Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 3)

Honnhanbs3 E1517446927604

 

Như chúng ta đã biết, để có thể hiểu nhau và thông cảm với nhau, vợ chồng cần dành thì giờ trò chuyện với nhau thường xuyên.  Tiến trình đối thoại gồm có ba phần: nói, nghe và thông cảm.  Ba phần này quan trọng như nhau, nếu thiếu một phần nào, đối thoại sẽ không đầy đủ, không trọn vẹn.  Về cách nói và nghe, Thánh Kinh dạy:

Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19)

Khi đối thoại, chúng ta cần sẵn sàng lắng nghe, nghe đầy đủ rồi mới nói và không dễ dàng nổi giận về những gì mình nghe.  Có nhiều người không muốn nói mà cũng không muốn nghe ai nói, dù là người thân thương, gần gũi với mình nhất.  Có thể nói, đây là điều thường thấy nơi các ông.  Có nhiều ông chồng chẳng bao giờ nói chuyện với vợ mà cũng không muốn nghe vợ nói, khiến những người vợ đó thật là cô đơn.  Là người tin Chúa, chúng ta sống cho phúc lợi của người khác và sống với mọi người trong tình yêu thương nên chúng ta không cư xử như thế với người thân yêu.

Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh Cựu Ước dạy rất nhiều về ảnh hưởng của lời nói và cách sử dụng lời nói.  Kinh Thánh cho chúng ta ít nhất mười nguyên tắc sau đây:

  1. Lời nói có sức mạnh rất lớn vì thế chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng lời nói
  2. Chúng ta cần giữ tâm trí trong sạch vì là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói
  3. Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói
  4. Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại
  5. Lời nói trong lúc nóng giận rất nguy hiểm
  6. Lời nói đúng lúc, đúng chỗ có giá trị lớn
  7. Lời nói nhân từ có tác dụng tốt
  8. Nói nhiều sẽ vấp váp và lầm lỗi nhiều
  9. Chúng ta cần nói thật nhưng nói với tình yêu thương
  10. Hãy tránh tính hay cằn nhằn và tranh cãi

Nguyên tắc 1:  Lời nói có sức mạnh rất lớn

Châm Ngôn 18:21:

Sống chết ở nơi quyền của lưỡi, kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó!

Câu này hàm ý rằng lời nói có thể đem lại sự sống nhưng cũng có thể giết chết.  Lời nói có thể mang lại niềm vui, sức sống nhưng cũng có thể khiến người nghe nản lòng, không còn muốn sống nữa.  Những lời an ủi, khích lệ sẽ giúp người buồn khổ, nản lòng được lên tinh thần và thêm ý chí để vượt qua khó khăn.  Lời chê trách, mắng mỏ trái lại, khiến tinh thần sụp đổ và khiến chúng ta muốn bỏ cuộc.  Lời nói có thể đem lại hiệp một, thông cảm giữa người này với người kia nhưng lời nói cũng có thể gây chia rẽ, hận thù khiến người ta có thể đi đến chỗ làm hại nhau.  Châm Ngôn 15:4 dạy:

Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống, song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần.

Có lẽ chúng ta đều đãkinh nghiệm ảnh hưởng tai hại của những lời nói thiếu yêu thương, thiếu tôn trọng, làm cho lòng chúng ta tan nát.  Có những người dù đã lìa khỏi gia đình cha mẹ mấy mươi năm vẫn đau lòng khi nhớlại những lời nặng nề, đau đớn cha mẹ nói với mình.  Có người suốt đời bị ám ảnh vì một lời nói cay đắng, thiếu yêu thương của vợ hay chồng trong những ngày đầu chung sống. Lời nói có sức mạnh lớn như thế nên chúng ta cần thận trọng khi nói năng với người chung quanh.

Nguyên tắc 2:  Giữ tâm trí trong sạch vì đó là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói

Thánh Kinh dạy:

Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra (Châm Ngôn 4:23)

Chúa Giê-xu thì dạy:

Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra (Lu-ca 6:45)

Khi chúng ta suy nghĩ điều gì nhiều thì chúng ta sẽ thường nói về điều đó. Người hay nói chuyện tiền bạc là vì tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến tiền bạc.  Người hay nói những chuyện dơ bẩn vì tâm trí người ấy đầy dẫy những chuyện dơ bẩn. Tâm trí là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói, cũng là nơi phát xuất ý định và quyết định của con người vì thế chúng ta cần giữ lòng và trí trong sạch.  Theo lời Chúa dạy, chúng ta phải loại bỏ khỏi tâm trí những tư tưởng dơ bẩn, xấu xa và thay vào đónhững điều thánh sạch, yêu thương.  Sứ đồ Phao-lô khuyên:

Thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý. Nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến (Phi-líp 4:8, Bản Dịch Mới)

Một trong những cách thực tế để giữ tâm trí trong sạch là chúng ta tránh những người hay nói chuyện bậy bạ, tục tằn; tránh những người hay ngồi lê đôi mách, nói xấu người này với người kia. Chúng ta cũng cần tránh những sách vở và phim ảnh đồi trụy, làm dơ bẩn tâm trí chúng ta. Ðây là phương cách giúp ta giữ tâm trí trong sạch hầu nẩy sinh những tư tưởng cao quý, tốt đẹp và nhờ đó có những lời nói thanh sạch, xây dựng và nhân hậu, mang lại ích lợi cho người nghe.

Nguyên tắc 3:  Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói

Thường thường các ông ít nói hơn các bà, nhưng có bà vợ kia than phiền là chồng bà nói quá nhiều.  Bà nói, chồng tôi có một cái bệnh là mỗi khi ở chỗ đông người là ông phải nói.  Ông nói nhiều, nói to.  Ông muốn mọi người chú ý đến ông, lúc nào ông cũng phải là trọng tâm của buổi họp mặt, đề tài ông nói là quan trọng nhất và mọi người phải chú ý nghe, ông không nhường cho người khác nói. Ông nói luôn miệng chứ không muốn nghe người khác nói. Bạn bè chê cười ông, có người tránh không muốn gặp ông mà ông không biết.  Tội nghiệp bà vợ này xấu hổ về tính nói nhiều của chồng mà không biết làm sao.

Kinh Thánh không những dạy chúng ta phải mau nghe, chậm nói nhưng cũng dạy rằng nghe tốt hơn nói, và người nào nói ít sẽ đỡ lầm lỗi và được kể là khôn ngoan.

Châm Ngôn 14:23; 17:28 ghi như sau:

Trong các thứ công việc đều có ích lợi, nhưng miệng nói nhiều chỉ dẫn đến sự thiếu thốn

Khi nín lặng dầu người ngu dại cũng được cầm bằng khôn ngoan

Mỗi khi có dịp trò chuyện với người khác, chúng ta thấy mình thường nói hay yên lặng lắng nghe?  Nếu thành thật chúng ta phải nhận rằng mình nói nhiều hơn nghe, mà người chung quanh chúng ta cũng ít ai kiên nhẫn chú ý nghe những điều ta muốn nói. Châm Ngôn 18:15 dạy rằng:

Lòng người khôn khéo được sự tri thức và tai người khôn ngoan tìm kiếm sự hiểu biết

Người lắng tai nghe để tìm sự hiểu biết được kể là khôn ngoan.  Khi yên lặng nghe chúng ta sẽ tiếp thu và học hỏi được nhiều; nhờ đó hiểu lầm giảm bớt, hiểu biết và thông cảm gia tăng, chúng ta trở nên khôn ngoan và mối quan hệ giữa ta với người chung quanh sẽ được tốt đẹp.  Theo lời Kinh Thánh dạy, chúng ta cần nghe lời quở trách cũng như lời khuyên dạy.

Nghe lời quở trách

Kẻ nào nghe lời quở trách của sự sống sẽ được ở giữa các người khôn ngoan.  Ai từ chối sự khuyên dạy khinh bỉ linh hồn mình, nhưng ai nghe lời quở trách được sự thông sáng (Châm Ngôn 15:31-32)

Ðể được khôn ngoan và bớt đi những lỗi lầm trong cách ứng xử hằng ngày, chúng ta cần nghe lời khuyên dạy, lời phê bình, góp ý của người khác, nhất là những người lớn tuổi, trưởng thành và thật lòng yêu thương chúng ta.  Kinh Thánh dạy rằng người nào chỉ thích nghe lời khen tặng, ca ngợi mà không muốn nghe lời khuyên dạy hay góp ý thì khó có thể cải thiện để nên người trưởng thành.

Châm Ngôn 19:20 khuyên:

Hãy nghe lời khuyên dạy và tiếp nhận sự giáo huấn để con được khôn ngoan trong lúc cuối cùng

Áp dụng vào đời sống hằng ngày, khi vợ, chồng hay cha mẹ, anh chị em, vì yêu thương, chỉ cho chúng ta thấy những lỗi lầm và sai sót của mình, chúng ta cần vui vẻ lắng nghe và sửa đổi.  Ðây là điều khó chứ không dễ, nhưng Kinh Thánh cho biết, người sẵn sàng nghe và sửa đổi sẽ nên trưởng thành và khôn ngoan.  Trái lại, nếu chúng ta không muốn nghe lời khuyên dạy, và phiền giận khi có người nói lên những lỗi lầm và thiếu sót của mình, sẽ không ai dám góp ý với chúng ta nữa, vì thế chúng ta sẽ tiếp tục sống trong vấp váp và lầm lỗi (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành