Dạy Con (Bài 5)

Dayconbs5

 

Thánh Kinh cho chúng ta những nguyên tắc dạy con thực tế, đem lại hiệu quả, thích hợp với mọi văn hóa, mọi thời đại. Lời Chúa dạy: “Hỡi các bậc làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Theo lời dạy này, các bậc cha mẹ phải noi theo gương của Chúa trong cách hướng dẫn và dạy dỗ con cái, nhưng Chúa sửa phạt khuyên bảo con dân Chúa như thế nào? Kinh Thánh ghi như sau: “Hỡi con, chớ dễ ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách chớ ngã lòng; vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt.’ Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Ðức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?” (Hê-bơ-rơ 12:5-7). Vì yêu thương chúng ta nên khi chúng ta bất tuân lời Chúa, làm điều sai quấy, đem lại nguy hiểm cho chính mình, Chúa phải sửa phạt để đem chúng ta ra khỏi chỗ nguy hiểm, lầm lạc đó. Chúa sửa phạt vì Ngài yêu chúng ta như con. Vì thế, nguyên tắc căn bản của Kinh Thánh trong việc dạy con là: cha mẹ sửa dạy con vì yêu thương con. Nếu thật sự thương con, chúng ta phải sửa phạt khi con lầm lỗi để hướng dẫn con nên người, chúng ta áp dụng kỷ luật chừng mực và áp dụng kỷ luật vì thương yêu chớ không phải tức giận hay ghét con.

Mục sư Charles Swindoll cho biết, để việc áp dụng kỷ luật với con cái đạt được kết quả, chúng ta cần áp dụng bốn nguyên tắc sau đây: (1) Áp dụng kỷ luật khi con còn nhỏ. (2) Kỷ luật con cách quân bình, dùng cả lời nói lẫn roi vọt. (3) Áp dụng kỷ luật cách nhất quán, không thay đổi bất chợt, bất thường. Và (4) Áp dụng kỷ luật cách hợp lý và vừa phải. Trong bài trước đây chúng tôi đã trình bày hai nguyên tắc đầu tiên, hôm nay chúng tôi xin trình bày hai nguyên tắc còn lại.

Nguyên tắc 3: Áp dụng kỷ luật cách nhất quán

Áp dụng kỷ luật với con cái cách nhất quán nghĩa là áp dụng một nguyên tắc, một tiêu chuẩn, không thay đổi, không sửa dạy cách đột ngột, bất ngờ, cũng không sửa dạy cách thất thường, lúc thế này lúc thế khác. Có nhiều bậc cha mẹ sửa dạy con tùy theo tình cảm hay tình trạng vui buồn của mình lúc con phạm lỗi. Con có thể phạm cùng một lỗi lầm nhưng cách sửa phạt của cha mẹ mỗi lúc một khác. Nếu nhằm lúc cha mẹ vui vẻ, tinh thần thoải mái, con cái sẽ không bị mắng hay bị đòn nhiều. Trái lại, nếu con phạm cùng một lỗi đó nhưng nhằm lúc cha mẹ đang bực bội, mệt mỏi hay tinh thần căng thẳng, con sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc. Cách sửa phạt như thế sẽ khiến con hoang mang, không biết lỗi nào là nặng, lỗi nào nhẹ; lúc nào thì bị đòn, lúc nào không. Có những bậc phụ huynh biết mình nên sửa dạy con cách nhất quán, nhưng lúc tinh thần căng thẳng hay đang nóng giận mà con phạm lỗi, dù là chỉ một lỗi nhỏ, đã không tự chế nhưng đổ cơn giận lên con và sửa phạt con nặng nề. Chúng ta sẽ khiến con khiếp sợ và hoang mang nếu chúng ta sửa phạt con theo cảm xúc của chứ không theo luật lệ đã định. Có những phụ huynh khi có khách đến nhà hay trước mặt bạn bè con làm điều quấy bao nhiêu cũng để yên, không dám kỷ luật, sợ mang tiếng là mình nghiêm khắc, đó cũng là áp dụng kỷ luật không nhất quán. Có những em biết điểm yếu này nơi cha mẹ nên mỗi khi có khách đến nhà hay khi đi ra ngoài thường bướng bỉnh không vâng lời hoặc vòi vĩnh điều này điều kia, vì các em biết những lúc đó không bị la mắng hay đánh đòn mà còn có thể được điều mình muốn. Ðể tránh sửa phạt con tùy hứng, không nhất quán Mục sư Swindoll đề nghị chúng ta áp dụng những nguyên tắc sau:

  1. Ðặt luật lệ cho con tuân theo cách rõ ràng và cho con biết trước những luật lệ đó là gì.
    2. Sửa dạy con trong nhà, cách kín đáo. Tránh sửa phạt con nơi công cộng hoặc trước mặt bạn bè, khiến con xấu hổ và tức giận.
    3. Giải thích cho con biết điều lỗi con đã làm là gì và giải thích rõ ràng hậu quả con phải chịu.
    4. Dùng roi một cách cương quyết cho con thấy sự nghiêm nghị của cha mẹ. Cha mẹ không nên đánh nhiều, chỉ một roi là đủ nhưng đánh đau cho con nhớ và thấy rõ hậu quả các em phải nhận chịu khi không vâng lời cha mẹ.
    5. Sau khi sửa phạt, ôm ấp con và giải thích cho con thấy tình thương của cha mẹ.
    6. Ân cần khuyên dạy để con không làm lỗi hay cãi lời cha mẹ nữa. Cha mẹ cần cho con thấy rằng cha mẹ sửa phạt là vì yêu thương, để con yên tâm và không khiếp sợ.

Nguyên tắc 4: Áp dụng kỷ luật một cách hợp lý

Khi con cái còn nhỏ, còn là một đứa trẻ, cha mẹ cần dùng roi sửa dạy hay đánh phạt khi con phạm lỗi. Nhưng khi con đã lớn, đã hiểu biết và nhạy cảm về thể diện cũng như giá trị của mình, cách sửa dạy bằng roi vọt không còn thích hợp nữa. Chẳng hạn như khi con trai con gái của chúng ta đã đến tuổi thiếu niên, cơ thể thay đổi, đã bắt đầu lớn, lúc đó cha mẹ không nên đánh đòn con. Nếu chúng ta không bén nhạy trước sự thay đổi của con và vẫn sửa dạy bằng roi như khi còn nhỏ, chúng ta sẽ tạo sự giận dữ, uất hận trong lòng con. Con em chúng ta có thể không vâng phục, không sửa đổi nhưng trở thành phản loạn và bướng bỉnh hơn. Khi con cái đã bắt đầu hiểu biết, có thể phân biệt phải trái, cha mẹ nên dùng lời nói giải thích, răn dạy thay vì dùng roi sửa phạt. Nếu con đã lớn mà cha mẹ không tôn trọng nhưng vẫn la mắng, đánh đòn như khi còn nhỏ, cha mẹ sẽ bị xem là người thiếu hiểu biết, thiếu tế nhị trong việc dạy dỗ con cái.

Có lẽ trong chúng ta có người đã vấp váp trong cách sửa dạy con, vì không biết và không được học hỏi trong vấn đề này. Có lẽ vì sự vấp váp đó mà giữa chúng ta và những đứa con đã lớn không có sự gần gũi thân thương. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể nối lại khoảng cách giữa chúng ta với con, bằng cách thành thật nói cho con biết là chúng ta đã lầm lỗi và xin con thông cảm, tha thứ. Khi cha mẹ khiêm nhường và hạ mình như thế con cái sẽ kính trọng và yêu thương cha mẹ hơn. Việc dạy con cũng như tất cả những công việc khác trong đời sống, muốn có kết quả, chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng. Chúng ta có thể đặt mục tiêu cho mình, cho con và quyết tâm nhắm đến mục tiêu đó. Mục tiêu cho chúng ta trong vai trò cha mẹ là: Chúng ta quyết noi gương Chúa trong việc hướng dẫn và sửa dạy con cái, tức là sửa dạy chừng mực, với lòng yêu thương. Chúng ta không bắt tội con luôn luôn, cũng không giữ lòng giận đến đời đời. Khi con còn nhỏ, chúng ta dùng thẩm quyền Chúa ban để hướng dẫn và sửa dạy con, nhưng khi con đã lớn và đã hiểu biết, chúng ta để Chúa sửa dạy và hướng dẫn theo đường lối và ý định của Ngài. Ðó là mục tiêu cho cha mẹ. Cho con cái, chúng ta cần đặt mục tiêu là chúng ta sẽ cố gắng vun trồng trong con lòng tôn trọng chính mình và tôn trọng người chung quanh. Khi con em chúng ta có tinh thần tự trọng và biết tôn trọng người khác, các em sẽ có đủ ý chí để làm điều phải và đủ nghị lực để chống lại điều xấu, dù bị áp lực của hoàn cảnh hay người chung quanh.

Thưa quý vị, áp dụng kỷ luật theo lời Kinh Thánh dạy có nghĩa là sửa lại những gì sai trật. Khi chúng ta sửa sai một đứa bé có nghĩa là hành động hay thói quen xấu của đứa bé được sửa lại, cho ngay thẳng, công chính. Ðứa bé cần được chỉ cho thấy chỗ sai của mình và rồi được hướng dẫn vào đường ngay lẽ phải. Ðể đạt được điều này, khi sửa sai con, cha mẹ phải giải thích và dạy dỗ. Sự sửa phạt theo nguyên tắc Kinh Thánh phải kèm theo lời chỉ bảo của cha mẹ. Nếu chỉ sửa con bằng roi và lời mắng chửi là chúng ta đã không sửa dạy con theo mẫu mực của Chúa. Sự sửa dạy của chúng ta sẽ để lại một ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời con cái sau này, sẽ khiến các em mềm mại, vâng theo đường lối Chúa hay khước từ đường lối của Ngài.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành