Dạy Con (Bài 23)

Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui cảm tạ Chúa vì được gặp lại quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình hôm nay. Trong Câu Chuyện Gia Đình mấy tuần qua chúng tôi trình bày về việc cha mẹ cần giúp những đứa con trai con gái trong gia đình nhận diện rõ giới tính của mình. Các con của chúng ta cần biết rõ mình là con trai hay con gái, thuộc phái nam hay phái nữ, không những để trân quý, hãnh diện nhưng để sống đời sống đạo đức và làm trọn những trách nhiệm Đức Chúa Trời giao cho mỗi phái tính. Chúng tôi cũng trình bày về những trách nhiệm quan trọng và khác biệt mà Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ. Chúng ta cần dạy con hiểu rõ những điều này, để con em chúng ta lớn lên không những biết rõ mình là ai nhưng cũng biết phải sống như thế nào để làm trọn trách nhiệm và góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội.

Hôm nay chúng tôi xin chia sẻ với quý vị một đề tài mà có lẽ một số phụ huynh quan tâm nhưng những phụ huynh khác, vì bận rộn với công việc và trách nhiệm hằng ngày nên không quan tâm hoặc không biết đến. Chúng tôi muốn nói về nguy hiểm của các loại thiết bị di động mà con cháu chúng ta đang sử dụng mỗi ngày. Những tin tức và thông tin, những trò chơi điện tử hoặc những hình ảnh qua truyền thông đại chúng mà con em chúng ta nhận được qua những thiết bị điện toán thông dụng như máy điện toán, iPad, iPhone v.v…,  ảnh hưởng rất nhiều trên suy nghĩ, trên lối sống, cũng như trên những quyết định của con cái chúng ta. Vì lý do đó là cha mẹ chúng ta cần biết con mình nghe những gì, xem những gì và chơi trò chơi gì trên các thiết bị đó, hầu hướng dẫn các em trong nếp sống đạo đức và giúp ngăn ngừa những hậu quả kinh khiếp có thể xảy ra cho con cháu chúng ta. Chúng ta cần biết những điều này để giúp con cháu không ngã vào cám dỗ, vào những tội lỗi kinh khủng đang lan tràn trong xã hội vì hệ thống social media, tức là truyền thông đại chúng.

Nhìn vào đời sống của xã hội trong thế kỷ 21 này, có một điều rất rõ ràng mà chúng ta không thể không nhìn thấy, đó là nền khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ quá nhanh và lan tràn vào mọi phương diện của đời sống, nhất là về vấn đề truyền thông đại chúng. Bất cứ chuyện gì xảy ra trên thế giới, lớn hoặc nhỏ, thật hay không thật, chỉ trong phút chốc được loan ra và mọi người đều biết, đều nhìn thấy rõ ràng. Có những thông tin chúng ta cần biết, nhưng hầu hết là những điều chúng ta, nhất là những đứa con nhỏ của chúng ta không cần biết hoặc không nên biết. Ngày nay chúng ta thấy người nào cũng có cell phone và lúc nào cũng cầm cái phone trong tay, như là một vật dụng không thể thiếu, không thể rời xa.  Nếu có dịp ra biển, ra công viên hoặc vào tiệm ăn, chúng ta thấy mọi người vẫn đi chung nhưng thay vì nhìn nhau, nói chuyện với nhau, người nào cũng nhìn vào cái cell phone để nhắn tin, để nghe tin tức hoặc theo dõi một trò chơi hay trận banh nào đó. Không những thế, chúng ta vừa quen với iPhone 9, iPhone 10, là người ta đã sản xuất iPhone thứ 11, 12… khiến chúng ta không thể nào theo kịp1

Những tiến bộ này vô tình tạo nên sự căng thẳng hoặc khoảng cách rộng lớn giữa cha mẹ và con cái. Trong khi cha mẹ phải mất nhiều ngày tháng mới sử dụng được những tiện ích và những điều mới mẻ trong cái cell phone thì con cái chúng ta rất thành thạo về những dụng cụ này. Các em trong tuổi thiếu niên hoặc chưa tới tuổi thiếu niên đều yêu thích và tiếp nhận rất nhanh chóng những tiện nghi kỹ thuật này vào đời sống. Dù là ngồi trước computer hoặc dùng iPad, dùng cell phone các em học rất nhanh và sử dụng rất thành thạo. Khi con em chúng ta vào mạng để học bài, làm bài, chơi video game hay nói chuyện với bạn qua Facebook, các em sử dụng các máy móc này cách dễ dàng, nhanh chóng như những dụng cụ này là một phần của đời sống hoặc các em đã biết từ lâu, vì lý do đó khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng rộng lớn. Nhiều em hầu như không còn sống trong thế giới thực hữu này vì trong tâm trí lúc nào cũng chứa đầy những dữ kiện, những thông tin các em thu nhận trên mạng. Nhiều phụ huynh than: “Con tôi lúc này chẳng biết đến cha mẹ nữa, lúc nào cũng dán mắt vào computer, vào cái phone trên tay.”

Những người trẻ cũng như các em nhỏ tâm trí sáng suốt nên dễ thu nhận những điều mới, và các em cũng thích những điều mới mẻ, thích học biết những điều mình chưa biết, hơn thế nữa các em muốn giống bạn: bạn có cái gì mình cũng phải có cái đó, bạn biết cái gì các em cũng muốn biết những cái đó để không thua bạn hoặc bị bạn chê cười. Vì bản tính của thanh thiếu niên là yêu thích những gì mới, sẵn sàng tiếp nhận những gì mới nên những kỹ thuật mới trong lãnh vực truyền thông ngày nay rất thu hút đối với con em chúng ta. Điều nguy hiểm là, cùng với những thông tin quan trọng, hữu ích, các em cần biết, cũng có những thông tin không nên biết, những hình ảnh không tốt, xâm nhập vào tâm trí con chúng ta và đưa đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Có phụ huynh than: “Con tôi mới ba tuổi mà lúc nào cũng phải có cái màn ảnh trước mặt mới chịu.” Điều thực tế là những em sinh ra đời từ năm 2000 đến nay quen đối diện với những hình ảnh trên mạng, trên màn ảnh. Nhiều người vì muốn đứa con nhỏ đừng quấy rầy để cha mẹ làm việc nên cho con xem hình hoạt họa trên mạng, đọc sách trên mạng, cho con chơi với cái cell phone, Ipad. Có em khi mẹ cho ăn cũng phải xem hay phải chơi những vật dụng này mới chịu ăn. Nhiều khi chúng ta tập cho con sử dụng những thiết bị này quá sớm nên khi các em đã quen rồi, chúng ta không thể sửa lại, không thể lấy lại được.

Những người nghiên cứu về ảnh hưởng của kỹ thuật truyền thông đại chúng đối với các em từ 8-18 tuổi cho biết, ảnh hưởng của những thiết bị truyền thông này nhiều hay ít, xấu hay tốt tùy vào lượng thời gian các em sử dụng mỗi ngày. Những em dùng thiết bị truyền thông giới hạn một vài giờ đồng hồ trong ngày thì đi học được điểm cao, có nhiều bạn, ngoan ngoãn, gần gũi trò chuyện với cha mẹ thường xuyên. Các em cũng vui vẻ khi đến trường, ham thích việc học hành, ít bị buồn chán đến nỗi không muốn học bài, làm bài. Những em này cũng không có nan đề ở trường hay trong gia đình. Các em vui vẻ, thân thiện với mọi người, vui vẻ giúp đỡ cha mẹ khi cha mẹ cần giúp đỡ.

Những em dùng cell phone, iPad, computer quá nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày thì chỉ có 51% được điểm cao trong việc học. Các em có nhiều bạn nhưng chỉ liên lạc online, lắm khi không thật sự biết nhau, và cũng bị ảnh hưởng của bạn nhiều, thường là ảnh hưởng không tốt. Những em này không gần với cha mẹ, vì không trò chuyện, không chia xẻ với cha mẹ, đúng ra các em không có thì giờ với cha mẹ. Những em này khi đến trường không vui vẻ vì không được tự do sử dụng những dụng cụ đó như các em muốn. Các em cũng dễ thấy mệt mỏi buồn chán, vì cơ thể thiếu hoạt động, có em như không còn liên kết với thế giới mình đang sống vì xem quá nhiều thứ trên mạng. Những em dùng điện thoại hoặc chơi game trên mạng quá nhiều cũng dễ trở thành cứng đầu, không vâng lời cha mẹ, không tuân theo luật lệ ở trường, không vâng lời thầy cô giáo. Và điều tai hại hơn nữa là các em dễ thấy buồn bã, chán nản, không muốn nói chuyện với ai, cũng không ham thích việc học hành.

Trước những nguy hiểm lớn lao của việc sử dụng những thiết bị thông tin hiện đại ngày nay, cha mẹ cần dành thì giờ với con, ở gần bên con, không phải để theo dõi la mắng hay cấm đoán nhưng để hướng dẫn con, giúp con có người bên cạnh yêu thương, trò chuyện, với mục đích là để giúp con giữ quân bình, không sử dụng quá nhiều những máy móc đó nhưng tâm trí được sáng suốt, nối liền với thực tại, và vui với mọi người chung quanh, nhất là với người thân trong gia đình. Khi cha mẹ cấm đoán, không cho con sử dụng những điều con yêu thích hoặc ngăn cản con theo kịp bạn bè, các em sẽ bất mãn và không muốn vâng lời cha mẹ. Vì thế mục đích của chúng ta là giúp con sử dụng những thiết bị đó cách khôn ngoan, trong khoảng thì giờ giới hạn, cũng giúp con cẩn thận tránh những thông tin không trong sạch, không hữu ích. Chúng ta giải thích rõ ràng cho con biết, để tự con nhìn thấy những nguy hại trong phương tiện truyền thông ngày nay và tự đặt kỷ luật cho mình. Như thế các em sẽ không thấy cha mẹ quá nghiêm khắc, các em không thấy thua bạn bè, nhưng sẽ khôn ngoan, biết sử dụng những gì ích lợi và tránh những điều nguy hiểm trên mạng.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành