Dạy Con (Bài 17)

61151 Family Conflict Discipline Child Thinkstockph.1200w.tn

 

Kính chào quý thính giả, chúng tôi vui mừng cảm tạ Chúa vì Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay.  Cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng thương xót, gìn giữ chúng ta và người thân trong gia đình khỏi nguy hiểm của nạn dịch vẫn còn lây lan nhiều nơi. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục chia xẻ với quý vị phụ huynh những điều cha mẹ cần tránh khi nuôi dạy, hướng dẫn những đứa con Chúa ban cho gia đình chúng ta.

 

Khi lập gia đình, có con cái là ơn phước Đức Chúa Trời ban, nhưng kèm theo ơn phước đó là trách nhiệm lớn lao: trách nhiệm nuôi dạy con nên người trưởng thành về mặt thể xác, trí tuệ và tâm linh. Để đạt được kết quả đó, chúng ta cần hướng dẫn con theo nguyên tắc của Kinh Thánh. Trong Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi có chia xẻ nguyên tắc căn bản của Thánh Kinh mà các bậc cha mẹ cần áp dụng. Nguyên tắc đó là: “Đừng làm cho con cái buồn giận nhưng hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy con.” Thực tế mà nói, ít có cha mẹ nào cố tình làm cho con cái buồn giận, nhưng lắm khi có những điều cha mẹ, vô ý hay vô tình làm, khiến con cái buồn giận và nản lòng, mà không biết. Tác giả Lou Priolo, nhà giáo dục chuyên nghiên cứu về vấn đề dạy con, đã liệt kê ra khoảng 25 điều cha mẹ làm khiến cho con cái buồn, giận và nản lòng. Trong các Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi đã trình bày 16 điều, hôm nay xin trình bày tiếp từ điều thứ 17. Nếu quý vị muốn nghe lại những điều chúng tôi đã trình bày trước đây, xin quý vị gọi cho chúng tôi, tại văn phòng Phát Thanh Tin Lành, theo số điện thoại sẽ được loan báo ở cuối giờ phát thanh, chúng tôi sẽ rất vui được gởi những bài đó, trong CD, đến cho quý vị.

Trước khi nói đến điều thứ 17, chúng tôi xin lược qua những điều đã nói trước kia. Cha mẹ sẽ làm cho con cái buồn nản khi những điều sau đây xảy ra trong gia đình:

1. Cha mẹ không yêu thương nhau, không hiệp một trong hôn nhân nhưng thường xuyên cãi vã, phiền giận nhau và nói chuyện ly dị nhau.

2. Cha mẹ không làm chủ gia đình, không đặt kỷ luật cho con tuân giữ nhưng cho con quá nhiều tự do, đến nỗi con như là chủ trong gia đình.

3. Cha mẹ hay nổi giận với con, giận quá đáng và giận về những chuyện không đáng.

4. Khi con lầm lỗi hoặc không vâng lời, cha mẹ kỷ luật con với sự giận dữ, như ghét bỏ con.

5. Khi con lỡ làm sai hỏng việc gì, cha mẹ la mắng con quá nặng lời, khiến con tủi nhục, xấu hổ.

6. Không nhất quán trong cách sửa dạy con: khi thì quá nghiêm khắc, khi thì quá dễ dãi.

7. Đặt luật lệ cho con mà chính cha mẹ không tuân theo những luật lệ đó.

8. Áp dụng kỷ luật với con cách khe khắt, cứng nhắc khiến con không cảm nhận được tình thương của cha mẹ.

9. Khi có lỗi cha mẹ không bao giờ nhận lỗi.

10. Bất cứ lúc nào và trong việc gì cũng tìm thấy lỗi của con để la mắng.

11. Cha và mẹ không sống đúng với vai trò Chúa định: Cha không làm chủ, không lãnh đạo gia đình, mẹ không kính trọng vâng phục cha.

12. Cha mẹ không lắng nghe và không thông cảm khi các con có điều muốn nói.

13. Hay so sánh con với anh chị em trong gia đình hay với những đứa trẻ khác

14. Lấy khuyết điểm hay khuyết tật của con ra để chế giễu, chê cười.

15. Không quan tâm đến con, không dành thì giờ cho con, không có mặt khi con cần cha mẹ.

16. Không bao giờ khen con, dù con có cố gắng cũng không khen hay nói lời khích lệ.

Đó là những điều chúng tôi đã trình bày trước đây, bây giờ chúng tôi xin chia xẻ tiếp từ điều thứ 17 trở đi.

17. Cha mẹ hứa với con điều này điều kia nhưng không giữ lời hứa

Trong vai trò làm cha mẹ, nhiều khi vì muốn con cái đạt được những điều tốt mà mình mong ước, nên chúng ta hứa cho con điều này điều kia. Chẳng hạn như vì muốn con cố gắng học hành để được điểm cao, chúng ta hứa sẽ thưởng nếu con học giỏi. Nếu con ghi nhớ lời cha mẹ dặn bảo và ngoan ngoãn làm theo, cha mẹ sẽ cho con cái này cái kia, thường là hứa những gì con thích hay mơ ước mà chưa được. Có người nói với con: nếu con học giỏi, được điểm cao, ba má sẽ thưởng, sẽ cho quà; hoặc hứa là đến tết, đến sinh nhật sẽ mua cho con món đồ chơi mà con mơ ước, v.v… nhưng rồi không giữ lời hứa. Có người không giữ lời đã hứa mà khi con nhắc lại nói với con: “Bộ ba má phải giữ lời hứa với tụi bay sao?” Có ông cha nọ hứa với con trai là khi nào con vào đại học ba má sẽ cho con một chiếc xe mới, muốn xe gì tùy ý con chọn. Vì lời hứa đó đứa con trai vui vẻ hăng hái học hành, chuẩn bị chọn trường mình thích. Nhưng khi sắp đến ngày vào đại học, ông cha mua cho đứa con chiếc xe cũ. Đứa con vì lỡ khoe với bạn bè về chiếc xe mình mơ ước mà cha mẹ sắp mua cho nên buồn vì thất vọng và cũng xấu hổ với bạn bè. Khi cha mẹ không giữ lời hứa với con mà không nhận đó là sai sót của mình nhưng lại lấy quyền làm cha mẹ để biện minh cho việc không giữ lời hứa, chúng ta sẽ khiến con cái nản lòng. Lời Kinh Thánh dạy: “Thà đừng khấn hứa, nếu đã hứa thì phải làm cho trọn,” bất cứ chúng ta hứa điều gì, hứa với ai: bạn bè, người thân và nhất là với các con trong gia đình, chúng ta phải giữ lời đã hứa. Nếu không các em sẽ buồn nản và mất lòng tin nơi cha mẹ. Để tránh điều này, cha mẹ không nên hứa với con những điều quá lớn, ngoài tầm tay hay không thực tế và khi đã hứa chúng ta cần ghi xuống để không quên nhưng sẽ làm đúng những gì đã hứa với con.

18. Kỷ luật con trước mặt bạn bè

Con em chúng ta dù còn nhỏ bao nhiêu cũng muốn được tôn trọng. Khi các em có lỗi, dù lỗi lớn hay nhỏ và bị cha mẹ khiển trách các em cũng biết xấu hổ. Vì vậy để tôn trọng con cái, cha mẹ nên kỷ luật và sửa dạy con cách riêng tư kín đáo, nhất là tránh la mắng con trước mặt bạn của các em. Khi bị kỷ luật trước mặt người thân trong gia đình, các em có thể chấp nhận, nhưng bị la mắng hay đánh đòn trước mặt người ngoài, nhất là trước mặt các bạn của mình là điều rất hổ nhục đối với các em. Để thật sự tôn trọng con và không tạo cơ hội cho con buồn giận, chúng ta nên sửa dạy các con trong chỗ riêng tư, chỉ một mình chúng ta với đứa con có lỗi và sửa dạy với lời nhỏ nhẹ, tế nhị. Khi chúng ta kỷ luật con như thế các em sẽ lắng nghe, nhận lỗi và sẵn sàng sửa đổi, vì biết cha mẹ yêu thương và tôn trọng mình. Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ và còn thấy xấu hổ vì có những lần bị cha hay mẹ la mắng ở chỗ đông người hay bị đánh đòn trước mặt bạn bè.

19. Kỷ luật con quá chặt chẽ hay đặt ra những luật lệ không hợp lý

 Các con chúng ta vì nhỏ dại, chưa khôn ngoan và thiếu hiểu biết, vì thế các em cần vâng theo kỷ luật và giới hạn cha mẹ đặt ra. Luật lệ trong gia đình là những rào cản, giữ cho các em không ngã vào những nơi nguy hiểm, làm những điều dại dột gây thiệt hại cho chính mình. Nhưng khi con bắt đầu lớn và bắt đầu hiểu biết, chúng ta cần nới lỏng luật lệ dần dần, cho con được quyết định những điều liên quan đến giờ giấc cũng như những sinh hoạt hằng ngày của các em. Có người đã nói: Nuôi con cũng như thả diều, phải biết lúc nào cần giữ chặt, lúc nào phải mở dây cho diều bay cao. Nếu diều chưa thể bay cao mà chúng ta thả dây ra nhiều, diều sẽ rơi xuống đất, ngược lại nếu đến thời điểm diều có thể bay cao mà chúng ta giữ lại, không mở thêm dây ra, dây sẽ bị đứt và diều rơi xuống đất. Khi con cái đã hiểu biết và đủ khôn ngoan trong một số vấn đề, hoặc đã trưởng thành, có thể tự quyết định một số vấn đề, cha mẹ cần nới lỏng sự kiểm soát, hoặc thay đổi luật lệ cho thích hợp với tuổi tác, mức độ trưởng thành cũng như thích hợp với thời khóa biểu của con (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành