Bài 5. GIĂNG BÁP-TÍT RAO GIẢNG – CHÚA GIÊ-XU CHỊU BÁP-TEM

GIĂNG BÁP-TÍT RAO GIẢNG – CHÚA GIÊ-XU CHỊU BÁP-TEM

 

Jesus Baptism

 

Ma-thi-ơ 3:1-17

Hôm nay chúng ta đến Ma-thi-ơ đoạn 3. Đề tài chính trong đoạn này là: Giăng Báp-tít, người đi trước dọn đường cho Vua, rao giảng và công bố về vương quốc của nước trời và làm phép báp-tem cho Chúa Giê-xu.

 

CHỨC VỤ CỦA GIĂNG BÁP-TÍT

 

Ma-thi-ơ 3:1- 2, “Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!”

Lúc bấy giờ, bất thình lình Giăng Báp-tít bước vào những trang Kinh Thánh. Nếu như chúng ta chỉ có vỏn vẹn sách Tin lành của Ma-thi-ơ mà thôi thì chúng ta sẽ hỏi: “Người nầy đến từ đâu, và lý lịch của ông ta là gì?” Bởi vì Ma-thi-ơ không nói chi tiết gì hết về đời sống của Giăng Báp-tít trước đó. Tiên tri Ma-la-chi nói trước rằng, một sứ giả sẽ đến để dọn đường cho vị Vua trong tương lai – “Nầy, ta sai sứ giả ta, ngươi sẽ dọn đường trước mặt ta” (Ma-la-chi 3:1). Người sứ giả nầy là Giăng Báp-tít. Thật sự thì bạn không cần phải biết về lai lịch của một người sứ giả. Chẳng hạn như khi một nhân viên bưu điện mang đến cho bạn một điện tín nào đó, bạn không hỏi người nầy: “Anh bạn, dòng họ của anh đến từ đâu? Tiểu sử của anh là gì?” Bạn không cần tìm hiểu về những điều nầy. Bạn chỉ muốn nhận được cái điện tín mà thôi, vì cái đó mới là thứ quan trọng. Đối với nhân viên bưu điện thì bạn chỉ cảm ơn, và để người đó đi.

Giăng Báp-tít đã cho biết rõ ràng ông chỉ là một sứ giả mà thôi, và Ma-thi-ơ cũng nói rõ về việc nầy. Vì vậy, khi đề cập đến Giăng, ông đã bắt đầu công tác rao giảng trong đồng vắng xứ Giu-đê rằng: “Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!”  

Bây giờ chúng ta hãy phân tích những ý tưởng này: 1) “ăn năn” 2)“nước thiên đàng” và 3) “ đã đến gần.” Những ý tưởng nầy rất là quan trọng.

“Ăn năn” là một từ ngữ mà nó luôn nói đến những người thuộc về Chúa để kêu gọi họ quay trở lại. Theo nguyên văn tiếng Hy Lạp, “ăn năn” có nghĩa là thay đổi ý tưởng của mình. Khi bạn đang đi trong hướng nầy, nay quay đầu trở lại trong một hướng khác.

Sự ăn năn trước hết là cho những người được cứu, đó là cho những người thuộc về Chúa trong mọi thời đại. Họ là những người trở nên nguội lạnh và lãnh đạm, họ cần quay trở lại. Đó là sứ điệp được gởi cho bảy Hội Thánh trong vùng Tiểu Á, được ghi chép trong sách Khải huyền 2 và 3, và đây cũng là sứ điệp của chính Chúa Giê-xu.

Một người nào đó có thể hỏi rằng, có phải là người chưa được cứu ăn năn sao? Đối với một người chưa được cứu thì người đó cần được kêu gọi tin nhận Chúa Giê-xu Christ, đó là sứ điệp của sứ đồ Phao-lô nói với người cai ngục tại thành Phi-líp,trong Công vụ 16:31, “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.” Nhưng khi một người chưa được cứu tin nhận Chúa Giê-xu thì đó là một phần của sự ăn năn. Đức tin có nghĩa là trở lại với Chúa, và khi chúng ta trở lại với Ngài thì cũng phải quay khỏi đường lối cũ. Nếu như chúng ta không quay khỏi con đường tội lỗi cũ thì chưa thật sự trở lại cùng Chúa. Do đó, ăn năn thật được thể hiện qua sự tin nhận, cho nên hiện nay sứ điệp căn bản cho những người bị hư mất cần nghe là họ cần tin nhận Chúa Giê-xu Christ. Nếu như bạn thật sự trở lại với Ngài thì bạn phải quay khỏi con đường cũ.

Chữ “nước thiên đàng” có nghĩa là sự cai trị của trời trên trái đất nầy. Chúa Giê-xu là Vua. Bạn không thể có một vương quốc mà không có một vị vua, cũng như không thể được gọi là vua nhưng không có vương quốc. Nếu là vua thì phải có vương quốc. Vậy thì Giăng Báp-tít muốn nói gì qua câu “nước thiên đàng đã đến gần”? Ông ấy muốn nói rằng nước thiên đàng được thể hiện qua Thân Vị của Vua, thể hiện qua Chúa Giê-xu.

Có sự hiện diện thật về nước thiên đàng không? Thưa có. Nhưng ai nhận biết Chúa Giê-xu và tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa, được biến đổi vào trong vương quốc của Con yêu dấu Ngài. Bây giờ thì họ thuộc về Ngài, và họ có một mối liên hệ mật thiết nhiều hơn là phục tùng với một vị vua. Chúa là Chàng Rể và những người tin nhận được xem là cô dâu của Ngài.

Tuy nhiên, có người cũng có thể hỏi rằng, chúng ta không muốn phục tùng vua trong một nước vì chúng ta phải thi hành mệnh lệnh của Ngài. Thật sự thì nó còn nhiều hơn thế nữa. Chúng ta vâng lời Ngài vì chúng ta yêu mến Ngài. Đây là mối liên hệ yêu thương. “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì gìn giữ các điều răn ta” (Giăng14:15)

“Nước thiên đàng” là sự tể trị của trời trên đất. Ngày hôm nay thì điều này chưa hiện hữu. Bây giờ Chúa chưa cai trị thế giới nầy. Thật vậy, có sự sai lầm khi có ai nghĩ rằng nước thiên đàng đang hiện hữu trong thế gian ngày hôm nay. Chúa chưa cai trị trái đất nầy dưới mọi hình thức, ngoại trừ trong tấm lòng của những ai tin nhận Ngài. Tuy nhiên, một ngày nào đó Ngài sẽ đến để thiết lập vương quốc của Ngài trên đất. Khi Ngài làm điều đó, Ngài sẽ phá vỡ mọi sự chống đối. Chắc chắn Ngài sẽ làm như vậy.

Nước Thiên đàng đã đến gần, hoặc đã được thể hiện qua Con Người của Chúa Giê-xu. Đó là một phương cách mà nước thiên đàng được trình bày.

Bây giờ Ma-thi-ơ nói cho chúng ta biết rằng điều mà ông ký thuật là sự ứng nghiệm của lời tiên tri:

Ma-thi-ơ 3:3, “Ấy là về Giăng Báp-tít mà đấng tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài.”

Tiên tri Ê-sai viết lời tiên tri này trong Ê-sai 40:3.

“Có tiếng kêu trong đồng vắng” tất cả những gì mà Giăng Báp-tít nói về chính mình, đó chỉ là tiếng kêu trong đồng vắng, và mục đích của ông là để “dọn đường cho Chúa.”        

Ma-thi-ơ 3:4, “Vả Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng.”

Có phải ông ta là một người khác thường lắm không? Ông ta theo cách kiêng cử về ăn uống rất đơn giản và cách ăn mặc của ông thì khác thường. Áo của ông bằng lông lạc đà, dây lưng của ông bằng da, thức ăn của ông là châu chấu và mật ong rừng. Đây là một người đàn ông rất khác thường, người đàn ông với một sứ mạng. Ông thật sự là một nhân vật của thời Cựu Ước, bước ra khỏi thời đại bây giờ và đi vào Tân Ước. Ông ta là người cuối cùng của các tiên tri thời Cựu Ước.

Ma-thi-ơ 3:5, “Bấy giờ, dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người.”

Hãy để ý đám đông đến cùng ông. Giăng không mướn một hội trường hoặc vận động trường hay nhà thờ lớn, không có một ban chấp sự nào mời ông đến. Thực ra, Giăng không đến một thành phố đông người. Nếu bạn muốn nghe ông giảng thì bạn phải tìm đến nơi ông. Dĩ nhiên, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang ở cùng ông.

Ma-thi-ơ 3:6, “và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh.”

Nói một cách khác, câu nầy nói lên sự thay đổi trong đời sống của những người đến nghe Giăng giảng. Việc họ nhận lãnh phép báp-tem của Giăng cho thấy dấu hiệu là họ đã từ bỏ đời sống cũ và hướng về đời sống mới.

 

NGƯỜI PHA-RI-SI VÀ SA-ĐU-SÊ

 

Ma-thi-ơ 3:7-8, “Bởi Giăng thấy nhiều người dòng Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến chịu phép báp-tem mình, thì bảo họ rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau? 8 Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn,

Bây giờ chúng ta xem người đang đến là ai. Hãy lắng nghe cách mà Giăng chào đón những người khách trông có vẻ nghiêm trang, đúng đắn nầy. Giả sử như một mục sư đứng trên bục giảng trong sáng Chúa nhật và giảng rằng, “Hỡi dòng dõi rắn lục kia!” Chắc chắn Ban Chấp sự sẽ mời ông xuống, và tìm kiếm một vị mục sư khác để thay thế. Đây là những lời nói mạnh mẽ. Ông nói với những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là kẻ giả hình và bảo họ rằng, “Phải có bằng chứng cụ thể về đời sống mới. Các ngươi không phải chỉ nhận phép báp-têm mà thôi, nhưng đời sống của các ngươi còn phải được sanh bông kết trái nữa.”

Ma-thi-ơ 3:9, “và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ chúng ta; và ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được.”

Giăng đang nói một câu rất mạnh ở đây! Qua đó bạn có thể thấy rằng tại sao ông không được chọn là người nổi tiếng nhất trong thời bấy giờ tại Giu-đê.         

Ma-thi-ơ 3:10, “Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm.”

Các sách trong Tân Ước đề cập rất nhiều về sự ra trái. Mỗi loại cây ra trái theo giống của nó. Chỉ có loại cây ăn trái thì mới sanh ra trái cây. Ở đây, ông nói, cây búa được đặt gần kề gốc cây, và lý do là cây không sanh trái. Cây táo thì phải ra trái táo, và cây mận thì phải sanh trái mận. Nhưng, khi có cây lại sanh ra gai nhọn thì nó không còn là cây táo nữa và phải bị đốn đi. Thông thường thì trái cây và rễ cây đi đôi với nhau, và cây phải có cùng loại rễ cây, để có thể sanh ra những trái cây đúng loại. Điều nầy đúng là những gì mà ông Giăng Báp-tít nói với họ ở tại đây. Ông nói với họ rằng, những cây nào không đúng loại hay không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn đi và bị cho vào lửa chụm.

Ma-thi-ơ 3:11, “song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.

Giăng nói, “Ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi. Nhưng Đấng đến sau sẽ đến, và khi đó Ngài đến sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh-Linh và bằng lửa.” Chữ “và” vừa nói đã được kéo dài hai mươi thế kỷ qua. Chúng ta đang sống trong thời đại của Đức Thánh Linh. Chúa Giê-xu Christ làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh trong thời đại bây giờ, Ngài sẽ làm phép báp-tem bằng lửa khi Ngài trở lại lần thứ hai, và lửa có nghĩa là sự xét đoán. Chúng ta cần lưu ý sự khác biệt này.

Có người nói, “Tôi nghĩ trong ngày lễ Ngũ tuần, những người môn đồ được báp-tem bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa, bởi vì Kinh Thánh chép rằng lưỡi bằng lửa đậu trên mỗi người trong bọn họ.” Nếu chúng ta có suy nghĩ như vậy thì cần phải đọc lại sách Công vụ các sứ đồ 2:1-3 một lần nữa.

“Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình.”

Đây không phải là gió, cũng không phải là lửa, nhưng là sự đến của Đức Thánh Linh. Vì vậy, khi Đức Thánh Linh đến chưa phải là sự ứng nghiệm về báp-tem bằng lửa, nhưng sự nầy sẽ xảy ra khi Chúa Giê-xu trở lại lần thứ hai. Trong thời đại nầy, thời đại của Đức Thánh Linh, Ngài đến với mọi người tin nhận Chúa. Không phải chỉ một vài người, nhưng tất cả mọi người tin nhận Ngài đều được báp-tem bằng Đức Thánh Linh, điều nầy có nghĩa là khi một người tin Chúa Giê-xu thì người đó được ở trong thân thể của Chúa, người đó trở nên một phần trong thân thể của Ngài (tức là hội thánh). Đây là một lẽ thật kỳ diệu trong lời Chúa.

Giăng tiếp tục nói về sự trở lại lần thứ hai của Chúa. Ma-thi-ơ 3:12, “Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.”

 

CHÚA GIÊ-XU CHỊU PHÉP BÁP-TEM CỦA GIĂNG

 

Ma-thi-ơ 3:13, “Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem.”

Đây là điều đáng ghi nhận, và chúng ta sẽ hỏi câu: “Tại sao Chúa Giê-xu lại chịu phép báp-tem?” Và chúng ta cố gắng trả lời câu hỏi nầy.

Ma-thi-ơ 3:14-15, “Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài.”

Tại sao Chúa Giê-xu lại chịu phép báp-tem? Có nhiều sự trả lời cho câu hỏi nầy, nhưng lý do trước hết được đề cập ở tại đây: “Vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình.” Chúa Giê-xu liên hiệp và Ngài cũng giống như con người tội lỗi. Tiên tri Ê-sai nói 53:12 như vầy: “vì người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội.”

Tại đây Vua Giê-xu liên hiệp chính Ngài. Thật ra lễ báp-tem có nghĩa là liên hiệp. Sự liên hiệp là mục đích chính khi Chúa Giê-xu làm báp-tem. Vì Chúa Giê-xu là Đấng Thánh, Ngài vô tội, Ngài không cần phải ăn năn, Ngài trọn vẹn và tách biệt với tội nhân, dẫu rằng Ngài đang ở chung với tội nhân. Nhưng Ngài nhận lễ báp-tem để liên hiệp chính Ngài với con người.

Có lý do thứ hai tại sao Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem là phép báp-tem bằng nước tượng trưng cho sự chết. Sự chết của Ngài là phép báp-tem. Ngài đã phán cùng Gia-cơ và Giăng khi họ muốn được ngồi bên bên hữu và bên tả của Ngài, “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được.” (Ma-thi-ơ 20:22). Sự chết của Chúa là sự báp-tem. Ngài đã chết thay cho chúng ta.

Lý do thứ ba cho sự chịu phép báp-tem của Chúa Giê-xu là vào thời điểm Ngài đã được biệt riêng ra cho chức vụ của thầy tế lễ. Đức Thánh Linh đậu trên Ngài cho thánh chức nầy. Mọi đều Ngài đã làm, Ngài làm bằng quyền năng của Chúa Thánh Linh. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 5:21). Chúa gánh tội lỗi trên Ngài, nhưng trong Ngài thì không có tội lỗi. Tội lỗi của chúng ta đã được đặt trên Ngài, chứ không phải bên trong con người của Ngài. Đây là sự phân biệt rất quan trọng. Do đó, chúng ta được cứu bằng cách liên hiệp với Ngài. Ngài đã liên hiệp chính Ngài với chúng ta trong phép báp-tem. Và Phi-e-rơ nói rằng chúng ta được cứu qua phép báp-tem (I Phi-e-rơ 3:21). Bằng cách nào vậy? Bằng cách liên hiệp với Chúa. Người được cứu phải ở trong Đấng Christ. Làm cách nào chúng ta có thể ở trong Đấng Christ? Qua lễ báp-tem của Đức Thánh Linh. Chúa Giê-xu phán, “ Những kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu.” (Giăng 6:37). Chúng ta phải nhận biết rằng mình cần phải liên hiệp chính mình với Chúa, và điều nầy được thực hiện bởi Đức Thánh Linh. Phép báp-tem bằng nước của chúng ta là sự làm chứng về điều nầy.

Ma-thi-ơ 3:15, “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài.” Đó là lý do mà Giăng đã làm phép báp-tem cho Ngài.

Ma-thi-ơ 3:16-17, “Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”

Ở đây chúng ta được bày tỏ của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-xu ra khỏi nước, Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống Ngài như chim bồ câu, và Đức Chúa Cha phán từ trời. Đức Chúa Cha phán rằng, “Nầy là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” Bây giờ Chúa Giê-xu được liên hiệp với chính dân sự của Ngài. Ngài thật là một vì vua kỳ diệu!  

Giăng Báp-tít được Đức Chúa Trời kêu gọi đi trước Chúa Giê-xu để chuẩn bị tấm lòng của dân chúng, ông kêu gọi họ ăn năn chịu báp-tem để tiếp nhận Chúa Giê-xu. Nếu bạn đang sống trong tội lỗi mà muốn được sự tha thứ, xin hãy đến cùng Chúa Giê-xu để ăn năn, Ngài sẽ tha thứ và tiếp nhận các bạn làm con cái của Ngài.

 

Nguồn: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI