Dạy Con (Bài 25)

Kính chào quý thính giả, chúng tôi vui mừng cảm tạ Chúa vì Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong các Câu Chuyện Gia Đình gần đây chúng tôi nói về ảnh hưởng tai hại của kỹ thuật truyền thông đại chúng đối với con cháu chúng ta, là những em trong tuổi thanh thiếu niên cũng như tuổi thiếu nhi. Là cha mẹ có con trong lứa tuổi này, có lẽ chúng ta đã biết ít nhiều về ảnh hưởng nguy hại của kỹ thuật truyền thông đại chúng mà ngày nay con cháu chúng ta sử dụng rất nhiều và rất yêu thích. Vì nhu cầu của đời sống, chúng ta không thể không cho con sử dụng những thiết bị truyền thông này nhưng để giúp con không bị những ảnh hưởng đem lại nguy hại cho tâm trí con hay ảnh hưởng đến việc học của con, chúng ta cần biết nên đặt kỷ luật hay những giới hạn như thế nào để giúp con giữ quân bình trong việc sử dụng các thiết bị truyền thông đại chúng, nhất là cell phone và mạng điện toán.

Trong Câu Chuyện Gia Đình tuần trước, chúng tôi có chia xẻ với quý vị phụ huynh những giới hạn chúng ta cần đặt cho con cái để giúp các em dùng cell phone hay vào mạng cách chừng mực, để không ảnh hưởng đến việc học, cũng như để tâm trí con không bị đầu độc bởi những hình ảnh, những thông tin đồi trụy của xã hội ngày nay. Hai điều đầu tiên chúng tôi nêu ra, dựa vào bài viết của tác giả Brian Housman là chúng ta cho con biết quy luật sau đây để các em tuân theo:

  1. Khi nói chuyện với cha mẹ hay người nào, các em phải nhìn vào người đó mà nói, không vừa nói vừa nhìn vào cell phone, cũng không trả lời phone khi cha mẹ hay người lớn đang nói với các em.
  2. Giờ ngủ ban đêm là đểngủ nghỉ, không được đem điện thoại vào giường để nhắn tin hay gọi cho ai.

Đây là hai giới hạn hay luật lệ sử dụng cell phone chúng tôi trình bày trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, ước mong quý vị phụ huynh có thể áp dụng để đặt giới hạn cho con cái trong việc sử dụng cell phone.

Sau đây chúng tôi xin trình bày những quy luật khác như sau:

  1. Không dùng điện thoại khi ngồi chung với cả nhà trong bữa ăn

Trước kia, khi chưa phải ở nhà vì dịch Covid-19, đời sống chúng ta rất là bận rộn, người trong gia đình ít khi gặp nhau trong bữa ăn. Thường thường buổi sáng cha mẹ và con cái không có thì giờ ăn sáng chung, mỗi người ăn qua loa một chút gì rồi vội vàng ra khỏi nhà để đi làm, đi học. Bữa ăn trưa thì kể như không có vì ít có ai về nhà ăn trưa, vì thế mỗi ngày cha mẹ và con cái chỉ ăn chung trong bữa cơm tối của gia đình. Những cơ quan nghiên cứu về tuổi thiếu niên và nạn thanh thiếu niên phạm pháp, cho biết, ăn bữa tối với gia đình thường xuyên có thể giúp các em tuổi thiếu niên giảm bớt nạn vi phạm luật pháp đến 50%, hay nói cách khác khi con em chúng ta có mặt với cha mẹ, với gia đình trong bữa cơm tối thường xuyên, tỉ số các em thiếu niên hư hỏng và có nan đề với luật pháp giảm đến 50%.  Lý do chính đưa đến kết quả tốt đẹp này là vì trong bữa ăn, các em có dịp nói chuyện, chia xẻ nan đề các em gặp trong ngày với cha mẹ và được cha mẹ khuyên dạy, hướng dẫn.

Yếu tố quan trọng chúng ta  cần để ý để đạt được kết quả này là, trong bữa ăn, cha mẹ không la mắng, sửa sai con hay chỉ nghĩ đến nan đề của mình và lấy hết thì giờ trong bữa ăn để nói về nan đề của mình. Trái lại, chúng ta nhớ bữa cơm tối là thì giờ quý và hiếm trong ngày, các con được ở gần bên cha mẹ và vừa trải qua một ngày đi học hoặc đi làm, chắc chắn các em có nhiều điều muốn chia xẻ. Vì thế trong bữa ăn, thay vì cha mẹ nói lên những gì mình muốn nói và các con phải nghe, chúng ta quan tâm hỏi thăm con và lắng nghe con nói, qua đó các em sẽ cảm nhận được tình thương và sự quan tâm của cha mẹ.  Đây là cơ hội, cũng là bí quyết, giúp chúng ta đến gần con, hiểu và thông cảm với con, nhờ đó có thể góp ý, hướng dẫn con và giúp con tránh những nan để của tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, điều tốt đẹp này sẽ không đạt được nếu trong bữa ăn cha mẹ và con cái mỗi người cầm cái cell phone để nói chuyện hay gởi tin nhắn cho ai đó trong lúc ngồi chung với gia đình. Có lẽ quý vị cũng nghe câu người ta nói về cái điện thoại di động: “Với tiện nghi của cell phone, ngày nay mọi người gần với người ở xa nhưng rất xa những người ở gần bên mình.” Ước mong người trong gia đình chúng ta không phải than như vậy.

Để trong bữa ăn, cha mẹ và con cái thật sự chú ý đến nhau, trao đổi tin tức và trò chuyện với nhau cách vui vẻ, gần gũi, chúng ta cần giúp con thói quen không đụng tới cái cell phone nhưng để nó qua một bên trong giờ cơm của gia đình, để có thể chú tâm trò chuyện với cha mẹ và anh chị em trong nhà. Thói quen này cũng sẽ giúp các em thật sự chú tâm trò chuyện với người chung quanh khi đi dự những buổi họp mặt với bạn bè hay trong bữa tiệc của bà con trong đại gia đình. Quy luật này, cũng như những thói quen hay những quy luật khác, muốn có kết quả, là cha mẹ, chúng ta phải tuân giữ trước cho con thấy và bắt chước. Khi ngồi ăn với con, chúng ta cũng tránh dùng điện thoại nhưng dành trọn thì giờ với người trong gia đình.

  1. Không dùng cell phone khi lái xe, nhất là không bao giờ cầm phone lên để nhắn tin khi đang lái xe

Nếu con của quý vị đã đến tuổi lái xe và có xe riêng để đi học, đi làm; một điều chúng ta, là cha mẹ, không thể không nhắc nhở con, đó là con phải tránh, không bao giờ vừa lái xe vừa dùng phone để gởi tin nhắn cho ai, đây là điều vô cùng nguy hiểm. Có lẽ quý vị đã nhiều lần nhắc nhở hoặc cảnh cáo những đứa con trong tuổi thiếu niên nguy hiểm của việc uống rượu và lái xe. Các em cũng được trường dạy và cảnh cáo về nguy hiểm của việc vừa lái xe vừa nhắn tin qua phone. Dù vậy, nhiều em, nói đúng hơn, 25% các bạn trẻ vẫn cầm phone để nhắn tin khi đang lái xe.

Thưa quý vị, mạng sống của con chúng ta quan trọng hơn một lời nhắn tin cho ai đó qua phone. Vì vậy, bằng mọi cách, chúng ta phải nhắc cho con nhớ về nguy hiểm này và phải vâng lời cha mẹ, không cầm phone nói chuyện khi đang lái xe. Những người nghiên cứu về thói quen nguy hiểm này của tuổi thiếu niên cho biết, 80% thiếu niên nói rằng các em được thầy cô giáo, cha mẹ hoặc người hướng dẫn nhắc nhở, cảnh cáo đừng bao giờ nhắn tin qua phone khi đang lái xe, và 80% các em cũng đồng ý rằng đây là điều nguy hiểm phải tránh, nhưng trong thực tế vẫn có đến 30% thiếu niên cho biết các em nhiều lúc vẫn vừa lái xe vừa cầm phone để nhắn tin. Vì thực tế đó, mỗi khi con chúng ta ra khỏi nhà, mỗi khi đứa con trong tuổi thanh thiếu niên cầm chìa khóa ra xe để đi, quý vị phụ huynh đừng ngại nhắc: “Con phải cột dây an toàn và đừng bao giờ cầm phone nhắn tin cho ai khi đang lái xe. Dù con em chúng ta không muốn nghe lời nhắc nhở đó mỗi ngày chúng ta vẫn cần nhắc nhở để con thấy đây là điều vô cùng quan trọng và vì thương các em, quan tâm đến sự an toàn của các em, nên cha mẹ không thể không nhắc.

  1. Dùng cell phone cũng rất là tốn kém

Con em chúng ta cũng cần biết cha mẹ phải tốn kém tiền bạc để cho các em được có phone riêng sử dụng. Từ tiền mua phone đến chi phí sử dụng hằng tháng, cha mẹ đều phải trả cho các em. Con em chúng ta cần biết điều đó. Có những hãng điện thoại tính tiền mỗi khi chúng ta gởi tin nhắn qua phone, hoặc cho biết chỉ được nhắn tin tối đa là bao nhiêu lần trong một tháng, nếu quá con số đó sẽ phải trả tiền mỗi khi gởi tin nhắn. Cha mẹ cần cho con biết những chi phí này, nếu cần cũng cho con biết rằng nếu con dùng quá giới hạn, con sẽ phải trả số tiền trội chi đó. Đây không phải là chúng ta tính toán với con cái nhưng là tập cho con biết rằng, việc gì chúng ta làm cũng phải chừng mực tiết độ. Có như thế khi con ra đời sẽ có nếp sống quân bình, tiết độ và không phải nhận lấy hậu quả của một đời sống vô luật lệ, vô kỷ cương.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành