Dạy Con (Bài 15)

Don%u2019t Undermine

 

Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong tiết mục Câu Chuyện Gia Đình hằng tuần này, chúng tôi chia xẻ với quý vị những đề tài liên quan đến đời sống gia đình, về mối quan hệ giữa vợ chồng cũng như giữa cha mẹ với con cái. Là cha mẹ, chúng ta yêu thương con và muốn con cái nên người vì vậy chúng ta hết lòng nuôi nấng dạy dỗ con. Chúng ta mong muốn điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên trong cách hướng dẫn con, lắm khi cha mẹ vô tình làm những điều khiến con giận hay buồn nản và không muốn vâng theo lời dạy bảo của cha mẹ nữa. Đây chính là những điều Lời Chúa nhắc nhở chúng ta cần phải tránh. Kinh Thánh ghi lời sứ đồ Phao-lô dạy như sau:

Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình buồn giận nhưng hãy dùng sự khuyên bảo, sửa phạt của Chúa mà nuôi nấng chúng (Thư Ê-phê-sô 6:4)

Trong một thư khác ông lại khuyên:

Những người làm cha, đừng làm cho con buồn giận, e chúng nản lòng chăng (Thư Cô-lô-se 3:21)

Khi nghe lời nhắc nhở này có người không đồng ý, nghĩ rằng cha mẹ nào cũng thương con và cố gắng hướng dẫn con cho nên người chứ có ai muốn làm cho con buồn giận hay nản lòng bao giờ. Thưa, đúng như vậy, là cha mẹ, chúng ta thương con và muốn con cái nên người chứ không ai muốn làm cho con buồn giận hay nản  lòng. Tuy nhiên cũng có những lúc chúng ta vô tình hay vô ý nên làm cho con buồn giận, nản lòng. Tuy lời Kinh Thánh chỉ nhắc nhở người cha nhưng quý bà mẹ cũng cần cẩn thận để không làm gì khiến con cái buồn giận, nản lòng.

Thưa quý vị, trong thực tế, nhiều khi chúng ta làm hay nói những điều khiến con buồn mà không biết. Trong quyển sách Nghệ Thuật làm Cha Mẹ tác giả Dennis Rainey ghi lại ít nhất 25 điều cha mẹ làm có thể khiến con buồn và nản lòng. Trong Câu Chuyện Gia Đình hai tuần trước, chúng tôi đã nói đến 10 điều, từ số 1 đến số 10, và hôm nay xin trình bày tiếp một số điều khác. Nếu muốn nghe lại những điều chúng tôi đã chia sẻ, xin quý vị liên lạc với chúng tôi theo số điện thoại sẽ được thông báo vào cuối giờ phát thanh này. Xin chân thành cảm ơn quý vị.

  1. Cha mẹ không sống đúng với vai trò Chúa định

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời trao cho người nam vai trò lãnh đạo gia đình.  Lời Chúa dạy: “Chồng là đầu vợ, như Chúa Cứu Thế là Đầu Hội Thánh”, vì thế người đàn ông, tức người chồng/người cha có trách nhiệm lãnh đạo gia đình, chăm sóc hướng dẫn vợ con. Điều đáng tiếc là trong một số gia đình ngày nay, thứ tự này đã bị đảo ngược: Người chồng trong những gia đình này không đứng đầu lãnh đạo gia đình nhưng để cho người vợ làm chủ, quyết định mọi việc. Khi điều này xảy ra, người cha/người mẹ trong gia đình đó không sống đúng với vai trò Đấng Tạo Hóa đã định: Cha làm chủ gia đình, lãnh đạo và chăm sóc vợ con còn người mẹ giữ vai trò thuận phục và hỗ trợ chồng. Tục ngữ Việt Nam ta cũng có câu: Phu xướng phụ tùy, tức là chồng nói vợ nghe hoặc chồng nói, vợ vâng theo.

Lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng như sau:

Hỡi người làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ… Chồng phải yêu vợ như chính thân mình… Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình nhưng nuôi nấng chăm sóc nó như Chúa Cứu Thế đối với hội thánh. .. Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình còn vợ thì phải kính chồng (Thư Ê-phê-sô 5:22-23, 28, 33)

Về bổn phận của người vợ/người mẹ trong gia đình, Lời Chúa dạy:

Phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết na trinh chánh, trông nom việc nhà, lại biết ở lành, vâng phục chồng hầu cho Đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào (Thư Tít 2:4-5)

Lời Chúa dạy rõ ràng như vậy nhưng có những gia đình làm ngược lại hoàn toàn: người mẹ làm chủ: nắm giữ tiền bạc, quyết định những chuyện quan trọng, lắm khi vì công việc làm phải thường xuyên vắng nhà nên không chăm sóc nhà cửa, không gần gũi con cái. Trong khi đó người cha cũng không lãnh đạo gia đình nhưng chạy theo những thú vui ích kỷ, không quan tâm dạy dỗ con cái, không có tinh thần trách nhiệm, không cung ứng nhu cầu vật chất cho gia đình… Đây là những người cha người mẹ không sống đúng với vai trò Thiên Chúa đã truyền dạy. Khi người chồng nhu nhược, không quan tâm đến con cái, không làm trọn trách nhiệm lãnh đạo gia đình nhưng để cho người vợ làm chủ gia đình, quyết định mọi việc trong nhà là chúng ta đã sống ngược lại với vai trò Chúa định. Khi cha mẹ không sống đúng với vị trí và trách nhiệm Chúa đã định, là trách nhiệm phù hợp với bản chất của mỗi phái tính, con cái chúng ta sẽ bị thiệt thòi. Và khi đã hiểu biết con cái sẽ thấy rõ điều đó nên dễ buồn giận, nản lòng. Khi người cha làm chủ gia đình, hướng dẫn con trong kỷ luật nghiêm minh mà có người mẹ ở bên cạnh yêu thương vỗ về con với tâm tình mềm mại, thông cảm sẽ đem lại quân bình, giúp các con lớn lên trong kỷ luật của cha và tình thương của mẹ, sẽ trở nên trưởng thành chứ không phản loạn.

  1. Cha mẹ không lắng nghe khi con có điều muốn nói

Là người có gia đình, chúng ta phải lo đi làm để cung ứng nhu cầu cho gia đình, rồi còn phải lo chăm sóc dạy dỗ con cái. Nhất là trong đời sống ở xứ văn minh này, chúng ta lúc nào cũng bận rộn với bao nhiêu trách nhiệm nên ít khi nào có thì giờ yên lặng để trò chuyện với con, lắng nghe khi con có điều muốn nói. Không những thế nhiều cha mẹ thường nghĩ các con còn nhỏ, không có chuyện gì quan trọng để nói. Trong văn hóa Á đông, người lớn thường không xem các em nhỏ là quan trọng nên ít khi nào chú ý lắng nghe các em nói. Trong thực tế, các con chúng ta, dù nhỏ bao nhiêu cũng muốn được cha mẹ quan tâm trò chuyện với các em và lắng nghe các em nói. Khi trong trí suy nghĩ điều gì hay khi có điều muốn nói với cha mẹ, các em rất mong cha mẹ để ý nghe. Khi con có điều muốn nói mà cha mẹ không để ý nghe, không muốn nghe và hoặc chưa nghe mà gạt đi, cho là không có gì quan trọng, các em sẽ buồn nản, nghĩ là cha mẹ không thương, không xem mình là quan trọng.

Điều nguy hiểm là, vì những kinh nghiệm đó, sau này dù có điều cần nói với cha mẹ, các em cũng sẽ không dám nói hoặc không muốn nói nữa. Từ đó giữa cha mẹ và con cái sẽ có sự ngăn cách, cha mẹ sẽ không biết con mình suy nghĩ điều gì, có những mơ ước gì. Vì không biết chúng ta sẽ không hiểu con và cũng sẽ không thông cảm với con. Vì vậy, dù bận công việc gì và dù bận nhiều đến đâu, khi các con muốn đến gần trò chuyện hay có điều muốn hỏi, muốn nói, chúng ta cần dành thì giờ lắng nghe, nghe và thông cảm với con chứ đừng nổi giận hay chê cười con. Chúng ta cần áp dụng nguyên tắc Chúa dạy về cách sử dụng lời nói, với người lớn cũng như với con cái trong gia đình:

Anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói chậm giận” (Thư Gia-cơ 1:19)

Với người lớn, như với bạn bè, bà con cũng như với những đứa con nhỏ trong gia đình, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc Chúa dạy: sẵn sàng lắng nghe, nghe đến nơi đến chốn rồi mới nói và đừng nhạy giận hay dễ nổi giận. Nếu cha mẹ không sẵn sàng lắng nghe nhưng chỉ muốn nói lên ý kiến của mình và dễ dàng nổi giận khi con nói điều không hợp với ý mình là chúng ta sẽ làm cho con buồn giận và ngã lòng (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành