôi con cái
“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4).
2. Dạy dỗ con cái
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm-ngôn 22:6).
“Hãy dạy nó lại cho con cái mình, nói đến hoặc khi ngươi ngồi ở trong nhà hay là đi đường, hoặc khi ngươi nằm hay là khi chổi dậy. Cũng phải ghi các lời ấy trên cột nhà và trên cửa mình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:19-20).
3. Làm gương cho con cái
“Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra” (I Ti-mô-thê 1:5).

3. Có phải cha mẹ có quyền tuyệt đối trên con cái không?

Không? Ai hành động như vậy là sai lầm:
a. Vì chúng ta biết con cái là cơ nghiệp của Chúa cho, chính chúng ta và mọi sự chúng ta có cũng vậy.
b. Vì chúng ta đã dâng con mình cho Chúa, chúng nó đã hoàn toàn thuộc về Ngài. Vô luận lúc nào, việc gì Chúa muốn dùng nó, chúng ta phải cúi đầu. Đó là quyền tuyệt đối của Ngài, thậm chí Chúa muốn đem chúng nó về trước với Ngài trên trời cũng vậy.

E. Lễ An Táng

1. Có phải nhờ làm lễ an táng mà người chết được cứu không?

Không! Ai tin Chúa Jêsus thì được cứu, ai không tin Chúa Jêsus thì bị hư mất. Kẻ tin Chúa dù chết cách nào không có không được làm lễ, không được an táng cũng được cứu. Hãy xem sự chết của người trộm cướp bên cạnh Chúa Jêsus (Lu-ca 23:40-43). “Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng ngươi nầy không hề làm một điều gì ác. Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:40- 43).

2. Thế thì tại sao mỗi lần có người chết, tang gia phải mời Mục Sư hay Truyền đạo làm lễ an táng?
Làm lễ an táng không phải lo cho người chết mà lo cho người sống:

a. An ủi tang gia

“Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13).

b. Cảnh cáo mọi người chuẩn bị sẵn sàng cho ngày mình qua đời.
“Hỡi Y-sơ-ra-ên, vậy nên ta sẽ đãi ngươi dường ấy; hỡi Y-sơ-ra-ên, vì ta sẽ đãi ngươi dường ấy, nên ngươi khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi” (A-mốt 4:12).

c. Kêu gọi tội nhân ăn năn.
“Người giàu ở nơi âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người” (Lu-ca 16:23)

d. Khích lệ mọi người theo Chúa

1. Ước ao được chết như người công nghĩa “Ai đếm được bụi cát của Gia-cốp, Ai tu bộ được phần tư của Y-sơ-ra-ên? Người công chánh thác thể nào, tôi nguyện thác thể ấy; Cuối cùng người nghĩa làm sao, tôi nguyện cuối cùng tôi làm vậy!” (Dân-số Ký 23:10)

2. Ước ao được chết như người thánh của Đức Chúa Trời
“Sự chết của các người thánh. Là quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 116:15).

3. Ước ao được chết cách nào để tôn vinh Chúa
“Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Jêsus. Và sau khi đã phán như vậy, Ngài lại rằng: Hãy theo ta” (Giăng 21:19).

4. Ước ao được Chúa Giê-xu đứng dậy tiếp linh hồn mình như Ê-tiên.
“Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55)

5. Ước ao được như Phao-lô khi sắp tắt hơi.
“Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, những cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài” (II Ti-mô-thê 4:7-8).

6. Ước ao như La-xa-rơ, dầu phải nghèo khó.
“Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn” (Lu-ca 16:22).

7. Ước ao trung tín với Chúa cho đến chết.
“Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống” (Khải-huyền 2:10).

8. Ước ao trọn đời sống trong Chúa để được chết trong Chúa.
“Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghĩ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải-huyền 14:13).

3. Có nên làm lễ an táng cho tín đồ yếu đuối không?

Nên làm! Nếu được tang gia mời, như trên đã nói, chúng ta không làm lễ cho ai được cứu, mà chỉ để an ủi, cảnh cáo, khích lệ tang gia. Trong trường hợp này người hành lễ không nên đề cập đến sự cứu rỗi linh hồn của người đã chết. Vì đó là việc riêng giữa Đức Chúa Trời và kẻ ấy, mà chỉ nên có sứ mạng trực tiếp cho những người đang đứng trước mặt mình. Nhiều trường hợp như vậy đã thức tỉnh tang gia và đem họ đến sự ăn năn.

4. Tại sao người tin Chúa cũng chết như người không tin Chúa?

Theo như đã định cho loài người phải chết một lần (vô luận thiện ác), rồi chịu phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27).
Sự chết không phải là điểm tận cùng của một người, nó là điểm tận cùng của cuộc đời tạm thời tại trần gian song là khởi điểm của cuộc đời vĩnh viễn trên thiên đàng hay dưới địa ngục như La-xa-rơ và người giàu có. Vì thế, chúng ta gọi chết là qua đời hay từ trần.

Câu gốc của bài học: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chắc thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9).

11. Thiên Đàng và Thiên Sứ

1. Thiên đàng là gì?

Là nhà của Đức Chúa Trời, là nơi ngự của Ngài.
“Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3).

2. Thiên đàng ở đâu?
Thiên đàng ở trên trời.
“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ-chơn ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ-ngơi cho ta?” (Ê-sai 66:1)

3. Thiên đàng ra sao?
Tại thiên đàng không có bệnh tật, chết chóc nên cũng không có tang chế, khóc lóc, khổ đau. Tại đó không cần mặt trời vì không có ban đêm, nhất là không có tội lỗi. Tại thiên đàng co cuộc sống vĩnh cửu.
“Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.” (Khải-huyền 21:4)
“Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa TrờI toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành. Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành. Các dân sẽ đi giữa sự sáng thành đó và các vua trên đất sẽ đem vinh hiển mình vào đó. Những cửa thành ban ngày không đóng, vì ở đó không có ban đêm. Người ta sẽ đem vinh hiển và phú quí của các dân đến đó; kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.” (Khải-huyền 21:22-27)

4. Ai được ở thiên đàng?
a. Thiên sứ
“Nhưng anh em đã tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 12:22),

b. Những kẻ tin nhận Cứu Chúa Giê-xu
“Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3).

5. Hỏa ngục là gì?
Là một hồ lửa đời đời.
“Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (Ma-thi-ơ 25:41).

6. Đức Chúa Trời dựng nên hỏa ngục để làm gì?
a. Để dành cho ma quỉ và quỉ sứ nó.
“Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải-huyền 20:10).
b. Để dành cho kẻ theo ma quỉ và các quỉ sứ nó.
“Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (Ma-thi-ơ 25:41).

7. Hỏa ngục có thiêu hủy những kẻ ở trong đó không?
Không! Họ bị đau đớn cả ngày lẫn đêm, nghiến răng chắt lưỡi, khóc lóc, muốn chết mà không chết được.
“Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải-huyền 20:10).
“Con Người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Ma-thi-ơ 13:41-42).

8. Những kẻ ở trong hỏa ngục phải chịu khổ hình bao lâu?
Những kẻ ở trong hỏa ngục bị khổ hình đời đời vì tại nơi đó không có mặt trời nên không có giờ ngày tháng, năm gì cả.

Câu gốc của bài học: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3).