Dạy Con (Bài 8)

Dayconbs8

 

“Có một thiếu phụ kia một ngày nọ khi đi mua sắm bà quên khóa cửa xe. Trên ghế trước trong xe bà để cái cell phone và một số băng nhạc. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, khi bà trở lại xe thì tất cả những món đồ trong xe bị mất hết. Bà biết là có người đã lấy. Khi liên lạc với hãng bảo hiểm thì số tiền bà phải trả trước khi được bồi thường còn nhiều hơn giá trị của những gì đã mất, vì thế bà đành chịu mất những món vật dụng để trong xe hôm đó. Mấy ngày sau, trong lúc đang buồn vì chuyện rủi ro đó, thiếu phụ này chợt nghĩ: hay là mình gọi số cell phone của mình thử xem sao. Thì ra một cậu bé mười mấy tuổi đã lấy đồ trong xe của bà. Khi bà gọi số cell phone thì cái phone đang ở trong túi quần cậu bé và bà mẹ cậu đang đứng gần đó. Có lẽ bà mẹ ngạc nhiên khi thấy con có cell phone và cậu bé phải đưa cái phone cho mẹ nên bà mẹ là người trả lời điện thoại. Sau khi nói chuyện với thiếu phụ kia bà mẹ đã biết rõ mọi việc. Và rồi ngày hôm sau cậu bé phải đi với mẹ, đem tất cả những gì đã lấy trong xe trả lại cho thiếu phụ, sau đó bà mẹ ở lại chờ con rửa xe và cắt cỏ cho thiếu phụ kia xong rồi mới ra về. Và suốt hai tháng sau đó, mỗi khi đi đâu, cậu bé phải đi với một người lớn trong nhà. Đó là cái giá mà cậu bé phải trả vì đã lấy cắp đồ của người khác. Cậu bé đó chắc sẽ không bao giờ dám làm điều sai quấy nữa. Một bậc cha mẹ chịu khó dành thì giờ và áp dụng kỷ luật với con cách nghiêm nhặt như thế ngày nay thật là hiếm.”

Trong câu chuyện gia đình kỳ trước chúng tôi có trình bày về bốn cách dạy con của bốn nhóm phụ huynh khác nhau. Nhóm thứ nhất là những phụ huynh độc tài độc đoán, cầm quyền trên đời sống con, không để ý đến nhu cầu và ý kiến của con nhưng lúc nào cũng buộc con phải vâng lời cha mẹ tuyệt đối. Nhóm thứ hai là những phụ huynh hờ hững không quan tâm đến con, không chăm sóc cũng không đặt kỷ luật cho con, con muốn làm gì cũng được. Nhóm thứ ba là những phụ huynh nuông chiều con, quan tâm đến nhu cầu và ý muốn của con nhưng không đòi hỏi con điều gì nơi con, cũng không buộc con tuân theo một kỷ luật nào. Và nhóm thứ tư là những phụ huynh lấy thẩm quyền hướng dẫn con, quan tâm đến nhu cầu và ý kiến của con, nhưng cũng đặt kỷ luật cho con và đòi hỏi con tuân giữ những luật lệ cha mẹ đã đặt ra.

Mỗi bậc cha mẹ thường dạy con theo những phương cách khác nhau, và cách chúng ta dạy con sẽ có ảnh hưởng lớn lao trên đời sống con sau này. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta không thấy rõ là mình dạy con theo phương cách nào và cách dạy đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào trên con. Vì thế chúng tôi xin nêu sau đây một vài trường hợp khác nhau để quý vị nhìn vào và nhận định xem mình dạy con theo mẫu mực hay phương cách nào.

Trường Hợp 1

Đứa bé con khoảng ba tuổi, bà mẹ bỏ vào chén cơm vài trái đậu, bảo: “Đậu ngon lắm con ăn thử đi!” Đứa bé cầm lên xem rồi bỏ ra bàn, nói: “Con không thích ăn đậu này!”

Trong trường hợp đó quý vị sẽ phản ứng như thế nào?

  1. Đánh con, bắt phải ăn và nói: “Cái gì mẹ bảo ăn là phải ăn!”
  2. Làm ngơ như không nghe, không thấy việc con làm và tiếp tục công việc của mình.
  3. Nói: “Con không thích ăn đậu hả, sao vậy, không thích thì thôi!” Và lấy hết ra khỏi chén cho con.
  4. Nói: “Con chưa ăn mà sao biết là thích hay không thích, phải ăn thử một miếng!”

Trường Hợp 2

Đứa con bảy tuổi, đang ngồi xem ti-vi. Quý vị chợt nhìn đồng hồ và thấy đã gần 9 giờ. Quý vị bảo con: “Trễ rồi, tắt ti-vi đi ngủ, mai còn đi học!” Đứa bé năn nỉ: “Cho con coi thêm một chút thôi, sắp hết rồi!”

Quý vị sẽ phản ứng như thế nào?

  1. Nói: “Bảo tắt là tắt ngay, không có coi thêm gì nữa!” Rồi đết tắt cái ti-vi.
  2. Nghe lời năn nỉ của con nhưng đang bận làm công viêc gì đó nên không trả lời và để mặc con tiếp tục xem ti-vi.
  3. Nói: “Ba mẹ nói con chẳng bao giờ vâng lời, sao con hư quá vậy, coi thêm một chút nữa thôi nhen!” Và rồi để con xem thêm cả giờ đồng hồ.
  4. Đến nhìn vào ti-vi để biết con đang xem đến chỗ nào, cùng xem với con thêm mấy phút cho đến hết rồi tắt máy bảo con đi ngủ.

Trường Hợp 3

Con của quý vị khoảng 12 tuổi, đang ngồi làm bài, đứa bé phàn nàn: “Tại sao con cứ phải làm bài hoài vậy, con mệt quá à!”

Quý vị sẽ trả lời thế nào:

  1. “Đi học là phải làm bài, đứa nhỏ nào cũng vậy. Mệt cũng ráng làm cho xong!”
  2. Làm ngơ không trả lời con hoặc nói bâng quơ: “Con nhỏ này, chơi bao nhiêu cũng không mệt mà hễ học là than mệt!”
  3. “Tội nghiệp con tôi, bài vở nhiều quá, thôi con mệt thì nghỉ đi, ráng quá rồi bị đau bây giờ!”
  4. “Bài bữa nay khó quá hay sao vậy con?” Rồi đến xem bài của con, giải thích cho con hiểu. Hoặc xem bài của con rồi khuyến khích: “Không khó đâu, con làm được mà, ráng làm cho xong rồi nghỉ.”

Trường Hợp 4

Đứa con trai 17 tuổi của quý vị nói: “Tối nay nhà bạn con có party, nó mời con, con đi được không?” Quý vị hỏi con party gì, con nói không biết. Hỏi: “Có người lớn ở nhà không?. Con bảo Ba Má đứa bạn đi nghỉ hè rồi và gia đình đó quý vị cũng không quen. Quý vị không muốn cho con đi nhưng đứa con năn nỉ xin đi. 

Quý vị sẽ giải quyết thế nào?

  1. Mắng con: “Luật lệ nhà này là gì không biết sao mà còn xin đi chơi như vậy. Không có đi đâu hết!”
  2. Dù không thích lắm nhưng cũng cho con đi vì quý vị có chương trình riêng và không muốn có con ở nhà tối nay.
  3. Không muốn con đi nhưng sợ con buồn nên cuối cùng nói: “Tùy con đó, thấy đi không sao thì cứ đi!”
  4. Giải thích cho con biết những party như thế có những nguy hiểm gì, và bảo con không nên tham dự vào.

Trong bốn ví dụ trên:

  • Nếu chúng ta phản ứng theo cách A, chúng ta là những phụ huynh hơi độc đoán trong cách dạy con, việc gì cha mẹ bảo làm là phải làm, bảo không làm là không được làm, không giải thích cũng không đổi ý dù con trình bày lý do.
  • Nếu chúng ta phản ứng theo cách B là chúng ta không quan tâm đến con, đặt luật nhưng con không vâng theo cũng chẳng sao, để con được tự do muốn làm gì thì làm.
  • Nếu chúng ta phản ứng theo cách C trong những ví dụ trên thì có lẽ chúng ta hơi nuông chiều con. Chúng ta ra luật lệ cho con nhưng khi thấy con không vui, khóc lóc hay năn nỉ là chúng ta xiêu lòng, chiều theo ý con ngay.
  • Nếu chúng ta phản ứng theo cách D là chúng ta giữ được quân bình, quan tâm đến ý kiến, ước muốn và cảm xúc của con nhưng giải thích phải quấy, để hướng dẫn con theo đường ngay lẽ phải và uốn nắn con vào khuôn phép.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành