Dạy Con (Bài 11)

 Children And Technology

 

Thưa quý thính giả,

Trong Câu Chuyện Gia Đình những tháng gần đây, chúng tôi đã gởi đến quý vị những nguyên tắc căn bản trong vấn đề dạy dỗ con cái. Những nguyên tắc nầy không thay đổi nhưng khi áp dụng vào thực tế, lắm khi chúng ta cảm thấy lúng túng nhất là với những trào lưu và trong xã hội thế kỷ 21 nầy. Trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay, chúng tôi xin nói đến một trong những thách thức về vấn đề dạy dỗ con cái, đó là việc con em chúng ta dùng quá nhiều thì giờ trong việc sử dụng các thiết bị điện tử như cell phone, iPad và các loại máy vi tính.

Theo các cơ quan nghiên cứu, hiện nay tính trung bình các em nhỏ khoảng 13 tuổi đã biết và thấy những hình ảnh đồi trụy trên mạng. Có em mới năm tuổi đã nhìn thấy và biết những hình ảnh này. Theo một tổ chức nghiên cứu khác, 42 phần trăm các em ở bậc tiểu học bị người lạ quấy nhiễu, đe dọa trên mạng, và nguy hiểm hơn nữa, cứ 5 em 12 tuổi thì có một em bị người xấu liên lạc để dụ dỗ, rủ rê vào những việc tội lỗi.

Ngoài ra còn có nhiều nguy hiểm khác xảy ra cho các em nhỏ khi cha mẹ không quan tâm kiểm soát hay giới hạn thời gian các em dùng những thiết bị điện tử: cell phone, iPad, computer, v.v… Một bác sĩ tâm lý nọ cho biết, khi các em nhỏ sử dụng những phương tiện kỹ thuật này quá nhiều thay vì chạy chơi với bạn bè ngoài trời, ngoài sân, tính tình các em sẽ thay đổi buồn vui thất thường, có em trở nên lười biếng, không muốn hoạt động cũng không muốn làm việc gì hoặc tính tình thay đổi, trở nên khó chịu, khó tính. Các bác sĩ tâm lý cũng cho biết, khi sử dụng cell phone, Ipad cũng như máy điện toán, tâm trí bị khích động liên tục khiến các em bị bệnh mất ngủ, vì não bộ phải làm việc nhiều, tinh thần sẽ căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm trí, khiến khả năng tập trung của các em cũng suy giảm. Ngoài ra, vì thiếu vận động thân thể, các em cũng bị những bệnh như: chậm lớn, quá mập … Có em  bị chứng cao đường, cao mỡ trong máu. Đối với những em càng nhỏ tuổi thì những tai hại này càng lớn hơn và nguy hiểm hơn. Vì những nguy hiểm vừa kể, nhiều vị giám đốc, kỹ sư làm việc tại Silicon Valley không cho con họ sử dụng những thiết bị do chính họ chế  tạo và sản xuất.

Vào năm 2018, trên tờ New York Times có một bài nói rằng những cha mẹ làm việc với Facebook, Apple, Microsoft, Mozilla và nhiều nhà kỹ thuật điện toán lớn khác không cho con họ  dùng những phương tiện truyền thông hiện đại. Một người giấu tên, nói với  ký giả tờ báo này: “Tôi tin rằng quỷ Sa-tan đang hoạt động, đang dùng cell phones để giết chết đời sống con em chúng ta.” Là phụ huynh, chúng ta có để ý đến lời cảnh cáo này không? Một ký giả nọ cho biết, nhiều phụ huynh vẫn không quan tâm đến nguy hiểm này, có người chủ trương rằng cha mẹ phải tôn trọng sự riêng tư của con cái khi các em vào mạng. Có người còn nói, kiểm soát con khi các em dùng những thiết bị điện tử này cho thấy cha mẹ không tin cậy con và có thể khiến các em lớn lên chấp nhận bị kiểm soát về mọi khía cạnh trong đời sống. Tác giả bài báo này nói tiếp: “Suy nghĩ như thế là thiếu khôn ngoan. Con em chúng ta cần biết rằng, khi các em dùng những thiết bị điện toán để vào mạng lưới, cha mẹ có quyền kiểm soát tất cả những gì các em đọc hoặc xem, các em không có quyền riêng tư, không được giấu cha mẹ. Nếu thật sự thương con, chúng ta phải quan tâm dành thì giờ kiểm soát và hướng dẫn con. Nếu chúng ta cho con cái tự do sử dụng thiết bị điện toán để vào mạng lưới suốt ngày đêm, để xem bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào các em muốn là chúng ta không thương con và không quan tâm đến đời sống con.

Như vậy, là cha mẹ chúng ta cần kiểm soát hay hướng dẫn con cái như thế nào? Quy luật và giới hạn chúng ta đặt ra cho con gồm những điều sau: Cho con biết rằng, cái cell phone, Ipad hay laptop mà các em sử dụng là của cha mẹ chứ không phải của các em, vì vậy cha mẹ có quyền biết và kiểm soát những gì các em xem. Trong thời buổi ngày nay có nhiều người xấu, muốn làm hại trẻ em, cũng như có những hình ảnh đồi trụy lan tràn trên mạng để đầu độc mọi người, nếu cha mẹ không đặt giới hạn, không kiểm soát con nhưng cho các em tự do muốn đọc gì, xem gì cũng được trên phone, trên Ipad là chúng ta không thương con và không bảo vệ con khỏi nguy hiểm. Một điều khác các bậc phụ huynh cần áp dụng là: Tất cả Cell phone, Ipad, tablets, computer trong nhà phải để ở phòng khách hoặc ở chỗ có người trong nhà qua lại, thay vì để trong phòng riêng và có cửa khóa lại. Các em cũng phải cho cha mẹ biết password của các em là gì, để bất cứ lúc nào cha mẹ cũng có thể mở những thiết bị của các em và xem các em đã đọc gì, xem gì, đã liên lạc với ai, nói gì với những người đó.

Một nhà tâm lý học tại trường M.I.T. đề nghị cha mẹ cũng nên cho con biết giới hạn trong việc sử dụng thiết bị điện tử, nghĩa là có những nơi hay những lúc con không được dùng. Chẳng hạn như khi đi trong xe, trong bữa ăn của gia đình, khi đi ngủ. Khi đi vacation với gia đình cũng có những lúc các em không được dùng cell phone. Mục đích của những giới hạn này là để giúp các con chúng ta nghỉ ngơi, tham gia những sinh hoạt khác trong ngày, chơi với bạn bè, nói chuyện với người thân, chứ không chỉ trao đổi ý kiến, suy nghĩ qua lời nhắn trên phone.  Trong tuần gia đình chúng ta nên có một ngày không dùng cell phone hay máy điện toán để cha mẹ và con cái có thì giờ trò chuyện chơi đùa với nhau.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thương với con cái, để các em thấy rằng cha mẹ thương các em và luôn muốn điều tốt nhất cho các em. Nếu cha mẹ không thông cảm, không đồng ý với các em về những điều tốt mà các em mong muốn, việc đặt giới hạn trong việc sử dụng điện thoại, máy điện toán sẽ khiến các em cảm thấy gò bó khó chịu. Các em sẽ không hiểu vì sao cha mẹ mình đi ngược lại với làn sóng chung của xã hội hiện đại, từ đó các em sẽ không muốn vâng lời nhưng muốn phản loạn, phản đối để làm những gì các em muốn, để được giống  bạn bè của mình. Chỉ khi nào thật sự có mối quan hệ tốt đẹp yêu thương với con cái, chúng ta mới có thể chỉ cho các con thấy các em là những con người đặc biệt, có giá trị lớn đối với cha mẹ  và trước mặt Chúa. Các em không cần phải tùy thuộc vào những thiết bị điện tử đó đời sống mới có ý nghĩa. Chúng ta cũng cần giải thích cho con thấy, là cha mẹ trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ các em khỏi những ảnh hưởng xấu và những người xấu trong xã hội, đang muốn đem vào tâm trí các em những điều không tốt, không lành mạnh để rồi đời sống các em sẽ vì những ảnh hưởng xấu đó mà gặt lấy những hậu quả tai hại. Chúng  ta cần nhờ Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đương đầu với những thách thức trong thời đại tin học này. Và chúng ta cũng cần có Lời Chúa trong Kinh Thánh làm tiêu chuẩn trong việc hướng dẫn, dạy dỗ con cái. Trong những thông tin con em chúng ta thâu nhận hằng ngày qua mạng có rất nhiều điều làm dơ bẩn hoặc hủy hoại tâm trí trong trắng ngây thơ của các em. Chúa biết rõ điều này nên Lời Chúa trong sách Châm Ngôn dạy:

Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra (Châm Ngôn 4:23)

Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên:

Hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương. Nói chung, điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến (Thư Phi-líp 4:8, Bản Hiệu Đính)

Nói như thế có nghĩa rằng: điều gì không cao đẹp, không trong sạch, không công chính, không đáng biểu dương thì chúng ta đừng nghĩ đến, đừng để xâm nhập vào tâm trí chúng ta, bất cứ là dưới hình thức nào.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành