Dạy Con (Bài 29)

 

Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa hôm nay Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị. Cầu xin Đức Chúa Trời, là Thiên Phụ Từ Ái, tiếp tục dẫn dắt và gìn giữ tất cả chúng ta cùng mọi người trong gia đình trong bình an của Ngài. Thấm thoát mà những ngày hè đã chấm dứt, cuối tháng này và đầu tháng sau con em chúng ta, ở bậc tiểu học, trung học và đại học sẽ bắt đầu một niên học mới. Có thể nói, không mùa tựu trường nào giống như mùa tựu trường năm nay: mùa tựu trường của năm 2020 đã đến với nhiều hoang mang, lo lắng. Dù bệnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt nhưng hàng triệu học sinh, sinh viên phải bắt đầu niên học mới. Người thì nói nên cho học trò học ở nhà để được an toàn về mặt sức khỏe, người thì bảo phải đến trường học mới tốt và mới có kết quả, vì các em phải ở nhà đã quá lâu. Là cha mẹ chúng ta rất lo ngại cho con mình mà con em chúng ta cũng hoang mang, không biết ngày mai sẽ thế nào, đến trường học rồi sẽ ra sao, có nguy hiểm hay không. Dù giới thẩm quyền quyết định như thế nào, cũng sẽ có nhiều nơi không cho học sinh đến trường mà chỉ học trên mạng, và một số trường cho học trò đến một vài ngày trong tuần, còn những ngày khác cũng học qua Zoom.

 

Thưa quý vị, chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử, nhất là tại một đất nước giàu có, tự do như đất nước Hoa Kỳ này. Tuy nhiên, chúng ta cần uyển chuyển, sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh để đem lại lợi ích cho con cháu và an toàn cho mọi người chung quanh. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần dành thì giờ gần gũi con, thăm hỏi trò chuyện, để biết con suy nghĩ gì, lo lắng thế nào về hoàn cảnh hiện tại. Con cái chúng ta nhiều khi thấy như là không muốn nói chuyện với người lớn, nhất là không muốn nói chuyện với cha mẹ, nhưng thật ra nếu chúng ta đến với con bằng tình yêu thương, hỏi thăm nhẹ nhàng, với lòng thông cảm, các em sẽ thấy vui và sẽ muốn trò chuyện với cha mẹ.

Dù chúng ta không vui khi thấy con dùng cái cell phone quá nhiều để liên lạc với bạn bè, để gởi đi những hình ảnh hay thông tin không tốt, không cần thiết, có thể nguy hiểm cho các em, nhưng chúng ta cũng nên dùng cell phone để đến gần con. Trước kia người lớn tuổi không quen gởi lời nhắn qua phone nhưng bây giờ nhiều người cũng nhắn tin qua phone vì thấy liên lạc với mọi người cách này nhanh chóng và có kết quả hơn là gọi điện thoại nói chuyện. Vì vậy thay vì phiền lòng hay bực bội vì thấy các con lúc nào cũng cúi mặt vào cái phone chứ không để ý đến người chung quanh, chúng ta hãy dùng cell phone để đến gần con, nối kết với con. Phải công nhận rằng mỗi khi chúng ta gọi cho những đứa con trong tuổi thiếu niên không phải là để nói chuyện hay hỏi thăm nhưng thường là để hỏi xem con đã làm xong những việc cha mẹ sai bảo hay chưa, hoặc để nhắc con đang ở đâu đó không được về trễ nhưng phải về đúng giờ như cha mẹ đã dặn. Thật ra lý do chính chúng ta cho đứa con tuổi thiếu niên có cell phone là vì muốn các em đi đâu, lúc nào cũng được an toàn, nhất là để chúng ta có thể “theo dõi” con, để xem con có đi những nơi hay làm những điều mà cha mẹ ngăn cấm hay không. Con em chúng ta biết điều đó nên khi điện thoại reng, nhìn vào thấy đó là tên hay số của cha mẹ, các em thường lờ đi không muốn trả lời, vì các em biết thế nào cha hay mẹ cũng căn dặn điều này nhắc nhở điều kia, hoặc theo dõi xem các em đang ở đâu làm gì, v.v… Vì thế các em thấy ngại nói chuyện với cha mẹ, đúng hơn là các em không muốn trả lời phone của cha mẹ vì thấy mình bị mất tự do, luôn bị cha hay mẹ theo dõi.

Những người chuyên tìm hiểu về tuổi thiếu niên cho biết, khi cha mẹ dùng cell phone để liên lạc với con có thể tạo mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với con. Một ủy ban ở trường Đại Học California chuyên nghiên cứu về vấn đề này cho biết rằng, khi cha mẹ gọi các con trong tuổi thiếu niên để theo dõi, nhắc nhở, tinh thần các em bị căng thẳng nên các em hay cãi lại cha mẹ, chống nghịch lại ý kiến của cha mẹ. Ngược lại, những thiếu niên nào có mối quan hệ thân thương với cha mẹ, khi gặp nan đề các em sẽ muốn gọi cha hay mẹ để được lời khuyên hoặc để xin ý kiến của cha mẹ. Điều này cho thấy rằng, nếu các em thiếu niên có mối quan hệ thân thương, gần gũi với cha mẹ, được cha mẹ tin cậy, khi gặp nan đề các em sẽ gọi cha mẹ để xin cha mẹ giúp đỡ hoặc xin cha mẹ chỉ dẫn. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ gọi con để nhắc nhở, la mắng hay sửa sai, con sẽ không muốn liên lạc với chúng ta khi có nan đề. Nghiên cứu này cho thấy, nếu cha mẹ không quan tâm, không dành thì giờ để tạo mối quan hệ thân thương với con em trong tuổi thiếu niên, nhưng lại hay dùng cell phone liên lạc để nhắc nhở, sửa sai con thì sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trở nên tệ hại hơn. Nếu con chúng ta đã hiểu biết mà thiếu tinh thần trách nhiệm, không chu toàn bổn phận trong việc học hành, không chăm sóc sức khỏe, không làm trọn những công việc hằng ngày mà cha mẹ đã giao cho, lắm khi chúng ta không nên nhắc nhở nữa nhưng để con nhận lấy hậu quả của người thiếu tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn như vì không lo học bài làm bài, điểm bị thấp. Không ngủ nghỉ hay ăn uống cẩn thận nên bị đau ốm, v.v.. có như thế các em mới học kinh nghiệm và mới nên người trưởng thành.

Trở lại vấn đề sử dụng cell phone và mối quan hệ cha mẹ-con cái, có nhiều cách chúng ta có thể dùng cell phone để tạo mối quan hệ thân thương với con cái.

1. Trong những dịp con có chương trình quan trọng ở trường, chúng ta có thể dùng phone nhắn tin để chúc mừng con hay khích lệ con. Chẳng hạn như ngày con phải thi cuối khóa học, hay con có trận tranh tài thể thao, chơi banh, hoặc con trình diễn trong ban nhạc ở trường, v.v… Những dịp đó chúng ta nhắn tin để hỏi thăm, chúc mừng, hay gởi lời nhắn để khen con; chúng ta cũng có thể nói cho con biết là cha mẹ sẽ cầu nguyện cho con, và dặn con khi làm xong bài thi hay xong chương trình đặc biệt thì nhớ cho cha mẹ biết kết quả như thế nào. Khi chúng ta bày tỏ lòng quan tâm như vậy, các em sẽ vui và được khích lệ vì biết cha mẹ thương mình nên quan tâm hỏi thăm. Khi được cha mẹ quan tâm thông cảm, chia xẻ niềm vui, nỗi lo với các em, nhất là khi cha mẹ nhắn lời khen, các em sẽ vui và có cái nhìn lạc quan về chính mình.

2. Thỉnh thoảng, khi đọc một bài viết hay, đọc một câu Kinh Thánh có ý nghĩa đặc biệt, thích hợp với hoàn cảnh của con, hay khi tìm được bức hình của con khi còn nhỏ, chúng ta dùng phone chia xẻ với con, nhắc lại kỷ niệm với con khi con còn nhỏ. Nhất là trong ngày sinh nhật của con, nếu chúng ta gởi cho con tấm hình khi con còn bé, được cha mẹ bồng bế trên tay, những hình ảnh này sẽ khơi ấm lại tình thương giữa các em và cha mẹ.

3. Nếu khi vì một lý do nào đó chúng ta phải về nhà trễ hơn bình thường, hay phải trễ hẹn với con, dù là cha mẹ chúng ta cũng nhắn tin cho con biết. Chúng ta cần làm đúng những gì mình trông mong nơi con, để làm gương cho con.

4. Khi con đi trại hay đi xa với bạn nhiều ngày, chúng ta đừng gọi hay nhắn tin liên tục nhưng nên để cho con được yên, được tự do vui vẻ với bạn vài ngày, sau đó chúng ta mới liên lạc với con. Thỉnh thoảng chúng ta cần cho con có một khoảng cách với cha mẹ, để tập cho các em tính tự lập sau này. Khi con đi chơi với bạn khác phái hay ngủ lại ở nhà bạn trong dịp đặc biệt, chúng ta nên gọi một hay hai lần, để xem thử con có được mọi sự bình an vui vẻ hay không. Nếu con có vẻ không vui hay không thoải mái với nhóm bạn tại đó, chúng ta có thể giúp con lý do rời khỏi nơi đó trở về nhà.

5. Khi con đi vắng: đi với bạn hay đi đâu, nếu chúng ta lo lắng và muốn nhắn tin để theo dõi, nhắc nhở. Trước khi dùng phone, chúng ta cần tự hỏi: Tại sao mình muốn liên lạc với con? Vì không tin cậy, vì quá lo lắng hay vì con thật sự ở trong hoàn cảnh nguy hiểm, không tốt? Nếu vì quá lo lắng, lo lắng cách không cần thiết, thì chúng ta hãy bình tĩnh, tự chế để con không vì lời nhắn tin của cha mẹ mà mất vui hay xấu hổ với bạn bè.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành