Bài 9. Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi (phần 3)

TIẾP TỤC BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (phần 3)

Baigiang Trennui

MA-THI-Ơ 5:38- 6:8

 

Trong phần tìm hiểu Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu, chúng ta nghe Sứ đồ Ma-thi-ơ ký thuật lại lời dạy của Chúa liên quan đến việc tuân giữ luật pháp, hôm nay chúng ta cùng học tiếp Lời giảng kỳ diệu của Chúa Giê-xu.

 

Ma-thi-ơ 5:38-39, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn.”

 

Tất cả những điều luật đó sẽ được thay thế khi Đấng Christ cai trị trên nước của Ngài.

 

Thử hỏi các bạn có sống theo sự dạy dỗ này không, hay là bạn quyết chống cự lại kẻ dữ? Ở đây chúng ta lại có thêm một nguyên tắc, phải chăng chúng ta sống như kẻ khôn ngoan, mỗi ngày ẩn mình trong ngôi nhà kín cổng cao tường và được trang bị đầy đủ không? Sứ đồ Phao-lô đã có lần nói rằng: “A-léc-xan-đơ, thợ đồng, đã làm hại ta nhiều lắm; tùy theo công việc của hắn, Chúa sẽ báo ứng.” (II Timôthê 4:14). Trong Vương quốc của Chúa, chúng ta sẽ có thể đưa luôn má kia cho người ta tát. Nhân đây, tôi cũng xin kể lại một câu chuyện khá lý thú liên quan đến câu Kinh Thánh trên đây. Có một người Ai Nhĩ Lan bị một người khác vả vào má rồi đánh ngã anh ta xuống đất. Người Ai Nhĩ Lan nầy lồm cồm ngồi dậy rồi đưa luôn má kia cho người kia tát. Lần thứ nhì lại bị người kia đánh ngã xuống đất nữa. Người Ai Nhĩ Lan này lại lồm cồm đứng dậy rồi đánh lại người kia. Có người đứng ngoài thấy vậy hỏi: “Sao anh làm như thế?” Người Ai Nhĩ Lan trả lời: “Chúa có dạy rằng hãy đưa luôn má kia cho kẻ dữ tát, và tôi đã làm rồi. Thế nhưng Ngài chẳng bảo cho tôi biết sau đó tôi phải làm gì?”

 

Ma-thi-ơ 5:40-42, “nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.”

 

Nếu như bạn gặp một viên quản lý ngân hàng, mà ông ta nói rằng mình đang sống theo các tiêu chuẩn đạo đức của Bài Giảng Trên Núi, xin bạn hãy chỉ cho ông ta xem câu Kinh Thánh này để xem rằng ông ta giữ nó được bao nhiêu! Chúng ta hãy bỏ đi tính đạo đức giả và khá nhận biết rằng điều này chính là luật pháp của nước Đức Chúa Trời. Khi nào Chúa chúng ta ngồi trên ngôi Ngài để cai trị Vương quốc trên đất, thì mọi người phải tuân theo điều răn đó. Trong thời đại ngày nay, ngành kinh doanh, thương mại đã không hành động theo luật này. Mặc dầu bài giảng này chứa đựng những nguyên tắc hết sức lớn lao đối với Cơ Đốc nhân ngày nay, nhưng rồi nó sẽ được thực thi trọn vẹn khi Đấng Christ trở lại cai trị trên đất này. Điều đó hết sức rõ ràng.

 

Có một nguyên tắc rất quan trọng rút ra từ những câu Kinh Thánh này dành cho chúng ta và chúng ta không nên bỏ qua nó. Tất nhiên, chúng ta nên cố gắng giúp đỡ cho những người mà họ có cần. Có rất nhiều công tác tốt mà Cơ Đốc nhân thực hiện vì danh Chúa. Trong lịch sử thế giới, đã có nhiều bệnh viện, viện mồ côi, và các công tác từ thiện (mà chúng được gọi là công tác của tình yêu thương) đi theo đúng lời dạy của Tin lành.

 

Ma-thi-ơ 5:43-47, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?”

 

Nguyên tắc này được lập ra cho Nước Trời và Chúa Giê-xu đã đưa Luật pháp của Môi-se lên đến mức độ đạo đức cao cả tuyệt cùng. Ngài nói rằng trong Vương quốc của Ngài, kẻ thù được yêu thương chớ không phải bị ghét bỏ.

 

Ngày nay, chúng ta là Cơ Đốc nhân lại hành xử theo một nguyên tắc khác hơn. Chúng ta được răn dạy là hãy yêu thương tất cả những tín hữu khác trong Chúa, nhưng đồng thời chúng ta yêu thương với kẻ thù bằng cách giải bày Tin lành cho họ về ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời, là ân điển có thể đưa họ vào nước thiên đàng.

Để kết luận cho đoạn này, Chúa chúng ta có phán rằng chúng ta cần phải nên trọn vẹn:

 

Ma-thi-ơ 5:48, “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”

Làm thế nào chúng ta có thể trở nên trọn vẹn? Muốn vậy, chúng ta được tiếp nhận trong Đấng Christ.

 

Chẳng hề có sự đoán xét nào cho những người ở trong Đấng Christ vì đã thật lòng tin nhận Ngài – Đấng Christ sẽ ban cho chúng ta sự công nghĩa của Ngài, rồi sẽ dần dần có được sự thánh hóa trong chúng ta và Đức Chúa Trời sẽ biến đổi chúng ta giống như hình ảnh của Con Ngài. Dĩ nhiên, đây chính là mục tiêu của mỗi Cơ Đốc nhân. Nhưng nếu chúng ta tìm cách trở nên trọn vẹn bằng chính sức riêng của mình thì chỉ là vô ích. Bạn có nghĩ rằng mình có thể đến với Đức Chúa Trời và thưa với Ngài rằng: “Xin Chúa hãy đoái xem đến những gì mà con đã từng làm, và xin hãy thấy rằng con tuyệt vời biết bao!” đồng thời dành hết mọi vinh quang cho chính mình, rồi ép buộc Đức Chúa Trời cứu vớt bạn dựa trên tiêu chuẩn đó phải không? Chúng ta là những người không ra chi, những người không hoàn toàn. Có người làm bài thơ này: 

       

                           Một cậu bé lang thang

                           Ngồi một mình trong góc

                           Nhấm nháp bánh nhân nho

                           Buồn tình thò tay móc

                           Ra một hột nho khô.

                           Khoái chí khen đáo để

                           Ta vô địch, ô hô!

 

Chúng ta cũng từng thấy điều này xảy ra khá nhiều trong tôn giáo ngày nay. Một số người ngồi quanh nhàn rỗi, làm bộ thò tay mình rồi xòe ra một hạt nho khô và khen lấy khen để “Ô! Ta là kẻ tuyệt vời biết bao.” Thật ra, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì mỗi chúng ta chẳng tuyệt vời chút nào đâu! Chúng ta phải cần đến một Chúa Cứu Thế!

 

Như chúng ta vừa xem qua trong đoạn này, Vua của sự công bình mà đó chính là điều Ngài đang sở hữu. Chắc chắn sự công nghĩa ấy phải vượt trổi hơn sự công bình của người Pha-ra-si và của các thầy thông giáo. Tất cả những người này chỉ có sự công bình mang nặng tính giáo điều. Chẳng hạn như Ni-cô-đem là một con người nổi bật, nhưng ông ta lại có thứ tôn giáo và thực hiện các lễ nghi. Chính cá nhân bạn không thể tìm thấy lỗi lầm nào trong ông ta để mà chỉ trích được. Nhưng Chúa chúng ta đã phán cùng Ni-cô-đem rằng: “Ngươi phải được sanh lại”(xem Giăng 3:1-8). Giờ đây, chúng ta cần phải có sự công bình vượt trổi hơn sự công bình của người Pha-ra-si và của các thầy thông giáo, điều đó chỉ có thể thực hiện được trong chúng ta, khi chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin trong Đấng Christ.

 

Chúng ta tiếp tục đến đoạn thứ sáu của Tin lành Ma-thi-ơ về Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu

 

Trong đoạn này Ma-thi-ơ đề cập đến hình thức bề ngoài của tôn giáo. Như trong Ma-thi-ơ đoạn 5, chúng ta nhận biết rằng Vua của nước Đức Chúa Trời nói về sự công bình, điều mà chính Ngài đang sở hữu. Chắc chắn sự công bình đó vượt trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đặt trọn niềm tin trong Đấng Christ.

 

Trong Ma-thi-ơ đoạn 6 nói về sự công bình, tiêu chuẩn đạo đức và các chủ điểm được thực hành trong nước trời. Dĩ nhiên, động cơ này là điều rất quan trọng, trong những gì chúng ta làm cho Đức Chúa Trời. Không có một yếu tố thứ ba nào có thể xen vào trong mối liên hệ đó được. Những chủ điểm nằm giữa hai yếu tố đó chính là linh hồn và Đức Chúa Trời mà thôi.

 

Các vấn đề được đề cập trong đoạn Kinh Thánh này là: sự bố thí – sự cầu nguyện – sự kiêng ăn – tiền bạc và mối suy nghĩ và sự chăm sóc cho tương lai. Tất cả đều là những mối quan tâm rất thực tiển.

 

Trước tiên, Chúa chúng ta đề cập về sự bố thí. Hãy ghi nhận trong trí rằng tất cả điều này phải được thực hiện theo hình thức bề ngoài của tôn giáo, hay sự phô trương hào nhoáng của tôn giáo vậy.

 

Ma-thi-ơ 6:1, “Hãy giữ, đừng làm sự công bình mình trước mặt người ta, cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì của Cha các ngươi ở trên trời.”

 

Mặc dầu, Chúa Giê-xu đang hướng điều cần chú ý này đến các đề tài của nước trời Ngài sẽ lập ra trên đất, tuy vậy, ở đây chúng ta cũng nhận được một nguyên tắc lớn lao áp dụng cho mình.

 

Ma-thi-ơ 6:2, “Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.”

 

Chúa Giê-xu đang dùng cách nói bóng, để chỉ ra những việc làm không tốt của người lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Khi một người Pha-ri-si muốn cho người nghèo khổ một thứ gì, theo phong tục thời bấy giờ, họ liền đi xuống phố Giê-ru-sa-lem nhộn nhịp và thổi kèn lên inh ỏi. Mặc dù đó chỉ là cách mà họ muốn cho người nghèo và người cần giúp đỡ biết đặng tụ tập lại nơi đó để nhận quà bố thí, nhưng đây cũng là một cơ hội tốt để mọi người có thể nhìn thấy việc lành của họ. Có những nét tương đồng nào trong cách thức mà ngày nay các Cơ Đốc nhân bố thí không? Chúa của chúng ta phán rằng, với cách bố thí ấy thì họ đã nhận được phần thưởng của mình rồi. Vậy phần thưởng của họ là gì? Điều mà họ đã theo đuổi là gì? Chúa Giê-xu phán rằng họ làm điều đó để được sự tôn vinh, khen ngợi của con người. Họ thổi kèn vang lên, khiến cho mọi người chạy ra để xem họ bố thí rời rộng như thể nào! Và đó chính là phần thưởng của họ rồi. Như vậy sự bố thí của họ chẳng phải giữa họ với Đức Chúa Trời!

 

Bây giờ hãy hỏi rằng tại sao chúng ta ban cho? Cũng có thêm một phương cách khác để ban cho. Nhiều năm trước đây tôi được mời đảm trách thu góp tiền lạc quyên cho một tổ chức từ thiện nọ. Tôi được bảo trước cho biết rằng hãy nhớ tạo ra cơ hội để những người giàu lòng từ thiện có mặt tại cuộc họp, đứng lên và hô to số tiền mà người ấy sẽ hiến tặng và tôi nhớ hỏi câu này: “Có bao nhiêu vị ở đây đồng ý dâng một triệu đồng?  Tôi hỏi người đó: “Tại sao lại có cái kiểu lạc quyên kỳ lạ như vậy?”

 

Tôi được giải thích rằng một người nào đó khi tham dự cuộc họp sẽ chỉ cho 10 ngàn đồng thôi, và đó là số tiên mà ông thường dâng hiến. Tuy nhiên nếu đặt ra câu hỏi có bao nhiêu vị ở đây sẵn lòng tặng một triệu đồng, thì chắc anh ta sẽ dâng số tiền một triệu đó. Đây cũng là một sự thổi kèn khi bố thí.     

 

Cũng có rất nhiều người họ sẵn lòng dâng tặng một số tiền rất lớn nhưng lại chỉ trao vào tay bạn một cách rất cá nhân và rất kín đáo. Có một người đàn ông nọ trong Hội thánh nơi tôi quản nhiệm, thường hay cho tôi một số tiền để trong bao thơ trước khi tôi tiến lên tòa giảng. Có lẽ ông ta nghĩ rằng điều này sẽ làm tôi thích thú và tôi sẽ đề cập việc làm này từ trên tòa giảng. Thế rồi một ngày nọ, có một người bạn của ông ta đến nói với tôi rằng: “Có một điều đã làm bực mình ông ấy lắm đấy!” và ông này tiếp tục giải thích rằng, tôi đã không biết ơn ông ấy về số tiền lớn lao mà bạn ông ta đã tặng cho tôi vào Chúa nhật trước. Tôi liền giải thích cho người này lý do tại sao tôi đã yên lặng: “Đúng vậy, bạn của ông là một người giàu có, và số tiền mà ông ấy đã tặng tôi thì không có gì gọi là lớn lao nếu đem so với những gì mà ông ấy có. Tuần trước, cũng có một người mang đến một phong bì và trao tận tay tôi, nhưng không muốn tôi mở nó ra cho đến khi người ấy đi khỏi, và người ấy cũng không để cho tôi hỏi phong bì đó đã gởi đến từ ai. Nếu như cần, tôi phải biết ơn người nào trong hai người ấy, chắc hẳn đó phải là người đã mang đến cho tôi cái phong bì – nhưng người ấy lại chẳng để cho tôi nói lấy một lời”

 

Sự hiến tặng chỉ liên hệ giữa chính bạn và Đức Chúa Trời mà thôi, và chính ngay lúc ấy nếu có một người thứ ba can dự vào, thì chúng ta sẽ không nhận được bất kỳ phần thưởng nào trên thiên đàng!

 

Ngày nay có rất nhiều cái được gọi là sự dâng hiến của Cơ Đốc nhân, nhưng thật ra chẳng có ý nghĩa là sự dâng hiến chút nào cả! Mục sư McGee kể lại câu chuyện sau đây đã xảy ra ở một trường đại học nơi ông tốt nghiệp, nói lên bản chất thích phô trương khi bố thí của con người. Khi tôi còn học tại trường đại học đó, người ta cho vẽ một họa đồ kiến trúc nhằm xây dựng một tháp cao đặt trên đại sảnh đường cũ. Họ tuyên bố một cách trịnh trọng rằng, cái tháp đó sẽ được đặt tên cho người nào bảo trợ tài chánh xây cất nó. Thế là ít nhất cũng có đến nửa tá người ủng hộ tài chánh và rất muốn cái tháp đó được đặt tên mình. Ngày nay cái tháp ấy được gọi là: “ Tháp của các ân nhân” nhằm tôn vinh người đã bảo trợ nó. Tên của ông này được khắc vào đá và điều này cũng có ý nghĩa như cây kèn đang thổi vang lên mọi lúc, mọi khi. Ngày nay có rất nhiều người hiến tặng theo cách này. Sự bố thí đó chẳng có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời.

 

Ma-thi-ơ 6:3-4, “Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.”

 

Đừng có thò một tay vào túi để rút tiền ra bố thí, trong khi tay kia lại đưa cao lên trời, nhằm cho mọi người biết mình sẽ bố thí bao nhiêu! Chúa chúng ta phán rằng khi bạn đưa một tay vào túi lấy ra thứ gì để hiến tặng thì nên hết sức kín nhiệm, đừng để cho tay kia biết bạn lấy ra thứ gì… Tất cả điều này quả là bài học cho những người đạo đức giả phải suy nghĩ.

 

Có một chuyện xảy khi tôi học cuối năm thứ nhất ở trường Kinh Thánh, người giám học của trường đến phòng tôi nói là ‘ông thủ quỹ nhắn tôi lên văn phòng có việc cần, chắc là có tin vui.’ Khi tôi đến gặp ông thủ quỹ, ông cho tôi hay có người gởi cho tôi một thùng quà, và giúp tiền đóng học phí ba tháng tới cho tôi. Tôi hỏi ông thủ quỹ là ai đã tặng tôi tiền và quà này, ông nói là người tặng yêu cầu xin được giấu tên. Tôi nhờ ông thủ quỹ của trường chuyển lời tôi cám ơn vị ân nhân này. Tôi mang thùng quà về phòng, mở ra thấy có quyển Kinh thánh, sách truyện cho hai con nhỏ tôi đọc, quà cho giáng sanh và thêm cái bốp nhỏ có 100 đô. Cho đến nay đã hơn hai mươi  năm qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến một người có lòng tốt và kín đáo trong sự hiến tặng. Đến nay tôi vẫn không biết người tặng quà ấy là ai, tôi chỉ đoán, người đó có thể là một tín hữu Tin lành cùng Hội thánh với tôi trước đây.

 

Trong phần tiếp theo, chúng ta học về lời dạy của Chúa Giê-xu liên quan đến sự cầu nguyện, và sự lo lắng. 

 

CÁC DẤU HIỆU CỦA LỜI CẦU NGUYỆN CHÂN THẬT.

 

Ma-thi-ơ 6:5, “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.”

 

“Đừng làm như bọn giả hình ” – Chúa chúng ta đã sử dụng ngôn từ nặng nề quá phải không? “Họ đã nhận được phần thưởng của mình rồi” Họ cầu nguyện đặng cho mọi người nhìn thấy họ. Một người đi tới đi lui trong nhà thờ, đeo chiếc khăn quàng cầu nguyện để cho người ta biết rằng “tôi đang cầu nguyện đây.” Đức Chúa Giê-xu phán rằng người nào cầu nguyện theo kiểu ấy thì đã nhận được phần thưởng của mình rồi, và người đó đã đạt được điều mình mong muốn – ấy là được mọi người nhìn thấy, nhưng lời cầu nguyện của ông ta chẳng bao giờ vượt khỏi mái nhà.

 

Ma-thi-ơ 6:6, “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.”

 

Quan niệm mà chúng ta đang nói ở đây là tính cách đổi mới của nó. Chúng ta lưu ý về từ ngữ ‘Cha’ mà Chúa Giê-xu đã sử dụng? Điều này nói lên rằng Chúa đang nói về những công dân của nước Đức Chúa Trời. Ngày nay, làm thể nào để chúng ta có thể trở thành một con cái của Đức Chúa Trời? Kinh thánh Tin lành Giăng 1:12 cho chúng ta biết rằng: “Nhưng hễ ai đã (tin) nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái  Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” Chúa chúng ta đã có lần phán với Ni-cô-đem rằng “ngươi phải sanh lại” cho đến khi ấy thì bạn có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình. Trong Kinh Thánh Cựu-Ước, bạn chẳng bao giờ tìm thấy được từ ngữ Cha được dùng trong mối liên hệ giữa một cá nhân với Đức Chúa Trời. Quốc gia Y-sơ-ra-ên, hay còn gọi Do Thái được xem như là một tổng thể, được Đức Chúa Trời gọi là “Y-sơ-ra-ên con trai ta” nhưng từ ngữ đó không nằm trong ý nghĩa mỗi cá nhân. Nhưng ở đây Đức Chúa Giê-xu đang nói đến một mối liên hệ mới.

Mối liên hệ mới mà chúng ta được biết ở đây nói về sự cầu nguyện, sự cầu nguyện là mối quan hệ kín nhiệm và chân thật. Tại ngôi phán xét của  Đấng Christ nhiều thánh đồ vô danh với tư cách là người cầu nguyện chân thật và kín nhiệm được tỏ bày ra.

 

Ma-thi-ơ 6:7-8, “Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm.  Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài.”

 

Ngày nay có người lập lại lời cầu nguyện nhiều lần, mà chúng ta thường gọi là đọc kinh, vì họ nghĩ nếu nói nhiều lần thì Chúa mới nghe. Nhưng Đức Chúa Giê-xu đã xác nhận rằng chúng ta chỉ cần cầu nguyện một lần thì chắc Đức Chúa Trời cũng đủ nghe rồi. Nhưng có những việc chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện trong nhiều lần hay nhiều ngày.

 

Sự cầu nguyện nên đơn giản và ngắn gọn:

 

 1- Tính chân thật – Ma-thi-ơ 6:6 dạy nên đi vào phòng, đóng cửa lại mà cầu nguyện – như vậy lời cầu nguyện chỉ có chính cá nhân chúng ta và Đức Chúa Trời biết mà thôi.

 

 2- Tính đơn giản – Ma-thi-ơ 6:7 dạy là không nên dùng sự lập lại vô ích. Chúng ta hãy trình bày ngay những gì có trong lòng của mình, và thưa với Chúa điều gì chúng ta đã có trong tâm trí. “Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài.” Mặc dầu Ngài đã biết điều gì chúng ta cầu xin rồi, nhưng Ngài muốn chúng ta đến với Ngài và trình dâng lời cầu xin đó với Ngài.

 

Nguồn: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI