Dạy Con (Bài 9)

Dayconbs9 E1528969877279

 

Chúng tôi ước mong rằng những điều chúng tôi chia sẻ gần đây có thể giúp quý vị thêm một vài ý kiến về cách hướng dẫn con cái, đặc biệt là quý vị có con nhỏ, trong khoảng một đến năm tuổi, là tuổi còn uốn nắn được. Trong câu chuyện gia đình kỳ trước, chúng tôi có trình bày sơ lược về bốn cách dạy con mà chúng ta thường thấy nơi các bậc phụ huynh, có những cha mẹ dạy con cách độc tài, độc đoán và quá nghiêm khắc với con. Có người thì hờ hững, không quan tâm đến con, con làm gì cũng không biết và không chỉ dạy. Nhóm thứ ba là những phụ huynh quan tâm đến con nhưng thường nuông chiều hơn là dạy dỗ con, và  nhóm thứ tư là những phụ huynh lấy thẩm quyền hướng dẫn con, đặt kỷ luật rõ ràng những cũng để ý đến nhu cầu và ý kiến của con.

Trong câu chuyện gia đình kỳ trước chúng tôi có kể chuyện về một thiếu phụ vì quên khóa cửa xe, bị mất cái cell phone và một số đồ dùng để trong xe, nhưng sau đó nhờ gọi thử số của cái phone bị mất, bà đã gặp bà mẹ của thủ phạm. đó là một cậu bé mười mấy tuổi. Cuối cùng cậu bé bị mẹ bắt phải đem trả những gì đã lấy và còn phải rửa xe, cắt cỏ cho thiếu phụ đó để tạ lỗi. Đây là câu chuyện có thật, xảy ra tại thành phố Boise, Idaho.

Bây giờ mới quý vị đặt câu chuyện trên vào với bốn cách dạy con của bốn nhóm phụ huynh để thấy các phụ huynh trong những nhóm đó sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp này. Chúng ta cũng có thể nhìn vào câu chuyện này để biết chúng ta thuộc vào nhóm phụ huynh nào và thường dạy con theo phương cách nào:

Trước hết, nếu bà mẹ của cậu bé kia thuộc nhóm phụ huynh thứ nhất, tức là dạy con cách độc tài, độc đoán, thì khi biết con lấy cắp của người khác như thế bà sẽ nổi giận, đánh cho con một trận hoặc mắng chửi con nặng lời. Bà cũng có thể bắt con đem trả những gì đã lấy nhưng với thái độ tức giận, ghét bỏ và bực bội, bà nghĩ vì sự bất cẩn của người kia mà con bà mới làm một việc sai quấy như thế. Bà xấu hổ vì con đã làm tổn thương danh dự gia đình. Bà cũng giận con và thất vọng nơi con vì bà nghĩ, với cách dạy dỗ nghiêm khắc của bà, con bà phải là người toàn hảo, không bao giờ dám làm việc như thế. Những cha mẹ nghiêm khắc và độc đoán với con, khi đứng trước những việc làm sai quấy của con thường tức giận: giận con, giận người liên hệ và giận cả chính mình vì việc xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ bắt con sửa đổi những việc quấy của con để chứng tỏ mình là người biết điều nhưng không thông cảm với sự dại dột của con và cũng không lấy tình thương yêu giải thích cho con biết tại sao việc con làm là sai, để con hiểu và không làm như thế nữa. Những phụ huynh độc tài dộc đoán trong trường hợp này sẽ làm thế nào cho con xấu hổ để con sợ mà không dám phạm những lỗi lầm như thế nữa. Các em sẽ không dám làm chuyện sằng bậy nữa, nhưng thường là vì sợ cha mẹ chứ không phải vì được cha mẹ dạy dỗ, giải thích tại sao không nên làm điều sai quấy.Vì thế khi lớn lên, không còn ở dưới quyền của cha mẹ nữa, các em đó có thể sẽ trở lại con đường sai quấy.

Nếu bà mẹ của cậu bé kia là người thuộc nhóm phụ huynh thứ hai, tức là hờ hững trong việc dạy con và không quan tâm đến con, bà sẽ không biết con mình đã đi đâu, làm gì. Bà cũng sẽ không có mặt bên cạnh con khi thiếu phụ kia gọi đến và vì thế không biết con bà đã làm điều sai quấy. Con bà khi trả lời điện thoại có thề cậu bé không nhận ra mình  là người đã lấy cắp đồ trong xe. Cậu bé phạm lỗi nhưng không bị bắt, không bị phạt, trái lại thấy làm như thế được ích lợi và do đó khi lớn lên, có thể sẽ phạm những tội lớn hơn và có lẽ đến một ngày kia, khi con bị cảnh sát bắt vì những tội to lớn, cha mẹ mới ngạc nhiên không hiểu tại sao con mình làm những điều kinh khủng như thế.

Nếu bà mẹ cậu bé trên thuộc nhóm phụ huynh thứ ba, tức là thương con nhưng dễ dãi với con và nuông chiều con, bà sẽ bảo bọc con khỏi mọi khó khăn. Khi thiếu phụ kia gọi đến, bà sẽ báo là bà ta gọi lầm số, lầm nhà, bà không biết gì cả và con bà không bao giờ đi cắp cái gì của ai. Nếu là người hung dữ, bà có thể mắng thiếu phụ kia tại sao dám phao vu cho con bà tội ăn cắp. Sau đó có lẽ bà sẽ nói với con là, may nhờ mẹ chớ không là con đã gặp rắc rối, bà cũng sẽ nói, nếu con cần gì nói mẹ mua cho chứ đừng làm chuyện sằng bậy như thế, rủi bị bắt thì rắc rối lắm. Đứa con đó nếu ngoan ngoãn, thương mẹ và bén nhạy trước tội lỗi thì sẽ tránh tội nhưng nếu là đứa cứng đầu, thích làm điều sai quấy sẽ thấy rằng mẹ lúc nào cũng thương mình, cùng về phe với mình và bênh vực mình nên khi bị cám dỗ làm điều quấy sẽ không ngại phạm tội.

Nhìn lại điều đã thật sự xảy ra trong câu chuyện chúng ta đang phân tích, có lẽ quý vị dều đồng ý là bà mẹ của cậu bé kia không thuộc vào các nhóm phụ huynh 1, 2 và 3, nhưng bà thuộc nhóm tứ tư, là những cha mẹ quan tâm đến con, lấy thẩm quyền dạy con và áp dụng kỷ luật để hướng dẫn con. Bà không những ở bên cạnh chăm sóc con nhưng cũng đặt kỷ luật cho con. Bà không vì danh dự của mình mà bênh vực con hay chạy tội cho con. Điều đặc biệt nơi bà mẹ này là bà đã chịu mất thì giờ đi với con đem trả những gì con đã lấy, lại còn ở lại chờ con rữa xe, cắt cỏ để tạ lỗi với thiếu phụ kia. Sau đó bà còn cấm là trong suốt hai tháng, ngoại trừ khi đi học, con bà không được đi đâu một mình nhưng phải đi với người lớn trong gia đình. Cách dạy con và kỷ luậ mà bà mẹ này áp dụng chúng ta thấy rằng sẽ có kết quả tốt. Bà không làm cho con bị tổn thương, đau đớn, không giận dữ với con, cũng không bỏ mặc con giải quyết nan đề nhưng dành thì giờ dạy con, hướng dẫn con. Đứa bé thấy được tính cách nghiêm trọng của tội ăn cắp và cái giá mà mình phải trả nhưng cũng cảm nhận được tình thương và lòng quan tâm của mẹ. Có lẽ khi biết việc quấy con làm, bà mẹ này đã giải thích cho con và cho con biết những việc con phải làm. Cậu bé này sẽ không bao giờ quên việc đã xảy ra và sẽ không dám tái phạm, không chỉ vì nghĩ đến cái giá mình phải trả nhưng cũng nghĩ đến tình thương của mẹ và nỗi vất vả mà mẹ phải chịu vì mình.

Thánh Kinh dạy, là người lớn và là cha mẹ, chúng ta:

Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó (Châm ngôn 22:6)

Có hai điều chúng ta cần để ý trong lời dạy này:

Thứ nhất là chúng ta cần dạy con khi các em còn nhỏ, còn thơ dại, khi tấm lòng còn mềm mại, muốn vâng lời cha mẹ, chưa bị ảnh hưởng xấu của những người chung quanh, nói vắn tắc là khi còn có thể uốn nắn được. Nếu khi con còn mềm mại, sẵn sàng vâng lời mà cha mẹ chỉ nuông chiều chứ không uốn nắn được. Nếu khi con còn mềm mại, sẵn sàng vâng lời mà cha mẹ chỉ nuông chiều chứ không uốn nắn vào khuôn phép, rồi đến lúc con bắt đầu lớn, có vẻ ương ngạnh, khó dạy cha mẹ mới áp dụng kỷ luật thì rất khó. Nhiều người thấy con còn nhỏ, dễ dạy dễ bảo thì không quan tâm nhiều, giao con cho người khác chăm sóc để lo làm ăn, học hành, đeo đuổi những việc khác không dành thì giờ ở bên cạnh dạy dỗ, hướng dẫn con. Đến khi con bước vào tuổi thiếu niên, cha mẹ thấy là mình không có thẩm quyền gì trên con, con không tuân nể một luật lệ nào của cha mẹ, lúc đó mới hoảng hốt đặt luật này luật kia, cấm điều này điều nọ. Thưa quý vị, lúc đó đã trễ. Cái cây đã lớn, đã cứng không thể uốn nắn lại được. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần hướng dẫn con vào khuôn phép từ khi con còn nhỏ, các nhà tâm lý học nói rằng từ ngày chúng ta đem con ở nhà thương về là đã phải bắt đầu áp dụng luật lệ và uốn nắn con vào khuôn phép.

Thứ hai, chúng ta cần để ý trong mạng lệnh trên của Chúa là, nếu muốn dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo thì chính chúng ta là cha mẹ phải đi con đường đó trước để làm giương cho con. Một nhà giáo dục nọ đã nói, ba bí quyết giúp cha mẹ thành công trong việc dạy con là: (1) Làm gương cho con. (2) Làm gương cho con. (3) Làm gương cho con! Nói một cách khác, làm gương tốt cho con noi theo là bí quyết quan trọng, cần thiết duy nhất để đạt được thành công trong việc hướng dẫn con cái. Nếu cha mẹ bảo con đừng cãi nhau, đừng tranh giành với nhau mà cha mẹ cứ cãi nhau tranh nhau suốt ngày thì lời khuyên của cha mẹ không có hiệu quả. Nếu bao con phải ngay thẳng, thành thật mà con thấy cha mẹ có nhiều điều thiếu thành thật với nhau, thiếu ngay thẳng trong cách mua bán, xử sự với người chung quanh, lời khuyên dạy của cha mẹ sẽ không có kết quả. Vì thế, là cha mẹ, chúng ta cần dạy cho con cái con đường chúng phải theo, đó là đường hay lẽ phải, là con đường Chúa muốn các em đi, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải đi con đường đó trước để làm gương cho con (còn tiếp). 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành