Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày (04. 11. 2022) – Cảm Tạ Chúa Về Sự Sửa Phạt

 

“Nhân vì các mệnh lệnh công bình của Chúa, tôi sẽ thức dậy giữa đêm đặng cảm tạ Chúa” (Thi-thiên 119:62).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả Thi-thiên cho biết ai được phước? Vì sao? Ông đưa ra lời hứa nào từ Chúa? Làm thế nào bạn tìm thấy phước hạnh và cảm tạ Chúa khi bị Ngài sửa phạt?

Nhiều người cho rằng Vua Đa-vít là trước giả của Thi-thiên này. Ông từng trải sự sửa phạt của Chúa về tội lỗi của mình. Ông cũng kinh nghiệm được tình yêu và sự công bình của Chúa trong sự sửa phạt nên ông luôn biết ơn Chúa. Vì thế, trong phân đoạn này ông khẳng định: “Phước cho người nào Ngài sửa phạt” vì người đó sẽ được an nghỉ trong ngày hoạn nạn (câu 12-13).

Vua Đa-vít cảm tạ Đức Chúa Trời vì những phán xét công bình của Ngài. Ông biết ơn Chúa vì Ngài đã giữ lời hứa của Ngài là “chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7). Việc Đức Chúa Trời kỷ luật Vua Đa-vít vì tội lỗi của ông cho thấy Đức Chúa Trời chú ý đến con cái Ngài khi họ đang vật lộn với tội lỗi. Nếu Chúa không yêu, không quan tâm thì Ngài sẽ không sửa phạt. Chính Vua Sa-lô-môn cũng khuyên: “Hỡi con, chớ khinh điều sửa phạt của Đức Giê-hô-va, chớ hiềm lòng khi Ngài quở trách; Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình” (Châm-ngôn 3:11-12). Thật vậy, khi một người cha trách phạt con cái mình thì không phải vì ghét bỏ nhưng vì yêu thương và muốn con mình tốt hơn.

Trong Thi-thiên này, Vua Đa-vít cũng cho biết Chúa không lìa bỏ con dân Ngài (câu 14). Chúa sửa phạt là để bày tỏ sự công bình của Ngài nhưng Chúa không hề từ bỏ. Sau sự sửa phạt thì “công lý sẽ trở về với người công chính” (câu 15 BTTHĐ). Trước giả thư Hê-bơ-rơ cũng khẳng định: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chứ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sinh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:11).

Khi đối diện với sự sửa phạt của Chúa, chúng ta nên học theo gương trước giả Thi-thiên 119, không chạy trốn, nhưng cảm tạ Chúa về phán quyết công bình của Ngài (Thi-thiên 119:62). Chúa của chúng ta là Đấng Công Chính và “Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu” (Hê-bơ-rơ 12:6). Mục đích sửa phạt của Chúa là để giúp con dân Ngài nhận biết tội lỗi, ăn năn và trở lại cùng Chúa để tránh khỏi sự đoán phạt đời đời. Chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài vẫn còn đoái thương chúng ta để sửa dạy. Ngài là Đấng “không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ” (Thi-thiên 121:4). Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về sự đoái xem và sửa trị của Ngài trên đời sống chúng ta. Ngài luôn đồng hành để thức tỉnh chúng ta trước những phán xét công bình của Ngài, tất cả chỉ vì lợi ích của chúng ta và vì vinh quang của Ngài.

Bạn có sẵn sàng đón nhận sự sửa phạt của Chúa với lòng biết ơn không?

Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra mục đích sửa phạt của Ngài để con vui lòng đón nhận với lòng biết ơn và sẵn sàng sửa đổi để kinh nghiệm được phước hạnh Chúa ban.

 

Nguồn: HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MN)  –  http://httlvn.org