CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO TIN LÀNH

 

 Nhiều người quan niệm rằng, Đạo của Chúa là Đạo Tây phương, không thích hợp với người Á đông, vì không dạy con cái hiếu kính và thờ phụng cha mẹ. Một số người khác thì nghĩ rằng khi một người tin Chúa, người đó sẽ phải lỗi đạo làm con vì không được phép thờ cúng ông bà cha mẹ. Mới nghe qua chúng ta thấy những lý luận trên có vẻ đúng.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Lời Chúa dạy, chúng ta thấy người tin Chúa không lỗi đạo làm con, cũng không bỏ ông bỏ bà, vì Đạo Chúa luôn đề cao bổn phận con cái đối với cha mẹ. Bằng chứng trong sáu điều răn nói về bổn phận con người đối với nhau, điều đầu tiên Chúa dạy là “Phải hiếu kính cha mẹ” (Xuất 20:12). Điều này nói lên một cách mạnh mẽ rằng, đối với Chúa, trong tất cả các bổn phận con người đối với nhau, bổn phận con cái đối với cha mẹ là bổn phận quan trọng hơn hết.

Theo Nho giáo, thứ tự ưu tiên trong đời sống con người là “quân, sư, phụ”. Nghĩa là trước hết chúng ta phải làm tròn bổn phận đối với vua, hay là người lãnh đạo đất nước, vì đó là người thay mặt trời để hướng dẫn chúng ta. Sau đó là bổn phận đối với các bậc thầy dạy dỗ chúng ta, và cuối cùng mới đến bổn phận đối với cha mẹ. Đạo của Chúa dạy ngược lại, dạy chúng ta phải chu toàn bổn phận đối với Đức Chúa Trời trước nhất vì Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, sau đó là bổn phận đối với cha mẹ, rồi mới đến những bổn phận khác. Điều này một lần nữa cho thấy, đối với Chúa, bổn phận của con cái đối với cha mẹ là quan trọng, phải được  để ý đến trước nhất.

Đạo Chúa xem trọng bổn phận của người làm con vì đây là điều căn bản, ảnh hưởng sâu đậm trên những bổn phận khác. Nếu một người không kính yêu cha mẹ và không tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, khi ra đời người đó sẽ không yêu thương ngưòi chung quanh và cũng không phục dưới một thẩm quyền nào. Nếu một người khi còn nhỏ không kính trọng cha mẹ, lúc đi học sẽ không kính trọng thầy giáo, và khi ra đời cũng sẽ là người ngang ngược, không tuân giữ luật lệ xã hội, cũng không tuân phục những thẩm quyền trên mình.

Một bằng chứng nữa cho thấy Đạo Chúa đặt nặng bổn phận con cái đối với cha mẹ là sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước. Chúng ta hãy cùng xem một số lời dạy tiêu biểu trong sách đó:

“Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy, đừng bỏ khuôn phép của mẹ con” (1:8).

“Này con, nghe cha khuyên dạy, lắng tai để có sự hiểu biết” (4:1)

“Hành hung cha và xô đuổi mẹ, là con làm điếm nhục gia phong” (19:26)

“Ngọn đèn của kẻ chửi cha mắng mẹ, phụt tắt đi giữa đêm tối âm u” (20:20)

“Hãy lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha, khi mẹ yếu già con chớ khinh khi” (23:22).

Trong điều răn thứ năm, Đức Chúa Trời dạy người làm con phải hiếu kính cha mẹ. Chữ “con cái” và  “cha mẹ” ở đây không giới hạn tuổi tác. Nói như thế có nghĩa là một người con dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn là con và vẫn phải hiếu kính cha mẹ. Tương tự như thế, dù cha mẹ già hay trẻ, con cái cũng phải hiếu kính.

Thánh Kinh cho biết, những đứa con khôn ngoan là niềm vui cho cha mẹ: “Có con chân thành, lòng cha mẹ mừng rỡ, có con khôn ngoan, vui lòng hớn hở. Hỡi con! Nhớ làm cho cha mẹ rạng rỡ vui mừng” (Châm ngôn 23:24). Để có thể làm vui lòng cha mẹ, trươc hết chúng ta phải là người khôn ngoan. Người khôn ngoan là người như thế nào? Thánh Kinh cho biết: “Kính sợ Chúa Hằng Hữu là khởi điểm khôn ngoan, hiểu biết Đấng Thánh, ấy cội nguồn tri thức” (Châm ngôn 9:10). Như thế, theo lời Kinh Thánh dạy, người khôn ngoan là người kính sợ Chúa và đi trong đường lối của Ngài. Nếu chúng ta tiếp nhận Chúa làm chủ của đời sống, tôn trọng Chúa sống theo Lời Chúa dạy, chúng ta sẽ trở nên người khôn ngoan. Người khôn ngoan là người kính sợ Chúa, vâng lời Chúa, do đó sẽ kính yêu và tôn quí cha mẹ.

  1. Ý NGHĨA CỦA CHỮ HIẾU

  Điều răn thứ năm dạy: “Hiếu kính cha mẹ” nghĩa là gi? Và “hiếu kính cha mẹ” là phải làm gì? Hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính và yêu quí cha mẹ. Có người yêu cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính, một số khác thì ngược lại, tôn kính cha mẹ nhưng thiếu lòng yêu thương. Chúa muốn chúng ta vừa yêu thương vừa tôn kính cha mẹ.

Một người con hiếu kính cha mẹ là người làm tròn những bổn phận sau đây:

  1. Yêu thương cha mẹ

Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương cha mẹ. Cũng như tất cả những liên hệ khác giữa con người với con người, phải có tình yêu thương chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận đối với nhau và phải có tình yêu thương thì điều chúng ta làm mới có ý nghĩa. Chúng ta yêu thương cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái thường được ví như sông, núi, trời, biển. Dù có thể cha mẹ không tỏ bày tình thương cách rõ ràng, hoặc có khi vô tình, cha mẹ làm cho chúng ta đau buồn, nhưng sâu kín trong đáy lòng, cha mẹ yêu thương chúng ta vô cùng. Người ta thường nói, khi có con chúng ta mới hiểu được tình thương yêu của cha mẹ. Câu nói này thật đúng. Một khi thật lòng yêu thương cha mẹ, chúng ta sẽ không làm điều gì khiến cha mẹ buồn lo, nhưng trái lại, tìm cách làm cho cha mẹ vui lòng.

  1. Biết ơn cha mẹ

Là con cái, chúng ta phải biết ơn cha mẹ. Cha mẹ là người sinh ra chúng ta và nuôi dạy chúng ta nên người. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống nhưng cha mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, cha mẹ phải chịu bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Công ơn cha mẹ không gì ví sánh được. Chúng ta không thể làm gì đáp đền được công ơn đó. Người xưa đã mô tả thật đúng khi nói: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Vì công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta phải biết ơn cha mẹ và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động và cách xử sự trong bổn phận làm con.

  1. Tôn kính cha mẹ

Như đã nói ở trên, có người yêu thương cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính. Có người còn xem cha mẹ như ngang hàng với mình, do đó không nói năng với cha mẹ một cách lễ phép và không bày tỏ lòng  kính trọng. Cũng có người xem cha mẹ như là người có trách nhiệm phục vụ và chiều chuộng mình.Trường hợp đó xảy ra khi cha mẹ cưng chiều quá đáng. Khi còn nhỏ, có những đứa con hay làm nũng, giận dỗi hoặc dùng tiếng khóc để cha mẹ phải chiều theo ý mình.Nếu cha mẹ nuông chiều quá đáng, khi khôn lớn, con sẽ không biết giúp đỡ cha mẹ, nhưng chỉ chờ cha mẹ phục vụ mình.

Nếu cha mẹ không dạy bảo đúng cách hoặc  nói những điều thiếu lễ độ,khi lớn khôn, những điều sai lầm đó sẽ thành thói quen, không thể sửa đổi được. Là con, khi nói với cha mẹ chúng ta nên dùng những tiếng “thưa”. “vâng”,”dạ”để tỏ bày lòng tôn kính.

Cũng có người xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu, không còn đóng góp được gì cho gia đình, hoặc khi cha mẹ đau ốm, trở thành một gánh nặng cho mình. Người tin Chúa không nên có những thái độ sai lầm đó, vì Chúa dạy: “Hãy lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha, khi mẹ yếu già con chớ khinh khi” (Châm ngôn 23:22). Chúng ta không nên xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu, nhưng trái lại, phải yêu thương quí mến nhiều hơn vì cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta. Hơn nữa, lúc già yếu là lúc cha mẹ cần con cái hơn hết, không những vì sức khỏe suy giảm nhưng tinh thần cũng rất yếu kém. Cha mẹ dễ cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì biết mình không còn giúp ích gì cho đời và con cái cũng không còn cần đến mình nữa. Các cụ cũng hay lo buồn vì biết đời sống mình sắp chấm dứt và thường nghĩ đến cái chết đang chờ đợi mình. Vì những lý do đó, chúng ta cần thông cảm với cha mẹ và cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để đem đến cho cha mẹ niềm vui và an ủi trong những ngày cuối của cuộc đời.

Trong thời Cựu ước không tôn kính cha mẹ là một tội rất nặng. Theo luật Môise thì “Ai đánh cha hay mẹ mình, phải bị xử tử. Ai chửi rủa cha mẹ phải bị xử tử” (Xuất 21:15,17)

Trong sách Lêviký, luật này được nhắc lại rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Ai rủa cha hay mẹ mình phải bị xử tử. Người rủa cha mẹ mình chịu trách nhiệm về mạng sống mình”(20:9).

Khi cha mẹ đã già yếu, chúng ta cần đối xử với lòng yêu thương, thông cảm và tế nhị.

Đừng vì quá bận rộn với cuộc sống mà bỏ quên cha me, cũng không nên có những lời nói hay hành động khiến cha mẹ phải buồn tủi.

  1. Vâng phục cha mẹ

Vâng phục cha mẹ là điều dễ nhưng cũng khó. Khi còn nhỏ chúng ta dễ vâng lời cha mẹ, cha mẹ bảo gì làm nấy,vì lúc đó ta thấy cha mẹ giỏi nhất trên đời. Nhưng khi khôn lớn, thấy mình có thể làm những điều mà cha mẹ không làm được, chúng ta bắt đầu không vâng phục cha mẹ nữa. Kinh Thánh dạy gì về bổn phận vâng phục cha mẹ? Trong thư Êphêsô, sứ đồ Phaolô khuyên: “Con cái phải vâng lời cha mẹ trong Chúa, đó là điều phải” (6:1). Trong thư gởi cho Hội Thánh Côlôse, Phaolô cũng viết: “Con cái phải luôn luôn vâng lời cha mẹ vì điều đó đẹp lòng Chúa” (3:20).

Theo tiêu chuẩn của Chúa, không vâng lời cha mẹ là tội nặng cũng như những tội khác. Sứ đồ Phaolô cho biết, những người bị Đức Chúa Trời bỏ mặc là những người phạm những tội sau: “phao vu, ghét Đức Chúa Trời, xấc láo, kiêu căng, khoac lác, ưa tìm cách làm ác mới mẻ, nghịch cha mẹ”
(Rôma 1:30).

Bản tính tự nhiên của các em nhỏ là vâng lời cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo điều gì các em cũng sẵn sàng vâng theo. Các em tin cậy cha mẹ vì biết cha mẹ yêu thương mình và không bao giờ bảo mình làm điều xấu hoặc có hại. Tuy nhiên, khi đã lớn, nhĩ rằng mình khôn hơn và hiểu biết nhiều hơn, chúng ta thường không muốn vâng lời cha mẹ nữa. Dù rằng nhờ đi học, có những điều chúng ta hiểu biết hơn cha mẹ, nhưng đừng quên rằng vì cha mẹ sinh ra trước nên có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. Chúng ta cần nghe lời dạy bảo của cha mẹ ttrong nhiều phương diện để tránh được những lỗi lầm của người trẻ, thiếu kinh nghiệm. Trong xã hội tây phương, con cái khi đã lớn thường được làm theo những ý riêng, tự quyết định những việc liên quan đến đời sống mình, cha mẹ không dám khuyên răn và dẫn dắt, vì thế đưa đến nhiều lỗi lầm và tai hại.

Một người con khôn ngoan sẽ làm theo lời dạy sau đây: “Con ơi, phải nghe lời cha giáo huấn, đừng bỏ khuôn phép mẹ con. Phải luôn luôn ghi lòng tạc dạ, đeo những lời ấy vào cổ con. Nó sẽ dắt con đi, gìn giữ con lúc con ngủ, trò chuyện khi con thức dậy” (Châm ngôn 6;20-22).

  1. Phụng dưỡng cha mẹ

Khi đã lớn và đã có công ăn việc làm, chúng ta nên phụ giúp mẹ cha trong các chi phí của gia đình. Đặc biệt là khi cha mẹ đã cao tuổi, không thể làm lụng để nuôi sống chính mình, chúng ta có trách nhiệm phải phụng dưỡng cha mẹ,tức là cung cấp cho cha mẹ những điều cần dùng. Sứ đồ phaolô khuyên: “Hội Thánh nên săn sóc những người quả phụ không còn nơi nương tựa. Quả  phụ nào còn con cháu , trước hết con cháu phải lo phụng dưỡng mẹ già và người thân thuộc, vì điều đó đẹp  lòng Đức Chúa Trời. Ai không săn sóc bà con thân thuộc, nhất là gia đình mình, là người chối bỏ đức tin, còn xấu hơn người không tin Chúa” (I Timôthê 5:3-4,8).

Qua lời dạy trên, sứ đồ Phaolô hàm ý rằng, nếu chúng ta là người tin Chúa, nhưng không phụng dưỡng cha mẹ và người nhà mình thì kể như chúng ta đã chối bỏ đức tin và như người không tin. Sứ đồ Giacơ và Giăng cũng  nói lên cùng một điều khi viết những lời sau: “Đối với Đức Chúa Trời- Cha chúng ta, người theo đạo thanh khiết, không tì vít, là người săn sóc cô nhi quả phụ, trung thành với Chúa và giữ mình khỏi bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu của người đời” (Giacơ 1:27) và “Nếu một tín hữu có của cải sung túc, thấy anh em mình thiếu thốn mà không chịu giúp đỡ, làm sao có thể gọi là người có tình thương của Đức Chúa Trời?” (Igiăng 3:17) .

Chúng ta cũng không thể viện cớ rằng mình phải lo công việc Chúa nên không thể phụng dưỡng cha mẹ. Ngày xưa Chúa GiêXu trách người Pharisi vì nói rằng mọi điều họ có thể giúp cha mẹ thì đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi. Người nói như thế là người đáng trách, vì bỏ lời Đức Chúa Trời mà theo lời truyền khẩu của loài người. Phúc  âm Mác ghi lại chi tiết này như sau: “Các ông khéo léo chối bỏ luật của Đức Chúa Trời để giữ tục lệ của các ông. Chẳng hạn khi Môise dạy: Phải hiếu kính cha mẹ và ai nguyền rủa cha mẹ phải bị xử tử. Nhưng các ông bảo: Nếu người nào lấy tiền phụng dưỡng cha mẹ dâng cho đền thờ, người đó khỏi phụng dưỡng cha mẹ. Vậy tục lệ các ông đã xoá bỏ mệnh lệnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Các ông còn làm nhiều điều khác cũng sai quấy như thế” (Mác 7:9-13).

  1. TẠI SAO NGƯỜI TIN CHÚA KHÔNG THỜ CÚNG ÔNG BÀ CHA MẸ?

 Người tin Chúa không thờ cúng ông bà cha mẹ vì những lý do sau:

  1. Theo lời Chúa dạy, hiếu kính cha mẹ không có nghĩa là thờ cúng hay thờ lạy cha mẹ.

Khi Chúa phán: “Phải hiếu kính cha mẹ ngươi”, Ngài không hàm ý là chúng ta phải cúi lạy cha mẹ còn sống, hay thờ cúng cha mẹ đã qua đời. Con người không thể thờ lạy con người, dù là người đó là cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình. Chúng ta cũng không thể đặt cha mẹ lên trên Chúa hoặc ngang hàng với Chúa. Chúa GiêXu phán: “Nếu các con yêu cha mẹ hơn Ta, các con không đáng làm môn đệ Ta” (Mathiơ 10:37a). Lập bàn thờ cho  cha mẹ khi cha mẹ đã chết cũng không phải là cách duy nhất tỏ lòng hiếu thảo. Cách tốt nhất để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ khi cha mẹ đã qua đời là sống thế nào để danh tiếng cha mẹ được người chung quanh tôn trọng. Nếu chúng ta thờ cúng ông bà hay cha mẹ là chúng ta không thể “tráo đổi chân lý của Đức Chúa Trời bằng chuyện giả dối và thờ phượng tạo vật thay cho Tạo Hoá, là Đấng đáng được tôn thờ muôn đời”
(Rôma 1:25).

  1. Con người không thể thờ phượng một ai khác ngoài Chúa.

Trong điều răn thứ nhất, Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta” (Xuất 20:3) Điều răn này cho thấy, chúng ta không được phép thờ lại một ai khác ngoài Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hoá. Con người do Chúa tạo dựng nên phải thờ Chúa và chỉ thờ một mình Ngài mà thôi. Nếu chúng ta thờ bất cứ một thần nào hay người nào khác là chúng ta đã phạm tội với Chúa. Đức Chúa Trời muốn con người thờ Ngài cách tuyệt đối. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, Chúa phán: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời Mình” (Phục truyền 6:5). Trong Tân Ước, Chúa GiêXu nhắc lại: “Phải yêu thương Đức Chúa Trời với cả tấm lòng, linh hồn, trí óc và năng lực” (Mác 12:30). Chúa cũng dạy: “Không được thờ lạy hoặc thờ phụng các tượng ấy, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời các ngươi rất kỵ tà. Khi Ta trừng phạt người có tội, nếu có người nào ghét Ta, Ta sẽ phạt luôn cả con cháu người ấy cho đến ba bốn thế hệ. Nhưng người nào yêu kính Ta, Ta sẽ thương yêu săn sóc người ấy và con cháu họ cho đến ngàn đời” (Xuất 20:5-6).

  1. Người đã chết không thể hưởng hay nhận điều gì nơi người còn sống.

Khi cha mẹ còn sống, nếu chúng ta làm cho cha mẹ vui vẻ, thoả lòng, đó là chúng ta đã hiếu kính cha mẹ và làm trọn điều răn của Chúa. Còn lúc cha mẹ đã qua đời, chúng ta không thể làm gì được nữa, vì lúc đó cha mẹ chúng ta đã bước vào một thế giới khác. Tác giả sách Truyền Đạo khuyên như sau: “Làm việc gì, nên làm hết sức, vì trong cõi chết là nơi ta phải đến nào có công việc, kế hoạch, tri thức, khôn ngoan gì đâu” (9:10). Qua câu này cho chúng ta thấy, khi còn sống chúng ta có thể toan tính việc này việc kia, nhưng khi đã chết, chúng ta không còn cơ hội để làm điều gì nữa. Người đã chết không thể làm điều gì được, mà người còn sống cũng không thể làm gì cho người đã chết, kể cả việc cúng kiến hay cầu nguyện cho họ. Vì thế, chúng ta thật lòng yêu thương cha mẹ, hãy làm cho cha mẹ vui lòng khi cha mẹ còn ở bên cạnh chúng ta. Nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì hất hủi, không tôn kính và yêu thương, nhưng khi cha mẹ mất rồi thì cúng những món ngon vật lạ, điều đó thật chẳng ích lợi gì.

Trong những dịp giỗ kỵ, dù chúng ta cúng bằng cách nào đi nữa, ông bà cha mẹ cũng không hưởng được. Thật ra việc cúng kiến trong các ngày giỗ là dịp để cho những người trong gia đình gặp mặt và thoả lòng vì thấy mình đã làm tròn chữ hiếu hơn là để người khuất được hưởng. Tuy nhiên, nếu con cháu chỉ mỗi năm họp mặt một vài lần để lo việc cúng giỗ còn suốt cả năm sống trong ghen ghét, đố kỵ, thì việc cúng giỗ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì thế điều quan trọng là chúng ta phải sống với nhau trong thành thật, yêu thương, kính trên nhường dưới, để gia đình và dòng họ được tiếng thơm. Đó mới thực là hiếu kính cha mẹ.

III.             NGƯỜI TIN CHÚA LÀM GÌ ĐỂ TƯỞNG NHỚ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT ?

 Trong gia đình người tin Chúa, khi cha mẹ qua đời, con cháu thương tiếc, nhưng không tuyệt vọng vì biết rằng cha mẹ mình tin nơi Chúa nên đã được Chúa đón về với Ngài. Hơn nữa, người tin Chúa biết mình sẽ gặp lại cha mẹ và những người thân yêu khác trên thiên đàng. Dĩ nhiên điều kiện là cha mẹ và con cái đều đã tin nhận Chúa. Sứ đồ Phaolô dạy về chân lý này như sau: “Thưa anh em, chúng tôi muốn anh em biết số phận những người đã khuất để anh em khỏi buồn rầu như người tuyệt vọng. Chúng ta đã tin Chúa GiêXu chịu chết và sống lại, tất nhiên cũng tin Đức Chúa Trời sẽ đem những người qua đời trong Chúa GiêXu cùgn trở lại với Ngài. Chúng tôi xin tỏ cho anh em lời dạy của Chúa: Chúng ta là người đang sống và còn sống đến ngày Chúa trở lại, sẽ không đi trước những người đã qua đời. Anh em nên dùng lời Chúa mà an ủi nhau” (I Têsalônica 4:13-15.18).

Trong dịp kỷ niệm ngày ông bà cha mẹ qua đời, người tin Chúa có thể hiệp nhau lại không phải để cúng kiến hay quỳ lại trước bàn thờ người đã khuất, nhưng để nhắc cho con cháu biết về công ơn của ông bà cha mẹ, cùng những gương sáng hay những kỷ niệm ông bà cha mẹ đã để lai cho gia đình. Trong dịp này, chúng ta không cầu nguyện cho người đã khuất, nhưng dâng lời cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta ông bà cha mẹ, và cảm tạ về những ơn lành Chúa ban cho gia đình. Để thật sự tỏ lòng hiếu kính người đã khuất, con cháu trong gia đình cần sống với nhau trong yêu thương, hoà thuận. Đó là cách tốt nhất để danh Chúa được vinh hiển và tên của gia đình, dòng họ không bị người đời cười chê. Mỗi người trong gia đình cũng cố gắng hết lòng giữ đức tin nơi Chúa để một ngày kia được gặp lại người thân yêu như Lời Chúa đã hứa.

Người tin Chúa không cúi lạy trước bàn thờ ông bà, cha mẹ trong ngày giỗ, ngày tết, không cúi lạy bàn thờ trong dịp đám hỏi,đám cưới mà cũng không lạy người còn sống.Chúng ta đã được Chúa cứu ra khỏi tội lỗi và đã thuộc về Ngài nên không thể cúi lạy một ai khác ngoài Chúa.

  1. TRÁCH NHIỆM CỦA BẬC LÀM CHA MẸ

 Trong những lời dạy về bổn phận giữa người đối với người, Thánh Kinh luôn luôn nói đến sự hỗ tương, nghĩa là người này có bổn phận với người kia và ngưòi kia cũng phải có bổn phận với người này. Như trong thư Êphêsô chương 5 và 6; và trong thư Côlôse chương 3, sứ đồ Phaolô nói đến bổn phận của vợ và chồng, con cái và cha mẹ, chủ và tớ. Nếu con cái có bổn phận với cha mẹ thì cha mẹ cũng phải có trách nhiệm đối với con cái.

Con cái có bổn phận yêu thương, biết ơn, tôn kính, vâng phục và phụng dưỡng cha mẹ, còn cha mẹ có trách nhiệm gi đối với con cái? Cha mẹ có những trách nhiệm sau đây đối với những đứa con Chúa đã ban cho mình: 

  1. Nuôi dưỡng

Cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng con cái, không những chỉ lo cho con có đủ thức ăn và quần áo mặc, cha mẹ còn có trách nhiệm bảo vệ con khỏi những nguy hiểm trong đời sống. Con cái có bổn phận giúp đỡ cha mẹ làm những công việc gia đình, nhưng cha mẹ không thể lạm dụng sức lao động của con, bắt con làm việc quá nặng hay quá nhiều so với tuổi và sức của chúng. Trong những xã hội xem thường con trẻ, lắm khi con cái phải làm việc cực nhọc để hầu hạ cha mẹ. Đây là điều trái với Lời Chúa. Chúng ta không thể lấy quyền làm cha mẹ để bóc lột sức lao động của con. Cha mẹ không thể bắt con làm những công việc quá nặng nhọc hoặc làm những điều trái với luân lý đạo đức. Con cái là cơ nghiệp quý giá Chúa ban cho chúng ta chứ không phải là nô lệ hay là vật sở hữu của chúng ta.

  1. Dạy dỗ và hướng dẫn

Cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn và dạy dỗ để con nên người trưởng thành, hữu dụng cho Chúa và cho người xung quanh. Con cái của chúng ta có thân thể, trí óc và linh hồn. Cha mẹ phải giúp con phát triển về cả ba phương diện. Không những chỉ nuôi con ăn uống đầy đủ để được khoẻ mạnh, chúng ta cũng cho con đi học để mở mang trí tuệ và quan trọng hơn cả là hướng dẫn con trong đời sống tâm linh. Tác giả sách Châm ngôn khuyên: “Dạy trẻ thơ nẻo chính đường ngay, dù đến già nó chẳng đổi thay” (22:6). Theo lời dạy này, cha mẹ phải hướng dẫn con trong “nẻo chính đường ngay”, tức là con đường Chúa dành cho chúng ta và thích hợp với những khả năng Chúa ban cho chúng ta chứ không phải con đường cha mẹ muốn. Nhiều người hướng dẫn con theo ý riêng của mình để được điều mình mơ ước và vì thế khiến con đi sai đường lối của Chúa.

Khi con cái không vâng lời, cha mẹ có trách nhiệm dùng kỷ luật để uốn nắn, sửa dạy cho con nên người. Sách Châm ngôn dạy: “Đừng bỏ qua việc sửa dạy con cái, roi vọt không làm nó chết đâu” (23:13). Và “Ai kiêng roi vọt ghét con trai mình, người biết thương con không quên sửa trị nó” (13:24).

Cha mẹ có thể dùng roi để sửa dạy con nên người chứ không phải để đánh con cho hả cơn giận. Trong việc dạy con, cha mẹ cần giữ quân bình giữa yêu thương và kỷ luật, đừng quá dễ dãi khiến con hư hỏng, cũng đừng quá nghiêm khắc khiến con phản loạn hoặc trở thành nhút nhát và mặc cảm với mọi người.

Về trách nhiệm dạy dỗ con cái, sứ đồ Phaolô khuyên chúng ta: “Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa”(Ephêsô 6:4).

Nhiều người sửa dạy con cái theo lòng ích kỷ, tính nóng nảy và giận dữ của mình. Nhưng Thánh Kinh cho biết, khi dạy con, chúng ta phải dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa.

Sự sửa dạy hay sửa phạt của Chúa có những đặc điểm sau:

  1. Cần thiết

Vì chúng ta là công dân của Chúa, khi chúng ta phạm tội, Chúa không thể không sửa phạt chúng ta. Chúa phán: “Anh em được sửa dạy vì Đức Chúa Trời coi anh em là con ruột. Có người con nào mà cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả con cái Chúa thì chưa phải con thật của Ngài” (Hêbơrơ 12:7-8). 

  1. Vì lòng yêu thương

“Này con, đừng coi thường sự sửa phạt của Chúa Hằng Hữu, đừng bực mình khi Ngài trừng trị. Vì Chúa Hằng Hữu sửa dạy người Ngài yêu thương như cha đối với con yêu dấu” (Châm ngôn 3:11-12).

  1. Có chừng mực

“Dù Ta phải trừng phạt con, Ta chỉ nhằm mục đích sửa trị con” (Giêrêmi 46:28b).

Khi cha mẹ sửa phạt con cái cách oan ức, không đúng lúc hoặc không đúng cách, sẽ khiến con cái buồn giận và ngã lòng. Đây là điều Phaolô khuyên chúng ta phải tránh. Ông viết: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ” (Êphêsô 6:4a). Và “Cha mẹ đừng trách mắng con cái qúa nặng nề, khiến chúng nản lòng” (Côlôse 3:21). Cha mẹ có thể làm cho con cái ngã lòng khi mắng nhiếc con nặng lời, so sánh con với người khác, nói oan cho con, hoặc chê trách con quá đáng. Có người thì làm cho con buồn giận và nản lòng vì xem con như là tài sản và đồ vật trong tay, muốn đối xử thế nào cũng được. Đây là những điều các bậc cha mẹ cần phảo tránh.

  1. Làm gương

Trong việc dạy dỗ con cái, cha mẹ làm gương cho con là điều quan trọng. Nếu hành động của cha mẹ đi ngược lại với những điều mình nói con cái sẽ mất đi lòng kính phục và những điều cha mẹ dạy sẽ không có kết quả. Ngược lại chỉ cần quan sát cha mẹ làm những điều hay, con cái sẽ tự nhiên bắt chước. Có một bà mẹ kia ít khi la mắng con cái nhưng luôn cẩn thận trong việc mình làm. Bà ăn nói dịu dàng và nhân từ với mọi người, ngay cả với con cái, bà không bao giờ to tiếng. Bà siêng năng làm việc nhà, hăng hái giúp đỡ người gặp hoạn nạn, thành thật và ngay thẳng khi giao dịch với người xung quanh. Về đời sống đức tin, bà kính yêu Chúa, kính trọng người hầu việc Chúa, sốt sắng chia sẽ niềm tin với bạn bè ngoại đạo và siêng năng cầu nguyện. Đời sống gương mẫu của người tín đồ này đã có ảnh hưởng tốt đẹp trên con cái. Các con cái của bà lớn lên đều kính yêu Chúa, tử tế với người chung quanh và hăng hái lo công việc Chúa.

Các em thường học bằng cách quan sát: Con cái quan sát cha mẹ, học trò quan sát thầy giáo, trẻ con quansát người lớn. Vì thế nếu cha mẹ nói mà không làm hay nói một đàng làm một nẻo, con cái khó có thể trở nên người tốt như cha mẹ mong muốn. Ví dụ, ta bảo con cái không được nói dối nhưng dặn con có ai hỏi thì nói ba má không có ở nhà. Cha mẹ bảo con cái phải yêu thương, nhường  nhịn nhau, nhưng cha mẹ cứ cãi nhau và đổ lỗi cho nhau. Có người bảo con phải dậy sớm đi học Trường Chúa Nhật, nhưng chỉ đưa con đến nhà thờ và quay trở về lo những công việc khác….Tất cả những điều đó chúng ta làm cách vô tình nhưng có tác dụng tai hại trên đời sống con.

Một lỗi lầm tai hại khác mà cha mẹ thường mắc phải là giả dối trong cách sống và cư xử với người chung quanh. Nếu khi đến nhà thờ hay khi nhà có khách, chúng ta vui vẻ, nói năng lịch sự và ngọt ngào, nhưng ở nhà, đối với người trong gia đình thì nóng nảy, giận dữ và khó tính, con cái chúng ta sẽ nhìn thấy điều đó và cũng bắt chước sống giả dối như thế.

Nếu chúng ta muốn con kính yêu Chúa và có đời sống tốt đẹp, chính chúng ta phải kính yêu Chúa và sống theo Lời Chúa dạy trước hết. Để có thể dạy Lời Chúa cho con, cha mẹ phải kính yêu Chúa và học Lời Chúa trước. Chúa phán: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình. Phải ghi lòng tạc dạ những lời tôi truyền cho đồng bào hôm nay. Cũng phải ân cần dạy dỗ những lời này cho con cái khi ở nhà, lúc ra ngoài, khi đi ngủ, lúc thức dậy” (Phục truyền 6:5-7).

Ngày xưa, Chúa GiêXu không chỉ dạy môn đồ bằng lời nói nhưng Ngài luôn luôn làm gương cho môn đồ noi theo. Chúa phán: “Ta là Thầy, là Chúa mà đã rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Ta nêu gương để các con noi theo điều Ta làm.Ta cho các con một điều răn mới: Các con phải yêu nhau như Ta đã yêu các con” (Giăng 13:14-15,34).

Sứ đồ Phaolô cũng dạy bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Ông viết: “Hãy thực hành những điều anh em đã học hỏi với tôi, những lời tôi nói cũng như những việc tôi làm, thì Đức Chúa Trời bình an sẽ ở với anh em” (Philíp 4:9).

  1. Nâng đỡ và khích lệ

Nâng đỡ và khích lệ con cái là điều nhiều bậc cha mẹ không bao giờ nghĩ đến. Chúng ta cần dùng roi vọt để uốn nắn con nên người, nhưng cũng có lúc cần sự khen thưởng hoặc cử chỉ yêu thương để khích lệ và giúp cho con lên tinh thần. Nhiều người sợ lời khen sẽ làm cho con kêu ngạo nên chỉ la mắng và sửa dạy chứ không bao giờ khen kể cả những lúc chúng đáng được khen thưởng. Đây là quan niệm sai lầm. Người lớn cần lời khen thể nào thì các em nhỏ cũng cần lời khen thể ấy. Sự khen thưởng sẽ giúp cho  các em nhìn thấy giá trị và khả năng của mình và sẽ cố gắng để trở thành người tốt hơn, giỏi hơn. Nếu chỉ bị chê chứ không bao giờ được khen, các em sẽ có mặc cảm mình là người dở, vụng về, không làm được việc gì, không bao giờ có thể làm vừa lòng ai, kể cả cha mẹ mình.

Nếu lúc nào cũng bị cha mẹ la mắng và chê trách, các em sẽ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin hoặc phản loạn. Lời khen thưởng và sự khích lệ trái lại khiến các em vui vẻ, phấn khởi và có cái nhìn tốt về chính mình. Lòng tự tin sẽ giúp các em thành công dễ dàng khi ra đời, cũng giúp các em dễ tha thứ cho chính mình và tha thứ cho người khác. 

  1. Gần gũi và thông cảm

Con cái cần phải thông cảm với cha mẹ nhưng cha mẹ cũng cần thông cảm với con cái trong nhiều phương diện. Trong nhiều gia đình, cha mẹ và con cái không bao giờ trò chuyện với nhau. Cha mẹ không biết nói gì với con  ngoài la mắng hoặc sai bảo. Con cái vì thế cũng không dám chia sẻ với cha mẹ những điều lo lắng hay suy nghĩ. Vì lý do đó, khi cần sự khuyên bảo và hướng dẫn, các em thường tìm đến bạn bè, thầy giáo, cô giáo, chứ không dám đến với cha mẹ. Đây thật là điều đáng tiếc, nhất là khi các em bị bạn bè người ngoài chỉ bảo những điều sai lầm. Để có thể thông cảm với con cái, cha mẹ cần nhớ hai điều căn bản sau:

  1. Cha mẹ và con cái có nhiều khác biệt.

Khác biệt lớn và rõ ràng nhất giữa cha mẹ và con cái là tuổi tác. Vì khác biệt về tuổi tác nên cách suy nghĩ, nói năng và làm việc của cha mẹ và con cái cũng khác nhau. Ngoài ra cha mẹ  và con cái còn khác nhau trong khung cảnh mà mình được trưởng dưỡng. Thời thơ ấu của cha mẹ không giống như thời thơ ấu của con cái. Môi trường sống, sự giáo dục ở học đường và các sinh hoạt trong xã hội thời của cha mẹ và thời của con cái cũng khác nhau. Những sự kiện đó khiến quan niệm sống, triết lý sống và cách xử sự của cha mẹ và con cái có nhiều điều khác nhau. Cha mẹ cần ý thức và chấp nhận những khác biệt đó để có thể thông cảm với con cái.

  1. Cha mẹ không thể bắt buộc con cái phải giống mình hoặc làm theo ý mình trong mọi sự.

Chúa có chương trình cho mỗi người tin theo Ngài. Điều chúng ta mong muốn cho con cái có thể không đúng với ý Chúa, dù đó có vẻ như là điều tốt nhất và hợp lý nhất. Đức Chúa Trời phán: “Chương trình ta khác hẳn chương trình con. Tư tưởng Ta sâu hơn tư tưởng con. Như bầu trời cao hơn mặt đất, đường lối Ta cao xa hơn đường lối con, tư tưởng Ta vượt xa tư tưởng con hàng tỷ năm ánh sáng” (Êsai 55:8-9). Lời Chúa cũng nhắc: “Dạy trẻ thơ nẻo chính đường ngay” chớ không phải con đường cha mẹ muốn.

  1. Tôn trọng

Một yếu tố quan trọng khác trong việc hướng dẫn con cái nên người lễ độ và biết kính trọng cha mẹ là chính cha mẹ cũng phải tôn trọng con cái. Điều này mới nghe thấy như vô lý và khó chấp nhận. Nhưng theo Lời Chúa dạy, dù con cái do cha mẹ sinh ra, chúng thuộc về Chúa vì được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Trước mặt Chúa mọi người có giá trị cao quý như nhau. Chúa phán: “Này mọi linh hồn đều thuộc về Ta, linh hồn của cha cũng như của con, người nào phạm tội người ấy chết” (Êxêchiên 18:4). Vì lý do đó, cha mẹ không nên nói nặng lời với con hay mắng con bằng những từ ngữ xấu xa, làm tổn thương danh dự của con. Cha mẹ không nên sửa dạy con bằng cách đánh đập con tàn nhẩn.

Theo Lời Kinh Thánh dạy, tất cả những gì chúng ta có đều là của Chúa và thuộc về Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý của Chúa. Ap dụng nguyên tắc này, khôg những tài sản, sức khoẻ, khả năng, thì giờ và đời sống của chúng ta cũng là của Chúa, mà con cái của chúng ta cũng là của Chúa. Chúng ta chỉ có quyền sở hữu trên con cái,tức là hướng dẫn con cái đi trong đường lối của Chúa và giúp chúng trở nên người hữu dụng cho Ngài. Cha mẹ không có quyền sở hữu trên con cái, vì thế  không nên bắt buộc con cái làm theo ý mình để thoả mãn ước mơ không thành trong đời sống của mình. Cha mẹ nên xem con như cơ nghiệp Chúa giao để chăm sóc, nuôi dưỡng hầu sau này đem lại lợi ích cho nhà Chúa. Đừng đối xử độc đoán, độc tài với con. Khi khuyên dạy cũng như sửa phạt, nên nói cho con biết rõ lý do, đừng nghĩ mình là cha mẹ nên việc gì cũng biết và bao giờ cũng đúng. Người cha, người mẹ khiêm nhường là người khi lỗi lầm sẵn sàng xin lỗi con chứ không cố chấp, cũng không áp đảo con để giữ thể diện cho mình. Khi con đã hiểu biết, cha mẹ nên xem con như bạn, cùng làm việc, cùng vui đùa cũng như cùng học hỏi và chia sẽ tâm tình với con.

Mặt khác, để con cái tôn trọng và vâng phục, cha mẹ cũng phải cư xử như thế nào để con cái thấy mình là người đáng tôn kính và vâng phục. Cha mẹ không thể cứ làm điều sai quấy rồi buộc con phải tôn kính và vâng lời: “Tao sinh ra mày nên mày phải vâng lời”. Khi con cái vâng lời như thế thì chẳng có giá trị gì. Có người cho rằng con cái không thể nào khôn ngoan hơn cha mẹ vì “trứng không thể nào khôn hơn vịt”. Những người quan niệm như thế cũng hơi độc đoán, vì trong thực tế có những điều con cái hiểu biết và nhận định khôn ngoan hơn cha mẹ. Chúng ta không nên lấy quyền làm cha mẹ áp đảo con cái hay bắt buộc con tôn kính và vâng phục mình. Trái lại phải lấy lời nói êm nhẹ, lòng yêu thương không vị kỷ, và đời sống tốt đẹp làm gương cho con. Nhiều khi cha mẹ cần lắng nghe con nói và tôn trọng ý kiến của con, vì Chúa cũng có thể dùng con cái để nhắc nhở cha mẹ về sự hướng dẫn của Ngài.

  1. Yêu thương

Có lẽ chúng ta thấy điểm này hơi thừa vì cha mẹ nào lại không thương con? Tuy nhiên ở đây chúng ta nói đến tình yêu thương chân thật, không ích kỷ, không đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Đây là tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta, cũng là tình yêu được mô tả trong Kinh Thánh, thư I Côrinhtô chương 13. Tình yêu thương thật có những đặc tính sau: “ Tình yêu hay nhẫn nại, nhân từ, tình yêu chẳng ghen tị, khoe mình hay kêu căng. Tình yêu không khiếm nhã, không vị kỷ, không nhạy giận, không chấp trách, không vui mừng về việc bất công nhưng hân hoan trong sự thật. Tình yêu khoan dung tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (câu 4-7).

Nhiều bậc cha mẹ yêu con cách ích kỷ, lúc nào cũng muốn con làm theo ý mình và cần đến mình. Có người yêu con bằng tình yêu có điều kiện, nếu con ngoan ngoãn, học giỏi hay làm theo ý cha mẹ thì cha mẹ mới thương; nếu con không làm đúng như cha mẹ mong ước thì cha mẹ không yêu thương nữa. Tình yêu ích kỷ và tình yêu có điều kiện không phải là tình yêu thật. Chúng ta có thể có nhiều lỗi lầm trong việc dạy con, nuôi con, nhưng nếu chúng ta yêu con bằng tình yêu chân thật, luôn luôn nghĩ đến phúc lợi của con, chúng ta sẽ là những bậc cha mẹ xứng đáng cho con tôn kính và vâng phục.

Ngoài việc ý thức giá trị con cái, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con thế nào để càng lớn con càng trưởng thành và có thể tự lập, chứ không phải lúc nào cũng tuỳ thuộc vào cha mẹ trong mọi sự. Để đạt được điều này, cha mẹ cần hướng dẫn con cách khéo léo, tập cho con quyết định những điều nhỏ nhặt, dần dần quyết định những điều quan trọng hơn theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Chẳng hạn như trong việc chọn ngành nghề hay chọn vợ, chọn chồng, cha mẹ không nên quyết định dùm cho con. Nhưng từng hồi từng lúc, cha mẹ có thể dựa vào Lời Chúa và kinh nghiệm của mình để hướng dẫn con quyết định một cách khôn ngoan. Điều khó nhất trong trách nhiệm làm cha mẹ là phải biết sử dụng quyền làm cha mẹ cách tế nhị khôn ngoan, để khi con lớn, cha mẹ không cần phải dùng đến quyền đó nữa mà con cái vẫn đi trong đường lối của Chúa.

  1. Hướng dẫn con trong đời sống đức tin

Ngoài trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ, nâng đỡ, khích lệ, thông cảm, gần gũi và yêu thương con, cha mẹ còn có trách nhiệm hướng dẫn con trong đời sống đức tin.

  1. Dâng con cho Chúa

Khi được Chúa ban cho con cái, chúng ta phải dâng chúng cho Chúa. Phúc Âm Luca 2:22-24 cho biết ông Giôsép và bà Mari đã theo luật pháp Môise đem Chúa GiêXu lên đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta không chỉ dâng con trai đầu lòng như luật của người Do Thái, nhưng dâng tất cả con cái của mình cho Chúa. Hành động này nói lên lòng vâng phục trọn vẹn của cha mẹ trước quyền sở hữu của Chúa. Dâng con cho Chúa cũng nói lên rằng chúng ta ý thức được sự bất toàn và yếu đuối của mình, vì thế cần Chúa giúp đỡ và hướng dẫn trong việc nuôi dạy con.

Cha mẹ không chỉ đưa con đến đền thờ để vị mục sư làm lễ dâng cho Chúa nhưng cũng thật sự dâng hiến đời sống con choo Chúa sử dụng. Khi được Chúa ban cho một đứa con trai, bà Anne đã hứa nguyện với Chúa: “Con sẽ dâng nó cho Chúa…”(ISamuên 1:11). Người con đó chính là tiên tri Samuên, người được Chúa sử dụng suốt cả cuộc đời.

  1. Hướng dẫn con tin nhận Chúa.

Khi con cái bắt đầu hiểu biết, cha mẹ có trách nhiệm nói cho con biết về tình yêu của Chúa và sự cứu rỗi của Ngài để hướng dẫn con tin nhận Chúa. Nhiều người nghĩ rằng hướng dẫn con tin nhận Chúa là trách nhiệm của vị mục sư và ban hướng dẫn thiếu nhi. Những vị phụ huynh đó không bao giờ nói về Chúa cho con nhưng chỉ khi chờ con lớn rồi dẫn đến nhà thờ. Theo Lời Kinh Thánh, cha mẹ có trách nhiệm dạy con Lời Chúa để con có đức tin nơi Chúa và sống đẹp lòng Chúa: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình. Phải ghi lòng tạc dạ những điều tôi truyền cho đồng bào hôm nay. Cũng phải ân cần dạy dỗ những lời này cho con cái mình khi ở nhà, lúc ra ngoài, khi đi ngủ, lúc thức dậy” (Phục truyền 6:5-7). Trong Phục truyền 11:18-19, Môise lại khuyên: “Vậy phải ghi những mệnh lệnh này vào lòng dạ, khắc vào thẻ bài đeo nơi tay và đeo trước mắt. Đem những mệnh lệnh này dạy cho con cái am tường dù ngồi trong nhà, lúc đi đường, khi ngủ cũng như khi thức”.

Mỗi tuần con cái chúng ta chỉ đến nhà thờ một hay hai lần trong vài tiếng đồng hồ. Khoảng thì giờ đó không đủ để dạy các em lời Chúa. Trong khi đó, các em ở gần bên cha mẹ mỗi ngày, vì thế cha mẹ phải tận dụng mọi cơ hội để dạy Lời Chúa và hướng dẫn con tin Chúa. Các bài dạy giáo lý cũng như các sinh hoạt thiếu nhi và thanh thiếu niên của Hội Thánh chỉ nhằm giúp các em học thêm Lời Chúa để đức tin được vững mạnh và hướng dẫn các em cách phục vụ Chúa.

Mẹ và bà ngoại của mục sư Timôthê đã nêu gương sáng cho chúng ta trong việc hướng dẫn con cháu trong đời sống đức tin. Sứ đồ Phaolô đã viết như sau khi nhắc đến đức tin của Timôthê: “Ta cũng nhớ đến đức tin chân thành của con, thật giống đức tin của bà ngoại con và mẹ con. Ta biết chắc đức tin ấy vẫn phát triển trong tâm hồn con” (II Timôthê 1:5).

  1. Cầu nguyện cho con

Không những dâng con cho Chúa và hướng dẫn con tin Chúa, chamẹ còn cầu nguyện cho con mỗi ngày để xin Chúa cho con biết kính sợ Chúa, đi trong đường lối của Chúa và sống đẹp lòng Chúa. Chúng ta cũng cầu xin Chúa gìn giữ con cái trong bình an và tha thứ những lỗi lầm chúng đã phạm. Ông Gióp ngày xưa thường cầu nguyện cho con và dâng tế lễ thay cho con của mình. Gióp 1:5 ghi như sau: “sau các ngày tiệc tùng, Gióp sai gọi các con về để tẩy thanh. Ông thức dậy sớm dâng tế lễ thiêu cho mỗi người, vì bảo rằng: Biết đâu con cái tôi phạm tội và âm thầm khước từ Đức Chúa Trời trong lòng”.

Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho con khi chúng đau ốm hay gặp nguy hiểm, nhưng cũng cần cầu nguyện dâng cả cuộc đời con cho Chúa hướng dẫn và sử dụng. Ngay khi con còn nhỏ, chúng ta cũng cầu nguyện cho con trong việc học hành, chọn nghề nghiệp hay chọn bạn trăm năm.

  1. V. NOI GƯƠNG CHÚA CỨU THẾ
  2. Trong bổn phân làm con

Trong vai trò của người con, Chúa Cứu Thế đã nêu gương phục vụ cho chúng ta noi theo.

  1. Đối với cha mẹ ở trần gian

Tác giả Phúc Am Luca cho biết, khi mười hai tuổi, dù biết mình là Con Đức Chúa Trời, Chúa GiêXu đã vâng phục ông GiôSép và bà Mari trong mọi sự. Bác sĩ Luca ghi lại như sau: “Thấy thế, cha mẹ Ngài vô cùng sửng sốt. Mẹ Ngài trách: Con ơi, sao conđể cho cha mẹ lo lắng như thế này? Cha mẹ phải vất vả lo lắng tìm con. Ngài hỏi: Cha mẹ tìm con làm chi? Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao? Nhưng ông bà chẳng hiểu Ngài nói gì. Sau đó Ngài trở về Naxarét phục tùng cha mẹ. Mẹ Ngài ghi nhớ mọi việc trong lòng”
(Luca 2:48-51).

  1. Đối với Cha Thiên Thượng

Đối với Cha Thiên Thượng của Ngài là Đức Chúa Trời, Chúa GiêXu cũng là một người con tròn bổn phận. Khi thi hành chức vụ trên trần gian, Chúa đã làm trọn tất cả những điều Đức Chúa Cha giao phó, kể cả những điều khó khăn hơn hết. Có lần Chúa nói với các môn đệ: “Thức ăn của Ta là thực thi ý muốn của Đấng sai Ta và hoàn thành công việc của Ngài” (Giăng 4:34).

Trước khi chịu đóng đinh trên cây thập tự, Ngài đã khẩn cầu với Đức Chúa Cha: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin theo ý Cha chứ không theo ý Con” (Mathiơ 26:39). Tác giả Hêbơrơ cũng xác nhận rằng, “Dù là Con Đức Chúa Trời, trong những ngày khổ nạn Ngài phải học tập phục tùng Đức Chúa Trời. Khi đã hoàn thành, Chúa làm Nguồn cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài” (Hêbơrơ 5:8-9). Trong cương vị làm con, Chúa GiêXu đã vâng lời Đức Chúa Cha trong mọi sự. Nếu Chúa GiêXu, Con Đức Chúa Trời, là Đấng toàn hảo, đã vâng lời Cha trong mọi sự, thì chúng ta là môn đồ của Ngài, cũng phải noi gương Chúa, vâng lời cha mẹ chúng ta trong mọi sự.

  1. Trong cách đối xử với trẻ em

Chúa GiêXu không xem thường trẻ con. Phúc Am Mác ghi lại:”Người ta đem trẻ con đến gần Chúa, để Ngài đặt tay ban phúc cho các em, nhưng các môn đệ quở trách họ, không cho quấy rầy Chúa. Thấy thế, Chúa GiêXu không hài lòng, Ngài bảo các môn đệ: Cứ để trẻ con đến gần Ta, đừng ngăn cản, vì Nước Trời thuộc về những người giống các em ấy. Ta cho các con biết: Ai không tiếp nhận Đức Chúa Trời như trẻ con, sẽ không được vào Nước Trời. Rồi Ngài bồng bế các em, đặt tay lên đầu, ban phúc cho” (Mác 10:13-16).

Thật ra, Đạo Chúa đã nâng cao giá trị của trẻ con và cảnh báo sự độc tài, độc đoán của cha mẹ trên đời sống con cái. Trong khi một số người chủ trương rằng: “Cha mẹ nói oan, làm quan bắt hiếp”, thì sứ đồ Phaolô khuyên: “Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa” (Ephêsô 6:4).

Chúa GiêXu cũng có lần nói cho các môn đệ biết, đối với Đức Chúa Cha, trẻ em có giá trị rất lớn nên không ai được xem thường chúng: “Lúc ấy các môn đệ đến hỏi Chúa: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Chúa GiêXu gọi một đứa trẻ đến gần, cho đứng giữa đám đông, rồi dạy: Nếu các con không đổi mới, thành như em bé, các consẽ chẳng được vào Nước Trời. Ai khiêm tốn hạ mình như em bé này, là người lớn nhất trong Nước Trời. Ai nhơn danh Ta tiếp rước một em bé như nó, tức là tiếp rước Ta. Nhưng nếu ai làm cho một em bé đã theo Ta mất đức tin, thì thà buộc cối đá vào cổ người ấy ném xuống biển còn hơn… Các con phải thận trọng, ĐỪNG BAO GIỜ KHINH THƯỜNG CÁC EM BÉ NÀY, vì Ta cho các con biết, thiên sứ của các em luôn luôn được quyền gần Cha Ta trên trời…Cũng thế, Cha các con trên trời chẳng muốn một em nào trong đám trẻ này bị hư vong” (Mathiơ 18:1-6,10 và 14).

KẾT LUẬN

 Bổn phận con cái đối với cha mẹ  đã được Đức Chúa Trời đặt vào hàng đầu trong số những bổn phận của con người đối với nhau. Chúa biết rằng, trước khi có những mối quan hệ bạn bè, thầy trò, vợ chồng, công nhân với chủ, công dân với chính quyền… chúng ta phải có mối quan hệ với người trong gia đình trước nhất. Khi được sinh ra, chúng ta trở thành một người con trong gia đình. Quan hệ với cha mẹ là quan hệ đầu tiên trong đời sống. Bổn phận đối với cha mẹ cũng là bổn phận đầu tiên chúng ta phải làm trọn. Nếu một người không làm trọn bổn phận của một người con, người đó khó có thể trở nên người bạn tốt, người vợ, người chồng tốt, người cha, người mẹ yêu thương, hoặc một công dân gương mẫu.

Người nào hiếu kính cha mẹ tức là tuân giữ  kỹ luật trong gia đình, cũng sẽ tuân giữ  những luật lệ khác. Nếu chúng ta không vâng giữ được giới răn đơn giản và dễ dàng nhất với những người mình gần gũi và yêu thương nhất, thì chúng ta khó có thể giữ được những luật lệ khó hơn và quan hệ đến những người xa lạ hơn. Một lý do khác khiến Chúa đặt điều răn hiếu kính cha mẹ lên hàng đầu là vì gia đình là căn bản của xã hội. Gia đình là nền tản của đời sống, gia đình có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống cá nhân cũng như xã hội. Nếu gia đình không bền vững, thiếu tình yêu thương, thiếu kính trên nhường dưới thì xã hội sẽ thiếu tôn ti trật tự. Hơn nữa, gia đình là nơi con người được rèn luyện sớm nhất, cũng là nơi để con người áp dụng tiêu chuẩn sống của Chúa trước nhất. Chúng ta phải làm trọn bổn phận trong gia đình rồi mới có thể nói đến những bổn phận quan trọng khác.

Từ nhiều năm trước, một vị Mục sư đã viết quyển Chân Giả Luận. Chúng tôi xin trích một bài trong sách ấy để quí vị nghiên cứu thêm.

THẾ NÁO LÀ HIẾU THẬT?

 Thầy Tăng Tử nói rằng: “Giết trâu tế mộ chẳng bằng giết con gà lúc cha mẹ sanh tiền”. Vì cha mẹ chết rồi có tế trâu cũng không ăn được, chi bằng có lòng hiếu thảo, lúc cha mẹ còn sống, con gà cũng đủ làm vui. Thế mà có một số người cứ ở bạc trong lúc cha mẹ sanh tiền, ở hậu lúc cha mẹ quá cố, như tục ngữ có câu: “Sống một miếng chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, thật là lạ lắm.

Cái hiếu của người theo đạo Tin Lành chẳng ở sự cúng tế suông, mà là ở hành vi thiết thực. Đương khi cha mẹ còn, thì phụng dưỡng cho đẹp lòng người, thảo luận cho vừa ý người, nếu cha mẹ chưa tin Đức Chúa GiêXu, thì điều cần yếu nhất là khuyên lơn người tin Chúa để được cứu rỗi linh hồn. Khi cha mẹ qua đời, thì sự khâm liệm, an táng tuỳ gia phong kiệm mà làm cho phải lẽ. Không chuộng những thầy quẻ, thầy địa, coi ngày giờ, tìm long điểm huyệt, cúng các nghi lễ giả dối vô ích. Còn phần mộ người thì năng đi thăm viếng, nếu có hư hỏng thì sửa sang.

*  Xin mời Quý vị liên hệ với Mục sư tại Hội Thánh Tin lành Việt Nam, 1 Thyme Ct, Mirrabooka, WA (Tel: 0484190093), chúng tôi sẽ rất vui giải thích thêm về niềm tin và cuộc sống mới trong Thượng Đế, Đấng tạo ra vũ trụ và con người.