Dạy Con (Bài 21)

Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình lại được đến với quý vị hôm nay.

Như chúng tôi đã chia sẻ với quý vị và chúng ta cũng biết rõ điều này, đó là con người chúng ta do Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, tạo dựng từ bụi đất, như các loài động vật khác, nhưng con người cao quý hơn muôn loài vạn vật vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được Chúa ban hơi sống của Ngài, vì thế chúng ta có linh hồn, là phần tâm linh để nhận biết Đức Chúa Trời và có thể giao tiếp với Ngài.

Trong các Câu Chuyện Gia Đình gần đây chúng tôi trình bày về việc cha mẹ cần giúp con cái trong gia đình nhận diện rõ giới tính của mình và trân quý giới tính Chúa ban. Trước những khuynh hướng tội lỗi trong xã hội ngày nay, chúng ta cần hướng dẫn con cái phát huy đúng đặc điểm của giới tính mà Chúa đã ban cho các em.

Các con của chúng ta là trai hay gái thì phải cho các em ăn mặc, phục sức, để kiểu tóc đúng với phái tính đó một cách rõ ràng. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần tránh cho con mặc quần áo hay để kiểu tóc không phân biệt rõ ràng là nam hay nữ, cũng tránh cho con trai ăn mặc như con gái hay con gái ăn mặc, cắt tóc như con trai. Điều mà nhiều người thường làm mà ngày nay chúng ta cần tránh đó là, khi chỉ có con gái chứ không có con trai thì cho một đứa con gái trong gia đình ăn mặc như con trai hay ngược lại, cho một đứa con trai ăn mặc như con gái. Trong thời buổi phái tính đang bị xóa nhòa này hơn bao giờ hết, đây là điều chúng ta phải tránh.

Chúng ta thấy nam nữ rất là khác nhau: khác ở thể chất hình dạng bên ngoài, khác trong bản chất, tâm tính và cũng khác trong những trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó. Khác biệt hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy là phái nam được Chúa ban có sức mạnh hơn phái nữ vì thế phải gánh vác những việc cần đến sức mạnh. Qua điều Chúa dạy trong Kinh Thánh chúng ta thấy người nam được ban cho những trách nhiệm sau đây:

1. Chúa giao cho phái nam trách nhiệm chiến đấu và bảo vệ

Phái nam được ban cho sức mạnh hơn phái nữ, vì vậy Chúa giao cho người nam trách nhiệm bảo vệ phái nữ và trẻ con là nhóm người yếu đuối hơn. Người đàn ông trong văn hóa nào, xã hội nào cũng có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ con; bảo vệ cộng đồng và đất nước của mình. Từ xưa đến nay các ông là người gia nhập quân đội, ra trận chiến đối diện với kẻ thù để bảo vệ đất nước. Một số phụ nữ cũng đi nghĩa vụ, nhưng chỉ đóng vai trò phụ giúp vì Chúa tạo dựng bản tính và thể chất của người nam thích hợp với những gian khổ khó khăn nơi chiến trường. Mọi người đều nhìn thấy sự khác biệt đó nên chúng ta gọi các anh/các ông là phái mạnh, còn các cô/các bà là phái yếu. Trong gia đình Chúa cũng giao cho người chồng trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc vợ con và trách nhiệm bảo vệ vợ con trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Lời Chúa dạy: Người làm chồng phải yêu vợ, hy sinh cho vợ như Chúa Cứu Thế đã yêu hội thánh và hy sinh cho hội thánh.

Vì lý do đó, nếu Chúa ban cho con trai, chúng ta có trách nhiệm giúp con phát huy tinh thần phục vụ và bảo vệ, dùng sức mạnh của phái nam không phải để tranh giành, lấn lướt hay bắt nạt người khác nhưng để bênh vực và bảo vệ chị em gái trong nhà cũng như bênh vực và bảo vệ những người bạn thuộc phái yếu. Không chỉ bảo vệ về mặt thể chất như đối xử nhẹ nhàng hiền hòa nhưng cũng bảo vệ về mặt tình cảm và tình dục. Cha mẹ cần dạy con trai tôn trọng tấm lòng và thân thể của người bạn gái, không bao giờ lợi dụng để làm điều tội lỗi, gây tổn hại đến tinh thần hay thân xác của người bạn thuộc phái yếu. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các ông chồng phải tế nhị trong cách đối xử với vợ vì vợ thuộc phái yếu. Ông viết:

Những người làm chồng hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ là phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em (Thư I Phi-e-rơ 3:7, Bản Hiệu Đính)

Khi Kinh Thánh gọi các bà vợ là phái yếu, hàm ý các ông chồng là người mạnh hơn. Vì biết vợ bản chất yếu đuối, các ông không đàn áp, bắt nạt nhưng trái lại, cư xử với vợ cách khôn ngoan, tế nhị, và nhất là quý trọng vợ chứ không xem thường. Nguyên tắc của Kinh Thánh là: Người mạnh giúp đỡ người yếu, người nam hy sinh phục vụ phụ nữ và trẻ con là nhóm người yếu đuối hơn. Sứ đồ Phao-lô khuyên:

Chúng ta là người mạnh phải gánh vác những khiếm khuyết của người yếu, chứ không chỉ biết làm vừa lòng chính mình (Thư Rô-ma 15:1)

Câu này nói về người mạnh và yếu về mặt đức tin và tinh  thần nhưng cũng áp dụng cho người mạnh và người yếu về mặt thể xác.

Chúng ta cần dạy con trai biết rằng các em được Chúa giao cho vai trò bảo vệ nhưng bảo vệ  trong tinh thần phục vụ, sẵn sàng nhường nhịn, giúp đỡ. Chúng ta tập cho những đứa con trai nhỏ làm những việc nhỏ như, khi mẹ đi chợ về giúp mẹ đem các thứ mẹ mua vào nhà; hay giúp chị, giúp em gái làm những việc khó hay việc nặng nhọc trong nhà. Chúng ta dạy cho con trai biết các em được Chúa cho mạnh hơn chị hay em gái, không phải để dùng sức mạnh đó lấn lướt hay bắt nạt nhưng trái lại, để bảo vệ, bênh vực chị em của mình. Khi dạy con những điều đó là chúng ta giúp con phát huy nam tính đúng theo điều Chúa muốn. Người nam được Chúa ban sức mạnh về mặt thể xác trong khi đó người nữ được ban cho bản chất mềm mại yếu đuối vì thế người nữ cần tùy thuộc, nương dựa vào phái nam. Các bà cũng chăm sóc bảo vệ con cái nhưng các ông, tức người chồng/người cha giữ vai trò chính yếu trong việc bảo vệ gia đình.

2. Chúa giao cho người nam trách nhiệm lãnh đạo

Không những bảo vệ người thuộc phái yếu, Chúa cũng giao cho người nam trách nhiệm lãnh đạo: lãnh đạo gia đình, hội thánh và đất nước. Kinh Thánh phân định rõ ràng vai trò người vợ người chồng trong gia đình như sau. Sứ đồ Phao-lô viết:

Hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa vì chồng là đầu vợ, cũng như Đấng Christ là Đầu Hội Thánh (Thư Ê-phê-sô 5:22)

Với người chồng, Lời Chúa dạy:

Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh (Thư Ê-phê-sô 5:25)

Theo lời dạy này, người nam là chồng là chủ, lãnh đạo gia đình; người nữ, tức người vợ, có bổn phận vâng phục chồng. Tục ngữ Việt Nam chúng ta cũng nói: “Phu xướng phụ tùy,” nghĩa là chồng nói vợ vâng theo, tức là chồng là người lãnh đạo gia đình. Chúa ban cho phái nam sức mạnh và khả năng để lãnh đạo và Ngài cũng giao cho người nam trách nhiệm lãnh đạo, nhưng là lãnh đạo theo gương của Chúa: lãnh đạo với tình yêu thương, lòng khiêm nhường và tinh thần hy sinh phục vụ.

Chúa là Đầu hội thánh, Ngài lãnh đạo hội thánh với tình yêu thương, Ngài hy sinh sự sống của chính mình vì hội thánh. Chúng ta cần dạy và giúp con trai trong gia đình phát huy tinh thần cao đẹp này. Con trai thì phải mạnh mẽ, can đảm, không ủy mị, lười biếng, không trốn trách nhiệm nhưng sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm, lãnh đạo với lòng khiêm nhường, yêu thương và hy sinh. Để làm người lãnh đạo, phái nam cũng phải là người chủ động trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Ngược lại với chủ động là ủy mị, lười biếng để cho hoàn cảnh đưa đẩy hoặc để người chung quanh ảnh hưởng và lôi cuốn. Khi cha mẹ dạy và giúp con trai phát huy những phẩm tính này là chúng ta giúp đào tạo cho xã hội những người nam đúng theo chương trình và ý định tốt đẹp của Đức Chúa Trời.

3. Cung ứng nhu cầu cho gia đình

Trách nhiệm thứ ba Chúa giao cho người nam là cung ứng nhu cầu cho gia đình. Người chồng, người cha có trách nhiệm lo cho vợ con có nơi ăn chỗ ở an toàn, với đầy đủ vật thực nuôi sống mỗi ngày cũng như được che chở bảo vệ khỏi mọi nguy hiểm trong môi trường sống. Người vợ, tức phái nữ, thể chất yếu đuối hơn, lại phải sinh con, ở nhà nuôi con nên không thể ra ngoài đi làm mỗi ngày để cung ứng nhu cầu cơm áo cho gia đình. Từ xưa đến nay, người ở nông thôn cũng như thành thị, trong xã hội chậm tiến cũng như xã hội tân tiến, mọi người đều biết người chồng/người cha giữ trách nhiệm chính yếu trong việc đi làm nuôi sống gia đình. Người phụ nữ cũng siêng năng và có khả năng làm nhiều công việc khác nhau, nhưng chỉ phụ giúp chồng vì các ông là người giữ vai trò chính yếu trong trách nhiệm cung ứng nhu cầu cho gia đình.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành