Bài 13. Quyền Năng Của Chúa Giê-Xu

QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA GIÊ-XU

1471851832mathio8

MA-THI-Ơ 8:1-17

Ma-thi-ơ đoạn 8 ký thuật bày tỏ rằng Chúa Giê-xu có năng quyền để thực thi trọn vẹn đạo đức của Bài Giảng Trên Núi.

 

GIỚI THIỆU

Đoạn trước đây đã kết luận về Bài Giảng Trên Núi. Bài giảng đó đã được bằng hữu lẫn kẻ thù công nhận rằng, chưa từng có một đạo đức nào đã được ban bố lại cao cả hơn nền đạo đức trong Bài Giảng Trên Núi.

Bây giờ câu hỏi được nêu ra: “Làm thế nào con người có thể đạt đến mức đạo đức cao cả đó?” Để trả lời câu hỏi này Ma-thi-ơ đã ghép một chuỗi các phép lạ nhằm chứng tỏ rằng Đấng đã ban bố nền tảng đạo đức này cũng có quyền năng để làm cho nó được hoàn thành. Chúa đã vạch rõ cho chúng ta, những người tin Ngài  “Vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Ao ước rằng chúng ta luôn giữ được lẽ thật này trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể nào tự mình tạo ra được bất cứ điều gì làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đấng Christ làm việc thông qua Đức Thánh Linh, Đấng mà Ngài đã phái đến thế gian đặng làm cho toàn vẹn trong chúng ta những gì mà chúng ta không thể nào làm được.

 

Điều này tỏ bày một điểm quan trọng là Ma-thi-ơ không có mong muốn cho chúng ta biết về tiểu sử của Chúa Giê-xu, hay cố gắng sắp đặt thứ tự các hoạt động được xảy ra trong chức vụ của Ngài. Ma-thi-ơ cho chúng ta những việc làm của Chúa Giê-xu mà chúng ta không nên bỏ qua. Vua đi lên núi, tuyên bố bản tuyên ngôn của Ngài, luật pháp của nước trời, rồi Ngài đi xuống núi, và chúng ta chứng kiến mười hai phép lạ mà Ngài thực hiện, sự kiện này chứng tỏ rằng khi Ngài cai trị trên đất này, Ngài sẽ có năng quyền để thực thi trọn vẹn các luật pháp của vương quốc Ngài.

Như đã nói trong phần trứơc đây, Bài Giảng Trên Núi rất có thể là một bản tóm lược. Trong thời đại một ngàn năm bình an chúng ta có bản luật pháp đầy đủ, có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều điều cần thực hiện.

Trong đoạn 8 và 9, Ma-thi-ơ kể lại cho chúng ta mười hai phép lạ. Nhưng Ma-thi-ơ không thể nào cho chúng ta biết tất cả các phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm. Hãy chú ý đến sáu phép lạ được ký thuật trong đoạn này.

 

Sự chữa lành người bịnh phung, Chúa chạm đến người bịnh. Đây là chứng bịnh đáng kinh tởm nhất của loài người.
Sự chữa lành cho đầy tớ của Thầy đội trưởng. Việc này Ngài thực hiện từ xa. Chúa đã không có sự tiếp xúc nào trên thân thể của anh ta.
Sự chữa lành cho bà gia của Phi-e-rơ, Ngài chạm đến bà.
Sự đuổi quỉ, Ngài vận hành vào trong lãnh vực siêu nhiên của thần linh.
Làm cho sóng gió yên lặng, Ngài thể hiện quyền năng trong thiên nhiên.
Sự đuổi quỉ ra khỏi hai người Ga-đa-ra, một trường hợp hết sức nghiêm trọng, điều này nằm trong lãnh vực của thế giới thần linh.

 

Vua vận hành trong mọi lãnh vực khác nhau và Ma-thi-ơ đã liệt kê chúng không theo một trình tự niên đại ký, nhưng liệt kê chúng theo một trình tự hợp lý. Quả là có một sự chuyển động rõ rệt trong trước thuật của Ma-thi-ơ.

Bây giờ chúng ta hãy vào phân đoạn Kinh Thánh.

Ma-thi-ơ 8:1, “Khi Đức Chúa Giê-xu ở trên núi xuống, có đoàn dân đông lắm theo Ngài.”

Xin hãy chú ý là có một đoàn dân đông theo Ngài, không phải một vài người. Chúa Giê-xu đến thành Ca-bê-na-um, nơi trọng yếu trong thời gian đầu chức vụ của Chúa Giê-xu. Khi Chúa Giê-xu xuống từ trên núi, đoàn dân đông theo Ngài. Ngài là vị Vua ban hành nền tảng đạo đức qua Bài Giảng Trên Núi, nhưng Ngài cũng thể hiện quyền năng của Vua giữa vòng dân sự của Ngài. Đây là điều quan trọng.

Có một sinh viên trong chủng viện, anh đã trải qua một năm đầy sóng gió. Anh bạn này bị lôi cuốn vào đám đông, trở nên nỗi tiếng, nhưng tiếc thay anh rơi vào sai chỗ, anh vướng vào việc rượu chè, và anh đang nghĩ đến việc rời khỏi chức vụ. Trong ngày lễ tốt nghiệp, diễn giả của buổi lễ giảng về những điều chúng ta cần làm. Sau đó khi trở về phòng, anh nằm bẹp xuống giường, chán nản và nói rằng người bạn cùng phòng rằng: “Anh Mác à, tôi không cần người ta nói tôi những gì phải làm, để được kéo tôi ra khỏi đám đông xấu xa, nhưng tôi cần có người giúp tôi cách nào để thực hiện.”   

Đấy chính là điều mà tất cả chúng ta cần, phải thế không? Bấy giờ Vua Giê-xu đã tuyên bố bản tuyên ngôn đạo đức của nước Ngài. Vậy Đấng ấy có quyền năng không?

 

CHÚA GIÊ-XU CHỮA LÀNH NGƯỜI BỊNH PHUNG 

 

Ma-thi-ơ 8:2, “Nầy, có một người phung đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.”

 

Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-xu từ nơi rất cao đến nơi rất thấp. Bịnh phung theo Kinh thánh là biểu tượng của tội lỗi và được xem như là không thể chữa lành. Bịnh phung là một thứ bịnh kinh tởm nhất. Khi người bịnh phung đó đến cùng Chúa Giê-xu, ông ta đã không nói: “Ngài sẽ làm cho tôi sạch được chăng?” Người bịnh phung này đã có đức tin, ông ta đã nhận biết Giê-xu Christ là Chúa và từ căn bản đó ông ta đã nói: “Nếu Ngài khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch.” Điều mà chúng ta cầu xin không phải luôn luôn đúng theo ý muốn của Chúa. Nhưng nếu điều đó đúng theo ý muốn của Ngài, thì Ngài sẽ làm thành. Điều quan trọng hơn cả, trước hết phải là ý muốn của Chúa. Chúng ta thường cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy làm điều này, bởi vì con muốn Ngài làm điều này.” Nhưng người bịnh phung thì lại nói: “Lạy Chúa, con biết Chúa có thể làm được, nếu Chúa khứng” điều này có nghĩa rằng, ấy là tùy theo ý muốn của Ngài.

Nhưng rất tiếc là ngày nay chúng ta thường nghe những lời cầu nguyện của nhiều người ra lệnh, bảo Chúa làm theo điều họ muốn. Xin hãy để cho Chúa quyết định – vì theo ý Chúa là điều tốt nhất cho chúng ta.

 

Ma-thi-ơ 8:3, “Đức Chúa Giê-xu giơ tay rờ người, mà phán cùng người rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì người phung được sạch.”

Chúa Giê-xu giơ tay rờ đến người bịnh phung. Nếu chúng ta rờ đến người bịnh phung thì điều gì có thể xảy ra? Có thể chúng ta bị nhiễm bịnh, và chẳng chữa lành được ai. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giê-xu rờ đến người bịnh phung.

Anh thưa với Chúa Giê-xu rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.  Và Chúa Giê-xu đã làm gì trước lời cầu xin của người bịnh phung này? Ngài rờ đến anh. Hành động rờ đụng của Chúa Giê-xu thật là tuyệt vời đối với người bịnh phung này. Nó không những làm cho anh hết bịnh phung, nhưng còn đem anh trở về với vợ con, với những ngừơi xung quanh và về với gia đình của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-xu rờ đến, bịnh phung lập tức được chữa lành.

 

Ma-thi-ơ 8:4, “Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng người rằng: Hãy giữ, chớ nói cùng ai; song hãy đi tỏ mình cùng thầy cả, và dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ.”

Trong sách Tin lành Mác ký thuật thêm rằng, người bịnh phung quá đỗi vui mừng mà nói với mọi người, cho nên một đám đông theo đến cùng Chúa Giê-xu,  nên Ngài phải lánh nơi đó và đến nơi vắng vẻ

 

CHÚA GIÊ-XU CHỮA LÀNH ĐẦY TỚ CỦA THẦY ĐỘI

 

Bây giờ chúng ta vào thành phố Ca-bê-na-um.  Ma-thi-ơ 8:5-9, “Khi Đức Chúa Giê-xu vào thành Ca-bê-na-um, có một thầy đội đến cùng Ngài, mà xin rằng: Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm. Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành. Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm.”

Thầy đội này nghe về người phung được chữa lành. Ông là người ngoại, tức là không phải thuộc về gốc tích Do Thái. Nhưng trong Tin Lành Lu-ca ghi chép là viên đội trưởng này xây dựng nhà hội cho người Do Thái. Ông là người chỉ huy 60 đội lính, mỗi đội có 100 người, trong lữ đoàn La Mã. Viên bách nhân đội trưởng này đang ở trong chức vụ có đầy uy quyền, ông ta mặc bộ đồng phục sĩ quan La Mã và có thể sai bảo binh lính dưới quyền mình “Hãy làm điều này”- và người lính ấy sẽ làm. Nhưng ông nhìn Chúa Giê-xu và nói: “Ngài là Đấng có quyền năng.” Ông nhận biết là Chúa Giê-xu có quyền năng trên mọi bịnh tật.

 

Ma-thi-ơ 8:10, “Đức Chúa Giê-xu nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy.”

Kinh thánh đã có chép về hai trường hợp mà Chúa Giê-xu đã lấy làm ngạc nhiên. Một trường hợp về sự không tin của người Y-Sơ-Ra-ên, và trường hợp kia là về đức tin của viên bách nhân đội trưởng, một người ngoại.

Ma-thi-ơ 8:11-12, “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương, tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.  Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Thật là lý thú khi Ngài phán rằng có nhiều người sẽ đến từ “phương đông và phương tây.”  Ở vào thời điểm mà Chúa chúng ta phán điều này, có lẽ tổ tiên của chúng ta đang ở tại phương tây, hoặc giả đang ở tại phương đông. Chúa đã phán sứ điệp cũng sẽ đến với họ, đặng họ có thể tin Ngài và họ có thể “ngồi cùng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.” Quả là một lời phát biểu lớn lao biết bao!

 

Ma-thi-ơ 8:13, “Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng thầy đội rằng: Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành.”

Vì thế người đầy tớ của người sĩ được chữa lành mà Chúa Giê-xu không cần phải đến nơi, do nơi đức tin của ông mà Chúa Giê-xu chữa lành cho đầy tớ của ông. Chúng ta thấy cách chữa bịnh của Chúa Giê-xu khác nhau cho từng người, như người bịnh phung thì Ngài rờ đến, nhưng Ngài đã chữa lành cho đầy tớ của viên bách nhân đội trưởng từ xa.

 

CHÚA GIÊ-XU CHỮA LÀNH CHO BÀ GIA CỦA PHI-E-RƠ VÀ NGƯỜI KHÁC

 

Sau đây chúng ta sẽ tiến đến với phép lạ thứ 3,  Ma-thi-ơ  8:14-15, “Đoạn, Đức Chúa Giê-xu vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia người nằm trên giường, đau rét. Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền mất đi; rồi người đứng dậy giúp việc hầu Ngài.”

 

Bà gia của Phi-e-rơ bị bịnh rét (sốt cao). Ngài sờ đến bà, thì bà liền được lành bệnh. Lưu ý đến ba loại bệnh tật này. Một là chứng bệnh phung mà nó không thể nào chữa khỏi. Một chứng bệnh đau đớn khác là bại liệt. Còn chứng thứ ba kia là chứng rét (sốt cao), một chứng bệnh tăng cao hay giảm nhiệt độ đột ngột. Chúa Giê-xu không những đã khiến bà hồi phục kịp thời mà còn chữa khỏi bệnh cho bà.

 

Phép lạ thứ tư thì đã xảy ra vào buổi tối đó. Ma-thi-ơ 8:16, “Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Giê-xu nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh”

Sự kiện người ta đã đem nhiều người bịnh đến cho Đức Chúa Giê-xu không phải là một vài trường hợp riêng rẽ. Nẹu xem xét ký thuật của sách Tin lành một cách cẩn thận, thì chúng ta sẽ thấy rằng Ma-thi-ơ đã viết rõ ràng theo nghĩa đen là đã có hàng ngàn người đã được chữa lành trong ngày đó. Chẳng hạn đã có hàng ngàn người mù đã thấy được, hàng ngàn người què đã đi đứng bình thường, hàng ngàn người điếc đã nghe được. Đó chính là lý do đã khiến cho kẻ thù của Đức Chúa Giê-xu không dám chất vấn là Ngài đã có làm phép lạ hay không, mà chúng chỉ hỏi rằng, làm thế nào mà Ngài đã có thể làm điều đó được?

 

Ma-thi-ơ 8:17, “vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.”

Câu Kinh Thánh này được trích dẫn trong sách tiên tri Ê-Sai 53:4. Rất có thể, câu Kinh Thánh này bị lạm dụng hơn bất kỳ câu Kinh Thánh nào khác bởi  “những người chữa lành đức tin.” Họ cho rằng sự chữa lành trên thân thể trong sự chuộc tội, và họ sử dụng câu Kinh Thánh này để hổ trợ cho công tác của mình.

Chúng ta hãy cùng mở ra lại Kinh Thánh Ê-Sai và xem câu này, Ê-sai 53:4-5, “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”

Chúng ta được chữa lành về điều gì? Phân đoạn Kinh Thánh Ê-sai này rõ ràng trình bày rằng, chúng ta được chữa lành về tội lỗi và sự gian ác của chúng ta. Đây chính là điều mà những câu Kinh Thánh này đang đề cập đến, bởi vì Phi-e-rơ viết trong I Phi-e-rơ 2:24, “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.”

Được chữa lành về điều gì? “Tội lỗi.” Tiên tri Ê-sai đã làm cho điều này trở nên rất rõ ràng khi ông nói về tội lỗi, Ê-sai 53:6, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

Ấy chính là sự gian ác của chúng ta đã chất trên Ngài. Rõ ràng Ê-sai đang đề cập đến sự kiện Đấng Christ sẽ nối kết với vấn đề nguyên tội lớn lao đó.

Tại sao sứ đồ Phao-lô đã khuyên Ti-mô-thê nên dùng một ít rượu vì tì vị của Ti-mô-thê yếu? Tại sao ông đã không khuyên Ti-mô-thê nên nhận sự chữa lành trong sự chuộc tội? Tại sao Gia-cơ đã không khuyên các thánh đồ nên cầu xin sự chuộc tội khi ông yêu cầu họ mời các trưởng lão cầu nguyện cho (Gia-cơ 5:13-15). Tại sao Phao-lô đã không kêu nài chữa lành trong sự chuộc tội khi ông đề cập cái giằm xóc nhọn vào trong thân thể ông? Như được chép trong sách II Cô-rinh-tô 12:7-9, “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.”

Cũng có một vài trường hợp điển hình khác được ghi chép liên quan đến chủ đề này. Trong thư tín Phi-líp, Phao-lô đã có một bác sĩ kề bên, lúc ấy Ép-ba-phô-đích bị bệnh nặng (Phi-líp 2:25-27) và Phao-lô đã không sử dụng sự chuộc tội để nài xin chữa lành.

Chúng ta cần phải đối diện với một sự kiện là không phải lúc nào sự chữa lành cũng là ý muốn của Chúa, tuy vậy có khi sự chữa lành lại là ý muốn của Ngài. Thay vì đi đến những buổi nhóm họp chữa lành được quảng cáo rầm rộ, tại sao không trực tiếp đến gặp một vị Bác Sĩ Đại tài? Đó là Chúa Giê-xu Christ. Hãy tìm biết rằng sự chữa lành cho mình có phải là ý muốn của Ngài không? Chúng ta tin vào sự chữa lành thiêng liêng, nhưng không tin vào con người tự xưng mình là ‘thầy chữa bịnh.’ Thay vì đi đến gặp một người ở trần gian này, kẻ tuyên bố là có quyền năng, thì hãy đem căn bệnh của mình đến với vị Bác Sĩ Đại Tài kia và đồng thanh như người bệnh phung mà thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, ắt Ngài có thể làm cho tôi được sạch!” Thế rồi dẫu là chúng ta có được Ngài chữa lành hay không thì vinh quang vẫn thuộc về Ngài. Và chúng ta muốn Ngài nhận lấy vinh quang đó.

 

Ngày nay Đức Chúa Trời có thể vẫn đang làm công việc chữa lành, nhưng chắc không phải là thông qua cái gọi là “những người thầy chữa bịnh.” Đức Chúa Giê-xu là Đấng đầy quyền năng, Ngài có thể làm được mọi sự. Chúa Giê-xu đã làm phép lạ chữa những người bịnh. Trong phân đoạn Kinh Thánh kế tiếp ký thuật đến những phép lạ khác nữa.

 

Nguồn: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI