Bài 8. Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi (phần 2)

TIẾP TỤC BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (phần 2)

Baigiang Trennui

MA-THI-Ơ 5:7-37

Hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu.

 

Ma-thi-ơ 5:7, “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!”

 

Phước lành này, ngày nay bị hiểu sai rất nhiều, bởi vì họ cho rằng chúng ta đón nhận sự thương xót trên điều kiện chúng ta được thương xót. Đây không phải là điều kiện mà chúng ta nhận được sự thương xót.

Chúng ta… “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh” (Tít 3:5).

Chúng ta hãy có lòng thương xót bởi vì chúng ta đã được thương xót. 

“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót.” ( I Phi-e-rơ 2:9-10 )

 

Ma-thi-ơ 5:8, “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!”

 

Không hề có một người chân thật nào mà lại nói rằng anh ta có lòng trong sạch. Làm sao mà một tấm lòng độc ác, gớm ghê kia lại có thể được làm cho trong sạch? Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho.” (Giăng 15:3). Ấy chính là do sự tái sanh thanh tẩy mà chúng ta được trong sạch. Duy chỉ bởi huyết của Đấng Christ mới có thể tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta (I Giăng 1:7).

 

Ma-thi-ơ 5:9, “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”

 

Ngay bây giờ bạn có thể nêu tên của một người nào đó trên thế giới là người làm nên sự hòa bình không? Chẳng một ai có thể tạo ra được sự hòa bình. Duy chỉ có Đấng Christ là Đấng Giảng Hòa vĩ đại nhất mà thôi. Ngài đã đổ huyết ra đặng làm sinh tế tạo nên mối giảng hòa giữa Đức Chúa Trời Công nghĩa và tội nhân xấu xa: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.” (Rô-ma 5:1)

     

Ma-thi-ơ 5:10-12, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”

 

Sự ứng dụng về phước lành này cho thời đại chúng ta và cho số ít còn sót lại của người Do Thái, trong suốt thời kỳ đại nạn là điều dễ dàng nhận thấy. Nhưng thử hỏi điều này có thể được áp dụng cho nước trời sẽ được thiết lập trên đất không? Tất cả mọi điều ác sẽ phải bị cất bỏ đi khỏi nước trời đó chăng? Vâng, có nhiều câu Kinh Thánh chỉ cho thấy rằng trong nước trời 1000 năm, sẽ vẫn còn có điều ác trên thế gian vì đó sẽ là thời kỳ thử thách. Sự nổi loạn bùng ra vào cuối thời kỳ 1000 năm đó cho thấy rằng điều ác sẽ vẫn còn hiện hữu trong suốt thiên niên kỷ đó (xem Khải-huyền 20:7-9).

                          

Ma-thi-ơ 5:13-14, “Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành trên núi thì không khi nào bị khuất được.”

 

Con cái Đức Chúa Trời dẫu ở bất kỳ lứa tuổi nào hay bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều là muối và ánh sáng của thế gian. Công dụng của muối là làm cho mặn, giữ cho khỏi hư thối. “Nếu muối mất vị mặn đi” thì không dùng được nữa. Nan đề của chúng ta ngày nay là một số các thành viên trong Hội thánh không những đã mất đi vị mặn của muối, mà có khi trở nên cay đắng. Ngày nay chúng ta có rất ít những Cơ Đốc nhân có vị mặn của muối. Chúng ta phải là muối của đất, và muối có vị mặn làm ích lợi cho thế gian này.

 

Cơ Đốc nhân cũng là ánh sáng của thế gian. Chắc chắn rằng trong nước trời, những người tin nhận sẽ là ánh sáng của thế gian. Đây thật là một nguyên tắc lớn đối với chúng ta. Chúng ta cần phải trở thành ánh sáng cho người xung quanh và cho bất kỳ nơi nào mà chúng ta đến. Chúng ta không thể tự mình có được ánh sáng đó, nhưng chính Lời Chúa là ánh sáng. Trở thành ánh sáng có nghĩa là rao truyền Lời của Chúa bằng cách này hay cách khác trong cuộc sống của mình. Điều này cũng không có ý nghĩa rằng bạn trích dẫn lời Kinh Thánh mọi lúc, mọi khi, nhưng có nghĩa rằng bạn phải chia sẻ lại sự ánh sáng mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Cũng thật dễ dàng để cảm hóa người nào đó cách lặng lẽ bằng sự ân cần giới thiệu với họ một Hội thánh rao giảng Tin lành, hoặc một chương trình phát thanh Tin Lành. Có rất nhiều phương cách mà qua đó bạn có thể trở thành ánh sáng của thế gian này.

 

Ma-thi-ơ 5:16, “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”

 

Có rất nhiều người theo thuyết tín ngưỡng tự do, mà thuyết này quan niệm rằng Bài Giảng Trên Núi thuộc về thuyết nhân bản vị, hay thuyết nhắm trọng tâm vào con người hơn là thuyết thần bản vị, hay thuyết nhắm trọng tâm vào Thượng Đế (có nhiều danh từ liên quan đến thuyết đó). Thật rất rõ ràng là Bài Giảng Trên Núi không thuộc về thuyết nhân bản vị là thuyết nhắm trọng tâm vào con người. Nó chính là thuyết thần bản vị, tức nhắm trọng tâm vào Đức Chúa Trời. Có phải câu Kinh Thánh này nói rằng: “Sự sáng các ngươi hãy soi sáng trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy các việc lành của các ngươi, và ngợi khen các ngươi rồi vuốt ve trên lưng ngươi và tặng cho các ngươi một huy chương vàng và một chiếc cúp đáng yêu không?” Không phải thế! Câu Kinh Thánh này nói với mỗi chúng ta rằng phải chiếu rọi ánh sáng của chúng ta cho cả thế gian, hầu cho họ có thể ngợi khen Cha của chúng ta ở trên trời. Bài Giảng Trên Núi là bài giảng tập trung vào Đức Chúa Trời. Suốt trong thời kỳ 1000 năm mà nước Đức Chúa Trời lập ra trên đất, mọi sự được làm và được nói đều sẽ tập trung vào Đức Chúa Trời. Trong thời đại ngày nay, trong thế gian hư mất này nơi mà chúng ta đang sống, động cơ chính yếu của chúng ta là phải đem vinh quang về cho Đức Chúa Trời. Đây cũng chính là điều mà mỗi một Cơ Đốc nhân phải nên xem xét cách cẩn trọng và nghiêm túc. Trọng tâm và mục đích đời sống của chúng ta là nhằm để tôn vinh Đức Chúa Trời của chúng ta mà thôi.

 

MỐI LIÊN HỆ VỀ CÁC CHỦ ĐỀ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI LUẬT PHÁP

 

Ma-thi-ơ 5:17, “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.”

 

Một phần của luật pháp Môi-se là luật lễ nghi. Đấng Christ là sinh tế đã đổ huyết ra để chuộc tội cho thế gian, Chiên Con đã bị giết trước khi nền trái đất được lập nên. Đấng Christ đã đến không phải để phá bỏ luật pháp nhưng để làm trọn. Ngài đã làm trọn luật pháp theo cách mà Ngài đã giữ nó trong cuộc đời Ngài khi còn sống ở trên đất. Tiêu chuẩn lập ra cho con người thì chính Ngài có thể thực hiện thành tựu được, và bây giờ Ngài ban sự công nghĩa của chính Ngài cho chúng ta cùng mọi người nào tin nhận Ngài.

 

Các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Nhưng chúng ta không thể nào thực hiện thành tựu được chúng bởi sức riêng của chính mình, vậy nên chúng ta cần có sự trợ giúp của Cứu Chúa của chúng ta. Chúng ta thật sự cần đến lòng thương xót của Chúa và chúng ta nhận được lòng thương xót đó khi đến với Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

Ma-thi-ơ 5:18, “Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.”

 

Hy vọng rằng các bạn sẽ không diễn dịch sai về những gì được trình bày trong bài học này, phần mà chúng ta gọi là Bài Giảng Trên Núi. Không phải là chúng ta được tự do phá bỏ Luật pháp Môi-se. Sự thật của vấn đề là luật pháp này vẫn là một tiêu chuẩn. Nó nhằm chỉ ra cho thấy rằng chúng ta không thể nào làm trọn được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Bởi vậy nó đưa chúng ta đến với thập tự giá của Đấng Christ. Chỉ có một phương pháp duy nhất mà chúng ta có thể làm trọn được luật pháp của Đức Chúa Trời, đó là chấp nhận một Đấng đã làm trọn nó rồi – ấy là Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

Ma-thi-ơ 5:19, “Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.”

Chúng ta không thể nào phá bỏ các điều răn và thoát khỏi nó được. Nhưng cũng không thể nào giữ được chúng bằng sức riêng của chính mình. Chỉ có một phương cách duy nhất mà chúng ta có thể giữ được các điều răn là hãy đến với Đức Chúa Giê-xu Christ để nhận được cứu rỗi, được quyền năng và được sức mạnh. Chính các điều răn không phải là con đường cứu rỗi nhưng là một phương tiện chỉ ra cho chúng ta con đường cứu rỗi thông qua việc tiếp nhận công tác cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ.

             

Ma-thi-ơ 5:20, “Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.”

 

Điều rất quan trọng ở đây là hãy nhìn biết được quan điểm của Chúa. Những người Pha-ri-si đã đạt đến một mức độ công bình khá cao theo luật pháp, nhưng lại không được Chúa chấp nhận. Thế thì làm sao chúng ta lại có thể vượt qua hơn sự công bình của những người Pha-ra-si đó? Đối với chúng ta như thế thì vô phương, vậy chúng ta cần phải nhờ Đấng Christ giúp đỡ.

 

Ma-thi-ơ 5:21-22, “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt.”

Đây quả là một lời tuyên bố hết sức lớn lao! Điều này muốn nói rằng, nếu chúng ta giận anh em mình thì chúng ta là kẻ giết người! Thế còn đối với luật pháp Môi-se bạn có nghĩ rằng mình sẽ giữ được nó không? Bạn không thể nào bẻ gãy luật pháp này. Bạn cũng không thể nào đi ngang qua nó bằng những lời khoa trương khoác lác rằng Bài Giảng Trên Núi là tôn giáo của bạn, và rồi vi phạm nó. Mỗi chúng ta đều cần đến một Cứu Chúa, Đấng đã giữ trọn vẹn luật pháp và có thể gánh lấy tội lỗi của chúng ta bởi sự công nghĩa của chính Ngài.

 

Ma-thi-ơ 5:26, “Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được.”

 

Hãy lưu ý đến điều mà Chúa Giê-xu đã phán: “Quả thật ta nói cùng các ngươi…” Ngài nâng cao sự dạy dỗ của Ngài lên đến vị trí Người ban phát luật pháp và đồng thời cũng chính là Người giải nghĩa luật pháp đó.

 

Ma-thi-ơ 5:27-28, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.”

 

Mục sư McGee kể lại như sau: Trải qua nhiều năm, tôi đã từng công khai tuyên bố rằng chẳng hề có ai giữ trọn được luật pháp ngoại trừ Chúa Giê-xu. Vào một buổi sáng Chúa nhật nọ, tôi đã lặp lại điều đó trong một bài giảng của tôi. Sau đó, có một ông to lớn, vạm vỡ, với vẻ mặt đỏ bừng tiến về phía tôi và nói: “Ông cứ luôn nói rằng chẳng có ai giữ được luật pháp. Tôi cũng muốn cho ông biết rằng tôi là người giữ được luật pháp ấy đây!” Nhân tiện, tôi cũng xin nói rằng anh ta thuộc về một giáo phái khác, mặc dù anh ta đôi khi cũng có dự vào các buổi lễ thờ phượng tại Hội Thánh nơi tôi quản nhiệm. Vì anh ta tuyên bố mình đã tuân giữ luật pháp, nên tôi nói: “Thế thì tốt thôi, nào chúng ta hãy thử xem xét nó nhé!” Và tôi chỉ cho anh ta câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ đọan 5 câu 22, câu này nói rằng, ai ghét anh em mình cũng giống như tội giết người. Anh ta bảo anh ta đã giữ điều đó, dù tôi không tin là anh ta đã làm được như vậy. Thế nên tôi đã chỉ cho anh ta câu 28 và nói: “Ở đây câu Kinh Thánh nói rằng, nếu anh nhìn một người đàn bà mà động lòng ham muốn thì anh đã phạm tội tà dâm cùng người đó rồi. Vậy bây giờ xin anh hãy nhìn thẳng vào mắt tôi và hãy nói cho tôi biết anh chưa từng bao giờ làm điều đó không?” Giá như các bạn có thể thấy được gương mặt anh ta lúc bấy giờ, lúc đầu nó đã đỏ bừng rồi, nay thì lại càng đỏ bừng thêm. Anh ta nói lầm bầm vài tiếng gì đó rồi quay gót bỏ đi. Dĩ nhiên là đi ra khỏi nhà thờ!

 

Vậy, nếu bạn là người thành thật thì chắc bạn sẽ không dám tuyên bố mình là người tuân giữ luật pháp Môi-se. Xin hãy nhớ rằng luật pháp Môi-se đó có đến 10 điều răn cần phải giữ nghiêm ngặt! Mặc dầu Ma-thi-ơ chỉ đề cập đến 2 điều răn mà Chúa Giê-xu đang nói đến. Ngài đã đưa tất cả mười điều răn đó lên đến mức độ đạo đức rất cao.

Bài Giảng Trên Núi chỉ cho tôi thấy tôi đã phạm tội và tôi cần phải đến với Cứu Chúa Giê-xu để được Ngài thương xót và cứu giúp cho tôi. Và tôi cũng mạnh dạn nhắc nhở cho các bạn nào nói rằng mình đang sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Bài Giảng Trên Núi, trong khi ấy lại luôn luôn vi phạm nó, người như thế cho rằng luật pháp ấy chẳng quan trọng gì.

 

Trong những câu kế tiếp Chúa Giê-xu đề cập đến luật pháp và mối quan hệ của con người.

 

Ma-thi-ơ 5:29-30, “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể vào địa ngục.”

 

Điều này thật rất nghiêm ngặt, và qua đó chỉ cho chúng ta thấy rằng mình không thể nào đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đã đề ra, vì thế chúng ta phải cần đến một Chúa Cứu Thế. Đừng đùa cợt với chính bản thân mình và cũng đừng dại dột đi lòng vòng để giả vờ nói rằng chúng ta đang giữ gìn luật pháp ấy. Nếu vậy, chúng ta chỉ có thể trở thành một kẻ giả hình mà thôi. Trong vòng những Cơ Đốc nhân, chúng ta hay vuốt ve lẫn nhau bằng ngôn từ, hình thức bề ngoài, ngợi khen một người khác, và đồng thời cũng chấp nhận lẫn nhau về những gì chúng ta đã làm, đã sống. Thật ra, chúng ta chỉ là những tội nhân thấp hèn, nhơ nhớp, thậm chí không thể nào xứng đáng để vào thiên đàng.

 

Bài Giảng Trên Núi là phương tiện để đưa chúng ta đến với thập tự giá, tại đó chúng ta cần phải kêu lên để cầu xin ơn thương xót. Làm như vậy tức là chúng ta đã tôn vinh luật pháp rồi đấy. Đừng cố đùa mà nói rằng chúng ta đang giữ gìn luật pháp Môi-se. Chắc rằng chúng ta không thể giữ chúng được đâu!

 

Ma-thi-ơ 5:31-32, “Lại có nói rằng: Nếu người nào để vợ mình, thì hãy cho vợ cái tờ để. Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.”

 

Ở đây Chúa đề ra những nền tảng cho ly dị. Nếu người nào ly dị mà không theo lý do được cho phép trong Kinh Thánh thì người ấy phạm tội tà dâm. Đây chính là điều mà trong vòng các Cơ Đốc nhân bỏ qua ngày hôm nay. Tuy nhiên điều này cũng sẽ chính là luật pháp được áp dụng trong suốt thời đại của Vương Quốc Đức Chúa Trời lập ra trên đất này, bởi vì cũng sẽ có những đàn ông hay đàn bà muốn lìa bỏ người hôn phối của mình trong thời kỳ đó. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn về vấn đề này trong Ma-thi-ơ đoạn 19.

 

Ma-thi-ơ 5:33-35, “Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn.”

 

Chúa Giê-xu phán rằng chúng ta phải là những người không bao giờ được sử dụng đến lời thề. Trong thời đại ngày nay con người rất dối trá. Tại sao vậy? Bởi vì ngày nay có rất nhiều người không thể tin tưởng được. Chúa Giê-xu dạy rằng, là con cái của Đức Chúa Trời, thì dầu ở bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa chúng ta cũng phải trở nên là những người đáng tin cậy. Đức Chúa Giê-xu phán dạy tiếp:

 

Ma-thi-ơ 5:37, “Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.”

 

Có một người nói rằng: “Tôi xin thề trên đống Kinh Thánh cao đến một thước này…” Chắc hẳn chẳng thể nào tin người này đâu bởi vì anh ta cũng nói dối còn cao đến một dặm!

 

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về Bài Giảng Trên Núi trong bài sau.

 

Nguồn: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI